Tiếp xúc sớm với màn hình có thể làm thay đổi phản ứng giác quan

Tin tốt là tương tác xã hội có thể làm giảm nhẹ các tác động này, theo một nghiên cứu mới.

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi biết rằng việc tiếp xúc với phương tiện kỹ thuật số có thể ảnh hưởng đến quá trình xử lý cảm giác. Tuy nhiên, những tiết lộ của một nghiên cứu mới tiết lộ cho thấy việc này cũng có thể định hình cách trẻ trải nghiệm cảm giác.

Một nghiên cứu mới liên kết giữa việc dùng nhiều phương tiện truyền thông ngay từ khi trẻ mới 1 tuổi với quá trình xử lý giác quan không điển hình sau này. Điều đó có nghĩa là cách trẻ tiếp nhận các kích thích thông qua thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác có thể phản ánh các tình trạng như thờ ơ hoặc quá mẫn cảm.

Xử lý cảm giác là gì?

Xử lý cảm giác cho phép giao tiếp liền mạch giữa não và cơ thể. Các giác quan sẽ tiếp nhận thông tin – ví dụ, màu sắc của lá cờ, tiếng ong vo ve, cảm giác về một chiếc chăn mềm, mùi hoa, vị ngọt của sô cô la – và đưa thông tin đó đến não để diễn giải (“Đó là lá cờ Mỹ !” “Tránh con ong ra!” “Tôi thấy ấm cúng.” “Đó là một bông hoa đẹp.” “Tôi hài lòng.”)

Khi đường dẫn tiếp nhận tín hiệu đầu vào này gặp trục trặc, các phản ứng giác quan sẽ trở nên không bình thường. Đứa trẻ có thể trở nên quá nhạy cảm hoặc kém nhạy cảm với các kích thích khác nhau. Những người quá mẫn cảm có thể bị choáng ngợp bởi những cảm giác mà hầu hết mọi người đều ít chú ý, chẳng hạn như ánh đèn nhấp nháy hoặc nhãn mác quần áo. Ngược lại, những đứa trẻ thiếu nhạy cảm lại khao khát những cảm giác đầu vào, luôn chạm vào, quay tròn, tìm kiếm cảm giác mạnh, có ngưỡng cảm nhận cao, hiếm khi phản ứng với các tín hiệu như chấn thương và phản ứng chậm với cơn đau hoặc sự khó chịu.

Việc có một số khác biệt về cảm giác là điều bình thường ở thời thơ ấu, nhưng dường như thường được biểu hiện rõ nhất ở một số chứng rối loạn phát triển thần kinh. Khoảng 60% trẻ ADHD và 70-95% trẻ rối loạn phổ tự kỷ có biểu hiện hành vi cảm giác không bình thường.

Những phát hiện hiện tại, được công bố trên JAMA Pediatrics (Tập san Nhi khoa JAMA), đã bổ sung quá trình xử lý cảm giác không bình thường vào danh sách các vấn đề liên quan đến việc dành quá nhiều thời gian trước màn hình, bao gồm chậm nói, tư duy chậm, rối loạn hành vi và giấc ngủ.

Tác động của thời gian sử dụng thiết bị đến quá trình xử lý cảm giác ở trẻ mới biết đi

Để xác định xem việc tiếp xúc với TV và video sớm có dẫn đến quá trình xử lý cảm giác không điển hình hay không, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 1,471 trẻ em trong Nghiên cứu về Trẻ em của Viện Y tế Quốc gia. Những đứa trẻ được sinh ra trong khoảng thời gian từ 2011-2014, với số lượng nam và nữ bằng nhau.

Các bậc cha mẹ đánh giá hành vi giác quan của con mình theo thang điểm 5, đánh giá tần suất trẻ biểu hiện các phản ứng như tạo ra tiếng ồn hoặc trốn thoát khỏi môi trường ồn ào – từ hầu như luôn luôn (1) đến hầu như không bao giờ (5). Điểm số thấp hơn cho thấy có nhiều hơn các mô hình cảm giác thường gặp. Nhóm nghiên cứu đã so sánh những xếp hạng này với dữ liệu về việc phơi nhiễm màn hình được thu thập khi trẻ 12, 18 và 24 tháng tuổi.

Các kết quả liên quan đến việc dùng phương tiện truyền thông sớm và thường xuyên với việc tránh cảm giác, tìm kiếm cảm giác và độ nhạy cảm giác ở độ tuổi 1. Ví dụ: tăng thời gian dùng thiết bị có tương quan với việc tránh không gian ồn ào hoặc liên tục tìm kiếm sự kích thích thị giác. Mức độ dùng phương tiện truyền thông cao cũng liên quan đến việc tăng khả năng có phản ứng thái quá với các kích thích.

Mặc dù việc tiếp xúc sớm và thường xuyên có liên quan đến quá trình xử lý cảm giác không điển hình, nhưng các nhà nghiên cứu không thể chứng minh rõ ràng được mối quan hệ nhân quả giữa việc sử dụng phương tiện truyền thông và những bất thường về cảm giác.

Họ đưa ra giả thuyết rằng việc tiếp xúc với màn hình sớm ở mức độ cao có thể gây ra những thay đổi về não tương tự như chứng rối loạn phổ tự kỷ. Điều này bao gồm các vùng xử lý cảm giác phát triển quá mức, tăng mức độ phản ứng với các kích thích, và thiết lập hệ thống nơron thần kinh làm cản trở khả năng tư duy bậc cao.

Các tác giả viết: “Việc dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị có thể làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng ASD, những phát hiện hiện tại khẳng định thêm về nhận định: Thời gian sử dụng thiết bị có thể tác động đến sự phát triển các giác quan”.

Nghiên cứu có thể giúp gì?

Theo các tác giả, trên một khía cạnh tích cực, việc thay thế thời gian sử dụng thiết bị bằng các hoạt động xã hội dường như giúp giảm thiểu các vấn đề về phát triển giác quan.

Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng việc thay thế thời gian sử dụng thiết bị bằng tương tác xã hội có thể làm giảm triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy trẻ em tương tác nhiều hơn với người khác đã cải thiện khả năng giao tiếp và hành vi.

Ngoài ra, nghiên cứu lưu ý rằng, lợi ích ban đầu từ việc giảm sử dụng phương tiện truyền thông có thể bị đảo ngược nếu quay lại thói quen sử dụng màn hình với thời lượng cao. Trẻ em có sự phát triển tích cực khi giảm thời gian sử dụng thiết bị, nhưng sẽ phát triển kém đi nếu chúng quay trở lại mức độ tiếp xúc cao như trước kia.

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn