Ba thói quen ăn uống giúp điều trị thiếu máu và dưỡng huyết

Thiếu máu là tình trạng thiếu hụt các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, dẫn đến việc cung cấp oxy không đủ cho các cơ quan trong cơ thể. Các triệu chứng thường gặp bao gồm cảm giác lạnh, thở nhanh, mệt mỏi hoặc yếu ớt.

Tại Hoa Kỳ, thiếu máu là tình trạng phổ biến nhất trong những bệnh huyết học, ảnh hưởng đến gần 6% dân số. Một số nhóm, chẳng hạn như phụ nữ, trẻ nhỏ và những người bị bệnh mạn tính, dễ bị thiếu máu hơn những nhóm khác.

Trung y cho rằng sức khỏe kém bắt nguồn từ các bệnh như thiếu máu có thể liên quan đến việc mà thầy thuốc Trung y gọi là “máu xấu.” Vì vậy, điều trị thiếu máu cần phải dưỡng huyết, thông mạch máu. Vậy làm thế nào để bổ sung máu giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể? Có nhiều phương thức để đề cập ở đây, nhưng cách đầu tiên sẽ bắt đầu bằng việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

Khi nói đến điều trị bệnh thiếu máu, trước hết phải tìm hiểu tận gốc về nguyên nhân. Vậy thì, trước khi tìm nguyên nhân, chúng ta cần phải hiểu được nguồn gốc sinh ra máu.

Trung y cho rằng ruột là trung tâm tạo máu

Tây y hiện đại cho rằng tủy xương tạo ra các tế bào hồng cầu (RBC) và các loại tế bào bạch cầu (WBC) trong máu và tiểu cầu được hình thành do sự vỡ ra của megakaryocytes trong tủy xương.

Tuy nhiên, trong Linh Khu (Spiritual Pivot), chương Khí Quyết của cuốn “Hoàng đế Nội kinh” viết rằng: “Tỳ, vị, can và túi mật nhận chất dinh dưỡng từ thức ăn và chuyển thành một chất màu đỏ gọi là máu.”

Trung y cho rằng trung tâm tạo máu của con người nằm ở ruột chứ không phải tủy xương như Tây y nói. Sự phân bố máu bình thường ở các bộ phận cơ thể khác nhau như sau:

  • Hệ tiêu hóa: 20 đến 25%
  • Thận: 20%
  • Não: 15%
  • Cơ bắp: 15 đến 20%
  • Da: 4 đến 5%
  • Xương: 3 đến 5%

Những tỷ lệ này cho thấy sự phân bố máu của con người trong hệ tiêu hóa chiếm nhiều nhất. Vì vậy, để tìm hiểu nguyên nhân gây thiếu máu, tốt nhất là nên bắt đầu từ đường ruột.

Thuyết tạo máu ở đường ruột

Tiến sĩ Keiichi Morishita, một bác sĩ nổi tiếng của Nhật Bản, sau nhiều năm thí nghiệm, nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng, đã phát hiện ra rằng nguồn tạo máu của con người là ở ruột.

Lý thuyết tạo máu ở ruột do Tiến sĩ Morishita đề xuất tin rằng enzyme phân hủy thức ăn thành các phân tử nhỏ hơn và trở thành nhũ trấp, một khối bán lỏng của thức ăn được phân hủy một phần. Nhu động ruột sau đó đẩy nhũ trấp xuống ruột non. Nhũ trấp dạng lỏng này được bao quanh bởi nhiều tế bào biểu mô nhung mao trong ruột non. Đây là nơi nhũ trấp được tiêu hóa và phân hủy hoàn toàn. Nhũ trấp được tiêu hóa hoàn toàn sẽ trở thành một phần của tế bào chất trong tế bào biểu mô nhung mao và trở thành tế bào biểu mô nhung mao mới.

Các tế bào biểu mô ruột mới tiếp tục tăng lên sẽ dần dần đẩy các tế bào biểu mô cũ xuống đáy. Quá trình này gây ra sự thay đổi về chất, biến các tế bào biểu mô nhung mao thành nguyên bào hồng cầu. Nguyên bào hồng cầu là những tế bào khá lớn tạo nên các tế bào hồng cầu (RBCs) trong tế bào chất.

Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Tế bào gốc vào năm 2019 cho biết đường ruột của con người chứa các tế bào gốc tạo máu và các tế bào tiền thân khác nhau. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các tế bào máu của người hiến máu lưu thông trong máu của người nhận trong quá trình cấy ghép ruột. Hơn nữa, các tế bào máu từ ruột được cấy ghép luôn có tồn tại với số lượng lớn. Điều này cho thấy rằng ruột được cấy ghép có thể chứa mô sản sinh ra máu và có thể tự mình sản xuất tế bào máu.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 21 bệnh nhân ghép ruột trong hơn 5 năm và phát hiện ra rằng ruột được hiến tặng có thể tạo ra các tế bào gốc và tế bào máu gốc. Những tế bào này được tìm thấy dính vào niêm mạc ruột của người hiến tặng.

Trung y khuyên nên chăm sóc cơ thể tốt để tạo ra máu có chất lượng tốt

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chìa khóa của sức khỏe nằm ở các tế bào và máu. Và chìa khóa quyết định máu có “sạch” hay chất lượng cao hay không lại nằm ở sức khỏe của đường ruột.

Tiêu thụ quá nhiều thịt dễ dẫn đến tình trạng bài tiết phân kém, sinh ra độc tố trong ruột và acid hóa máu. Máu lưu thông khắp cơ thể nên những chất độc trong đường ruột này cũng sẽ lưu thông khắp cơ thể, khiến toàn bộ cơ thể cũng trở nên có tính acid. Độ acid tăng cao có thể gây viêm cấp tính và mạn tính cho cơ thể. Điều này có liên quan đến nhiều bệnh dị ứng, bệnh cấp tính và mạn tính. Theo quan điểm của y học tự nhiên, nguyên nhân gây ung thư chính là do biến chứng bắt đầu từ rối loạn chức năng đường ruột và suy giảm chất lượng máu.

Điều trị các bệnh như thiếu máu đòi hỏi cần có các phương thức tiếp cận nhiều mặt. Quản lý cảm xúc, lối sống và lựa chọn cách thức ăn uống phù hợp là rất quan trọng để kích hoạt quá trình trao đổi chất của cơ thể. Có nền tảng thói quen tốt sẽ giúp dưỡng huyết. Cơ thể có thể tự chữa lành khi đào thải thành công các chất có hại ra ngoài cơ thể.

Ăn uống cân bằng rau, trái cây và thịt

Chương Tố Vấn: Phương pháp luyện Khí trong “Hoàng đế nội kinh” nói: “Ngũ cốc là chìa khóa cho dinh dưỡng cơ bản, ngũ quả là trợ giúp, ngũ súc để cung cấp năng lượng và ngũ thực là chất bổ sung. Kết hợp tất cả những thứ này lại với nhau là rất quan trọng để dưỡng tinh và khí (năng lượng sống).”

Công thức ăn uống cân bằng là điều cần thiết để chăm sóc tốt cho cơ thể và dưỡng khí. Ngũ cốc là chỉ các loại ngũ cốc và cây họ đậu, như gạo japonica, đậu nhỏ, lúa mì, đậu tương và kê vàng. Đây là nguồn cung cấp chính các chất quan trọng cho cơ thể con người. Các loại thực phẩm khác đảm nhận vai trò trợ giúp nhiều hơn.

Ví dụ, ngũ quả có thể bổ sung dưỡng chất, các loại thịt có thể bồi bổ tinh huyết, rau củ có thể bổ khí cho tạng phủ. Do đó, nên ăn ngũ cốc nguyên hạt và các loại ngũ cốc chưa tinh chế khác làm thực phẩm chính, và rau, trái cây, thịt, hải sản tươi, theo mùa làm thực phẩm bổ sung để đạt được sự cân bằng dinh dưỡng. Về số lượng, bạn nên ăn no ở mức khoảng 70 đến 80% để duy trì mức độ đói nhẹ.

Ăn uống trong tĩnh lặng và tránh ăn quá nhiều

Ăn quá nhiều có thể gây khó tiêu, tổn thương dạ dày và đường ruột, làm cơ thể hoạt động quá sức, và tiêu hao năng lượng. Khi đường tiêu hóa bị tổn thương, sẽ không hấp thụ được tất cả các chất dinh dưỡng. Vì vậy ăn quá nhiều không phải là một ý tưởng ​​hay.

Ngoài ra, bạn cũng nên ăn uống tĩnh lặng, không bị phân tâm, không nên nói chuyện, đọc sách, xem điện thoại, xem TV, v.v… trong khi ăn và nhai kỹ thức ăn để nước bọt và thức ăn được trộn đều trước khi nuốt.

Nhai kỹ tốt cho sức khỏe

Hành động nhai kỹ thức ăn nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại rất quan trọng để giữ gìn sức khỏe. Trước đây, điều quan trọng nhất trong việc giữ gìn sức khỏe của Đạo gia là duy trì dịch cơ thể. Các đạo sĩ tin rằng việc tiết đầy nước bọt trong miệng, sau đó súc miệng và nuốt vào sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho sức khỏe.

Tiến sĩ Hiromi Shintani, một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nổi tiếng của Nhật Bản, tin rằng việc ăn nhiều thức ăn có chứa enzyme sống, sau đó nhai kỹ và chỉ ăn no ở mức 80%, là tốt cho sức khỏe.

Đối với thức ăn không được nhai kỹ, cơ thể chỉ có thể hấp thụ được 30%. Khả năng hấp thụ kém cùng với chứng khó tiêu do ăn quá nhiều sẽ khiến đường ruột lên men bất thường, sinh ra các loại độc tố. Để thải độc, cơ thể phải tiêu hao một lượng lớn enzyme. Nhai kỹ thức ăn sẽ làm tăng tiết nước bọt và lượng enzyme dùng để tiêu hóa thức ăn sẽ giảm đi. Điều này cũng có nghĩa là sẽ có nhiều enzyme hơn để thải độc, sửa chữa cơ thể, cung cấp năng lượng và duy trì cân bằng nội mô. Nhờ đó cải thiện sức đề kháng và khả năng miễn dịch, đồng thời kéo dài tuổi thọ.

Đơn thuốc bồi bổ khí huyết cho người thiếu máu

Duy trì sức khỏe của đường tiêu hóa là rất quan trọng trong điều trị bệnh thiếu máu. Nhiều bệnh nhân thiếu máu dễ sinh các triệu chứng chướng bụng, khó tiêu. Để giảm chướng bụng, có thể dùng:

  • Táo gai (phụ nữ có thai không nên dùng)
  • Koji (gạo nấu chín và/hoặc đậu nành lên men bằng Aspergillus oryzae)
  • Mạch nha
  • Trần bì
  • Phật thủ
  • Hương phụ
  • Chỉ xác
  • Cây Mộc lan

Người có chất lượng phân kém, thường xuyên táo bón nên ăn nhiều rau quả, ít thịt, vận động nhiều để giúp kích thích nhu động ruột, giảm tích tụ chất độc trong ruột.

Trung y cho rằng bổ khí có thể sinh huyết. Uống các loại thuốc bổ khí (như Nhân sâm và Hoàng kỳ) để tăng sức sống của các tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể đồng thời tăng chức năng tạo máu. Ngoài ra, các thực phẩm màu đỏ như táo, cà rốt, chà là đỏ, quả sơn tra, thịt bò, và các loại tương tự giúp dưỡng huyết, được khuyên dùng cho người thiếu máu.

Công thức đơn giản để bổ khí huyết

Ba thói quen ăn uống giúp điều trị thiếu máu và dưỡng huyết

Nhân sâm (Nhân sâm Hàn Quốc, nhân sâm Shizhu hoặc Đảng sâm đều có thể dùng được), Long nhãn và Kỷ tử, mỗi vị lấy một lượng thích hợp, đun sôi hoặc pha với nước nóng. Nếu sau khi uống cảm thấy khô miệng, có thể thêm một số vị thuốc bổ âm như Mạch môn đông hoặc Ngọc trúc để cân bằng tính nóng của ba vị thuốc.

*Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc, nhưng thường có bán ở các siêu thị Á Châu.

Lưu ý: Vì thể trạng của mỗi người là khác nhau, nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc các chuyên gia Trung y để lựa chọn các liệu pháp điều trị phù hợp.

Bạn muốn đọc về những chủ đề nào? Vui lòng cho chúng tôi biết tại [email protected].

Bác sĩ Wu Kuo-pin (Ngô Quốc Bân) là giám đốc Phòng khám Trung y Tâm y đường, Đài Loan. Năm 2008, ông bắt đầu học chuyên ngành Trung y và lấy bằng cử nhân tại Đại học Trung Y ở Đài Loan.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo chi tiết tại The Epoch Times

Dr. Wu Kuo-Pin
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bác sĩ Wu Kuo-pin (Ngô Quốc Bân) là giám đốc Phòng khám Trung y Tâm y đường, Đài Loan. Năm 2008, ông bắt đầu học chuyên ngành Trung y và lấy bằng cử nhân tại Đại học Trung Y ở Đài Loan.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn