Người xưa đánh răng và ngăn ngừa bệnh răng miệng bằng cách nào?

Người xưa làm thế nào để ngăn ngừa bệnh răng miệng và sâu răng? Họ có đánh răng không, có bàn chải đánh răng và kem đánh răng không? Đây là một câu hỏi khiến nhiều người ngày nay hiếu kỳ. Trên thực tế người xưa không chỉ có kem đánh răng mà công hiệu của kem đánh răng còn mạnh hơn…

Người xưa rất coi trọng răng, xem đó là cái gốc của sự sống. Người xưa tin rằng nếu một người có một hàm răng tốt, cũng là biểu trưng của sức khỏe và tuổi thọ.

Chữ “Xỉ” (齒) vừa có nghĩa là răng, vừa có nghĩa là tuổi tác. Ví như, trong “Nhĩ nhã – Thích hỗ” có nói: “Xỉ, thọ dã”, ý nói “răng cũng là tuổi thọ.” Sách “Lễ ký” có đề cập rằng: người xưa nói về tuổi tác, thì “xỉ” (răng) cũng là tuổi. Thế nên, “xỉ” là một tên gọi khác của tuổi tác; Người xếp theo thứ bậc tuổi tác, răng xếp theo vị trí.

Người xưa dùng nước súc miệng, châm cứu để phòng và trị sâu răng

Người Trung Quốc từ xa xưa đã chú ý đến việc giữ gìn răng miệng, họ đã nhận ra vấn đề sâu răng từ hàng nghìn năm trước, cũng tìm ra các phương pháp điều trị và bảo dưỡng.

Trong “Sử ký – Biển Thước Thương Công liệt truyện” của Tư Mã Thiên có ghi chép lại một y án nha khoa rằng: Đại phu Tề Trung bị sâu răng, Thần Ý châm cứu kinh Dương Minh bên tay trái của ông ấy, còn dùng Khổ sâm thang. Mỗi ngày súc ba thăng, như thế 5-6 ngày, bệnh hết. Nguyên nhân bệnh là do trúng gió, nằm há miệng, ăn không súc miệng .

Thương Công, tức Thuần Vu Ý, là một y học gia nổi tiếng vào đầu thời nhà Hán. Ông đã dùng châm cứu và nước súc miệng để chữa sâu răng cho đại phu Tề Trung. Ông cho rằng nguyên nhân gây sâu răng là trong có phong tà và “không súc miệng” sau bữa ăn.

Nói chung, người xưa dùng nước muối, trà, rượu và thuốc để súc miệng. “Súc miệng” là một phương pháp rất quan trọng để ngăn ngừa sâu răng, trong “Lễ ký” có ghi: “Kê sơ minh, hàm quán tẩy”, ý rằng khi gà gáy hãy thức dậy rửa mặt và súc miệng. Sào Nguyên Phương thời Tùy đã đề cập trong “Chư bệnh nguyên hậu luận” rằng: “Sau khi ăn, thường súc miệng vài lần. Nếu không, sẽ khiến người ta bị sâu răng.”

Tôn Tư Mạc, thầy thuốc thời nhà Đường, đã đề cập trong cuốn “Bị cấp thiên kim dược phương” rằng: Mỗi lần cho một ít muối vào miệng, ngậm với nước ấm, súc miệng cả trăm lần, như thế không ngừng, không quá năm ngày, răng miệng sẽ bền chặt.

Trong “Cổ kim y thống đại toàn” do Từ Xuân Phủ thời nhà Minh biên soạn có đề cập: Súc miệng mỗi sáng, cũng là sự ngược. Tất cả các chất độc do ăn uống trong một ngày tích tụ lại trong kẽ răng, buổi tối nên rửa sạch để chất bẩn không ẩn trong kẽ răng, răng không bị tổn thương. Thế nên súc miệng vào buổi sáng không tốt bằng súc vào buổi tối. Những người trí huệ ngày nay sẽ súc miệng sau bữa ăn hàng ngày, ngày 5 lần sáng tối, để răng trắng đến già không bị hư hại, có thể thấy được công của tồn dưỡng.

Người xưa “đánh răng” như thế nào?

Đánh răng cũng là một cách để làm sạch răng. Vào thời Đường và Tống, người ta thường dùng cành liễu để đánh răng, có tác dụng trừ phong, giảm sưng và giảm đau. Cắn phẳng một đầu cành liễu rồi bẻ thành hình bàn chải, khi súc miệng thì lau các kẽ răng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Một số người còn thêm bột đánh răng để chà…

Người xưa đánh răng và ngăn ngừa bệnh răng miệng bằng cách nào?
Người xưa đánh răng như thế nào? Vào thời nhà Đường và Tống, người ta thường dùng cành liễu để đánh răng, có tác dụng trừ phong, tiêu sưng, giảm đau. (Ảnh: Shutterstock)

Bột đánh răng thời cổ đại, có thể làm sạch và điều trị bệnh về răng

Bột đánh răng thời xưa có tác dụng kép là điều trị và làm sạch răng. Ví dụ, trong bộ sách “Phổ tễ phương” của Ngô Vương Chu Tiêu thời nhà Minh có ghi lại một bài thơ về bột đánh răng rằng:

“Trư nha Tạo giác cập Sinh khương,Tây quốc Thăng ma Thục địa hoàng, Mộc luật Hạn liên Hòe giác tử, Tế tân Hà diệp yếu tương đương, Thanh diêm đẳng phân đồng thiêu luyện”.

Ý rằng: Tạo giác, sinh khương (gừng tươi), thăng ma, thục địa hoàng, mộc luật, hạn liên, hòe giác tử, tế tân, hà diệp – dùng lượng bằng nhau, thanh diêm với lượng như các vị trên đem rang lên. Các vị trên đều dùng 2 lạng (“lạng” thời Trung Quốc cổ đại, 1 lạng khoảng 37.3g).

Trừ thanh diêm ra, các vị thuốc còn lại đều được giã nhỏ. Tất cả đem đựng trong chum đất, miệng chum được đậy bằng ngói. Thường dùng bài thuốc này, khi ngoài 80 tuổi, mặt mũi như con trẻ, râu tóc rất đen, răng lung lay sẽ chắc lại.

Trong đó, chín loại thuốc Trung y là Tạo giác, Sinh khương, Thăng ma, Địa hoàng, Hạn liên, Hòe giác, Tế tân, Hà diệp, Thanh diêm được sử dụng để đánh răng, có tác dụng phương hương hóa trọc, táo thấp thanh nhiệt, trừ uế khiết xỉ, ngoài công hiệu làm sạch răng còn có thể làm đen tóc và răng.

Trong “Ẩm thiện chính yếu” của Hốt Tư Tuệ thời nhà Nguyên cũng có đề cập: “Sáng sớm dùng muối để đánh răng thì không có bệnh về răng”. Trong “ Đường dao kinh nghiệm phương” có ghi lại công thức là: thanh diêm 1 cân (16 lạng Trung Quốc, khoảng 600g), hòe chi nửa cân (khoảng 300g); nước 4 bát, sắc còn 2 bát, cho muối vào đun đến khi cạn, nghiền nhỏ, dùng đánh răng hàng ngày.”

Kem đánh răng thời xưa cũng là “kem đánh răng thảo dược”

Trong cuốn “Thái bình thánh huệ phương” được biên soạn bởi Vương Hoài Ẩn thuộc Hàn lâm Y quan Viện thời Bắc Tống, các tác giả đã thay đổi “bột đánh răng” thành “kem đánh răng” với công thức là: “cành hòe, cành liễu, cành dâu, mỗi loại nửa cân, cắt đoạn. Cách chế: dùng một đấu nước, đun đến còn ba thăng, lọc bỏ cặn, đun lửa nhỏ làm cao, thêm bột thuốc: thanh diêm 1 lạng (nghiền nhỏ), xuyên khung, tế tân ”

Công cụ đánh răng thời cổ đại

Các công cụ đánh răng cũng không ngừng được cải tiến, đầu tiên là bằng ngón tay, sau đó là bằng cành liễu, đến đời Tống thì xuất hiện bàn chải đánh răng. Trong cuốn “Dưỡng sinh loại toản” của Chu Thủ Trung thời Tống viết rằng: “Buổi sáng không nên đánh răng sớm, sợ chân răng lồi và răng thưa dễ lung lay, lâu ngày thành bệnh đau răng. Bàn chải đánh răng làm bằng đuôi ngựa, vô cùng có hại. ” Bàn chải đánh răng làm bằng lông đuôi ngựa, rất cứng, không cẩn thận sẽ chảy máu.

Bài viết do Bác sĩ Đặng Chính Lương (Giám đốc Phòng khám Trung y Chính Lương tại Đài Loan) cung cấp
Lý Thanh Phong biên tập
Lâm Mộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn