Cách ăn uống trường thọ: 6 loại thực phẩm nên ăn sau tuổi 50

Vẫn chưa muộn khi bắt đầu một lối sống lành mạnh ở tuổi 50.

Vẫn chưa muộn khi bắt đầu một lối sống lành mạnh ở tuổi 50. Khi một người bước sang tuổi 50, công việc và cuộc sống gia đình thường ổn định hơn. Làm thế nào những người trên 50 tuổi có thể duy trì sức khỏe và tinh thần tốt, già đi một cách “đẹp lão” bên cạnh bạn đời, vẫn hoạt bát mà không cần dựa vào xe lăn và tiếp tục tận hưởng những chuyến phiêu lưu ngoài trời?

Ông Quách Đại Duy, giám đốc chính của Viện Đa khoa Vân Lâm, phòng khám Trung y Phù Nguyên, đã giới thiệu cách chăm sóc sức khỏe cho những người ở độ tuổi 50 trên chương trình “Health 1+1” của The Epoch Times. Ông khuyến nghị các phương pháp ăn uống và rèn luyện sức khỏe cho người trung niên cũng như các liệu pháp bấm huyệt và ăn uống đơn giản giúp duy trì lá phổi khỏe mạnh vào mùa thu.

Ông Quách nhấn mạnh những người trên 50 tuổi muốn duy trì sức khỏe nên hạn chế hút thuốc lá và rượu. Điều quan trọng là quản lý cân nặng cơ thể, duy trì ăn uống điều độ, tập thể dục vừa phải và học cách để đầu óc thư thái trong khi gìn giữ quan điểm tích cực.

Phương pháp ăn uống

Ông Quách cho biết những người trên 50 tuổi nên ăn nhiều hơn 6 loại thực phẩm sau:

1. Berries (Trái mọng)

Trái việt quất, trái nam việt quất, và bụp giấm đều chứa nhiều chất xơ, vitamin C và flavonoid. Flavonoid có thể tạo ra một lượng đáng kể chất chống oxy hóa trong cơ thể giúp giảm viêm, trợ giúp sức khỏe não bộ, cải thiện cả trí nhớ dài hạn và ngắn hạn, đồng thời ngăn ngừa chứng mất trí nhớ.

Nghiên cứu cho thấy thực phẩm và chất bổ sung có nguồn gốc từ trái mọng hữu ích cho chức năng nhận thức, hiệu suất trí nhớ, chức năng điều khiển và tốc độ xử lý [thông tin].

2. Rau lá có màu xanh đậm

Các loại rau có màu xanh đậm như bông cải xanh, cải xoăn, rau bina, lá khoai lang có nhiều chất xơ, giúp kích thích nhu động ruột và giảm nguy cơ các bệnh tim mạch.

3. Cá

Tiêu thụ cá biển sâu hoặc cá đại dương như cá hồi, cá tuyết và cá hồi vân (trout), nhiều EPA, omega-3 và DHA tốt cho trí óc, có thể giúp giảm viêm mạch máu. Những người tuân theo khẩu phần ăn nhiều thực phẩm có đường và chất béo có thể tích tụ một lượng đáng kể cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) trong mạch máu. Tiêu thụ cá biển sâu có thể giúp loại bỏ cholesterol xấu và khôi phục tính đàn hồi của mạch máu, từ đó giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch.

4. Các loại hạt

Các loại hạt là nguồn dồi dào vitamin E, phosphorus, magnesium, potassium và các khoáng chất khác. Tuy nhiên, không nên tiêu thụ quá nhiều do hàm lượng dầu cao.

Nghiên cứu cho thấy các loại hạt chứa rất nhiều acid béo không bão hòa đơn, acid béo không bão hòa đa, protein thực vật, chất xơ, vitamin, khoáng chất, phytosterol và carotenoids có khả năng chống oxy hóa. Chúng giúp cải thiện lượng đường máu và chuyển hóa lipid, đồng thời giảm viêm, từ đó ngăn ngừa một số bệnh mạn tính.

5. Phô mai

Phô mai chứa lượng lớn đạm whey và là nguồn cung cấp vitamin D. Tuy nhiên, những người bị mề đay hoặc viêm da cơ địa nên thận trọng vì đạm whey có thể gây dị ứng.

Vitamin D có trong phô mai có thể kích thích quá trình hấp thụ calcium, chống mất xương, và ngăn ngừa loãng xương. Các nguồn vitamin D khác bao gồm gan động vật, hải sản, trứng và đậu hũ.

Đáng chú ý, việc tiếp xúc với ánh nắng vừa phải và các bài tập chịu sức nặng có thể làm tăng khả năng hấp thụ vitamin D và calcium trong cơ thể.

6. Sản phẩm từ đậu tương

Đậu tương và sữa đậu tương rất nhiều chất sắt, potassium, và magnesium, có thể làm giảm mức cholesterol một cách hiệu quả. Magnesium cũng giúp cải thiện giấc ngủ và đặc biệt hữu ích cho phụ nữ mãn kinh.

Potassium giúp hạ huyết áp và giảm các biến chứng liên quan đến cao huyết áp và các bệnh tim mạch. Nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhiều chất xơ, bao gồm rau, trái cây, các loại hạt, yến mạch, bánh mì nguyên hạt và gạo lứt, là nguồn cung cấp potassium dồi dào.

Chăm sóc các cơ quan quan trọng để có sức khỏe tối ưu

Ông Quách khuyên những người ở độ tuổi 50 nên đặc biệt chú ý đến sức khỏe thận, lá lách, dạ dày và tim.

1. Thận

Theo Trung y, thận chịu trách nhiệm sinh tủy xương. Sự thiếu hụt năng lượng của thận có thể dẫn đến các dấu hiệu lão hóa sớm như đau lưng và đầu gối, chóng mặt, bạc tóc hoặc rụng tóc sớm và lung lay răng. Những vấn đề này thường liên quan đến làm việc quá sức do đó cần tránh gắng sức quá mức để bảo vệ thận.

2. Lá lách và dạ dày

Duy trì nhu động ruột đều đặn và trơn tru là rất quan trọng cho sức khỏe toàn diện. Ông Quách khuyên nên ăn cho đến khi no khoảng 70%. Điều này khiến cơ thể luôn ở trạng thái hơi đói giúp giảm gánh nặng trao đổi chất cho cơ thể.

Nhiều người ở độ tuổi 50 có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa và nhu động ruột không đều mặc dù đã bổ sung enzyme hoặc men vi sinh. Ông Quách giải thích rằng một số chất bổ sung enzyme có thể chứa các thành phần như chiết xuất hạt quế hoặc sennoside, có tác dụng nhuận tràng. Việc sử dụng các sản phẩm này trong thời gian dài có thể khiến hệ tiêu hóa phụ thuộc vào chúng, dẫn đến mất nhu động ruột tự nhiên. Vì vậy, cách tốt nhất để kích thích nhu động ruột đều đặn là qua ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất.

3. Tim

Theo Trung y, trái tim chi phối các mạch máu và làm chủ tinh thần. Điều này cho thấy rằng trái tim đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa lưu thông máu và quản lý sức khỏe tinh thần. Ông Quách nhấn mạnh rằng cách suy nghĩ có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Một thái độ tích cực và vui vẻ có thể nâng cao khả năng tự phục hồi của cơ thể.

Ông Quách nhớ lại bức tranh thư pháp được một người bạn tặng khi ông mới bắt đầu kinh doanh. Trên đó viết: “Một trái tim vui vẻ là liều thuốc tốt nhất.” Vào thời điểm đó, ông tin rằng câu nói đó dành cho bệnh nhân, nhưng giờ đây ông xem bức thư pháp như một lời nhắc nhở bản thân.

Bí quyết bổ phế cho mùa thu

Nhiều người có xu hướng gặp các triệu chứng ho khi mùa thu đến gần. Trung y nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng lá phổi trong mùa này. Do đó, ông Quách đã cung cấp năm thực đơn đơn giản giúp nuôi dưỡng sức khỏe lá phổi.

1. Súp củ hoa huệ với thân rễ Ngọc trúc thơm

Thành phần: 10 – 20g củ hoa huệ, thân rễ Ngọc trúc thơm và Lan hoàng thảo.

Cách thực hiện: Rửa sạch ba vị dược liệu trên bằng nước lạnh, sau đó đun sôi với nước, và dùng khi đã nguội.

2. Trái mơ bỏ hạt hấp với hoa huệ và củ Bối mẫu

Thành phần: Củ hoa huệ, củ Bối mẫu, nhân mơ và trái mơ bỏ hạt mỗi loại 15g.

Chuẩn bị: Trái mơ bỏ hạt, sau đó xay thành bột cùng với củ Bối mẫu, củ huệ và nhân mơ. Sau đó hấp bằng nồi hơi đôi với nhiệt độ cao trong 25 phút trước khi dùng.

Củ hoa huệ có thể giúp giảm ho và khô họng, thanh nhiệt và duy trì độ ẩm cho lá phổi. Chiết xuất củ hoa huệ, được lên men với Lactobacillus acidophilus, có thể làm giảm tình trạng viêm trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giúp chống tổn thương phổi.

Ảnh: Củ hoa huệ. (Nguồn: Jreika/Shutterstock)
Ảnh: Củ hoa huệ. (Nguồn: Jreika/Shutterstock)

Củ Bối mẫu khô đã được sử dụng làm thuốc giảm ho và chữa bệnh hen suyễn từ thời nhà Hán ở Trung Hoa. Thành phần hóa học chính của Bối mẫu là các alkaloid, được biết đến với đặc tính làm giảm ho, đờm và hen suyễn. Củ Bối mẫu đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh về đường hô hấp khác nhau, bao gồm cả COVID-19.

Ảnh: Củ Bối mẫu (Nguồn: Jiang Zhongyan/Shutterstock)
Ảnh: Củ Bối mẫu (Nguồn: Jiang Zhongyan/Shutterstock)

3. Súp nấm tuyết táo tàu

Nguyên liệu: 1 đến 2 miếng nấm tuyết, 2 miếng táo tàu, 3g nhân sâm Mỹ, 10g củ hoa huệ, 10g khoai lang và 5 hạt bạch quả.

Chuẩn bị: Ngâm nấm tuyết trước, rửa sạch rồi cắt thành từng miếng nhỏ, sau đó vào nồi và nấu trong khoảng một tiếng. TIếp theo, cho các nguyên liệu còn lại vào nồi và đun nhỏ lửa cho đến khi tạo thành hỗn hợp đặc sệt như súp.

4. Cháo củ Bối mẫu và lê tuyết

Nguyên liệu: 500g lê tuyết và 100g gạo nếp.

Chuẩn bị: Ngâm củ Bối mẫu và gạo nếp vào nước lạnh trong một tiếng. Rửa sạch lê tuyết và thái lát. Sau khi nước sôi, cho củ Bối mẫu và gạo nếp vào, đun nhỏ lửa trong 20 phút. Sau đó, thêm lê tuyết thái lát và đun nhỏ lửa thêm 20 phút.

5. Nước giải khát từ 5 loại nước ép

Thành phần: Nước ép lê tuyết, nước ép củ sen, nước ép mía, nước ép củ Mạch môn và nước ép củ Mã thầy.

Chuẩn bị: Lấy các nguyên liệu với lượng như nhau và ép lấy nước uống.

Cách ăn uống trường thọ: 6 loại thực phẩm nên ăn sau tuổi 50
(Ảnh: The Epoch Times)

Ông Quách cũng khuyến cáo ba huyệt trên kinh phổi giúp bổ phế trong mùa thu: huyệt Thiếu thương, nằm ở rìa móng tay cái; huyệt Ngư tế, nằm ở gốc ngón tay cái; và huyệt Liệt khuyết, nằm trên cổ tay.

Theo Trung y, kinh tuyến là những kênh năng lượng luân chuyển trong cơ thể con người. Các cơ quan nội tạng được kết nối với bề mặt cơ thể qua các kinh tuyến này. Dọc theo các kinh tuyến là các điểm cụ thể được gọi là huyệt, có chức năng đơn nhất. Bằng cách kích thích các huyệt tương ứng qua các kỹ thuật như châm cứu và xoa bóp, có thể điều trị các bệnh liên quan đến các cơ quan cụ thể.

Cách ăn uống trường thọ: 6 loại thực phẩm nên ăn sau tuổi 50
(Ảnh: The Epoch Times)

Ông Quách nhấn mạnh rằng sức khỏe không chỉ bao gồm chăm sóc thể chất mà còn bao gồm việc nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần. Giữ cho đầu óc thư thái và tuân theo thói quen đều đặn hàng ngày là cách tiếp cận tốt nhất để có được sức khỏe toàn diện.

Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc nhưng thường có sẵn ở các tiệm thực phẩm sức khỏe và tiệm tạp hóa Á Châu. Điều quan trọng cần lưu ý là phương pháp điều trị có thể khác nhau tùy theo từng người. Vui lòng tham khảo ý kiến ​​của chuyên gia chăm sóc y tế để có kế hoạch điều trị cụ thể.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

JoJo Novaes
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Jojo là người dẫn chương trình Health 1+1. Health 1+1 là nền tảng thông tin y tế và sức khỏe của Trung Quốc có uy tín nhất ở ngoại quốc. Thứ Ba đến thứ Bảy hàng tuần, từ 9 đến 10 giờ sáng theo giờ miền Đông trên truyền hình và trực tuyến, chương trình gồm có những thông tin mới nhất về virus corona, phòng ngừa, điều trị, nghiên cứu khoa học và chính sách, cũng như bệnh ung thư, bệnh mãn tính, sức khỏe tình cảm và tinh thần, miễn dịch, bảo hiểm y tế, và các khía cạnh khác để cung cấp cho quý vị sự chăm sóc, trợ giúp đáng tin cậy và chu đáo. Kênh online: EpochTimes.com/Health; Kênh TV: NTDTV.com/live
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn