Các loại hạt vi nhựa và nano nhựa có liên quan đến bệnh Parkinson và chứng sa sút trí tuệ

Các chuyên gia cho biết những phát hiện mới đã bổ sung vào bằng chứng liên kết ô nhiễm nhựa với bệnh tật, đồng thời kêu gọi chính phủ hành động nhằm giảm thiểu độc tố trong môi trường.

Vào ngày nào đó, chai nhựa mà bạn thường dùng để uống nước có thể sẽ phân hủy thành các hạt siêu nhỏ và gây bệnh cho bộ não của bạn.

Một nghiên cứu mới cho thấy các hạt nano nhựa – các loại hạt vi nhựa phân huỷ từ những vật dụng nhựa hằng ngày – gắn với các protein có liên quan đến bệnh Parkinson và sa sút trí tuệ thể Lewy.

Những hạt nano này đã âm thầm xâm nhập vào đất, nước và nguồn cung thực phẩm. Giờ đây, chúng có thể tạo ra hiểm họa độc tố lớn tiếp theo, thúc đẩy làn sóng bệnh thoái hóa thần kinh.

Ly nhựa, vật dụng bằng nhựa được xác định là các yếu tố nguy cơ

Nghiên cứu mới đã phát hiện hạt nano polystyrene, thường có trong ly nhựa và các vật dụng bằng nhựa, liên kết với alpha-synuclein, một loại protein có liên quan đến bệnh Parkinson và chứng sa sút trí tuệ thể Lewy. Sự tích tụ phức hợp nhựa-protein này đã quan sát được trong các ống nghiệm, tế bào thần kinh nuôi cấy và trên chuột.

Theo ông Andrew West, nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu trên thì phát hiện gây ngạc nhiên nhất là sự hình thành liên kết chặt chẽ giữa nhựa và protein trong lysosome của tế bào thần kinh. Lysosome là bào quan tiêu hoá trong tế bào, vốn dùng enzyme để phân huỷ các chất thải và các mảnh vụn tế bào.

Ông West nói trong một tuyên bố, “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự xuất hiện của vi nhựa và nano nhựa trong môi trường có thể gây ra thách thức độc hại mới liên quan đến nguy cơ và sự tiến triển của bệnh Parkinson.” Ông nhấn mạnh rằng điều này đặc biệt đáng lo ngại do các chất ô nhiễm này sẽ gia tăng trong nước và thực phẩm của chúng ta.

Ngoài ra ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy nhựa nano lưu thông trong không khí, đặc biệt là trong nhà. Khi hít phải, các loại hạt vi nhựa có thể di chuyển trực tiếp từ đường hô hấp đến máu và não, làm tăng nguy cơ ung thư.

Chuyên gia: Thay đổi môi trường ngay để phòng bệnh sau này

Tiến sĩ Ray Dorsey, giáo sư thần kinh học tại University of Rochester ở New York và là tác giả cuốn sách “Ending Parkinson’s Disease” (Tạm dịch: Chấm Dứt Bệnh Parkinson), nói với The Epoch Times rằng sức khỏe của chúng ta ngày nay phần lớn phụ thuộc vào môi trường trong quá khứ.

Ông nói, “Ví dụ, nguy cơ bị bệnh ung thư phổi là do thói quen hút thuốc trong quá khứ của chúng ta. Nếu chúng ta muốn sống không bị bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer và ung thư trong tương lai, chúng ta nên chú ý đến môi trường sống ngay hôm nay.”

Tiến sĩ Dorsey cho biết, nghiên cứu của Duke University đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy các chất ô nhiễm độc hại thông thường có thể góp phần gây ra bệnh Parkinson. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn, nhưng bằng chứng từ cả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và dịch tễ học cho thấy môi trường của chúng ta đang làm tăng tỷ lệ bị bệnh Parkinson.

Ông nói, “Nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết” các trường hợp bị bệnh Parkinson đều có thể phòng ngừa được.

Tiến sĩ Dorsey chỉ ra rằng bên cạnh việc giảm sử dụng nhựa, chúng ta có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác để hạn chế tiếp xúc với chất độc môi trường này, bao gồm:

  • Sử dụng bộ lọc carbon để bảo vệ khỏi các hóa chất trong nước.
  • Mua thực phẩm hữu cơ.
  • Rửa kỹ tất cả các loại trái cây và rau quả.
  • Sử dụng máy lọc không khí nếu sống ở khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao.

Bất chấp nguy cơ các chất ô nhiễm liên quan đến bệnh Parkinson và thuốc trừ sâu vẫn hợp pháp

Bên cạnh nhựa nano, các chất độc khác có liên quan đến bệnh Parkinson như chất ô nhiễm hữu cơ được gọi là biphenyl polychlorine (PCB) đã bị cấm vào năm 1979 nhưng vẫn được phát hiện ở 30% trường học ở Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện chất ô nhiễm này trong não của những người đã qua đời bị bệnh Parkinson với nồng độ cao.

Thượng nghị sĩ Edward J. Markey (Cộng hòa-Massachuset) cho biết trong một tuyên bố, “Chúng ta cần biết toàn diện về mối đe dọa độc hại này trong lớp học của mình để có thể xét nghiệm PCB, khắc phục và thông báo cho các gia đình rằng học sinh có thể có nguy cơ tiếp xúc với những hóa chất nguy hiểm này.”

Các chất độc khác trong môi trường của chúng ta có liên quan đến bệnh Parkinson vẫn chưa bị cấm sử dụng. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã đề nghị cấm sử dụng hóa chất giặt khô và thuốc trừ sâu liên quan đến việc tăng 500% nguy cơ bị bệnh Parkinson, nhưng vẫn chưa có hành động nào.

Thuốc trừ sâu độc hại ảnh hưởng sức khỏe nhưng thiếu ‘ý chí chính trị’

EPA đã cấm thuốc trừ sâu chlorpyrifos (CPF) vào năm 2021, nhưng một tòa án đã đảo ngược quyết định đó vào tháng 11/2022. Nghiên cứu xác định CPF có thể là một yếu tố nguy cơ gây bệnh Parkinson.

Theo tờ The Guardian, một loại thuốc trừ sâu khác là paraquat, được cho là có liên quan đến bệnh Parkinson theo nghiên cứu của chính nhà sản xuất Syngenta. Tuy nhiên công ty Syngenta thuộc sở hữu của Trung Quốc được cho là đã thành lập một “nhóm SWAT paraquat” để chỉ trích bằng chứng và chuyển tâm điểm sang các yếu tố môi trường khác.

Tiến sĩ Dorsey cho biết, “Chúng ta ngày càng biết rằng các chất độc hại từ nhựa trong môi trường và thuốc trừ sâu đang gây hại cho sức khỏe. Hầu hết tất cả những điều này đều có thể giải quyết được; câu hỏi duy nhất là liệu chúng ta có ý chí chính trị để làm như vậy hay không.”

Minh Thư biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn