Những chi phí phải trả cho một ca tử vong

Một báo cáo mới đây đã phân tích những chi phí phải trả khi một cá nhân tử vong, đưa ra lý do về việc tại sao chúng ta nên làm rõ những sắp xếp cuối cùng khi chuẩn bị ra đi

Trong bất kỳ nền văn hóa nào, chúng ta đều không thích nói về cái chết. Mặc dù đó là đích đến mà tất cả mọi người đều trải qua, dù niềm tin của họ là gì, hầu hết chúng ta không muốn nghĩ nhiều về nó. Thật không may, sự ác cảm này lại khiến đa số mọi người không muốn chuẩn bị cho cái chết, khiến những người thân yêu gặp phải tình huống khó xử khi quản lý công việc còn lại của người ra đi.

Một báo cáo mới đây đã xem xét chi phí phải trả khi một người qua đời tại Hoa Kỳ, từ chi phí vật chất đến tổn thất về tinh thần và thể chất mà những người bị bỏ lại phải gánh chịu.

Báo cáo được thực hiện bởi Empathy – một công ty chịu trách nhiệm giúp đỡ quản lý hậu cần và những khó khăn về mặt cảm xúc của những người có người thân qua đời. Công ty đã khảo sát gần 1,500 người trải qua sự mất mát của một thành viên thân thiết trong gia đình trong vòng 5 năm qua. Mục tiêu của công ty là cố gắng định lượng và hiểu rõ hơn những gì mà họ phải gánh chịu.

Dưới đây là một số phát hiện thú vị từ báo cáo:

  • Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 3 triệu người tử vong
  • 68% người Mỹ đau khổ vì người thân qua đời đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất
  • Trung bình 540 giờ làm việc được dùng để giải quyết công việc của người đã khuất
  • Các gia đình mất trung bình 12.5 tháng để giải quyết mọi vấn đề tài chính sau khi người thân qua đời
  • 20% người lao động đang đau buồn vì mất mát gần đây tại bất kỳ thời điểm nào

Chi phí về tài chính

Có lẽ con số đáng kinh ngạc nhất từ báo cáo là chi phí tài chính trực tiếp trung bình liên quan đến người tử vong – khoảng 20,000 USD. Điều này bao gồm những thứ như chi phí tang lễ và các vấn đề tài chính và pháp lý cần được giải quyết khi một người qua đời.

Báo cáo cho thấy chi phí trung bình của một đám tang là 7,848 USD, chi phí cho các vấn đề tài chính trung bình là 4,384 USD và các vấn đề pháp lý trung bình là 4,967 USD. Cộng dồn những con số trên, thật dễ dàng để thấy chi phí có thể tăng lên đến 20,000 USD và hơn thế nữa. Và đây chỉ là một phần của chi phí tài chính liên quan đến cái chết.

Các chi phí tài chính khác mà báo cáo có nhắc đến trong phần phân tích bao gồm tổng chi phí tang lễ, chẳng hạn như các khoản thanh toán cho nhà tang lễ ($3.584), khu chôn cất ($1,841), phục vụ ăn uống ($602), thuê tu sĩ hành lễ, linh mục, hoặc nhà sư ($472), âm nhạc ($136) và thư mời ($111).

Mất mát ảnh hưởng đến tâm trí và cơ thể như thế nào

Ngoài vấn đề về tài chính, những người ở lại còn gặp phải những vấn đề ít hữu hình hơn—chẳng hạn như đau thương quá độ—là trải nghiệm mang tính cá nhân mà mọi người phải vật lộn trong khi đối mặt với tất cả các công việc liên quan đến sự ra đi của người họ yêu thương, và điều này chỉ làm tình hình thêm phức tạp.

Sự căng thẳng về mặt cảm xúc liên quan đến việc một người thân yêu qua đời thường dẫn đến các triệu chứng về thể chất. Báo cáo cho thấy 93% những người được khảo sát phải chịu ít nhất một triệu chứng về thể chất hoặc tinh thần sau khi người thân qua đời, 83% có trạng thái lo lắng, 46% phải chịu đựng trong vài tháng trở lên. Điều này dường như không có gì đáng ngạc nhiên, vì đau buồn có thể là một cảm xúc lấn át và sau khi mất đi một người thân thiết, chúng ta ngay lập tức phải giải quyết nhiệm vụ và gánh lấy trách nhiệm quản lý công việc mà người ra đi để lại.

Các triệu chứng thể chất và tinh thần khác kéo dài hơn một vài tháng được báo cáo trong nghiên cứu là:

  • Các vấn đề về trí nhớ (30%)
  • Tức giận hoặc cáu kỉnh bất thường (30%)
  • Tăng hoặc giảm cân (33%)
  • Giấc ngủ thất thường(38%)

Và những con số trên sẽ tăng lên đáng kể nếu người đó tình cờ trở thành người thừa kế di sản của người đã khuất – một công việc đi kèm với trách nhiệm đáng kể và những căng thẳng riêng.

Cách chuẩn bị cho sự ra đi—để có được bình yên trong tâm hồn

Mặc dù quan điểm của mọi người về cái chết mang tính cá nhân cao, nhưng chúng ta vẫn có thể làm một số điều để chuẩn bị cho sự ra đi khi thời điểm đến. Sự chuẩn bị có thể giúp chúng ta giải tỏa phần nào lo lắng, suy nghĩ về những gì mình muốn, cũng như nghĩ về một số công việc hậu cần. Điều này sẽ giúp những người ở lại có một lộ trình rõ ràng về những gì chúng ta muốn và cách để biến điều đó thành hiện thực.

Có nhiều điều cần xem xét khi chúng ta bắt đầu. Và mặc dù ban đầu điều này có thể khiến bạn lo lắng, nhưng nó thực sự rất có cơ sở và giúp mang lại cảm giác bình yên về lâu dài.

Dưới đây là một số điều bạn cần suy nghĩ đến, được chia thành các mục khác nhau:

Nếu bạn được chẩn đoán mắc một bệnh nào đó và cần chăm sóc sức khỏe, đây là một số cân nhắc:

  • Những người thân yêu của tôi có hiểu đầy đủ về tình trạng sức khỏe và điều gì sẽ xảy ra với tôi hay không?
  • Tôi đã bày tỏ chính xác những can thiệp y tế nào mà mình muốn hoặc không muốn hay chưa?
  • Tôi muốn từ bỏ các can thiệp hoặc thủ tục y tế tiếp theo trong giai đoạn nào?
  • Tôi đã có lệnh không hồi sức (DNR) sau một số thủ thuật hoặc phẫu thuật hay chưa?
  • Bạn đã chọn ai đó có thể đưa ra quyết định chăm sóc sức khỏe của mình khi không còn khả năng tự đưa ra quyết định chưa? Họ có biết mong muốn của bạn không?
  • Nếu hệ thống chăm sóc sức khỏe không còn giúp ích cho tình trạng của bạn, bạn muốn điều gì xảy ra? Ví dụ, bạn có muốn trở về nhà không?

Cân nhắc cá nhân

  • Niềm tin của tôi về cái chết là gì? Tôi có cần cân bằng với bất kỳ khía cạnh nào của quá trình này không?
  • Có thành viên gia đình hoặc bạn bè nào mà tôi muốn nói chuyện và chia sẻ tình yêu thương cũng như lòng biết ơn không?
  • Có ai mà tôi từng có mâu thuẫn và muốn làm lành trước khi ra đi không? Có lẽ ai đó cần sự tha thứ của tôi hoặc đó là một mối quan hệ tan vỡ mà tôi muốn hàn gắn.
  • Bạn muốn để lại đồ đạc cá nhân của mình cho ai? Ghi chú xem ai nên nhận thứ gì để đảm bảo mọi người có được thứ họ cần.
  • Nếu bạn là cha mẹ đơn thân có con nhỏ, ai sẽ chăm sóc chúng sau khi bạn qua đời?
  • Nếu bạn nuôi thú cưng, ai sẽ chăm sóc chúng?
  • Tất cả ảnh/video cá nhân của bạn lưu giữ tại đâu? Chúng có trên máy tính không? Nếu có, còn ai ngoài bạn biết cách truy cập vào những bức ảnh này?
  • Bạn đã gắn nhãn những người trong ảnh chưa? Và những kho báu cá nhân này sẽ đi về đâu khi bạn không còn? Chúng sẽ được gửi tặng cho những đứa trẻ hay các thành viên khác trong gia đình? Những bức ảnh được dán nhãn rõ ràng là kỷ vật quan trọng để gia đình bạn có thể nhận dạng những người khác sau này.

Tang Lễ / Tưởng Niệm / Lễ Kỷ Niệm Lập Kế Hoạch Cuộc Đời

  • Bạn muốn điều gì xảy ra với cơ thể mình sau khi ra đi? Bạn có muốn được ướp xác? Chôn cất? Hỏa táng? Hay bạn muốn chôn cất tự nhiên?
  • Bạn có ưa thích loại quan tài nào hay cách bạn được chôn cất không? Bạn muốn được chôn cất ở đâu?
  • Bạn có muốn một khu chôn cất, bia mộ, hoặc đánh dấu mộ hay không? Nếu được hỏa táng, bạn muốn tro của mình được rải ở đâu, hoặc muốn giữ chúng ở đâu?
  • Bạn có muốn một buổi lễ nào đó không? Nếu được thì bạn muốn tổ chức lễ gì, và mọi người nên tổ chức như thế nào?
  • Bạn có thích hoa không, nếu có thì là loại nào? Hay bạn muốn mọi người quyên góp cho một tổ chức từ thiện mà bạn tin tưởng?
  • Bạn có muốn ai đó đọc điếu văn hay nói về cuộc đời của mình không? Nếu vậy, hãy nói chuyện với họ từ trước.
  • Bạn có nên thanh toán trước cho các dịch vụ mai táng/chôn cất/hỏa táng không? Điều này có thể ít tốn kém hơn khi được đặt trước.

Cân nhắc về mặt pháp lý

  • Cân nhắc đến việc viết di chúc để công bố mong muốn của mình và thực hiện chúng một cách hợp pháp.
  • Bạn có muốn ủy quyền cho ai đó không?
  • Lập một danh sách các tài sản để bạn có thể quyết định sẽ để lại chúng cho ai.
  • Sắp xếp và lưu trữ các tài liệu và mật khẩu quan trọng để những người còn lại có thể dễ dàng tìm thấy và truy cập chúng.
  • Nói chuyện với người thân yêu về mong muốn của bạn.

Nếu bạn cần một chút cảm hứng, BJ Miller, một bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời đang hành nghề, có một bài TED cảm động nói về những gì thực sự quan trọng vào cuối đời và bạn có thể tham khảo chúng.

Dưới đây là một số tài nguyên hướng dẫn trong quá trình này và giúp bạn luôn gọn gàng khi thực hiện các việc:

Lời kết

Mặc dù tất cả điều này ban đầu có thể khiến bạn cảm thấy khó khăn, nhưng bạn hãy chậm rãi thực hiện một cách thoải mái. Chọn những nhiệm vụ quan trọng và thực hiện theo tốc độ của riêng bạn.

Mặc dù một số người biết rằng họ sắp ra đi và có thể chuẩn bị trước cho điều đó, nhưng nhiều người trong chúng ta không biết mình sẽ mất khi nào.

Rất may, chúng ta có thể thực hiện những điều trên vào bất kỳ thời điểm nào. Một điều quan trọng hơn có lẽ là, việc suy ngẫm về cái chết có thể nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống quý giá như thế nào và tầm quan trọng của việc trân trọng từng khoảnh khắc. Hãy nói cho người thân yêu biết họ thực sự có ý nghĩa như thế nào đối với bạn.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Emma Suttie
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Emma Suttie là một bác sĩ châm cứu và viết chủ yếu về sức khỏe cho nhiều ấn phẩm trong thập niên qua. Cô hiện là ký giả sức khỏe cho The Epoch Times, cô chuyên viết về Trung y, dinh dưỡng, chấn thương, và y học lối sống.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn