9 dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường và béo phì là hai căn bệnh phổ biến thời nay. Trung y cho rằng bệnh tiểu đường và béo phì có liên quan chặt chẽ với nhau, thường là do ăn uống không đúng cách dẫn đến tổn thương đường tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa.

Phát hiện những triệu chứng sớm của căn bệnh này giúp bạn điều trị sớm, ngăn chặn biến chứng.

  1. Mệt mỏi liên tục.
  2. Sụt cân không giải thích được.
  3. Nhiễm trùng lặp đi lặp lại, chẳng hạn như ngứa âm hộ khó chữa, nhiễm nấm âm hộ và âm đạo tái phát hoặc mụn nhọt tái phát (nhiễm trùng nang lông).
  4. Bất lực.
  5. Tiểu nhiều và khát nước nhiều.
  6. Thỉnh thoảng phát hiện thấy đường trong nước tiểu nhưng đường máu lúc đói bình thường.
  7. Hạ đường huyết phản ứng (giảm đường máu sau bữa ăn). Đánh trống ngực, đổ mồ hôi và run rẩy khi nhịn ăn.
  8. Xơ cứng động mạch, bệnh mạch vành và tổn thương đáy mắt (mặt sau của mắt).
  9. Suy giảm cảm giác không rõ nguyên nhân, rối loạn chức năng thần kinh thực vật, bí tiểu, tiểu không tự chủ, bệnh mạch máu chi dưới, nhồi máu cơ tim, bệnh thận và đột quỵ ở người cao tuổi.

Lời khuyên về ăn uống cho bệnh nhân tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường có những bữa ăn lành mạnh giúp kiểm soát đường huyết, ổn định huyết áp và mức cholesterol trong máu, từ đó kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường gồm các vấn đề tim mạch, đột quỵ v.v…

1. Không nên ăn quá no và ăn quá nhanh

Nên ngừng ăn khi đã no được khoảng 70% – 80% và nhai kỹ.

2. Ăn canh trước

Nên ăn canh trước bữa ăn sẽ làm tăng cảm giác no và giúp giảm cân một cách tự nhiên. Nếu ăn canh sau bữa ăn sẽ gây đầy hơi, không tốt cho quá trình tiêu hóa và trao đổi chất.

3. Cân bằng thịt và rau

Nên ăn nhiều rau và giảm thịt. Nên bổ sung rau xanh vào hầu hết các bữa ăn, cố gắng cân bằng giữa thịt và rau.

4. Ăn protein trước

Ăn thực phẩm theo thứ tự sau: thịt (số lượng ít hơn rau), sau đó là rau (số lượng nhiều hơn thịt) và cuối cùng là tinh bột.

Enzyme tiêu hóa trong dạ dày chủ yếu là để tiêu hóa chất béo và protein. Ăn thịt trước sẽ giúp tiêu hóa thịt tốt hơn và tránh đầy hơi. Nếu ăn tinh bột ngay miếng đầu tiên rất dễ gây tăng nhanh đường máu.

Nếu ăn theo thứ tự thịt, rau và tinh bột, thì lượng đường trong máu sẽ ổn định hơn, dễ giảm cân hơn.

5. Ăn đúng loại trái cây vào đúng thời điểm

Nên bổ sung các loại trái cây xanh và ít ngọt hơn trong khẩu phần ăn uống, chẳng hạn như cam, quýt, đặc biệt là chanh xanh, chanh vàng, đào, kiwi, bơ, ổi, v.v.

Nên ăn trái cây sau bữa trưa và trước bữa tối vì sau bữa tối cơ thể thường ít hoạt động hơn nên khó có thể tiêu thụ hết lượng đường trong máu trước khi ngủ.

6. Ăn tối ít hơn

Cố gắng ăn ít thực phẩm giàu tinh bột và giảm tổng lượng thức ăn vào ban đêm.

7. Ăn cơm trắng và hạt kê

Gạo lứt chỉ tốt trong một số trường hợp.

Trên lâm sàng, tôi đã phát hiện ra rằng một số bệnh nhân tiểu đường ăn chủ yếu là gạo lứt hoặc gạo ngũ cốc trong thời gian dài, nhưng khả năng kiểm soát lượng đường của họ không được tốt lắm. Kết quả là họ dễ bị thiếu khí, suy nhược, thậm chí mất cơ vì ăn gạo lứt khó tiêu trong một thời gian dài sẽ tiêu hao quá nhiều năng lượng từ lá lách và dạ dày. Theo lý luận của Trung y “tỳ chi phối cơ,” tỳ khí hư thì cơ sẽ suy yếu.

Tôi thường khuyên bệnh nhân tiểu đường nên nấu cơm từ một nửa gạo trắng và một nửa kê. Người xưa tin rằng hạt kê có thể chữa được bệnh tiểu đường, giúp ổn định đường máu, duy trì thể lực và tinh thần tốt.

Trung y điều trị tiểu đường như thế nào?

Bệnh tiểu đường có thể được điều trị hiệu quả bằng các loại thảo dược và thực phẩm Trung Hoa.

Hầu hết các loại thuốc và thực phẩm hạ đường huyết trong danh mục này đều có vị đắng, chẳng hạn như Hoàng Liên, và mướp đắng. Vị đắng trái ngược với vị ngọt, có thể ngăn sự thèm ăn và làm giảm quá trình trao đổi chất.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đường đa trong thảo dược Trung Hoa có tác dụng chống bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu được công bố trên Scientific Reports (Báo cáo Khoa học) vào năm 2021 cho thấy 14 hợp chất hoạt động trong Hoàng Liên có thể làm giảm lượng đường trong máu.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng khẳng định các thành phần trong Hoàng Liên có đặc tính chống viêm.

Ngoài kiểm soát lượng đường trong máu, Trung y cũng xem xét đến việc điều chỉnh nội tạng phù hợp với thể trạng của từng bệnh nhân. Bệnh nhân tiểu đường giai đoạn cuối sẽ được dùng các loại dược liệu nhằm khắc phục tình trạng khí huyết hư và tổn thương [nội tạng], bổ sung dịch và năng lượng cho cơ thể.

Để ngăn ngừa và điều trị bệnh mạch máu do bệnh tiểu đường gây ra, cần dùng các loại thảo mộc như bạch chỉ, hạt quả đào – có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, loại bỏ huyết ứ.

Thiền định, phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường

Nhiều bệnh nhân tiểu đường bị lưu thông máu ngoại biên kém ở chi dưới, thường xuyên tê da bàn chân, thậm chí còn thường xuyên đau dây thần kinh ngoại biên. Ngồi thiền, bắt chéo chân là cách hữu hiệu để cải thiện tình trạng này. Ngồi bắt chéo chân sẽ gây ra thiếu máu cục bộ, nhưng sau khi duỗi chân, lưu lượng máu sẽ tăng lên ngay lập tức. Những đợt tái tưới máu như vậy có thể cải thiện lưu thông máu ngoại vi. Một số người ban đầu có thể cảm thấy đau khi ngồi ở tư thế này – động tác này đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiên trì trong thời gian dài mới thấy được hiệu quả đầy đủ.

Ngoài ra, nghiên cứu gần đây cho thấy thiền định không chỉ là một bài tập thể dục cho sức khỏe thể chất và tinh thần mà còn có thể giúp kiểm soát đường máu. Nghiên cứu được công bố trên tập san Journal of Integrative and Complementary Medicine (Y học Tích hợp và Bổ Sung) vào tháng 02 cho thấy: đối với những bệnh nhân tiểu đường loại 2, khi tập thiền, khí công và yoga đã giảm HbA1c (xét nghiệm máu để xác định đường máu) trung bình là 0.84% – tương tự như dùng thuốc hạ đường huyết metformin. HbA1C là một chỉ số quan trọng của bệnh tiểu đường và bệnh nhân tiểu đường loại 2 nên cố gắng giữ ở mức dưới 7%.

Lưu ý: Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc nhưng thường có bán ở các siêu thị Á Châu và sức khỏe. Các khuyến nghị cho phương thức ăn uống bằng dược liệu chỉ là để bồi bổ sức khỏe hàng ngày. Vì thể trạng và khả năng bị bệnh của mỗi người là khác nhau nên vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để để lựa chọn các liệu pháp điều trị phù hợp.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Dr. Wu Kuo-Pin
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bác sĩ Wu Kuo-pin (Ngô Quốc Bân) là giám đốc Phòng khám Trung y Tâm y đường, Đài Loan. Năm 2008, ông bắt đầu học chuyên ngành Trung y và lấy bằng cử nhân tại Đại học Trung Y ở Đài Loan.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn