Chuyên gia probiotics: Lão hóa khỏe mạnh bắt nguồn từ hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh

Ăn thực phẩm dồi dào probiotic [men vi sinh], đặc biệt là sữa chua, giúp giảm viêm và giảm nguy cơ bị các bệnh liên quan đến tuổi tác.

Đường ruột là cơ quan miễn dịch lớn nhất của cơ thể. Ngoài vai trò là cơ quan tiêu hóa, ruột còn được gọi là “bộ não thứ hai” của cơ thể. Trong chương trình Epoch Times Health 1+1, giáo sư Ying-Chieh Tsai và là chuyên gia về probiotics tại Đại học Quốc lập Dương Minh Giao Thông của Đài Loan (Taiwan National Yang Ming Chiao Tung University), đã trình bày cách tăng probiotics qua thực đơn ăn uống để duy trì sức khỏe đường ruột.

Cách nói hệ tiêu hóa hay “đường ruột” là “bộ não thứ hai” của cơ thể đề cập đến hệ thần kinh ruột trong ruột, nơi chứa hàng trăm triệu tế bào thần kinh tương đương với số lượng tế bào thần kinh được tìm thấy trong tủy sống. Ông Tsai nhấn mạnh rằng bộ não và ruột không có mối quan hệ trên-dưới — từ góc độ phát triển của phôi thai, ban đầu bộ não và ruột nằm cùng nhau và sau đó dần dần phát triển riêng biệt.

Dopamine và serotonin là hai chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến tâm trạng được gọi là “hormone hạnh phúc,” và đa số được tìm thấy trong ruột. Các nghiên cứu cho thấy hơn 50% dopamine và 90% serotonin của cơ thể là do ruột tổng hợp và cung cấp. Cả dopamine và serotonin đều là chất dẫn truyền thần kinh. Do đó, giống như bộ não, ruột cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc điều chỉnh các chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến tâm trạng.

Viêm ruột gây bệnh toàn thân

Đường ruột không khỏe mạnh có thể gây ra các bệnh toàn thân (systemic disease), tất cả đều liên quan đến chứng viêm, bao gồm béo phì, tim mạch, ung thư và trầm cảm. Ông Tsai cho biết cách đây hai hoặc ba thập niên, cộng đồng y khoa đã nhận ra tình trạng viêm có thể dẫn đến các bệnh toàn thân. Qua nghiên cứu hệ vi sinh vật đường ruột, gần đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một nguồn gây viêm chính là ở ruột. Trong ruột có cả lợi khuẩn và hại khuẩn, khi có quá nhiều hại khuẩn ruột, nội độc tố gây viêm LPS được tiết ra, không chỉ gây viêm ruột mà còn xâm nhập vào hệ tuần hoàn, gây viêm toàn thân.

Chuyên gia probiotics: Lão hóa khỏe mạnh bắt nguồn từ hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh

Tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn, sẽ tác động lên hàng rào ruột. Các tế bào ruột vốn được xếp thành từng hàng một, tuy nhiên khi bị viêm thì mối liên kết giữa các tế bào ruột trở nên lỏng lẻo và dẫn đến “hội chứng rò rỉ ruột”. Do đó, các yếu tố gây viêm, vi khuẩn, virus trong ruột dễ dàng xâm nhập vào máu hơn.

Ông Tsai cho biết, “70% bệnh tật bắt nguồn từ đường ruột vì tình trạng viêm phát xuất từ đó – tình trạng viêm càng trầm trọng thì tình trạng rò rỉ ruột càng trầm trọng và các độc tố lưu thông khắp cơ thể, gây ra các bệnh toàn thân.”

Ông Tsai còn cho biết, béo phì, tim mạch, gan nhiễm mỡ, tiểu đường và mỡ máu cao đều là các bệnh thuộc về hội chứng chuyển hóa, còn gọi là các bệnh liên quan đến lối sống. Lối sống không lành mạnh có thể là một nguyên nhân gốc rễ của hội chứng chuyển hóa.

Vì đường ruột rất dồi dào các tế bào thần kinh nên sự mất cân bằng trong hệ vi sinh vật đường ruột cũng dẫn đến các rối loạn tâm thần và thần kinh khác nhau, bao gồm trầm cảm, tự kỷ, bệnh Parkinson và chứng sa sút trí tuệ. Một nghiên cứu của Hong Kong’s Chinese University (Đại học Trung Văn Hồng Kông), được công bố trên Tập san Nature Communications (Trao đổi Tự nhiên); cho thấy sự mất cân bằng trong hệ vi sinh vật đường ruột là yếu tố nguy cơ sớm gây ra bệnh Parkinson, với ít lợi khuẩn và nhiều hại khuẩn trong ruột sẽ kích thích viêm và phá vỡ chức năng hàng rào [bảo vệ] ruột. Xét nghiệm hệ vi sinh vật đường ruột, có thể giúp phát hiện các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson ở giai đoạn sớm.

Hại khuẩn đường ruột đẩy nhanh các triệu chứng lão hóa và bệnh tật

Lão hóa cũng liên quan đến sức khỏe đường ruột. Ông Tsai cho rằng lão hóa tập trung vào chứng viêm thần kinh. Vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh sẽ cải thiện chứng viêm và tình trạng viêm thần kinh sẽ giảm nhẹ. Do đó, đường ruột khỏe mạnh giúp ngăn ngừa lão hóa.

Ông Tsai và nhóm nghiên cứu đã hoàn thành một loạt các nghiên cứu để khám phá cách thức probiotics làm chậm quá trình lão hóa. Thí nghiệm do ông Tsai và nhóm nghiên cứu thực hiện trong năm nay đã được công bố trên Tập san International Journal of Molecular Sciences (Khoa học Phân tử Quốc tế). Kết quả cho thấy, sau khi dùng probiotics, những con chuột bị bệnh Parkinson đã cải thiện chứng khó vận động. Điều này là do probiotics làm giảm miR-155-5p, một phân tử micro RNA gây viêm liên quan đến bệnh Parkinson. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng bổ sung probiotics ở những con chuột bị bệnh Parkinson đã làm giảm micro RNA, vốn liên quan đến tình trạng viêm mà trước đây được phát hiện là tăng ở nhiều bộ phận của ruột và bộ não của chuột.

Ngoài việc liên quan đến quá trình lão hóa của hệ thần kinh, probiotics còn liên quan đến các bệnh về mắt như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và khô mắt. Ông Tsai giải thích rằng những bệnh về mắt này có liên quan đến tình trạng viêm, các yếu tố gây viêm do vi khuẩn đường ruột tiết ra dẫn đến các rối loạn miễn dịch, khiến hệ miễn dịch làm tổn thương giác mạc.

Một thí nghiệm được công bố vào năm 2022 trên Tập san Microbiome Journal (Hệ vi sinh vật) cho thấy việc chuyển hệ vi khuẩn đường ruột của chuột già sang ruột chuột non cũng tạo ra một loạt hiện tượng lão hóa, bao gồm viêm não và viêm võng mạc.

Sữa chua chứa lượng lớn lợi khuẩn

Chúng ta có thể bổ sung lợi khuẩn bằng cách nào? Ông Tsai cho rằng cách bổ sung lợi khuẩn nhanh nhất là ăn sữa chua, cùng một lúc có thể bổ sung hàng trăm triệu lợi khuẩn. Mặc dù các món ăn như: kim chi, natto và phô mai cũng chứa lợi khuẩn nhưng xét về số lượng thì không bằng sữa chua. Ngoài ra, bởi vì các món muối chua có vị mặn nên quý vị không thể ăn quá nhiều một lúc. Do đó, ông đề nghị người cao tuổi nên ăn nhiều sữa chua để bổ sung lợi khuẩn và protein.

Thực phẩm chứa probiotics với hàm lượng muối cao như kim chi và một số loại phô mai, thực sự có thể cải thiện sức khỏe đường ruột. Tiêu thụ vừa phải các loại thực phẩm này, là một cách ăn kiêng để trợ giúp hệ vi sinh vật đường ruột. Ngoài ra, những thực phẩm này chứa oligosaccharide và chất xơ, vốn là thức ăn cho các probiotics, do đó sẽ thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của probiotics trong hệ tiêu hóa.

Ông Tsai cho biết, sau mỗi buổi tập thể dục, ông đi mua một chai sữa chua và ăn với trứng ngâm trà [một món ăn đặc trưng của người dân Trung Hoa]. Đây là cách ông bổ sung lợi khuẩn và hấp thụ protein. Ông cười và nói rằng mình thích sữa chua có đường hơn sữa chua không đường và bị con gái góp ý vì ông tiêu thụ quá nhiều đường. Tuy nhiên, khi chọn sữa chua, việc ông quan tâm hơn là liệu sữa chua đó có lợi khuẩn hay không và ông sẽ đọc kỹ nhãn thành phần dinh dưỡng để kiểm tra chủng loại [lợi khuẩn].

Các chủng lợi khuẩn trong các sản phẩm probiotic

Theo ông Tsai, Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus là hai vi khuẩn chính có trong sữa chua. Các nhà sản xuất cũng sẽ bổ sung thêm một số chủng lợi khuẩn như Bifidobacteria, giúp kích thích nhu động ruột, tăng sức đề kháng và giảm dị ứng. Với người tiêu dùng thông thường, ông khuyên nên lựa chọn sản phẩm sữa chua của các thương hiệu quốc tế, vốn chứa các chủng lợi khuẩn tốt hơn.

Đối với các sản phẩm probiotic chức năng, ông cũng khuyên người tiêu dùng chú ý đến số hiệu chủng [lợi khuẩn], sau đó tìm kiếm trên mạng các tài liệu nghiên cứu liên quan để khẳng định hiệu quả của các lợi khuẩn đó.

Liên quan đến sự xuất hiện gần đây của các sản phẩm probiotics trên thị trường, ông Tsai giải thích rằng probiotics là sản phẩm phụ của quá trình sinh trưởng probiotics, bao gồm probiotics đã chết hoặc sản phẩm trao đổi chất của probiotics. Postbiotics có ưu điểm là dễ vận chuyển, chịu nhiệt tốt và có thể có những chức năng của probiotics. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng probiotics và probiotics là khác nhau. Cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh rằng probiotics có chức năng của chủng [probiotics] ban đầu.

Ăn đúng thực phẩm để nuôi dưỡng lợi khuẩn

Mặc dù một số người thường xuyên ăn sữa chua và bổ sung probiotic nhưng chức năng đường ruột vẫn kém. Ông Tsai cho biết chỉ tiêu thụ probiotics thôi thì chưa đủ để nuôi dưỡng probiotics trong cơ thể, ngay cả khi có nhiều chủng [lợi khuẩn]. Bổ sung prebiotics là cần thiết.

Thực phẩm tốt nhất để bổ sung prebiotics là chất xơ. Ông Tsai đề nghị nên ăn hơn 30g chất xơ mỗi ngày, bên cạnh thực phẩm chính như gạo nguyên cám, gạo mầm, gạo lứt, đậu, khoai tây, nấm, tảo và các loại thực phẩm khác. Kết cấu nhớt của tảo rất phù hợp cho sự phát triển của hai lợi khuẩn là Bifidobacteria và Lactobacillus trong ruột. Ngoài ra, đậu bắp và [đậu nành lên men] natto có chất nhầy đặc trưng, nên đây là những thực phẩm tuyệt vời cho đường ruột.

Natto, đậu bắp và rong biển Wakame
Natto, đậu bắp và rong biển Wakame

Ông Tsai cho biết, “Ngay cả khi quý vị không ăn sữa chua hoặc không bổ sung probiotics, mà chỉ ăn thực phẩm lành mạnh và thêm một chút chất xơ vào thực đơn, thì dần dần lợi khuẩn trong dạ dày cũng sẽ phát triển. Quá trình này sẽ nhanh hơn nếu bạn bổ sung thêm probiotics.”

Hai thói quen sinh hoạt quan trọng cần ưu tiên

Bên cạnh việc ăn uống, thói quen sinh hoạt cũng là cơ sở để duy trì lợi khuẩn đường ruột, bao gồm tập thể dục nhiều hơn, ngủ nghỉ đúng giờ và giảm căng thẳng. Về thói quen sinh hoạt, ông Tsai nhấn mạnh hai điểm sau:

1. Tập thể dục

Tập thể dục giúp cho cơ bắp không bị lão hóa. Các bài tập thể dục nhịp điệu, như chạy và đi bộ có lợi cho sự phát triển của probiotics nhiều hơn là xây dựng cơ bắp. Ông khuyên người lớn tuổi nên đi bộ nhiều hơn. Ngồi quá lâu không tốt cho đường ruột của bạn.

2. Giảm căng thẳng

Để giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống, điều quan trọng là hãy “khen tặng nhiều hơn và buông bỏ hận thù.” Theo ông Tsai, người trẻ tuổi cũng nên chú ý cân bằng cuộc sống. Ông kể rằng, từ nhỏ ông đã có thói quen đi ngủ vào lúc 10 giờ rưỡi tối và thức dậy vào lúc 5 giờ rưỡi sáng. Một nếp sống quy củ có thể giúp giảm căng thẳng.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amber Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Amber Yang là giám đốc tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên trong nhiều năm, đồng thời là ký giả kiêm biên tập viên về sức khỏe và sắc đẹp trong 10 năm. Cô cũng là người dẫn chương trình và nhà sản xuất của các chương trình YouTube "Amber Running Green" và "Amber Health Interview."
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn