Chuyên gia: xung đột lợi ích trong hướng dẫn thực đơn ăn uống của Hoa Kỳ

Mối quan hệ chặt chẽ với ngành thực phẩm và dược phẩm của các thành viên cơ quan chính phủ được giao nhiệm vụ thiết lập các lựa chọn cho thực đơn ăn uống của hàng trăm triệu học sinh, bệnh nhân bệnh viện và vô số người khác, đã làm dấy lên mối lo ngại về việc liệu thực đơn ăn uống của người Mỹ có bị mua chuộc hay không.

Theo một nghiên cứu do sáu nhà khoa học, bao gồm cả Teicholz và được tài trợ một phần bởi Nutrition Coalition (Liên Minh Dinh Dưỡng), 95% thành viên của Hội Đồng Cố vấn Hướng Dẫn Thực Đơn Ăn Uống năm 2020—một nhóm gồm 20 người thiết lập các chương trình, tiêu chuẩn dinh dưỡng quốc gia và giáo dục những điều tạo nên lối ăn uống lành mạnh—có xung đột lợi ích với ngành công nghiệp thực phẩm hoặc dược phẩm.

Người sáng lập Liên Minh, Nina Teicholz, là một tác giả điều tra và nhà báo khoa học, nói với The Epoch Times rằng một đánh giá đối với các thành viên trong hội đồng 2025 sắp tới cho thấy thậm chí còn có nhiều xung đột lợi ích liên quan đến ngành công nghiệp hơn, đồng thời tuyên bố rằng “USDA (Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ) dường như đã bị ngành thực phẩm và dược phẩm bắt giữ.”

Bà Teicholz nói, “Mọi người có quyền lo lắng. Chúng ta vẫn đang chứng kiến tỷ lệ dịch bệnh béo phì, tiểu đường và nhiều bệnh khác liên quan đến cách ăn uống, đang làm tê liệt nền kinh tế quốc gia và sức khỏe của chúng ta. Gốc rễ của vấn đề là chính sách về thực đơn ăn uống của chúng ta.”

Danh sách công khai thông tin do ủy ban công bố cho thấy các thành viên Cố Vấn năm 2025 đã nhận được tài trợ từ hàng chục ngành công nghiệp thực phẩm và dược phẩm lớn, bao gồm các công ty dược phẩm Pfizer, Novo Nordisk, Beyond Meat, Eli Lilly and Company, cũng như Abbott Industries-công ty tạo ra sữa công thức cho trẻ em. Tuy nhiên, các thông tin công khai này là bất thường vì không liệt kê những xung đột của từng thành viên ủy ban. Thay vào đó, các công khai này được hợp nhất với nhau mà không phải là cụ thể từng cá nhân.

‘Phần lớn người dân bị bắt giữ’

Bà Teicholz cho rằng tính minh bạch là điều cần thiết vì những hướng dẫn này ảnh hưởng đến hầu hết mọi thành phần trong xã hội Mỹ.

Bà nói, “Chính sách Hướng Dẫn Thực Đơn Ăn Uống là đòn bẩy có ảnh hưởng lớn nhất đến cách chúng ta ăn uống tại Mỹ, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người. Theo luật liên bang, tất cả các chương trình liên bang đều phải tuân theo, bao gồm cả bữa trưa ở trường. Một số tiền khổng lồ đổ vào các chương trình này; chúng được coi là tiêu chuẩn vàng. Không có chính sách nào ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm lớn hơn điều này.”

“Chúng ta có phần lớn người dân bị bắt giữ. Một đứa trẻ đang đi học, một người trong bệnh viện hoặc nhà tù về cơ bản đều bị kẹt trong thực đơn ăn uống này.”

Trong thông cáo báo chí công bố vai trò của hội đồng sắp tới vào ngày 19 tháng 1, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) Xavier Becerra cho biết cơ quan này sẽ tuân theo nguyên tắc khoa học.

Ông Becerra cho biết, “Hội nghị gần đây của Nhà Trắng về Đói, Dinh dưỡng và Sức khỏe đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hiểu khoa học về dinh dưỡng và vai trò của các cấu trúc xã hội đối với việc mọi người ăn thực phẩm lành mạnh.”

“Công việc của ủy ban cố vấn sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đó, giúp HHS và USDA cải thiện sức khỏe cũng như hạnh phúc của tất cả người Mỹ.”

Tuy nhiên, các tuyên bố của một số thành viên thuộc hội đồng đã vấp phải sự chỉ trích. Tiến sĩ Fatima Cody Stanford — người được chọn vào ủy ban mặc dù được cho là đã nhận được 23.188 đô la vào năm ngoái từ nhà sản xuất thuốc Novo Nordisk, nhà sáng chế ra thuốc giảm cân Ozempic — đã tuyên bố trong tập “60 Minutes” ngày 1 tháng 1 rằng béo phì không phải là kết quả của những lựa chọn về lối sống, mà là một “bệnh não” di truyền.

Bà nói trong chương trình, “Nguyên nhân số 1 gây béo phì là do di truyền. Điều đó có nghĩa là, nếu bạn sinh ra từ cha mẹ bị béo phì, bạn có 50% đến 85% khả năng bị, ngay cả với cách ăn uống, tập thể dục, quản lý giấc ngủ và kiểm soát căng thẳng tối ưu.”

Tiến sĩ Christopher Gardner, một thành viên khác thuộc uỷ ban, đã thẳng thắn nói về chủ nghĩa thuần chay của mình và ủng hộ việc người Mỹ theo thực đơn ăn dựa trên thực vật như một cách để đáp ứng “việc giảm phát thải khí nhà kính mà ban đầu Hoa Kỳ đã cam kết theo Thỏa thuận Khí hậu Paris.”

Theo bà Teicholz, việc thiếu sự đa dạng trong suy nghĩ là một trong những chướng ngại lớn nhất.

“Mọi người trong ủy ban đó đều tán thành giáo điều về cách ăn uống truyền thống. Ví dụ, không một người nào trong ủy ban hiện tại có kinh nghiệm nghiên cứu về cách ăn low-carb hoặc đã viết về việc chất béo bão hòa đã bị coi thường một cách bất công ra sao,” bà Teicholz nói.

“Những ủy ban như này thiết tưởng cần có sự cân bằng. Nhưng ủy ban này không hề cân bằng chút nào.”

Bắt đầu từ năm 1980, sau khi Hoa Kỳ lần đầu tiên ban hành Hướng dẫn Thực Đơn Ăn Uống theo đề xuất từ các quan chức, người Mỹ bắt đầu chuyển đổi thực đơn ăn của mình từ thịt, trứng và sữa nguyên chất mà các thế hệ trước đây thường dùng sang ngày càng phụ thuộc vào carbohydrate và các loại thực phẩm ít chất béo bão hoà. Trong cùng thời kỳ đó, các bệnh chuyển hóa như béo phì và tiểu đường tăng vọt.

‘Chúng ta chỉ ngày một yếu đi’

Hướng Dẫn Thực Đơn Ăn Uống mới nhất là “MyPlate” đã chia thực đơn ăn uống thành năm nhóm thực phẩm: trái cây, rau, ngũ cốc, protein, sữa ít béo và không béo. Về protein, trang web hướng dẫn: “Ăn nhiều loại thực phẩm giàu protein để nhận được nhiều chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Nên lựa chọn thịt và gia cầm nạc hoặc ít mỡ, như thịt bò xay 93% nạc, thăn lợn và ức gà không da.”

Bà Teicholz cho rằng không phải ngẫu nhiên mà nước Mỹ chứng kiến số ca ốm đau bệnh tật gia tăng ồ ạt.

Bà Teicholz cho biết, “Chúng ta đã tuân theo các hướng dẫn, nhưng thay vì khỏe mạnh hơn, chúng ta chỉ ngày một yếu đi. Không có thử nghiệm lâm sàng nào cho thấy việc tuân theo các hướng dẫn về thực đơn ăn uống sẽ cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, có khá nhiều thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc tuân theo hướng dẫn này lại có hại cho sức khỏe.”

Bà kết luận, “Bằng chứng rất rõ ràng: những ai mong muốn có sức khỏe thì không nên làm theo lời khuyên của họ.”

Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Matthew Lysiak
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Matthew Lysiak là ký giả được công nhận trên toàn quốc và là tác giả của “Newtown” (Simon và Schuster,) “Breakthrough” (Harper Collins) và “The Drudge Revolution”. Câu chuyện về gia đình anh là chủ đề của loạt phim “Home Before Dark” khởi chiếu vào ngày 03/04 trên Apple TV Plus.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn