Mùa thu đông là thời điểm vàng để dưỡng phổi

Mùa thu mang đến cho con người cảm giác chùng xuống, thâu rút lại. “Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng”, mùa thu là thời điểm chúng ta nên điều chỉnh tâm trạng, điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi, dần dần trấn tĩnh lại.

Trong “Hoàng đế nội kinh” viết rằng, “tảo ngọa tảo khởi, dữ kê câu hưng, sử chí an ninh, dĩ hoãn thu hình, thu liễm thần khí, sử thu khí bình, vô ngoại kỳ chí, sử phế khí thanh, thử thu khí chi ứng, dưỡng thu chi đạo dã”. Ý rằng: Con người nên ngủ sớm và dậy sớm, dậy cùng lúc với gà gáy, để cho thần chí được an tĩnh, giảm bớt ảnh hưởng của khí thu; phải thu gom thần khí, để cái khí thu được bình hòa; đừng mất sự tập trung tinh thần, để khí của phổi thanh tĩnh; như vậy sẽ thích ứng với khí hậu mùa thu, cũng là Đạo dưỡng thu vậy.

Mùa thu thuộc kim, ứng với Phế (phổi), chức năng của phổi là phân tán, điều tiết khí của cả cơ thể. Thời tiết “thu liễm” của mùa thu chính là tương hợp với chức năng của phổi, là để chuẩn bị cho việc trữ tàng vào mùa đông. Trong Ngũ hành thì Kim sinh Thủy, khí ở phổi được thu và hạ đúng mức mới có thể khiến dương khí được phong bế và tích trữ ở thận, để chuẩn bị cho sự sinh trưởng trong năm tới. Do đó, việc dưỡng phổi trong tiết thu đông có thể đặt một nền tảng tốt cho cơ thể.

Dù là vậy, tiết thu đông cũng là mùa phổ biến về các bệnh đường hô hấp. Ngoài yếu tố khí hậu thay đổi, thời điểm tựu trường cũng là một nguyên nhân khiến các loại virus lây lan nhanh chóng, cộng thêm các chất ô nhiễm trong không khí làm cho lá phổi phải chống chọi với sự tấn công của nhiều nguồn khác nhau, dẫn đến các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi dị ứng, hen suyễn và các bệnh khác.

Phổi rất mỏng manh, ưa ẩm và ghét khô. Mặc dù mùa thu tương ứng với phổi, nhưng tính chất khô hanh của mùa thu lại đối lập với tính thích ẩm của phổi, hiện tượng này cũng đúng với các phủ tạng khác. Tạo hóa của vạn vật trong thiên địa quả là rất kỳ diệu, có những mối liên hệ tài tình mà lại rất chặt chẽ, tương sinh tương khắc lẫn nhau.

Thực phẩm nên ăn nhiều

Đối với việc dưỡng phổi từ góc độ ẩm thực, vì mùa thu có đặc điểm hanh khô nên có thể bổ sung một số thực phẩm “màu trắng” và “dưỡng ẩm” để nhuận phế (làm ẩm phổi), vì màu trắng đi vào phổi. Ví dụ như bách hợp, mộc nhĩ trắng, hạt sen, củ từ, mạch môn, sa sâm bắc, bối mẫu v.v. Đây là nguyên tắc thông thường, nhưng đối với những người có phổi khí yếu nhược, thể chất lạnh thì phải thận trọng khi dùng những loại thực phẩm này.

Thực phẩm nên ăn ít

Thực phẩm cay và gây kích thích, chẳng hạn như lẩu cay, đồ chiên rán, đồ ăn quá nhiều hành, gừng và tỏi cũng sẽ gây nóng và tổn thương phổi. Vì vậy, những thực phẩm này nên ít dùng.

Vào mùa đông, khí hậu sẽ lạnh hơn, mọi người nên chú ý tránh ăn những đồ lạnh hoặc có tính hàn. “Hình hàn ẩm lãnh tắc thương phế” (khi cơ thể bị lạnh mà ăn lạnh thì phổi tất sẽ tổn thương). Khi cơ thể bị không khí lạnh, cảm lạnh hay cảm mạo xâm nhập thì bước đầu tiên là sẽ xâm nhập vào phổi, vì phế chủ bì mao (phổi làm chủ da, lông) và là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các tác nhân xấu bên ngoài, do đó giữ ấm và phòng gió là chìa khóa chính.

Uống nước đá, ăn đồ lạnh sẽ làm tổn thương phổi từ bên trong. Vì sao rất nhiều người khi uống đồ lạnh thì dễ bị ho? Bởi vì khi chất lỏng lạnh đi vào miệng và cổ họng, do sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột nên các cơ và các mô xung quanh cổ họng cũng như khí quản sẽ co lại, nếu thể chất không khỏe, khí quản yếu, cơ thể nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, thì rất dễ gây ho.

Trung y trị cảm lạnh và ho

Nếu bị cảm lạnh hoặc dị ứng, nên chăm sóc phổi của mình như thế nào?

Trong điều trị cảm mạo hay viêm mũi dị ứng, Trung y không chú trọng đến việc có virus hay các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài hay không, mà đối với Trung y, các virus và nguyên nhân gây dị ứng này đều thuộc về phạm trù “phong tà”. Để điều trị ho, sổ mũi, có đờm và các triệu chứng khác, Trung y có rất nhiều phương pháp điều trị hữu hiệu, ví dụ như đuổi gió, giảm ho, hóa đờm, v.v.

Điều đáng chú ý là, Trung Y chữa trị rất hiệu quả đối với các triệu chứng còn sót lại ở giai đoạn muộn của bệnh cảm cúm. Ho khan thì Trung y có thể làm nhuận táo (ẩm) và giảm ho, đờm nhiều và loãng thì có thể làm ấm phổi hóa đàm, đờm vàng và dính thì có thể thanh nhiệt và giải đờm, sợ gió mệt mỏi thì có thể bổ tỳ, bổ phổi, v.v.

Nguyên tắc bồi bổ cũng phụ thuộc vào tính chất của ho và các triệu chứng khác. Ví dụ như ho khan, khô miệng, ít đờm,… là thuộc về ho khan mang tính khô, có thể bồi bổ phổi bằng lê hấp đường phèn hoặc những thứ có tác dụng nhuận phế như bách hợp, sa sâm, mạch môn v.v. Nếu đờm nhiều thì có thể cân nhắc dùng vỏ quýt, bối mẫu và phục linh.

Nguyên tắc chung là tránh những thức ăn quá cay, nướng, chiên, lạnh hoặc có tính hàn, chú ý giữ ấm và phòng gió.

Cháo củ từ

Cuối cùng, xin giới thiệu với quý vị món “Cháo củ từ”. Củ từ bổ tỳ, bổ phổi, bổ thận, tính bình, có tác dụng tư âm nhuận táo, rất thích hợp cho người bị ho kinh niên, bụng yếu và dễ tiêu chảy.

Cách thực hiện rất đơn giản, cắt củ từ thành từng miếng rồi nấu cùng với gạo trắng thành cháo là được.

Mùa thu đông là thời điểm vàng để dưỡng phổi
Củ từ bổ tỳ, phế và thận, tính bình. Cháo củ từ có thể làm ẩm phổi, thích hợp cho những người bị ho kinh niên, dạ dày yếu và dễ tiêu chảy. (Ảnh: Shutterstock)

Nếu sợ gió và dễ mệt mỏi, bạn có thể thêm ít hoàng kỳ và táo đỏ. Những người thể chất lạnh có thể trộn thêm một ít bột quế. Người có thể chất đờm ẩm có thể thêm một ít vỏ quýt khô và phục linh.

Tác giả: Lam Sỹ Triết (Bác sĩ Trung y)
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn