Táo bón lâu ngày có thể dẫn đến ung thư, 4 huyệt giúp cải thiện

Các nghiên cứu đã xác nhận rằng táo bón mạn tính là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, các liệu pháp Trung y như bấm huyệt, thảo dược và cách ăn uống hàng ngày có thể điều trị hiệu quả chứng táo bón, từ đó giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Nguyên nhân và hậu quả của táo bón

Tỷ lệ táo bón ở người lớn nói chung là khoảng 16%, người trên 60 tuổi là 33%. Người lớn tuổi thường bị táo bón do ruột khô. Người trẻ và nhân viên văn phòng có thể có nhu động ruột kém do ngồi lâu và mức độ căng thẳng cao. Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn trong cách ăn uống hiện đại cũng dẫn đến ngày càng có nhiều người bị táo bón.

Kết quả của một nghiên cứu được công bố trên Tập san Dược lý và Trị liệu bằng Thực phẩm dinh dưỡng (Alimentary Pharmacology and Therapeutics) năm 2014 cho thấy tỷ lệ mắc và tỷ lệ hiện hành của ung thư đại trực tràng ở những bệnh nhân bị táo bón mạn tính cao hơn đáng kể so với nhóm bệnh nhân đối chứng không bị táo bón mạn tính trước đó, và những nguy cơ này tăng lên theo mức độ trầm trọng của táo bón.

Vậy giải quyết vấn đề táo bón như thế nào để giảm hoặc tránh nguy cơ ung thư đại tràng? Hãy cùng nhau tìm hiểu những kiến thức của Trung y cổ xưa về điều trị táo bón.

Năm loại táo bón

Đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về các loại táo bón.

1. Nhu động ruột chậm

Loại táo bón này được đặc trưng bởi tình trạng nhu động ruột chậm và kém, do thói quen đại tiện kém.

Theo Trung y, khoảng thời gian sáng sớm từ 5 giờ đến 7 giờ là thời điểm kinh mạch đại tràng lưu thông, tức là thời gian tốt nhất để đi đại tiện. Tuy nhiên, bạn có thể khó đi đại tiện vào buổi sáng. Kết quả là nhu động ruột kém đi, dẫn đến hiện tượng táo bón do lưu thông chậm.

Trung Y cho rằng cơ thể con người có một hệ thống kinh lạc, là đường dẫn khí, có nhiệm vụ vận chuyển khí (năng lượng quan trọng) và huyết đi khắp cơ thể. Trong cơ thể con người có 12 kinh mạch, mỗi kinh mạch được kết nối với 12 tạng phủ trong cơ thể.

24 tiếng được chia thành 12 khoảng thời gian – mỗi khoảng thời gian là hai tiếng, trong đó các kinh mạch và các cơ quan tương ứng hoạt động đặc biệt hiệu quả. Huyệt vị là những điểm có công năng đặc biệt trên kinh mạch, có thể được kích thích thông qua châm cứu hoặc bấm huyệt để điều trị các bệnh của tạng phủ tương ứng.

2. Căng thẳng

Táo bón do tâm lý, căng thẳng đứng hàng đầu, nhất là ở những người làm việc văn phòng, vốn không thể đi đại tiện vào sáng sớm. Nhiều bạn trẻ hiện nay có thói quen thức khuya và có thể bỏ bữa sáng hoặc không có đủ thời gian để đại tiện. Áp lực căng thẳng gấp đôi về thời gian và tâm trạng rất có thể gây ra chứng táo bón do căng thẳng.

3. Các khối u hoặc bệnh ở hậu môn hoặc đại trực tràng

Đây là chứng táo bón do khối u hoặc các bệnh khác ở trực tràng hoặc ruột già gây ra. Ngược lại, táo bón cũng có thể gây ra các khối u ở trực tràng hoặc ruột già.

4. Mang thai

Một số phụ nữ bị táo bón khi mang thai.

5. Thuốc

Đây là chứng táo bón có thể do dùng thuốc điều trị các bệnh lý khác.

Xoa bóp 4 huyệt để kích thích nhu động ruột

1. Huyệt Khổng tối (LU 6): Trị táo bón và trĩ

Xoa bóp bấm huyệt có thể kích thích nhu động ruột. Đối với bệnh trĩ do nhu động ruột kém hoặc táo bón, phần lớn người xưa đều dùng huyệt Khổng tối để điều trị, hiệu quả rất tốt.

Huyệt Khổng tối nằm trên đường bờ ngoài của cẳng tay, phía ngón tay cái, ở giữa nếp gấp cổ tay và khuỷu tay.

Khi phân quá cứng hoặc đại tiện kém, có thể dùng tay bấm vào huyệt Khổng tối để kích thích trực tràng và nhu động ruột.

Táo bón lâu ngày có thể dẫn đến ung thư, 4 huyệt giúp cải thiện
(Ảnh: The Epoch Times)

2. Huyệt Thừa sơn (BL57): Trị táo bón, trĩ và đau thắt lưng

Huyệt Thừa sơn nằm ở giữa cẳng chân, giữa nếp gấp đầu gối và gót chân, chỗ lõm do cơ bụng chân tạo thành. Cũng như huyệt Khổng tối, huyệt Thừa sơn cũng giúp điều trị bệnh trĩ và táo bón rất hiệu quả. Chỉ cần bấm huyệt đúng cách thì chứng táo bón có thể gần như khỏi hẳn.

Huyệt Thừa sơn cũng có thể dùng để chữa đau thắt lưng. Vì vậy, những người bị đau thắt lưng, táo bón và bệnh trĩ có thể bấm huyệt này để giảm đau.

Táo bón lâu ngày có thể dẫn đến ung thư, 4 huyệt giúp cải thiện
(Ảnh: The Epoch Times)

3. Huyệt Thần môn (HT 7): Trị táo bón do căng thẳng và giúp ngủ ngon

Huyệt Thần môn có thể giúp giải tỏa căng thẳng và áp lực. Vị trí huyệt nằm ở điểm giao giữa cổ tay và đường nối từ giữa ngón út và áp út. Khi bấm huyệt Thần môn, không chỉ có thể làm giảm căng thẳng thần kinh ngay lập tức mà còn cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Do đó, phối hợp bấm cả huyệt Thần môn và huyệt Tam âm giao thường được dùng để điều trị rối loạn tâm thần hoặc rối loạn giấc ngủ. Huyệt Thần môn giúp giảm căng thẳng, vì vậy nếu bị táo bón do căng thẳng, bạn có thể bấm huyệt Thần môn để dễ đi tiêu hơn.

Táo bón lâu ngày có thể dẫn đến ung thư, 4 huyệt giúp cải thiện
(Ảnh: The Epoch Times)

4. Huyệt Thiên khu (ST 25): Trị táo bón và tiêu chảy

Huyệt Thiên khu có tác dụng tốt trong điều trị cả táo bón và tiêu chảy. Huyệt Thiên khu nằm ở hai bên rốn, cách rốn khoảng ba khoát ngón tay.

Dùng ngón tay cái ấn nhẹ vào huyệt rồi thả tay ra, lặp lại từ 7 – 9 lần.

Táo bón lâu ngày có thể dẫn đến ung thư, 4 huyệt giúp cải thiện
(Ảnh: The Epoch Times)

Bài thuốc Trung Y trị táo bón

Nhiều bài thuốc thảo dược thời cổ xưa đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị các chứng bệnh khác nhau. Mặc dù cách sử dụng là tùy thuộc vào bệnh của từng người, nhưng vẫn có hiệu quả chữa bệnh tốt nếu được điều chỉnh cho phù hợp.

1. Bài thuốc Ngũ nhân hoàn: Bôi trơn ruột và kích thích nhu động ruột

Bài thuốc Ngũ nhân hoàn gồm 5 loại hạt: hạt thông, hạt Trắc bách diệp, hạt anh đào Nhật Bản, hạt đào và hạt mơ, kết hợp với vỏ quýt.

Những hạt này chứa rất nhiều dầu, giúp bôi trơn đường ruột một cách tự nhiên. Bài thuốc này chủ trị cho những bệnh nhân táo bón do khí hư, đặc trưng bởi nhu động ruột chậm.

2. Nhục thung dung và Hà thủ ô: Làm ẩm ruột và bổ thận cho người lớn tuổi

Một số người cao niên có thể bị đi tiêu kém do ruột khô. Càng lớn tuổi thì ruột càng khô. Lúc này, nên kết hợp các bài thuốc giúp làm ẩm ruột và các loại thảo mộc bổ thận, ví dụ như Nhục thung dung và Hà thủ ô. Hai loại thảo mộc này có thể đồng thời giúp dưỡng thận và lưu thông ruột trơn tru.

3. Rễ Bạch chỉ Trung Hoa: Bổ máu, bôi trơn ruột, và cải thiện khả năng sinh sản

Tôi có một bệnh nhân kết hôn bảy đến tám năm rồi mà không thụ thai lại còn bị táo bón. Tôi khuyên cô ấy nên dùng 100g rễ cây Bạch chỉ Trung Hoa mỗi ngày. Rễ Bạch chỉ Trung Hoa không chỉ dưỡng huyết mà còn có thể bôi trơn ruột. Sau khi uống vài tháng, cô ấy đã không chỉ đi tiêu dễ dàng mà còn có thai và sinh được hai con.

4. Cách ăn uống

Những người bị táo bón nên ăn một số loại trái cây tốt cho nhu động ruột như đu đủ, chuối, và dứa. Những loại trái cây này rất hữu ích đối với việc cải thiện nhu động ruột.

Đu đủ rất dồi dào chất xơ và enzyme, có thể phân hủy protein, kích thích nhu động đường tiêu hóa, giúp đại tiện dễ dàng. Ăn nửa trái đu đủ mỗi ngày giúp giảm táo bón hiệu quả.

Đu đủ cũng chứa một lượng đáng kể lutein, trợ giúp cho độ nhạy của các tế bào cảm quang trong võng mạc của mắt. Vì đu đủ có hàm lượng lutein cao, cho nên ăn một lúc một nửa đến một trái đu đủ có thể tạm thời khiến lòng bàn tay, mắt và mặt hơi vàng. Tuy nhiên, không cần phải lo lắng; màu sắc này là vô hại và sẽ tự nhiên biến mất ngay sau khi dừng ăn.

Dứa chứa rất nhiều chất xơ và giống như đu đủ, dứa cũng chứa các enzyme phân hủy protein. Vì vậy, y học hiện đại cho rằng dứa là loại trái cây có thể loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể và kích thích tiêu hóa. Dứa cũng chứa acid citric, là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào.

*Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc, nhưng thường có bán ở các siêu thị Á Châu.

Lưu ý: Do thể trạng của mỗi người là khác nhau, vì vậy, nên tham khảo ý kiến của chuyên gia Trung y hoặc bác sĩ của bạn để lựa chọn các liệu pháp điều trị phù hợp.

Bạn muốn đọc về những chủ đề nào? Vui lòng cho chúng tôi biết tại [email protected]

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo chi tiết tại The Epoch Times

Anne Lee
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn