Dùng tương miso đúng cách để có hiệu quả bổ thận và chống lão hóa

Tương miso có công dụng bổ thận, chống lão hóa, tuy nhiên cần bảo đảm 3 yếu tố để có được miso chất lượng cao và cần sử dụng đúng cách

Ở Nhật Bản, một câu nói rằng “Nếu bạn có miso, bạn không cần bác sĩ.” Miso giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của người Nhật. Theo số liệu thống kê mới nhất do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố, dân số trên 100 tuổi ở Nhật Bản đã vượt quá 90,000 người vào năm 2022, tăng 4,016 người trên 100 tuổi so với năm trước.

Liệu miso có thực sự mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể con người không? Theo Tiến sĩ Thư Vinh, một bác sĩ Trung y cao cấp tại Vương quốc Anh, cho biết bí mật của sức khỏe miso nằm ở công dụng bảo vệ thận. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên chú ý đến cách ăn uống lành mạnh, nếu không sẽ có hại cho sức khỏe.

Tiến sĩ Thư nói rằng chìa khóa của tuổi thọ nằm ở thận. Trung y cho rằng thận tàng tinh – đại diện cho sức sống bẩm sinh của con người. Ngoài ra, toàn bộ quá trình sinh mệnh của con người đều do thận chi phối, cho nên những thực phẩm tốt cho thận sẽ có tác dụng trường thọ.

(Ảnh: Freepik)
(Ảnh: Freepik)

Thành phần chính của miso là đậu nành. Tiến sĩ Thư đã đề cập rằng theo Trung y thì ngũ cốc (bao gồm gạo, kê, lúa mạch, lúa mì và đậu nành) tương ứng với ngũ tạng, trong đó đậu nành tương ứng với thận. Vì vậy, có một mối quan hệ nhất định giữa miso và tuổi thọ.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Thư cho biết rằng các sản phẩm từ đậu nành có một vấn đề, đó là đường tiêu hóa của con người không dễ hấp thụ, vì vậy, nếu ăn quá nhiều các sản phẩm từ đậu nành có thể gây khó chịu đường tiêu hóa, chẳng hạn như đầy bụng, đau bụng, ợ hơi và xì hơi. Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể kết hợp hiệu quả giữa ăn các loại đậu để bổ thận nhưng vẫn tránh được những vấn đề này ?

Tiến sĩ Thư trả lời rằng điểm mấu chốt là quá trình lên men đậu nành, để vi sinh vật có thể chuyển hóa phân tử lớn thành phân tử nhỏ, giải quyết được vấn đề khó hấp thu, đồng thời có tác dụng tăng cường tiêu hóa và tăng cảm giác ngon miệng. Điều đáng chú ý là Trường Y khoa Harvard cũng khuyến cáo miso như một loại thực phẩm tốt cho đường ruột.

Miso là một loại thực phẩm tốt cho đường ruột. (Ảnh: flyingv3/Shutterstock)
Miso là một loại thực phẩm tốt cho đường ruột. (Ảnh: flyingv3/Shutterstock)

Ba yếu tố chính để có Miso chất lượng cao

Miso có lịch sử hơn một nghìn năm ở Nhật Bản và có 3 kiểu lên men khác nhau:

  • Kome miso (Miso gạo): Được làm bằng cách lên men đậu nành với gạo koji, hơn 80% miso ở Nhật Bản được lên men với gạo koji.
  • Mugi miso (Miso lúa mì): Được làm bằng cách lên men đậu nành với lúa mì koji.
  • Mame miso (Miso đậu nành): Để đậu nành lên men trực tiếp.

Tiến sĩ Thư nhấn mạnh ba yếu tố chính để có được món súp miso chất lượng cao là:

  • Đậu nành tự nhiên: Ngày nay, hầu hết đậu nành được trồng bằng phân bón hóa học hoặc phương pháp biến đổi gene, dẫn đến nguồn cung đậu nành tự nhiên bị hạn chế. Dùng đậu nành tự nhiên chất lượng cao là một yếu tố chính để có món súp miso lành mạnh.
  • Môi trường sản xuất sạch: Quá trình lên men đậu nành đòi hỏi phải sạch sẽ tối đa. Khi đã bị lẫn vi khuẩn vào thì miso sẽ bị hỏng.
  • Quá trình lên men phải chu đáo và kiên nhẫn: Nếu có ý thức về lễ nghi thì phải thực hiện đầy đủ, kiên nhẫn với tâm thành kính. Quá trình đóng gói và lên men cũng không thể vội vàng, nếu không sẽ không chế biến được món miso chất lượng tốt.
Trung Y tin rằng “thối nhập thận” và quá trình lên men được coi là một dạng thối. Miso là một loại thực phẩm lên men, nếu dùng một lượng nhỏ có thể gia tăng và bảo vệ thận khí (hoặc năng lượng thận), nhưng một lượng lớn sẽ tổn hại đến thận khí.
Trung Y tin rằng “thối nhập thận” và quá trình lên men được coi là một dạng thối. Miso là một loại thực phẩm lên men, nếu dùng một lượng nhỏ có thể gia tăng và bảo vệ thận khí (hoặc năng lượng thận), nhưng một lượng lớn sẽ tổn hại đến thận khí. (Ảnh: nana77777/Shutterstock)

Miso thực sự có thể tăng sức đề kháng, chống lão hóa và chống ung thư không?

Ngoài việc kéo dài tuổi thọ, ăn miso thường xuyên có thực sự tăng sức đề kháng, chống lão hóa và chống ung thư không?

Để trả lời câu hỏi, Tiến sĩ Thư nói rằng điều này cần được giải thích từ nhiều khía cạnh. Theo Trung y, nếu khí và huyết của một người lưu thông tốt thì sức đề kháng của người đó sẽ tốt. Miso có tác dụng kiện tỳ ích vị, kích thích ăn ngon miệng, có thể trợ giúp tiêu hóa và hấp thu tốt thức ăn dồi dào dinh dưỡng, chuyển hóa các chất dinh dưỡng thành khí và huyết, vận chuyển đến các hệ cơ quan trong cơ thể. Do việc lưu thông khí và huyết được cải thiện nên sức đề kháng cũng tăng.

Trung y cho rằng khí là “năng lượng” hoặc “sức sống” cấu tạo sự sống trong cơ thể và các chất bổ sung chất dinh dưỡng trong cơ thể là huyết. Khí và huyết phụ thuộc lẫn nhau, lưu thông khắp cơ thể, nuôi dưỡng các cơ quan và mô, đồng thời duy trì các hoạt động sống còn của cơ thể con người. Khi khí và huyết trong cơ thể mất cân bằng hoặc thiếu hụt, bệnh tật hoặc các vấn đề sức khỏe khác có thể xảy ra.

Tiến sĩ Thư cũng nhấn mạnh rằng chống lão hóa cũng có liên quan mật thiết đến thận. Theo cuốn y học cổ điển Trung Hoa “Hoàng Đế Nội Kinh” thì sau 40 tuổi, thận khí sẽ giảm đi một nửa. Vì vậy, bạn phải bảo vệ thận khí để chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ.

Trung y tin rằng “thối nhập thận” và quá trình lên men được coi là một dạng thối. Miso là một loại thực phẩm lên men, nếu ăn một lượng vừa phải có thể bảo vệ và dưỡng thận khí (hoặc năng lượng thận), còn một lượng lớn sẽ tổn hại đến thận khí.

Về việc liệu miso có thực sự chống lại được ung thư không? Tiến sĩ Thư cho rằng tuyên bố này hơi phóng đại. Trên thực tế, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tiêu thụ quá nhiều miso có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tập san Dịch tễ học cho thấy những người tham gia nghiên cứu ăn ít nhất là ba bát súp miso mỗi ngày có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn khoảng 60% so với những người ăn ít hơn.

Tiến sĩ Thư đề nghị không nên cực đoan. Ông ủng hộ việc ăn miso ở mức độ vừa phải và khuyên mọi người nên lưu tâm đến các vấn đề tiềm ẩn phát sinh từ việc ăn quá nhiều miso.

Tiến sĩ cũng nhấn mạnh thêm rằng miso là loại thực phẩm bổ sung, không phải lương thực chính. Cho dù là bệnh nhân huyết áp cao hay người có sức khỏe bình thường đều được khuyên là nên tránh ăn quá nhiều miso.

Miso là một loại thực phẩm lên men có chứa lợi khuẩn có lợi cho sức khỏe đường ruột. Do đó, không thích hợp dùng nhiệt độ cao để nấu súp miso mà nhiệt độ nên nằm trong khoảng từ 40 đến 50 độ C (104 độ F và 122 độ F). (Ảnh: K321/Shutterstock)
Miso là một loại thực phẩm lên men có chứa lợi khuẩn có lợi cho sức khỏe đường ruột. Do đó, không thích hợp dùng nhiệt độ cao để nấu súp miso mà nhiệt độ nên nằm trong khoảng từ 40 đến 50 độ C (104 độ F và 122 độ F). (Ảnh: K321/Shutterstock)

Do trong miso có hàm lượng muối cao, vậy nếu nấu bằng miso, khi nêm gia vị cần giảm bớt lượng muối để hàm lượng sodium không quá cao. Tiến sĩ Thư khuyên bạn rằng khi nấu ăn nên điều chỉnh độ mặn bằng cách nếm thử để kiểm soát lượng miso và muối.

Tiến sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì cách ăn uống cân bằng cho những người có tình trạng sức khỏe khác nhau. Ví dụ, những người bị huyết áp cao nên thận trọng về lượng sodium trong cơ thể, bao gồm cả lượng miso tiêu thụ. Tương tự như vậy, những người mắc bệnh gout cũng nên ăn một lượng vừa phải, nhưng điều đó không có nghĩa là phải bỏ hoàn toàn miso. Thay vào đó, bệnh nhân gout có thể tăng cường hương vị và cân bằng dinh dưỡng bằng cách nêm một lượng vừa phải miso làm gia vị rau củ, giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.

Chế biến súp Miso

Tiến sĩ Thư cho biết, miso là một loại thực phẩm lên men có chứa lợi khuẩn có lợi cho sức khỏe đường ruột. Do đó, không thích hợp dùng nhiệt độ cao để nấu súp miso. Thay vào đó, nhiệt độ phải nằm trong khoảng từ 40 đến 50 độ C (104 độ F và 122 độ F).

Công thức do Tiến sĩ Thư khuyến nghị là:

  1. Trộn miso với nước theo tỷ lệ 1:10.
  2. Thêm hỗn hợp miso vào súp (sau khi đã nguội) và khuấy đều.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Amber Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Amber Yang là giám đốc tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên trong nhiều năm, đồng thời là ký giả kiêm biên tập viên về sức khỏe và sắc đẹp trong 10 năm. Cô cũng là người dẫn chương trình và nhà sản xuất của các chương trình YouTube "Amber Running Green" và "Amber Health Interview."
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn