Bộ não khi yêu: Nghiên cứu mới khám phá lý do vì sao tình yêu có thể “hạ gục” chúng ta

Tình yêu để lại một dấu ấn hóa học trong bộ não và được thúc đẩy bởi dopamine - chỉ cần nghĩ về người mình yêu cũng thổi bùng lên loại hormone này.

Tất cả chúng ta đều biết, cảm giác tuyệt vời khi yêu sẽ như thế nào và những phát hiện từ một nghiên cứu mới sẽ cho ta biết lý do vì sao.

Các nhà thần kinh học từ Đại học CU Boulder đã phát hiện ra rằng, bộ não sản sinh ra nhiều dopamine hơn – một loại hormone làm cho chúng ta cảm thấy vui thích và khao khát – khi dành thời gian cho người mình yêu.

Hóa ra chỉ cần nghĩ đến việc ở bên bạn đời thôi cũng khiến dopamine ngập tràn trong ‘trung tâm khen thưởng’ của bộ não, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm để giữ mối liên hệ đó bền vững hơn. Ngược lại, nghiên cứu cho thấy chỉ có một lượng nhỏ dopamine được phóng thích khi bạn nghĩ về người quen hay đồng nghiệp.

Nghiên cứu cho thấy rằng, những người bạn tình đã tạo ra một dấu ấn hóa học trong bộ não chúng ta và khi mối quan hệ lãng mạn đó kết thúc thì dấu ấn cũng trở nên mờ nhạt đi.

Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Current Biology (Sinh học Hiện thời), đã sử dụng chuột đồng cho các thí nghiệm của họ. Bởi chuột nằm trong số nhóm nhỏ động vật có vú (3-5%) có mối quan hệ một vợ một chồng suốt đời.

Tương tự như giống chuột nâu lông xù, những sinh vật nhỏ bé này giống con người trong cách hành xử, gắn kết các mối quan hệ lâu dài, chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái, sống cùng nhau và trải qua sự mất mát khi mất đi người bạn đời.

Zoe Donalson, tác giả cao cấp và phó giáo sư về khoa học thần kinh hành vi tại CU Boulder cho biết trong một thông cáo báo chí, “Về cơ bản, chúng tôi đã phát hiện một dấu ấn sinh học của sự khao khát. Điều này giúp chúng ta tìm ra lý do vì sao chúng ta muốn ở bên cạnh một số người hơn là những người khác.”

Nhóm nghiên cứu đã tìm cách để hiểu sâu hơn về các mối quan hệ lãng mạn và ảnh hưởng của chúng lên não bộ cũng như điều gì sẽ xảy ra khi mối quan hệ kết thúc. Đây là nghiên cứu đầu tiên phát hiện ra dopamine đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì những mối quan hệ lãng mạn và giữ cho ngọn lửa tình yêu luôn cháy bỏng.

Bà Donaldson nói, “Nghiên cứu này cho thấy rằng có một vài người để lại dấu ấn hóa học (độc nhất) trong não chúng ta và thúc đẩy chúng ta duy trì mối liên hệ này bền vững theo thời gian.”

Khoa học về tình yêu và sự gắn bó

Các nhà khoa học đã tìm hiểu về những mối quan hệ của con người cũng như bản chất của tình yêu và sự gắn bó trong nhiều thập niên. Nghiên cứu đã cho thấy rằng có những vùng cụ thể trong não và mạch thần kinh liên quan đến cảm giác yêu thương, gắn bó và khao khát của chúng ta.

Helen Fisher là tiến sĩ về nhân chủng học, vật lý và sinh học, đồng thời là tác giả và chuyên gia về các mối quan hệ giữa con người với nhau. Bà cho rằng một số chất hóa học trong não có liên quan đến cảm giác yêu thương của chúng ta.

TS.Helen Fisher nói trong một cuộc phỏng vấn với Big Think về khoa học của sự gắn bó trong các mối quan hệ, “Hệ thống oxytocin và vasopressin hiện được liên kết với cảm giác bình tĩnh và gắn bó.”

Bà Fisher và các đồng nghiệp đã tiến hành quét não mọi người ở các giai đoạn khác nhau của một mối quan hệ — từ khi yêu đến sau chia tay.

Họ phát hiện ra rằng đối với những người mới yêu, hệ thống dopamine trong não hoạt động mạnh mẽ, nhưng đối với những người đã yêu lâu hơn một chút, có thêm hoạt động mới ở các vùng não liên kết với sự gắn bó.

Bà Fisher nói, “Về cơ bản, khi bạn yêu ai đó một cách điên cuồng… hệ thống não bộ đó có thể được kích hoạt ngay lập tức. Nhưng cảm giác gắn bó sẽ ngày càng tăng, chúng lớn dần khi bạn tìm hiểu về con người đó.”

Dopamine dẫn lối cho sự tái hợp

Các nhà nghiên cứu trên chuột đồng muốn biết điều gì đã xảy ra trong não khi những con chuột bị tách khỏi bạn tình của mình và cố gắng quay trở lại.

Với công nghệ hình ảnh thần kinh, trong thời gian thực, họ có thể quan sát vùng não chịu trách nhiệm tìm kiếm cảm giác hài lòng hoặc dễ chịu. Các nghiên cứu về hình ảnh thần kinh trước đây ở người đã chỉ ra rằng vùng não này được kích hoạt khi chúng ta nắm tay bạn tình.

Trong một thí nghiệm, một con chuột phải đẩy một đòn bẩy để mở cửa vào một căn phòng để đến chỗ bạn tình của mình, trong một thí nghiệm khác, nó phải trèo qua một rào cản để được đoàn tụ. Khi những con chuột cố gắng vượt qua các chướng ngại vật để đến với bạn tình, các cảm biến đã phát hiện ra sự gia tăng dopamine, thắp sáng thiết bị của nhà khoa học giống như một cây thông Noel.

Ngược lại, ánh sáng mờ đi khi có một con chuột ngẫu nhiên khác ở phía bên kia rào chắn.

Anne Pierce, một nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm của cô Donaldson đã nói trong thông cáo báo chí, “Điều này cho thấy rằng, dopamine thực sự quan trọng trong việc thúc đẩy chúng ta tìm kiếm bạn đời. Không chỉ thế, khi ở bên bạn đời hormone này rót vào trung tâm khen thưởng trong não chúng ta nhiều hơn là khi ở bên một người lạ”.

Hy vọng cho những trái tim đau buồn

Mặc dù các tác giả nhấn mạnh rằng cần phải nghiên cứu thêm để biết những phát hiện này trên chuột có tác dụng như thế nào đối với con người, nhưng họ cho rằng công trình của mình cuối cùng sẽ có thể dùng để giúp những người gặp khó khăn trong việc kết nối với người khác hoặc những người gặp phải chứng rối loạn đau buồn kéo dài.

Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, đây là sự đau buồn dữ dội và dai dẳng, gây ra nhiều vấn đề và cản trở cuộc sống hàng ngày.

Bà Donaldson nói, “Hy vọng bằng cách hiểu được mối liên kết lành mạnh trong não sẽ giúp chúng ta có thể bắt đầu xác định các liệu pháp mới, giúp đỡ cho nhiều người bị bệnh tâm thần ảnh hưởng đến thế giới xã hội của họ.”

Hạ Vy biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Emma Suttie
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Emma Suttie là một bác sĩ châm cứu và viết chủ yếu về sức khỏe cho nhiều ấn phẩm trong thập niên qua. Cô hiện là ký giả sức khỏe cho The Epoch Times, cô chuyên viết về Trung y, dinh dưỡng, chấn thương, và y học lối sống.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn