Điều gì gây ra bệnh tim? Không chỉ là chất béo, nguyên nhân thực sự còn phức tạp hơn nhiều

Nghiên cứu mới nổi thách thức giả thuyết về cách ăn uống liên quan đến tim mạch.

Trong hơn nửa thế kỷ, người Mỹ được dạy rằng sát thủ số 1 của quốc gia gây tắc nghẽn động mạch và dẫn đến suy tim là chất béo bão hòa.

Giả thuyết về cách ăn uống liên quan đến tim mạch lần đầu tiên được đưa ra vào những năm 1960 bởi nhà sinh lý học Ancel Keys, vẫn còn in sâu trong nhận thức chung của mọi người. Nhưng hầu hết chúng ta không biết rằng, nghiên cứu y học hiện đại ngày nay hiểu rằng bệnh tim phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ tiêu thụ thịt và bơ.

Tình trạng viêm liên kết hệ miễn dịch và bệnh tim mạch

Theo Tiến sĩ Barbara Roberts, giám đốc Trung tâm Tim mạch Phụ nữ tại Bệnh viện Miriam ở Providence, Rhode Island, tình trạng viêm là lý thuyết hàng đầu để giải thích nguồn gốc của bệnh tim mạch.

Trong một báo cáo năm 2023 được công bố trên Tập san BMC Cardiovascular Disorders (Rối loạn tim mạch BMC), các nhà nghiên cứu đã đưa ra một trường hợp khoa học giải thích tại sao tình trạng viêm có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tim, đặc biệt là bệnh tim do xơ vữa động mạch — tình trạng xơ cứng động mạch do tích tụ mảng bám — là nguyên nhân gây ra hầu hết biến cố tim mạch.

Giống như cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch với nhiễm trùng hoặc tổn thương, phản ứng viêm tương tự cũng xảy ra với bệnh tim. Theo nghiên cứu, sự thích nghi miễn dịch được chứng minh là liên quan đến nguy cơ bị bệnh tim mạch do tình trạng viêm mạn tính kéo dài.

Một bài tổng quan của European Heart Journal (Tập san Tim mạch Âu Châu) năm 2021 cho biết, “Mặc dù các tế bào miễn dịch là nhân tố chính không thể thiếu trong quá trình chữa lành ở tim, nhưng phản ứng miễn dịch không cân bằng hoặc không được giải quyết sau [nhồi máu cơ tim] sẽ làm trầm trọng thêm tổn thương mô, gây ra quá trình tái cấu trúc không thích hợp và suy tim.”

Trong một báo cáo của Journal of Molecular Science (Tập san Khoa học Phân tử) năm 2022, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng xơ vữa động mạch là tình trạng viêm mạn tính, trong đó việc cân bằng các tác nhân của hệ miễn dịch gây viêm sẽ quyết định sự tiến triển hoặc hồi phục của bệnh.

Vấn đề không chỉ là số lượng mà còn là chất lượng LDL

Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) hoạt động như một chất vận chuyển cholesterol, mang chúng đến những nơi cần thiết để tổng hợp hormone. Theo nghiên cứu, LDL đóng vai trò trợ giúp cho miễn dịch, bảo vệ chống lại mầm bệnh và căng thẳng oxy hóa. Tuy nhiên, các yếu tố về lối sống như ăn uống kém lành mạnh, hút thuốc và không hoạt động thể lực có thể áp đảo hệ miễn dịch, dẫn đến quá trình oxy hóa LDL.

Bằng chứng mới nổi cho thấy LDL bị oxy hóa — thay vì LDL toàn phần — là chìa khóa gây ra bệnh tim mạch. Khi bị oxy hóa, chất mang LDL sẽ phân hủy thành các hạt nhỏ không thể gắn vào thụ thể ở gan. Những hạt này sau đó trôi nổi tự do trong máu và phá hủy thành động mạch.

Trái ngược với logic thông thường, hạt LDL bị oxy hóa có kích thước nhỏ hơn nhưng có nguy cơ gây bệnh lớn hơn. Ông Jonny Bowden, người có bằng tiến sĩ về dinh dưỡng toàn diện và là chuyên gia dinh dưỡng và tác giả được hội đồng chứng nhận, nói với The Epoch Times, “Ngay cả khi một người có mức LDL cholesterol thấp với số hạt LDL cao, họ vẫn có nguy cơ bị bệnh tim cao hơn những người có mức cholesterol cao nhưng số hạt LDL thấp.”

Một nghiên cứu năm 2020 kéo dài 8 năm được công bố trên Tập san Journal of Atherosclerosis and Thrombosis (Xơ vữa động mạch và Huyết khối) cho thấy người có nồng độ hạt LDL nhỏ, đậm đặc cao nhất có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao hơn gấp 5 lần so với những người có nồng độ thấp nhất.

Theo một nghiên cứu năm 2018 trên gần 28,000 phụ nữ từ 45 tuổi trở lên được công bố trên tập san Circulation (Tuần hoàn), số hạt LDL ở mức cao làm tăng gấp đôi nguy cơ bị bệnh động mạch ngoại biên — tình trạng các mạch máu bị thu hẹp gây giảm lượng máu đến các chi — trong khi nồng độ LDL không có mối liên quan nào.

Ông James DiNicolantonio, nhà khoa học nghiên cứu tim mạch và dược sĩ tại Viện tim Trung Mỹ Saint Luke ở thành phố Kansas, Missouri, nói với The Epoch Times, “Lượng omega-6 ở mức cao khiến LDL dễ bị oxy hóa hơn.” Mặt khác, khi LDL thiếu các chất chống oxy hóa như Coenzym Q10 và carotenoids, đồng thời cơ thể bị viêm nhiều hơn, LDL cũng có thể trải qua quá trình oxy hóa, ông bổ sung.

Tình trạng kháng insulin nổi lên như một động lực chính

Insulin tạo điều kiện cho quá trình vận chuyển và lưu trữ glucose. Tình trạng kháng insulin xảy ra khi tế bào không phản ứng với insulin và không dễ dàng dự trữ glucose máu. Nghiên cứu cho thấy mặc dù tình trạng kháng insulin được biết đến là tiền thân của bệnh tiểu đường loại 2, nhưng điều này cũng có thể góp phần vào sự tiến triển của bệnh tim.

Một nghiên cứu năm 2022 trên 110,000 người trưởng thành được công bố trên tập san Diabetes Care (Chăm sóc bệnh tiểu đường) đã liên kết đến tình trạng kháng insulin với nguy cơ bị bệnh tim mạch. Ở người trưởng thành có bệnh tiểu đường, những người kháng insulin và béo phì có nguy cơ tim mạch cao hơn so với người dung nạp glucose bình thường. Ở người trưởng thành bị bệnh tiểu đường, nguy cơ tim mạch vẫn tồn tại bất kể có hay không tình trạng béo phì.

Một nghiên cứu năm 2023 trên Tập san International Medical Research (Nghiên cứu Y học Quốc tế) giải thích rằng mặc dù cơ chế liên quan đến kháng insulin và bệnh tim vẫn chưa rõ ràng nhưng mối quan hệ đã được thiết lập. Phản ứng insulin bị thay đổi dẫn đến các rối loạn chuyển hóa liên quan đến tim như béo phì, viêm mức độ nhẹ và cao huyết áp – tất cả đều gây xơ vữa động mạch và là tiền thân của bệnh tim. Các tác giả lưu ý rằng những thay đổi về lối sống như ăn kiêng hợp lý và tránh hành vi ít vận động là điều cần thiết để kiểm soát tình trạng kháng insulin và giảm thiểu nguy cơ tim mạch.

Một bài tổng quan năm 2019 về Bệnh tiểu đường & Hội chứng chuyển hóa: Nghiên cứu & Đánh giá lâm sàng cũng lập luận rằng tình trạng kháng insulin có thể là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh mạch vành.

Thiếu dưỡng chất

Tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn như đường tinh luyện và dầu hạt có liên quan chặt chẽ đến việc sức khỏe tim mạch ngày càng xấu đi. Theo ông DiNicolantonio, tình trạng thiếu dưỡng chất cũng là nguyên nhân gây tăng số lượng bệnh nhân tim mạch. Ông nói với The Epoch Times, “Việc thiếu bất kỳ dưỡng chất thiết yếu nào sẽ tăng tốc/dẫn đến chứng xơ vữa động mạch.”

Những thiếu hụt chính gắn liền với bệnh tim bao gồm magnesium và đồng. Thiếu vitamin D cũng liên quan đến bệnh tim mạch và cao huyết áp. Các vitamin chống oxy hóa A, C, E, B6 và folate cũng bổ trợ cho sức khỏe tim mạch.

Mặc dù chắc chắn rằng sự thiếu hụt dưỡng chất góp phần gây nên bệnh tim, ông DiNicolantonio cho biết không có nguyên nhân đơn độc nào có thể giải thích được bệnh tim mạch. Ông lưu ý: “Có quá nhiều cơ chế để phỏng đoán đâu là nguyên nhân chính gây ra bệnh.”

Theo Tiến sĩ bác sĩ tim mạch Jack Wolfson, mọi chuyện bắt đầu bằng việc vi phạm câu thần chú, “Ăn ngon, Sống khỏe, Nghĩ tốt.” Những vi phạm này dẫn đến kích hoạt miễn dịch, chứng viêm, căng thẳng oxy hóa, rối loạn chức năng hệ thần kinh và các vấn đề về năng lượng tế bào. Ông nói thêm, “Cuối cùng, điều đó sẽ dẫn đến bệnh tật.”

Triglyceride là yếu tố nguy cơ độc lập

Triglyceride, loại chất béo tồn tại nhiều nhất trong máu, được chứng minh là có vai trò rõ ràng trong bệnh tim mạch. Nồng độ chất béo trung tính tăng cao do cách ăn uống kém lành mạnh và lối sống ít vận động sẽ gây gián đoạn quá trình chuyển hóa lipid, tăng nguy cơ bị bệnh tim. Mức độ cao các acid béo tự do tuần hoàn độc lập góp phần gây ra chứng xơ vữa động mạch.

Một nghiên cứu trên Tập san Lipid and Atherosclerosis (Chất béo và Xơ vữa động mạch) năm 2021 trên hơn 1.8 triệu người Nam Hàn trưởng thành xác nhận rằng chất béo trung tính là một yếu tố nguy cơ tim mạch độc lập, tái khẳng định những phát hiện từ các nghiên cứu bắt đầu vào cuối những năm 1980 cho thấy chất béo trung tính và các yếu tố liên quan đến lối sống góp phần đáng kể vào sự phát triển của bệnh tim mạch.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Vance Voetberg
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Vance Voetberg là ký giả tự do của The Epoch Times tại Tây Bắc Thái Bình Dương. Anh có bằng Cử nhân khoa học trong ngành báo chí và mong muốn trình bày những tin tức liên quan đến sức khỏe trung thực, truyền cảm hứng. Anh là người sáng lập blog dinh dưỡng “Running On Butter.”
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn