2 loại thực phẩm quen thuộc là ‘thuốc bổ máu tự nhiên’

Trong quan niệm của Đông y, thực phẩm màu đỏ có tác dụng dưỡng Tâm (tim). Trên thực tế, có rất nhiều thực phẩm màu đỏ có thể bổ máu, xứng đáng với tên gọi “bổ huyết tề” (thuốc bổ máu). Ví dụ như trong cuộc sống hàng ngày chúng ta thường gặp các loại như thực phẩm đường đỏ, táo đỏ… đều là những thực phẩm bổ máu thường được sử dụng.

Đường đỏ

Từ xa xưa, đường đỏ (còn gọi là ‘hồng đường’) đã được người xưa coi là một sản phẩm bổ máu dưỡng huyết, trong các sách y học cổ đều có ghi chép lại những điều này: “Ôn nhi bổ chi, ôn nhi thông chi, ôn nhi tán chi” (ấm thì bổ, ấm thì thông thuận, ấm thì phát tán), chính là nói tác dụng ấm bổ của đường đỏ.

Trong đường đỏ có chứa lượng lớn glucose, sau khi đi vào cơ thể, glucose sẽ nhanh chóng phân giải và được tế bào cơ thể sử dụng. Ngoài việc có thể bổ sung thể lực nhanh chóng, glucose còn có thể sinh ra nhiệt lượng, đây chính là nguyên nhân sau khi uống xong nước đường đỏ thì thân thể trở nên ấm áp.

2 loại thực phẩm quen thuộc là ‘thuốc bổ máu tự nhiên’
Từ xa xưa, đường đỏ đã được người xưa coi là một sản phẩm bổ máu dưỡng huyết. (Ảnh: Shutterstock)

Táo đỏ

Các nghiên cứu về dinh dưỡng học của Tây phương đã phát hiện ra rằng, trong táo đỏ rất giàu vitamin C và acid folic. Acid folic là nguyên liệu chính cấu thành huyết sắc tố (còn gọi là Hemoglobin), vitamin C có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng sắt cũng như tái tạo các tế bào hồng cầu.

Đông y lại cho rằng táo đỏ có tác dụng bổ tỳ vị, bổ khí dưỡng huyết. Bởi vậy, trong rất nhiều thực đơn dưỡng sinh thường cho thêm táo đỏ, rất được mọi người ưa chuộng.

Khi ăn táo đỏ, thì không nên ăn sống, đặc biệt là đối với phụ nữ có hệ tiêu hóa không tốt. Bởi vì ăn táo đỏ sống không dễ tiêu hóa, dễ gây trướng bụng, tốt nhất là hấp rồi ăn hoặc nấu nước uống.

Nếu người bị chứng huyết hư hoặc thận dương hư, tay chân thường xuyên lạnh buốt, thì có thể sử dụng bài thuốc “Thất táo thang”.

Bài thuốc Thất táo thang

Nguyên liệu: Táo đỏ 7 quả, nước sôi 500ml.

Cách chế biến: Rửa sạch 7 quả táo đỏ, dùng dao nhỏ rạch vào mỗi quả táo khoảng 7 đường rạch trở lên. Cho táo đỏ vào nồi, đổ 500ml nước sôi, dùng nắp đậy kín và hầm khoảng 8 tiếng hoặc qua đêm, sáng sớm ngày hôm sau đun to lửa nấu sôi lên, sau đó lại hạ lửa nhỏ hầm từ từ khoảng 30 phút là được.

Dùng cả nước lẫn táo khi còn nóng. Nếu tình trạng huyết hư nghiêm trọng, còn có thể cho thêm một ít đường đỏ.

2 loại thực phẩm quen thuộc là ‘thuốc bổ máu tự nhiên’
Bài thuốc ‘Thất táo thang’ có thể phát huy đầy đủ hiệu quả của táo đỏ, đạt được tác dụng điều hòa âm dương, điều tiết doanh khí và vệ khí, sản sinh tân dịch. (Ảnh: Shutterstock)

Trong “Bản Thảo Tái Tân” có ghi chép về táo đỏ: “Bổ trung ích khí, tư thận noãn vị”; còn trong “Nhật Hoa Tử Bản Thảo” thì viết về táo đỏ rằng: “Nhuận tâm phế, bổ ngũ tạng”.

Thất táo thang có thể phát huy đầy đủ hiệu quả của táo đỏ, đạt đến tác dụng điều hòa âm dương, điều tiết doanh khí và vệ khí, sản sinh tân dịch, rất thích hợp cho phụ nữ bị thận dương thiếu hụt, can khí không thoải mái, khí sắc không tốt, hơn nữa cũng có thể bảo vệ Vị khí.

Tuy nhiên, điều cần phải lưu ý là, nếu như cơ thể không bị huyết hư, còn có người dễ bị chứng “thượng hỏa” (nhiệt, nóng trong người) thì không thích hợp dùng Thất táo thang, nếu dùng có thể sẽ làm nghiêm trọng thêm tình trạng này.

(Trích từ cuốn “Nghịch Linh Dưỡng Sinh” của Nhà xuất bản Thế Mậu).

Hàn Học Kiệt thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn