Thuốc kháng virus có thể làm giảm tình trạng mất vị giác và khứu giác do COVID-19

Mất vị giác và khứu giác là hai triệu chứng của COVID-19, đôi khi kéo dài nhiều năm sau nhiễm bệnh. Nghiên cứu mới cho thấy một loại thuốc có thể làm giảm thời gian diễn ra các triệu chứng như vậy.

Dữ liệu mới giúp các nhà khoa học phát hiện rằng loại thuốc được thiết kế lần đầu tiên để điều trị COVID-19 (ensitrelvir) cũng có thể rút ngắn thời gian diễn ra các triệu chứng phổ biến của bệnh: mất vị giác và khứu giác – đến khi biến mất.

Vào tháng 4, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp chỉ định Fast Track cho thuốc kháng virus đường uống ensitrelvir (tên thương hiệu Xocova) để điều trị COVID-19. Ngay sau đó, kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên Tập san Clinical Infectious Diseases (Bệnh Truyền Nhiễm Lâm Sàng) cho thấy ensitrelvir an toàn, hiệu quả và thành công trong việc ngăn chặn quá trình nhân lên của virus ở những bệnh nhân COVID-19 từ nhẹ đến trung bình.

Ensitrelvir hiện đang được chú ý với vai trò là giải pháp tiềm năng để giải quyết các triệu chứng mất vị giác và khứu giác do COVID-19 vốn có thể kéo dài nhiều năm sau khi nhiễm trùng cấp tính đã thuyên giảm. Nhiều tác dụng của loại thuốc này [được chứng minh] dựa trên kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ nhà đồng phát triển thuốc, dược phẩm Shionogi Inc., công ty con ở Hoa Kỳ của hãng Shionogi & Co. Ltd. tại Osaka, Nhật Bản.

Ensitrelvir cải thiện các triệu chứng vị giác và khứu giác

Trong một áp phích, Shionogi đã trình bày dữ liệu chứng minh rằng những bệnh nhân dùng ensitrelvir trong vòng ba ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng có thể khôi phục hoặc giảm tình trạng mất vị giác và khứu giác. Theo một bản tin, các nhà nghiên cứu cũng trình bày phân tích về kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 2/3, cho thấy “vào ngày thứ 7 điều trị bằng 125mg ensitrelvir, tỷ lệ bệnh nhân bị rối loạn vị giác hoặc khứu giác thấp hơn đáng kể so với [bệnh nhân dùng] giả dược.”

Tiến sĩ Yohei Doi, giáo sư y khoa tại Đại học Y Dược Fujita ở Nhật Bản cho biết trong thông cáo báo chí, “Là một nhà điều tra đã đánh giá cả dữ liệu lâm sàng và trải nghiệm thực tế với ensitrelvir, tôi lạc quan rằng thuốc này có tiềm năng trở thành một công cụ quan trọng trong việc kiểm soát [các triệu chứng] nằm ngoài dự đoán của COVID-19. Dữ liệu mới … cung cấp một lý do khác để tin tưởng vào loại thuốc đang nghiên cứu này và tiềm năng của nó trong việc trở thành một lựa chọn điều trị hữu ích cho bệnh nhân.”

Những phát hiện này đã được trình bày tại Boston trong cuộc họp IDWeek tháng 10/2023, là hội nghị thường niên quy tụ các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và nhà dịch tễ học từ khắp nơi trên thế giới.

Ensitrelvir vẫn là một loại thuốc đang nghiên cứu, đã nhận được chấp thuận khẩn cấp ở Nhật Bản vào tháng 11/2022 để điều trị COVID-19. Thuốc này chưa được chấp thuận để sử dụng bên ngoài Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Takeki Uehara, phó chủ tịch cao cấp về phát triển thuốc và khoa học quản lý tại Shionogi, hy vọng điều này sẽ thay đổi.

Ông cho biết trong cùng một thông cáo báo chí, “Dữ liệu chúng ta thấy ở Nhật Bản cho thấy những hứa hẹn khi chúng tôi cố gắng đạt được các yêu cầu y tế còn thiếu về COVID-19 và phổ biến ensitrelvir trên toàn thế giới, [trong khi] đang chờ các cơ quan quản lý chấp thuận.”

Mất vị giác và khứu giác ở người lớn Hoa Kỳ

Một bài viết năm 2023 trên Tập san Laryngscope (Nội soi thanh quản) cho thấy 35.8 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ (14% dân số) được chẩn đoán nhiễm COVID-19 vào năm 2021. Trong số đó, ước tính có khoảng 60.5% người bị mất khứu giác, và 58.2% bị mất vị giác.

Hầu hết bệnh nhân (trên 72%) đã hồi phục khứu giác hoàn toàn sau nhiễm trùng. Tuy nhiên, khoảng 1/4 người bệnh chỉ hồi phục một phần. Khoảng 4% cho biết họ vẫn chưa lấy lại được khứu giác.

Việc phục hồi chức năng vị giác cũng tương tự, với hầu hết người bệnh (khoảng 77%) lấy lại được vị giác, trong khi 1/5 người cho biết đã hồi phục một phần. Dưới 3% số người cho biết không hồi phục.

Các tác giả viết trong bài viết năm 2023, “Phần lớn những người trưởng thành bị nhiễm COVID-19 vào năm 2021 đều bị rối loạn chức năng khứu giác hoặc vị giác, trong đó một tỷ lệ nhỏ dân số không hồi phục hoàn toàn hoặc không hồi phục cảm nhận [vị giác và khứu giác] trong thời gian ngắn. Kết quả của chúng tôi rất hữu ích cho các nhà cung cấp dịch vụ [có thể] tư vấn cho bệnh nhân và cho thấy các giải pháp can thiệp làm giảm gánh nặng tổng thể về triệu chứng COVID-19 có thể ngăn ngừa rối loạn chức năng cảm giác kéo dài.”

Phương pháp điều trị khác

Mất khứu giác liên quan đến COVID có thể ảnh hưởng tiêu cực đến con người theo nhiều cách, bao gồm cả việc thay đổi đáng kể chất lượng cuộc sống nói chung của bệnh nhân và dẫn đến tình trạng dinh dưỡng kém. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng và lòng tự trọng thấp cũng có liên quan đến mất vị giác và khứu giác.

May mắn thay, liệu pháp rèn luyện khứu giác có thể phục hồi khứu giác. Cách điều trị bao gồm tiếp xúc nhiều lần với mùi để gợi lại ký ức về những mùi hương quen thuộc như hoa, trái cây, gia vị, và tinh dầu.

ENT Health (Sức khỏe Tai Mũi Họng), tổ chức do American Academy of Otolaryngology–Head and Neck Surgery (Học viện Tai mũi họng – Phẫu thuật Đầu và Cổ Hoa Kỳ) quản lý, khuyến nghị bệnh nhân nên ngửi từng mùi hương riêng lẻ trong ít nhất 10 đến 20 giây từ một hoặc hai lần mỗi ngày. Bốn mùi hương tốt nhất là hoa hồng, chanh, đinh hương và bạch đàn. Cần hoàn toàn tập trung vào bài tập để kích thích ký ức về từng mùi. Sau đó nên hít thở sâu vài lần trước khi chuyển sang mùi hương tiếp theo. Thực hiện bài tập này trong ít nhất ba tháng.

Người bệnh cũng có thể rèn luyện để lấy lại vị giác. Các chuyên gia tại Trung tâm MD Anderson của Đại học Texas khuyến nghị như sau:

  • Bổ sung chanh vào bữa ăn hàng ngày vì hương vị chua sẽ kích thích nước bọt và nụ vị giác.
  • Kết hợp các thực phẩm ngọt, mặn, cay, chua như dưa chua, ô liu, nước sốt cay và nhiều loại nước sốt salad .
  • Hãy thử các loại thực phẩm có kết cấu như táo, cần tây hoặc bơ đậu phộng dính.
  • Luân phiên giữa thức ăn nóng và lạnh.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Mary Gillis
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mary Elizabeth Gillis là ký giả về sức khỏe và chuyên gia về tim phổi với hơn một thập niên kinh nghiệm. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ về sinh lý học ứng dụng, bà lấy bằng thạc sĩ khoa học báo chí tại Đại học Columbia.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn