Sự bùng phát COVID ở Trung Quốc có liên quan đến tình trạng thiếu thuốc không kê đơn trên toàn thế giới
Trong bối cảnh Trung Quốc đang bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng, việc hoảng loạn mua thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt trong nước và ở hải ngoại. Các chuyên gia cho biết tốc độ lây nhiễm hiện tại có thể tạo ra các biến thể virus mới và đe dọa cộng đồng quốc tế.
Hành động từ bỏ chính sách zero COVID mà không có kế hoạch trước đầy bất ngờ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến hệ thống y tế có rất ít thời gian để chuẩn bị. Hầu hết bệnh nhân trong đợt lây nhiễm mới này đều có các triệu chứng nặng hơn — sốt cao, ho, và nhiễm trùng phổi — so với các triệu chứng nhẹ thường liên quan đến các biến thể Omicron của virus corona.
Hôm 07/12, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Mười Quy tắc Mới” về kiểm soát dịch bệnh, đột ngột chấm dứt các biện pháp chống dịch mà nước này đã thực thi nghiêm ngặt trong ba năm qua. Các quy tắc này bao gồm các biện pháp nới lỏng như cho phép tự cách ly tại nhà và không còn yêu cầu xét nghiệm PCR âm tính và mã sức khỏe khi đi du lịch liên tỉnh.
Tuy nhiên, ĐCSTQ vẫn chưa có lộ trình rõ ràng về việc “sống chung với virus,” cũng như chưa phân bổ đủ nguồn lực y tế để đối phó với làn sóng lây nhiễm quy mô lớn đã được dự đoán trước này.
Người dân không được báo trước để chuẩn bị thuốc điều trị COVID tại nhà và đã tràn đến các hiệu thuốc địa phương để tìm mua thuốc hạ sốt và cảm lạnh.
Chính quyền Trung Quốc hạn chế việc mua bán thuốc
Các hiệu thuốc ở Trung Quốc đã nhận được lệnh cấm hoặc kiểm soát việc bán thuốc cảm và cúm theo chính sách zero COVID nhằm ngăn cản người dân sử dụng thuốc không kê đơn (Over-The-Counter, OTC) để giảm hoặc che giấu các cơn sốt và tránh bị phát hiện bệnh. Đây cũng là do người dân không muốn bị buộc phải xét nghiệm PCR hoặc bị đưa đến các cơ sở cách ly tập trung.
Nhiều công ty dược phẩm và nhà thuốc vốn sản xuất và bán các loại thuốc này đã phá sản vì những hạn chế trên. Các cơ sở sản xuất còn lại không được thông báo trước để chuẩn bị cho nhu cầu tăng đột ngột sau khi các hạn chế được dỡ bỏ.
Khi các phòng khám và hiệu thuốc trên khắp Trung Quốc báo cáo tình trạng xếp hàng dài và sự thiếu hụt ibuprofen, paracetamol, và các loại thuốc hạ sốt khác, các chính quyền địa phương cam kết sẽ mua thêm thuốc và phân phối các loại thuốc này đến các hiệu thuốc.
Các quan chức ở thành phố Nam Kinh thông báo rằng chính quyền thành phố này sẽ bổ sung 2 triệu viên thuốc hạ sốt ra thị trường mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 18/12. Tuy nhiên, các hiệu thuốc được hướng dẫn phải dàn trải nguồn cung bằng cách mở các gói thuốc và bán lẻ từng viên thuốc. Giới hạn mua là sáu viên mỗi người.
Tương tự như vậy, các hiệu thuốc ở thành phố Chu Hải cũng được chính quyền hướng dẫn mở gói ibuprofen và bán lẻ từng viên với giá bán mỗi viên là 1 nhân dân tệ (khoảng 0.14 USD). Cư dân được giới hạn ở sáu viên mỗi bảy ngày.
Mặc dù là nhà sản xuất các nguyên liệu thô của ibuprofen lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang gặp phải một tình trạng thiếu thuốc hạ sốt trầm trọng.
Năng lực sản xuất kết hợp của hai công ty dược phẩm hàng đầu của đất nước này đối với nguyên liệu thô ibuprofen là khoảng 13,500 tấn, trong đó Công ty Dược phẩm Tân Hoa Sơn Đông (Shandong Xinhua Pharmaceutical Co) chiếm 40% năng lực sản xuất toàn cầu.
Một số nguồn tin của Trung Quốc đã chỉ trích việc ĐCSTQ không trao đổi với các công ty dược phẩm trước khi đột ngột chấm dứt chính sách zero COVID, khiến các công ty dược phẩm này không thể mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Một nhân viên tại đại công ty dược phẩm Hằng Thụy Giang Tô (Jiangsu Hengrui Medicine) của Trung Quốc nói với The Epoch Times rằng công ty chỉ mới bắt đầu tăng sản lượng vào tháng Mười Hai.
“Nếu các công ty dược phẩm có thể được thông báo trước một đến hai tháng, thì họ sẽ không quá bị động như bây giờ,” một nhân viên dược phẩm ẩn danh nói với The Paper, một phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Hôm 20/12, cô Hoàng Mai (Huang Mei, hóa danh), con gái của một quan chức cao cấp đã về hưu ở Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng việc ĐCSTQ bất ngờ dỡ bỏ các hạn chế COVID đã khiến nhiều người không kịp trở tay.
Cô chia sẻ, “Không ai mong đợi [chính quyền] sẽ từ bỏ chính sách zero COVID, và không chuẩn bị gì ở nhà. Nếu tôi biết sớm hơn, tôi đã dự trữ một ít thuốc hạ sốt! Và giờ thì tôi chẳng thể mua được thuốc ở bất cứ đâu.”
Hoảng loạn mua thuốc OTC
Theo nhiều bản tin truyền thông, tình trạng thiếu thuốc hạ sốt trên toàn quốc của Trung Quốc đã dẫn đến việc hoảng loạn mua thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt, và làn sóng mua hoảng loạn này đã nhanh chóng lan rộng ra hải ngoại.
Theo bản tin của CNN, thương hiệu nội địa của Tylenol, Panadol, một loại thuốc hạ sốt, đã hết hàng trong nhiều tuần tại năm hiệu thuốc ở khu thương mại Loan Tể (Wan Chai) của Hồng Kông.
Tương tự, tại Ma Cao, các cửa hàng thuốc cũng hết sạch các loại thuốc cảm và hạ sốt trên kệ hàng. Do đó, chính quyền địa phương đã áp đặt các hạn chế trong việc mua thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, và bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên.
Hôm 19/12, Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan Vương Tất Thắng (Wang Pi-sheng) cho biết Đài Loan đang thiếu hụt Panadol. Ông Vương kêu gọi người Đài Loan không mua lượng lớn thuốc hạ sốt để gửi số thuốc này ra hải ngoại.
Khách hàng Trung Quốc cũng tích trữ số lượng lớn thuốc cảm cúm và thuốc giảm đau ở Bangkok, Thái Lan.
Một quản lý hiệu thuốc ở Bangkok nói với Reuters, “Chúng tôi có rất nhiều người mua, bao gồm cả người ngoại quốc và khách hàng Trung Quốc. Nhưng rõ ràng nhất là người Trung Quốc. Những người này sẽ mua càng nhiều càng tốt.”
Theo BackChina — một cổng thông tin và truyền thông trực tuyến dành cho người Trung Quốc ở hải ngoại — tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, và Pháp, các đại lý mua hàng của Trung Quốc đã mua hết các hộp thuốc cảm và sốt khỏi Costco và nhiều hiệu thuốc khác nhau, buộc một số cửa hàng phải thực hiện các hạn chế mua hàng.
‘Virus quá dễ lây truyền’
Có tới 37 triệu người bị nhiễm COVID chỉ trong vòng một ngày ở Trung Quốc, theo biên bản bị rò rỉ từ một cuộc họp của cơ quan y tế hàng đầu của nước này, mà nhiều hãng thông tấn đã xác nhận.
Số ca nhiễm tích lũy trong 20 ngày đầu tiên của tháng Mười Hai có thể lên tới 248 triệu — gần 18% dân số — các quan chức cho biết trong cuộc họp nội bộ của Ủy ban Y tế Quốc gia hôm 21/12, chỉ 13 ngày sau khi nhà cầm quyền rút lại một số biện pháp chống COVID hà khắc nhất.
Con số này cao hơn theo cấp số nhân so với dữ liệu virus chính thức của chính quyền, và nếu chính xác, điều đó có nghĩa là đợt bùng phát ở Trung Quốc lần này là lớn nhất trên thế giới.
Các biên bản bị rò rỉ cũng cho biết Bắc Kinh và tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số 31 khu vực hành chính cấp tỉnh, với tỷ lệ lây nhiễm tích lũy của người dân vượt quá 50%. Trong khi đó, tỷ lệ lây nhiễm của các tỉnh thành phố Thiên Tân, Hồ Bắc, Hà Nam, Hồ Nam, An Huy, Cam Túc, và Hà Bắc dao động từ 20 đến 50%.
Theo Bloomber, ông Trần Thấm (Chen Qin), nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn dữ liệu MetroDataTech, dự đoán làn sóng COVID của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh ở hầu hết các thành phố của Trung Quốc từ giữa tháng Mười Hai đến cuối tháng Một, dựa trên phân tích các tìm kiếm từ khóa trực tuyến. Mô hình của ông cho thấy việc mở cửa trở lại một cách không kiểm soát của Bắc Kinh đã gây ra hàng chục triệu ca nhiễm bệnh hàng ngày, với các thành phố như Thâm Quyến, Thượng Hải, và Trùng Khánh có số ca nhiễm lớn nhất.
Nhà dịch tễ học người Anh Benjamin Cowling nói với NPR rằng virus này đang lây lan nhanh hơn ở Trung Quốc so với bất kỳ nơi nào khác trong đại dịch. Và virus dường như đặc biệt dễ lây lan trong cộng đồng người Trung Quốc.
Trong dịch tễ học, các nhà khoa học thường sử dụng “hệ số R” để đánh giá khả năng lây truyền của virus. Hệ số này đại diện cho số người trung bình mà một người nhiễm bệnh sẽ lây truyền virus.
Ông Cowling cho biết, theo các nghiên cứu, hồi đầu năm 2020 hệ số R là khoảng 2 hoặc 3, trong khi thời Omicron hoành hành ở Hoa Kỳ vào mùa đông năm ngoái, hệ số R đã tăng lên khoảng 10 hoặc 11.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ước tính hệ số R trong đợt tăng đột biến hiện nay là “một con số khổng lồ 16.”
Ông Cowling nói với NPR: “Đó là lý do tại sao Trung Quốc không thể tiếp tục chính sách zero COVID của mình. Ngay cả đối với chính quyền này, virus thật sự quá dễ lây lan.”
Ông cho biết thêm rằng vào mùa đông năm ngoái, cứ sau khoảng ba ngày, các ca nhiễm ở Hoa Kỳ lại tăng gấp đôi, nhưng hiện tại ở Trung Quốc, “thời gian để tăng gấp đôi giống như là tính theo giờ,” và “ngay cả khi [Trung Quốc] cố gắng làm chậm tiến trình này lại một chút, thì số ca nhiễm vẫn sẽ tăng gấp đôi rất, rất nhanh.”
Financial Times đưa tin rằng một mô hình dự báo trước đây do nhóm tư vấn kinh tế vĩ mô Wigram Capital Advisors cung cấp cho thấy số người tử vong vì virus ở Trung Quốc có thể vượt quá 1 triệu người trong những tháng mùa đông tới.
Mô hình này dự đoán rằng vào giữa tháng Ba năm sau, số người tử vong hàng ngày của nước này có thể lên tới 20,000. Trong khi đó, nhu cầu về phòng chăm sóc đặc biệt sẽ đạt mức cao nhất gấp 10 lần vào cuối tháng Ba, với số lượng tiếp nhận bệnh nhân hằng ngày vượt quá 70,000.
Hôm 20/12, cô Hoàng đã nói với The Epoch Times rằng cha cô phải nhập viện do mắc các bệnh lý nền. Vào ngày thứ chín sau khi chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống đại dịch, cha cô đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID.
Cô chia sẻ, “Khung cảnh bệnh viện thật thê lương. Ngay cả các bác sĩ và y tá đang làm việc cũng có vẻ bị bệnh. Vì có nhiều người già và bệnh nhân dương tính với COVID nên [các nhân viên y tế] cũng bị nhiễm bệnh.”
Chuyên gia: Các biến thể mới có khả năng đe dọa thế giới
Theo hãng thông tấn của chính phủ Đức Deutsche Welle (DW), một số chuyên gia ước tính rằng khoảng 60% trong số 1.4 tỷ dân của Trung Quốc, tương đương với khoảng 10% dân số toàn cầu, có thể sẽ bị nhiễm COVID trong những tháng tới. Các chuyên gia này lo ngại rằng sự lây lan nhanh chóng của virus ở Trung Quốc có thể tạo ra các biến thể mới.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times