Thượng Nghị sĩ (TNS) cao cấp Hoa Kỳ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) đang gây áp lực buộc chính phủ Tổng thống (TT) Biden tuyên bố Nga là “nhà nước bảo trợ khủng bố” và gửi chiến đấu cơ F-16 viện trợ quân đội Ukraine trong cuộc chiến Nga-Ukraine.

Nếu được chấp thuận thì các đề xướng của TNS Graham cho thấy sự gia tăng đáng kể trong viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine. Ông Graham đưa ra bình luận này chỉ một ngày sau khi Phó Tổng thống (PTT) Kamala Harris chính thức tuyên bố nước Nga của ông Putin đã phạm “tội ác phản nhân loại” ở Ukraine.

Chiến đấu cơ F-16

“Họ cần hệ thống khí tài,” ông Graham nói trong chương trình “This Week” của đài ABC được phát sóng hôm Chủ Nhật (19/02) – ám chỉ đến Ukraine.

“Chúng ta đang nói về việc PTT Hoa Kỳ tuyên bố rằng Nga có liên quan đến tội ác phản nhân loại ở tất cả các nơi tại nước Đức, dư âm của Đệ nhị Thế chiến. Sao quý vị có thể nói như thế — và bà ấy nói đúng — mà lại không cung cấp cho nạn nhân của tội ác phản nhân loại khí tài tự vệ mà họ cần để ngăn chặn tội ác chứ?”

Ông Graham nói từ Munich, hồi cuối tuần của Hội nghị An ninh Munich thường niên, sự kiện đã thu hút sự tham dự của gần 50 nhà lập pháp Hoa Kỳ và hàng trăm chính trị gia trên toàn thế giới năm nay.

“Vì vậy, chúng ta cần nhanh chóng làm hai việc,” ông Graham nói tiếp. “Tuyên bố Nga là nhà bảo trợ khủng bố theo luật pháp Hoa Kỳ, điều này sẽ khiến Trung Quốc khó cung cấp khí tài cho Nga hơn và chúng ta cần bắt đầu đào tạo phi công Ukraine sử dụng F-16 ngay bây giờ.”

Chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon của Không quân Hoa Kỳ từ Đơn vị 140 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Colorado trong cuộc tập trận Sabre Strike của NATO bay qua căn cứ không quân quân sự Amari, Estonia, hôm 12/06/2018. (Ảnh: Ints Kalnins/Reuters)
Chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon của Không quân Hoa Kỳ từ Đơn vị 140 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Colorado trong cuộc tập trận Sabre Strike của NATO bay qua căn cứ không quân quân sự Amari, Estonia, hôm 12/06/2018. (Ảnh: Ints Kalnins/Reuters)

Theo như đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết, quyết định liên quan đến việc điều chiến đấu cơ tới Ukraine vẫn đang chờ chấp thuận.

“Chúng tôi phải bảo đảm, và tôi nghĩ rằng Bộ trưởng Blinken cũng đã nói điều này, rằng họ cần được huấn luyện những kỹ năng cần thiết và có khả năng sử dụng các hệ thống khí tài mà chúng tôi cung cấp cho họ,” bà Greenfield nói trong chương trình “State of the Union” của CNN hôm 19/02. “Các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục trong vài tuần và vài tháng tới, khi chúng tôi xác định cách tốt nhất để viện trợ cho họ.”

Hồi tháng Một, TT Joe Biden đã trả lời là “không” khi được hỏi liệu ông có cân nhắc cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine hay không.

Tuy nhiên, The New York Times đã trích dẫn các thư từ của các quan chức Hoa Kỳ sau sự từ chối của TT Biden, cho thấy rằng việc điều F-16 không nằm ngoài vấn đề đang được bàn luận.

Cho đến nay, Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp một khẩu đội hỏa tiễn phòng không Patriot. Phương tiện Chiến đấu Bradley, cũng như 31 xe tăng M1 Abrams cho Ukraine.

Xe tăng M1A2 “Abrams” của Hoa Kỳ di chuyển đến các vị trí khai hỏa trong cuộc tập trận quân sự chung do Hoa Kỳ dẫn đầu “Noble Partner 2016” gần Vaziani, Georgia, hôm 18/05/2016. (Ảnh: David Mdzinarishvili/Reuters)
Xe tăng M1A2 “Abrams” của Hoa Kỳ di chuyển đến các vị trí khai hỏa trong cuộc tập trận quân sự chung do Hoa Kỳ dẫn đầu “Noble Partner 2016” gần Vaziani, Georgia, hôm 18/05/2016. (Ảnh: David Mdzinarishvili/Reuters)

“Tôi tin rằng một quyết định sắp được đưa ra ở đây khi chúng tôi quay trở lại Hoa Thịnh Đốn rằng chính phủ sẽ bắt đầu đào tạo các phi công Ukraine sử dụng F-16,” ông Graham cho hay.

Tờ Politico đưa tin rằng hai ngày trước đề xướng của ông Graham, một nhóm lưỡng đảng của Hạ viện Hoa Kỳ đã gửi một thư kiến ​​​​nghị ông Biden điều chiến đấu cơ F-16 đến Ukraine; các bên ký kết bao gồm các Dân biểu Jared Golden (Dân Chủ-Maine), Jason Crow (Dân Chủ-Colorado), Chrissy Houlahan (Dân Chủ-Pennsylvania), Tony Gonzales (Cộng Hòa-Texas) và Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin).

Các nhà lập pháp viết “Chiến đấu cơ F-16 hoặc chiến đấu cơ thế hệ thứ tư tương tự sẽ cung cấp cho Ukraine một nền tảng cơ động cao để nhắm mục tiêu vào hỏa tiễn không đối không và phi cơ không người lái của Nga, để bảo vệ lực lượng mặt đất của Ukraine khi họ giao chiến với quân đội Nga, cũng như giao chiến với chiến đấu cơ của Nga để tranh giành ưu thế trên không,” theo tờ Politico cho hay.

Nhà nước bảo trợ cho phái đoàn khủng bố

Ông Graham cũng thúc giục chính phủ TT Biden chỉ định Nga là “nhà nước bảo trợ khủng bố.”

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, “các quốc gia mà Bộ trưởng Ngoại giao xác định rằng đã nhiều lần viện trợ cho các hành động khủng bố quốc tế” được chỉ định là nhà nước bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố và phải chịu các biện pháp trừng phạt đơn phương. Theo trang web này, các biện pháp trừng phạt cũng áp dụng đối với những cá nhân và quốc gia tham gia vào một số giao dịch nhất định với các nhà nước bảo trợ khủng bố.

Hiện tại, Hoa Kỳ đã chỉ định bốn quốc gia là nhà nước tài trợ khủng bố, bao gồm Cuba, Iran, Bắc Hàn và Syria.

“Quý vị chỉ định nước Nga của ông Putin là nhà nước bảo trợ khủng bố [và] quý vị thành lập các tòa án quốc tế để chúng ta thực sự có thể xét xử ông Putin và những người thân cận của ông ta tại tòa án quốc tế giống như chúng ta đã làm sau Đệ nhị Thế chiến,” ông Graham nói với ABC.

Ông Graham và TNS Richard Blumenthal (Dân Chủ-Connecticut) đã giới thiệu một dự luật tại thượng viện hồi tháng Chín năm ngoái, nếu được thông qua, sẽ chỉ định Nga là nhà nước bảo trợ khủng bố. Tuy nhiên, chính phủ TT Biden đã tỏ ra miễn cưỡng trong việc tiến hành chỉ định này.

Trong một cuộc họp báo hồi tháng 09/2022, Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng việc chỉ định sẽ không phải là “con đường hiệu quả nhất hay mạnh mẽ nhất… để buộc Nga phải chịu trách nhiệm” và có thể gây ra “những hậu quả không mong muốn” chẳng hạn như ảnh hưởng đến “các khả năng cung cấp viện trợ trong các khu vực của Ukraine.”

Tháng 11/2022, Liên minh Âu Châu đã công nhận Nga là một nhà nước bảo trợ khủng bố.

Vấn đề Trung Quốc

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) làm động tác tay khi nói chuyện với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand, Uzbekistan, hôm 16/09/2022. (Ảnh: Sergei Bobylev, Sputnik, Kremlin Pool Photo qua AP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) làm động tác tay khi nói chuyện với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand, Uzbekistan, hôm 16/09/2022. (Ảnh: Sergei Bobylev, Sputnik, Kremlin Pool Photo qua AP)

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ, bao gồm Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri), đã bày tỏ lo ngại rằng viện trợ quân sự ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ cho Ukraine sẽ gây ra chi phí cơ hội trên một mặt trận chiến lược khác: ngăn chặn Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo ông Hawley, cam kết hiện tại của Hoa Kỳ trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine đang gây tổn hại khả năng của quốc gia này trong việc viện trợ cho Đài Loan, một nền dân chủ tự do Trung Quốc tự trị, khỏi sự xâm lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). ĐCSTQ đã công bố ý định rõ ràng là buộc Đài Loan trở thành lãnh thổ của mình.

“ĐCSTQ hiểu rằng nếu các nguồn lực của chúng ta được dồn vào Ukraine, thì đó là những nguồn lực mà chúng ta không thể sử dụng để ngăn chặn cuộc xâm lược vào Đài Loan. Như Napoleon đã nói, ‘Nếu quý vị muốn chiếm Vienna, hãy chiếm Vienna.’ Trung Quốc muốn kiểm soát khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và chúng ta phải ngăn chặn họ ở đó,” các nhà lập pháp nói trong một bài diễn văn tại Quỹ Di sản hồi tháng Hai.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) đưa ra nhận xét trong phiên điều trần xác nhận của Ủy ban Tư pháp Thượng viện cho ứng cử viên Tối cao Pháp viện, Thẩm phán Ketanji Brown Jackson tại Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Hart trên Điện Capitol ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 21/03/2022. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) đưa ra nhận xét trong phiên điều trần xác nhận của Ủy ban Tư pháp Thượng viện cho ứng cử viên Tối cao Pháp viện, Thẩm phán Ketanji Brown Jackson tại Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Hart trên Điện Capitol ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 21/03/2022. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

“Tuy nhiên, Quốc hội đã rót hàng tỷ dollar vào các biện pháp phòng thủ của Ukraine, vào thời điểm mà người dân Mỹ vẫn đang đương đầu với lạm phát cao ngất ngưởng. Và trước mắt không có biết khi nào hoạt động viện trợ đó mới chấm dứt,” ông Hawley nói.

“Vấn đề cốt lõi là các hành động của chúng ta ở Ukraine đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng khai triển lực lượng của chúng ta ở những nơi khác,” ông nói thêm. “Cụ thể là để ngăn chặn Trung Quốc ở Thái Bình Dương… Tất cả những điều này có nghĩa là khi chúng ta đổ sức mạnh quân sự của mình vào Ukraine, quyết định đó sẽ phải trả giá.”

Gary Bai
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Gary Bai là phóng viên của Epoch Times Canada, đưa tin về Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn