Quế giúp cải thiện trí nhớ và khả năng học tập

Từ thời cổ đại, quế đã được tôn sùng nhờ khả năng chữa bệnh. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng loại gia vị thơm ngon này có thể giúp cải thiện trí nhớ và khả năng học tập.

Quế là một loại gia vị thơm nổi tiếng thường được dùng làm bánh và nấu ăn. Nghiên cứu mới được công bố trên Tập san Nutritional Neuroscience còn cho thấy giá trị tiềm năng của gia vị này trong việc ngăn ngừa mất trí nhớ và khuyết tật học tập (learning disabilities.)

Nghiên cứu này cũng là tin vui cho những người trung niên và cao tuổi, vì suy giảm trí nhớ là điều không thể tránh khỏi khi chúng ta già đi.

Quế cũng là một loại thảo dược tuyệt vời. Theo Trung y, quế có tác dụng kiện tỳ, làm ấm vị, bổ hoả, hồi dương, tán hàn giảm đau, làm ấm kinh thông mạch.

Quế cải thiện năng lực học tập và trí nhớ

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học Y tế Birjand ở Iran gần đây đã báo cáo trên Tập san Nutritional Neuroscience về giá trị tiềm năng của quế trong việc giúp cải thiện khả năng học tập và trí nhớ.

Đây là phân tích gộp gồm 40 nghiên cứu từ nhiều cơ sở dữ liệu trong PubMed, Scopus, Google Scholar và Web of Science. Các tác giả nhấn mạnh vai trò của quế trong việc cải thiện đáng kể khả năng học tập và trí nhớ.

Các chất eugenol, cinnamaldehyde và acid cinnamic trong quế có thể liên quan đến việc cải thiện chức năng nhận thức. Ngoài ra,cinnamaldehyde còn có có tác dụng giảm tổng hợp protein tau và beta-amyloid và tăng khả năng sống của tế bào.

Quế có thể được dùng như một chất bổ trợ trong điều trị các bệnh liên quan. Quế còn chứa cinnamyl alcohol và acid cinnamic, là chất làm tăng nồng độ acetylcholine vốn rất quan trọng đối với hệ thống trí nhớ của con người, do đó giúp tăng trí nhớ và hoạt động của bộ não.

Cinnamaldehyde có tiềm năng phòng ngừa bệnh Alzheimer

Như đã đề cập, cinnamaldehyde có hiệu quả trong việc giảm tổng hợp protein tau và beta-amyloid, đồng thời tăng khả năng sống của tế bào.

Đây là một tin thú vị, vì sự tổng hợp protein tau và beta-amyloid được xem là dấu hiệu của bệnh Alzheimer. Do đó, quế có giá trị tiềm năng trong phòng ngừa bệnh Alzheimer.

Vào năm 2017, một báo cáo được công bố trên Tập san Pharmacological Research đã kết luận rằng quế và các thành phần hoạt tính sinh học trong đó có thể cải thiện hiệu quả sức khỏe thần kinh bằng cách ức chế tổng hợp protein tau và tích lũy peptide amyloid-beta.

Nghiên cứu cũng lưu ý rằng cinnamaldehyde dường như là một cách hiệu quả và an toàn để ngăn ngừa và cải thiện bệnh Alzheimer.

Quế là một thảo mộc kỳ diệu

Quế là một gia vị quan trọng và là một phần của Trung y hàng ngàn năm qua.

Thảo mộc này được tìm thấy ở dãy Himalaya và các vùng núi khác, cũng như trong các khu rừng nhiệt đới và các khu rừng khác ở Nam Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Quế có thể trị được nhiều bệnh.

Trong sách Thần Nông Bản Thảo Kinh, một tác phẩm của Trung Quốc từ thời Đông Hán (25–220 sau Công nguyên), quế được chi chép là một phương thuốc chữa bệnh viêm khớp.

Đến thời hiện đại, Trung y cho rằng quế có 5 tác dụng chính sau đây.

  1. Kiện tỳ và làm ấm dạ dày: Nhiều người sau khi ăn xong bị khó tiêu. Đau bụng và đầy hơi là những triệu chứng rõ ràng nhất. Trong trường hợp này, bạn có thể dùng quế để kiện tỳ và giúp tiêu hóa thức ăn.
  2. Chống gió và cảm lạnh: Bạn có thể dùng quế để giảm các tác động của gió và cảm lạnh lên cơ thể. Quế có thể làm giảm nguy cơ bị cảm lạnh nếu được dùng lúc ra ngoài trời mưa gió hoặc lạnh.
  3. Hoạt huyết giảm đau phục hồi kinh nguyệt: Quế có thể giúp điều hòa lượng kinh nguyệt của phụ nữ và giúp phụ nữ hiếm muộn điều hòa cơ thể, do đó làm kinh nguyệt đều đặn hơn và ngăn ngừa sự phát sinh của một số bệnh phụ khoa.
  4. Làm ấm thận và hồi dương: Một số nam giới tuổi trung niên dễ bị liệt dương. Khi dùng đúng cách, quế có thể làm ấm thận và hỗ trợ nam giới chữa các chứng bất lực.
  5. Giải cảm, giảm đau: Rất nhiều người trung niên và cao tuổi bị đau nhức xương khớp, nhất là khi trời mưa. Nếu khớp sưng đau, quế có thể giúp phát tán phong hàn, giảm đau, nhất là vào mùa thu và mùa đông.

Quế có tác dụng phụ nào không?

Nhờ đặc tính kháng viêm, quế có thể giúp giảm nguy cơ bị bệnh ở người trung niên và cao tuổi. Nhìn chung quế có lợi cho người thuộc nhóm tuổi này, nhưng cũng không nên dùng quế quá nhiều.

Mỗi muỗng cà phê bột quế chứa khoảng 7mg đến 18mg coumarin. Lượng coumarin tiêu thụ được tính ở mức 0.1 mg/kg trọng lượng cơ thể. Do đó, đối với một người trưởng thành nặng 110 pound (50kg), tốt nhất là không nên vượt quá 5 mg.

Nói tóm lại, 1 muỗng cà phê bột quế mỗi ngày có thể vượt quá ngưỡng tiêu thụ hàng ngày.

Quế có thể gây phản ứng da hoặc dị ứng, nhưng hầu hết các trường hợp đều là thể nhẹ.

Tuy nhiên, đôi khi thảo dược này có thể dẫn đến các triệu chứng trầm trọng hơn như loét miệng, buồn nôn, nôn, huyết áp thấp và các triệu chứng khác. Nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nào, vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ ngay lập tức.

Cách dùng quế

Thêm quế xay vào thức ăn khi nướng bánh mì, bánh pizza hoặc những món khác, cũng có thể làm bánh soda quế nướng.

Ngoài ra bạn có thể thêm thảo dược này vào siro hoặc dùng làm món tráng miệng như bánh pudding.

Bột quế còn được thêm vào trà hoặc cà phê, nhưng không nên chỉ thêm bột quế vào nước.

Bạn cũng có thể thêm quế vào sữa hoặc nước cốt dừa để làm món sữa quế thơm ngọt.

Các bài báo của Epoch Health nhằm mục đích cung cấp thông tin và không thay thế cho tư vấn y tế cá nhân. Vui lòng tham khảo ý kiến ​​chuyên gia đáng tin cậy để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị. Bạn có một câu hỏi? Hãy gửi email cho chúng tôi tại [email protected]

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Stephanie Zhang, Ph.D.
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Stephanie Zhang là người phụ trách chuyên mục tại tuần báo The Epoch Times, chuyên về bệnh thoái hóa não và thần kinh. Bà có hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về khoa học thần kinh và độc tính thần kinh, đồng thời từng là nhà khoa học nghiên cứu tại Trung tâm Suy giảm Trí nhớ và Chứng sa sút trí tuệ do thoái hóa thần kinh (MIND) (Memory Impairment and Neurodegenerative Dementia (MIND) Center) tại Trung tâm Y tế Đại học Mississippi. Bà có bằng tiến sĩ về sức khỏe cộng đồng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn