Hướng dẫn cơ bản về bệnh tim: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và các liệu pháp tự nhiên

“Bệnh tim” là thuật ngữ dùng để mô tả nhiều bệnh lý khác nhau ảnh hưởng đến tim.

Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ. 34 giây lại có một người tử vong, cứ năm ca tử vong thì có một người bị bệnh tim mạch.

Các bệnh tim phổ biến

“Bệnh tim” là thuật ngữ dùng để mô tả nhiều bệnh lý khác nhau ảnh hưởng đến tim. Những bệnh này bao gồm:

  • Bệnh động mạch vành (CAD)
  • Rối loạn nhịp tim
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Bệnh cơ tim
  • Bệnh van tim

Nguyên nhân gây ra bệnh tim

Bệnh động mạch vành

Theo CDC, bệnh động mạch vành (CAD) là loại bệnh tim phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.

Hướng dẫn cơ bản về bệnh tim: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và các liệu pháp tự nhiên
Bệnh động mạch vành là kết quả của sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch. (Ảnh: The Epoch Times)

Bệnh động mạch vành là do sự tích tụ các chất béo lắng đọng, còn được gọi là mảng bám, trong thành động mạch vành – một quá trình gọi là xơ vữa động mạch. Các động mạch vành chạy quanh tim có chức năng cung cấp máu, chất dinh dưỡng và oxy cho cơ tim.

Khi những mảng bám này tích tụ bên trong động mạch, lưu lượng máu đến tim bị giảm hoặc tắc nghẽn. Mảng bám vỡ ra, có thể gây đau ngực và khó chịu, gọi là đau thắt ngực hoặc đau tim.

Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là nhịp tim không đều. Chứng loạn nhịp tim phát sinh khi các tín hiệu điện điều khiển nhịp tim không hoạt động bình thường.

Nhiều yếu tố có thể gây rối loạn nhịp tim, bao gồm cả bệnh tim bẩm sinh từ khi sinh ra, như tứ chứng Fallot hoặc thông liên nhĩ.

Thông thường, nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các tình trạng về tim hoặc mạch máu như huyết áp cao, bệnh cơ tim, bệnh động mạch vành, thay đổi cơ tim và rối loạn van tim có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim. Rượu vang đỏ, lạm dụng rượu và caffeine cũng có thể gây rối loạn nhịp tim. Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng những người trưởng thành sử dụng methamphetamine, cocaine, thuốc phiện và cần sa có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim cao hơn 35 đến 86% so với những người không dùng.

Hướng dẫn cơ bản về bệnh tim: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và các liệu pháp tự nhiên
Chứng loạn nhịp tim được phân loại dựa trên tần số và vị trí. (Ảnh: The Epoch Times)

Rối loạn nhịp tim thường được chia thành hai loại.

Dựa theo tần số tim:

  • Nhịp tim nhanh: nhịp tim nhanh được mô tả là nhịp tim trên 100 nhịp/phút khi nghỉ ngơi.
  • Nhịp tim chậm: nhịp tim chậm được mô tả là nhịp tim dưới 60 nhịp/phút khi nghỉ ngơi.

Dựa theo vị trí rối loạn nhịp tim:

  • Rối loạn nhịp trên thất: xảy ra ở các buồng trên của tim hoặc ở các cấu trúc khác của tim.
  • Rối loạn nhịp thất: xảy ra ở buồng tim phía dưới (tâm thất). Nhịp nhanh thất là nhịp tim nhanh, đều đặn, ngăn cản tâm thất co bóp toàn bộ. Rung thất là tình trạng nhịp tim nhanh rất hỗn loạn và được coi là một tình huống cấp cứu y tế.

Dị tật tim bẩm sinh

Dị tật tim bẩm sinh (CHD) là những bất thường ở tim xuất hiện khi mới sinh. Những bất thường này có thể xuất hiện ở thành tim, van tim hoặc mạch máu. Trong trường hợp nghiêm trọng, mạch máu hoặc buồng tim có thể kém phát triển, bị thiếu hoặc sai vị trí.

Theo chương trình các bệnh nhân cùng nhau hỗ trợ Mend Hearts, CHD là loại dị tật bẩm sinh phổ biến nhất, ảnh hưởng đến gần 1% số trẻ sinh ra.

Mặc dù hầu hết các nguyên nhân gây ra dị tật tim bẩm sinh đều chưa được biết rõ, nhưng Mended Hearts báo cáo rằng 15 – 20% các bệnh CHD có liên quan đến các tình trạng di truyền. Hầu hết là do sự kết hợp gene và các yếu tố nguy cơ khác bao gồm tình trạng của mẹ và phơi nhiễm từ môi trường.

Tình trạng của bà mẹ bao gồm các yếu tố như hút thuốc, một số bệnh nhiễm trùng và béo phì. Các yếu tố môi trường ảnh hưởng gồm cách ăn uống, bệnh tiểu đường của người mẹ, hóa chất và thuốc men.

Khoảng 1/4 trẻ sinh ra bị dị tật tim có dị tật tim bẩm sinh nghiêm trọng. Những đứa trẻ này thường phải phẫu thuật hoặc các điều trị khác trong năm đầu đời.

Dị tật tim bẩm sinh được đặc trưng bởi một số tình trạng khác nhau. Đánh dấu hoa thị (*) được coi là dị tật tim nghiêm trọng:

  • Thông liên nhĩ
  • Thông sàn nhĩ thất
  • Hẹp eo động mạch chủ*
  • Tâm thất phải có hai đường ra*
  • Chuyển vị đại động mạch*
  • Dị tật Ebstein*
  • Hội chứng thiểu sản tim trái*
  • Đứt đoạn cung động mạch chủ*
  • Hẹp động mạch phổi*
  • Tim 1 tâm thất (tâm thất độc nhất)
  • Tứ chứng Fallot*
  • Bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi toàn phần*
  • Teo van ba lá*
  • Thân chung động mạch*
  • Thông liên thất

Những người bị dị tật tim phải đối mặt với nguy cơ xuất hiện các vấn đề sức khỏe suốt đời như các vấn đề về ăn uống, tăng trưởng, hạn chế hoạt động, chậm phát triển, suy tim, các vấn đề về nhịp tim, ngừng tim đột ngột hoặc đột quỵ.

Bệnh cơ tim

Bệnh cơ tim là một bệnh di truyền hoặc mắc phải của cơ tim khiến tim khó bơm máu. Bệnh phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ.

Hướng dẫn cơ bản về bệnh tim: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và các liệu pháp tự nhiên
Bệnh cơ tim có 4 loại chính: bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim hạn chế và loạn sản thất phải. (Ảnh: The Epoch Time)

Nguyên nhân của bệnh cơ tim thường không rõ. Tuy nhiên, ở một số người, nguyên nhân là do bị một căn bệnh nào đó hoặc do di truyền từ cha mẹ, bao gồm những điều sau đây:

  • Tiền sử gia đình bị bệnh cơ tim, suy tim hoặc ngừng tim
  • Bệnh mạch vành hoặc đau ngực
  • Bệnh nội tiết, bao gồm bệnh tiểu đường và bệnh tuyến giáp
  • Mô liên kết và bệnh tự miễn
  • Viêm cơ tim
  • Loạn dưỡng cơ và các bệnh cơ khác
  • Các bệnh có thể gây tổn thương tim như bệnh amyloidosis, sarcoidosis hoặc bệnh hemochromatosis
  • Lạm dụng cocain hoặc nghiện rượu trong thời gian dài
  • Thai kỳ
  • Tăng huyết áp kéo dài
  • Nhịp tim nhanh kéo dài

Bệnh cơ tim có gây suy tim, được đặc trưng bởi bốn loại chính:

  • Bệnh cơ tim giãn: một loại bệnh cơ tim khiến tâm thất mỏng và giãn ra, ngày càng lớn hơn. Bệnh thường bắt đầu ở buồng tim trái, buồng bơm chính của tim, khiến tim khó bơm máu đến các phần cơ thể. Trong một số trường hợp, cần phải ghép tim.
  • Bệnh cơ tim phì đại (HCM): một căn bệnh khiến cơ tim trở nên dày lên. Độ dày tăng lên khiến tim khó bơm máu hơn. Những người bị bệnh HCM thường có ít triệu chứng, và do đó, bệnh thường không được chẩn đoán. HCM thường di truyền và là dạng bệnh tim di truyền phổ biến nhất.
  • Bệnh cơ tim hạn chế (RCM): một tình trạng của tim khi các mô cơ trong tâm thất trở nên cứng và không thể chứa máu. Quá trình bệnh này dẫn đến giảm lưu lượng máu trong tim. RCM có xu hướng ảnh hưởng đến người lớn tuổi và có thể do một số bệnh lý hay phương pháp điều trị gây ra như bệnh nhiễm sắt, bệnh sarcoidosis và một số phương pháp xạ trị, hóa trị ung thư.
  • Loạn sản thất phải gây rối loạn nhịp tim: một loại bệnh cơ tim hiếm gặp trong đó cơ ở tâm thất phải được thay thế bởi mô sẹo có thể dẫn đến các vấn đề về nhịp tim. Loại bệnh cơ tim này thường do thay đổi di truyền gây ra và phổ biến hơn ở nam giới.

Bệnh van tim

Bệnh van tim là tổn thương hoặc khiếm khuyết ở một hoặc nhiều trong số bốn van tim: van hai lá, van động mạch phổi, van động mạch chủ hoặc van ba lá.

Bốn van này đóng – mở giúp lưu thông dòng máu. Van ba lá và van hai lá điều chỉnh lưu lượng máu giữa tâm nhĩ (buồng trên của tim) và tâm thất (buồng dưới của tim).

Hướng dẫn cơ bản về bệnh tim: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và các liệu pháp tự nhiên
Các loại bệnh van tim chính là hở van tim, hẹp van tim và teo van. (Ảnh: The Epoch Times)

Một số nguyên nhân có thể làm tổn thương van tim. Van tim có thể không đóng đúng cách và máu có thể phụt ngược (trào ngược), van có thể bị hẹp hoặc không được hình thành đúng cách nên không có lỗ mở thích hợp cho máu chảy (teo van). Trong những trường hợp này, lưu thông máu qua tim và trong cơ thể bị gián đoạn.

Các triệu chứng của bệnh tim

Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh tim.

Bệnh động mạch vành (CAD)

Các triệu chứng của bệnh động mạch vành bao gồm:

  • Đau ngực, nặng ngực, tức ngực, khó thở và đau thắt ngực.
  • Đau ở hàm, cổ họng, cổ, thượng vị hoặc lưng.
  • Đau, yếu, tê hoặc lạnh ở cánh tay hoặc chân.

CAD có thể biểu hiện các triệu chứng khác nhau ở nam và nữ. Ví dụ, nam giới ở thường hay bị đau ngực hơn, trong khi phụ nữ hay gặp các triệu chứng ở không gây khó chịu ở ngực, như buồn nôn, khó thở và mệt mỏi trầm trọng.

Rối loạn nhịp tim

Các triệu chứng rối loạn nhịp tim có thể bao gồm:

  • Khó chịu hoặc đau ngực
  • Chóng mặt
  • Choáng váng
  • Hồi hộp trống ngực
  • Ngất hoặc xỉu
  • Hụt hơi
  • Nhịp tim nhanh
  • Nhịp tim chậm

Dị tật tim bẩm sinh

Các triệu chứng dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em có thể bao gồm:

  • Da hoặc môi nhợt, màu xám hoặc xanh, còn được gọi là chứng xanh tím.
  • Phù quanh mắt, chân hoặc cổ trướng.
  • Khó thở khi bú ở trẻ sơ sinh, chậm tăng cân.

Một số dị tật tim bẩm sinh ít trầm trọng hơn thường không được phát hiện và chẩn đoán từ thời kỳ thơ ấu hoặc trưởng thành.

Các triệu chứng của dị tật tim bẩm sinh không được chú ý tức thì hoặc thường không đe dọa đến tính mạng bao gồm:

  • Phù ở tay, mắt cá chân hoặc bàn chân.
  • Dễ mệt mỏi khi tập thể dục hoặc hoạt động.
  • Dễ bị hụt hơi khi tập thể dục hoặc hoạt động.

Với mức độ trầm trọng từ nhẹ đến nặng, những dị tật bẩm sinh này có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu qua tim và đến các bộ phận khác của cơ thể.

Bệnh cơ tim

Các triệu chứng có thể không xuất hiện trong giai đoạn sớm của bệnh cơ tim, nhưng khi bệnh trở nên nặng hơn, những triệu chứng sau có thể xuất hiện:

  • Mệt mỏi
  • Khó thở khi hoạt động hoặc nghỉ ngơi
  • Chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu
  • Nhịp tim không đều, hồi hộp trống ngực, nhịp nhanh hoặc rung
  • Khó thở khi thức dậy, nghỉ ngơi hoặc cố gắng ngủ
  • Phù chân, mắt cá chân hoặc bàn chân

Bệnh van tim

Tùy thuộc vào van tim nào hoạt động không bình thường, các triệu chứng bệnh van tim thường bao gồm:

  • Đau ngực
  • Ngất xỉu
  • Mệt mỏi
  • Phù mắt cá chân hoặc bàn chân
  • Hụt hơi
  • Nhịp tim không đều

Viêm nội tâm mạc, một bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến lớp nội mạc và van tim, có thể gây ra một loạt các triệu chứng:

  • Sốt hoặc gai rét
  • Thay đổi nhịp tim
  • Ho khan hoặc ho dai dẳng
  • Phát ban hoặc các đốm bất thường trên da
  • Hụt hơi
  • Suy nhược hoặc mệt mỏi
  • Phù chân hoặc cổ chướng

Các phương pháp điều trị bệnh tim

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm dùng thuốc, thủ thuật, phẫu thuật hoặc kết hợp những phương pháp này tùy theo loại bệnh tim.

Bệnh động mạch vành

Thuốc

Bệnh động mạch vành thường đòi hỏi phải thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, tăng cường tập thể dục và không hút thuốc lá. Đôi khi dược phẩm cũng cần thiết. Có rất nhiều loại thuốc sẵn có để điều trị CAD, bao gồm:

  • Thuốc điều trị cholesterol: Đây là những loại thuốc làm giảm cholesterol xấu và giảm sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Những loại thuốc này bao gồm statin, niacin, fibrate và nhóm chất cô lập acid mật.
  • Aspirin: Aspirin có tác dụng làm loãng máu và ngăn ngừa cục máu đông. Liệu pháp aspirin liều thấp hàng ngày có thể được khuyến nghị để ngăn ngừa cơn đau tim hoặc đột quỵ. Sử dụng aspirin hàng ngày có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm xuất huyết dạ dày và ruột. Không tự bắt đầu dùng aspirin hàng ngày mà không có hướng dẫn của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
  • Thuốc chẹn beta: thuốc làm giảm nhịp tim và huyết áp. Nếu bạn bị đau tim, thuốc chẹn beta có thể làm giảm nguy cơ bị các cơn đau tim trong tương lai.
  • Thuốc chẹn kênh calcium: các loại thuốc có thể được khuyên dùng nếu có chống chỉ định thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn beta không hiệu quả. Thuốc chẹn kênh calcium có thể giúp giảm triệu chứng đau ngực.
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB): thuốc làm giảm huyết áp và kìm hãm bệnh động mạch vành không trở nên trầm trọng hơn.
  • Nitroglycerin: thuốc làm giãn động mạch vành, có thể giúp điều chỉnh hoặc giảm đau ngực. Nitroglycerin có sẵn dưới dạng thuốc viên, miếng dán hoặc thuốc xịt.
  • Ranolazine: thuốc cho người đau ngực, có thể được kê đơn dùng hoặc thay thế cho thuốc chẹn beta.

Điều trị bằng phẫu thuật

CAD có thể cần can thiệp thủ thuật như nong mạch, đặt stent, bắc cầu nối động mạch vành (coronary artery bypass graft- CAGB) hoặc phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể.

  • Nong mạch vành và đặt stent: Kỹ thuật này được thực hiện để thông các động mạch vành bị tắc. Với tên gọi khác là can thiệp mạch vành qua da (percutaneous coronary interventionPCI). Bác sĩ tim mạch hướng ống thông đến phần bị hẹp của động mạch vành. Một quả bóng nhỏ được bơm căng lên giúp mở rộng động mạch bị tắc và cải thiện lưu thông máu. Một ống lưới thép nhỏ, được gọi là stent, có thể được đặt vào động mạch trong quá trình nong mạch. Stent được sử dụng để giữ cho động mạch luôn thông thoáng và cũng làm giảm nguy cơ động mạch tái hẹp. Một số stent phóng thích thuốc để giúp cho động mạch luôn mở rộng.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (Coronary artery bypass graft surgery – CABG): Trong phẫu thuật tim hở này, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy một mạch máu khỏe mạnh từ một bộ phận khác của cơ thể và tạo ra một đường đi mới để cấp máu cho tim. Do đó máu sẽ chảy quanh động mạch vành bị hẹp hoặc tắc.

Đôi khi, bệnh động mạch vành là do động mạch vành bất thường. Động mạch vành bất thường là tình trạng bất thường về [giải phẫu] động mạch vành, như cách phân nhánh hoặc hình dạng của nó. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim, thậm chí tử vong đột ngột. Điều trị bao gồm nong mạch và đặt stent để thông phần tắc nghẽn của động mạch.

Rối loạn nhịp tim

Khi chứng rối loạn nhịp tim cần được điều trị, bác sĩ tim mạch sẽ giải thích các lựa chọn tốt nhất và mô tả những rủi ro cùng lợi ích của từng phương pháp. Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, các lựa chọn có thể bao gồm thuốc, thủ thuật dựa trên ống thông hoặc thiết bị cấy ghép bên trong như máy khử rung và máy tạo nhịp tim.

Thuốc

Hai loại thuốc chính được sử dụng để điều trị rối loạn nhịp tim:

  • Thuốc chống loạn nhịp: thuốc chống loạn nhịp được sử dụng để điều trị rối loạn nhịp tim bao gồm thuốc chẹn beta như metoprolol succinate, thuốc chẹn kênh potassium như sotalol và dofetilide và thuốc chẹn kênh calcium như verapamil và diltiazem. Amiodarone được sử dụng để điều trị rung thất hoặc nhịp nhanh thất trầm trọng hoặc đe dọa tính mạng.
  • Thuốc chống đông máu: thuốc chống đông máu dùng trong rối loạn nhịp tim như warfarin, dabigatran, rivaroxaban, apixaban và edoxaban.

Phương pháp phẫu thuật

  • Cắt đốt là thủ thuật phổ biến nhất để điều trị rối loạn nhịp tim. Thông thường, việc cắt đốt được thực hiện bởi chuyên gia điện sinh lý tim lâm sàng. Kỹ thuật sử dụng ống thông dài, dẻo, bắt đầu luồn từ vùng bẹn lên đến tim. Những ống thông này sử dụng các điện cực để lập bản đồ tín hiệu điện của tim. Khi xác định được nguồn tín hiệu có vấn đề hoặc các nguồn gây rối loạn nhịp tim, chúng có thể được đốt cháy và loại bỏ. Cắt đốt được thực hiện dưới dạng gây mê toàn thân. Thông thường, bệnh nhân có thể xuất viện về nhà vào ngày hôm sau. Hầu hết bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim như A-Fib đều bắt đầu điều trị bằng thuốc trước khi tiến hành cắt đốt.
  • Một phương thức điều trị mới hơn gọi là bít tiểu nhĩ trái đôi khi được sử dụng như một phương pháp thay thế cho những bệnh nhân rung nhĩ không thể dùng thuốc chống đông.
  • Máy tạo nhịp tim là một thiết bị điện tử nhỏ điều chỉnh nhịp tim, được cấy dưới da gần xương đòn thông qua phẫu thuật. Hầu hết các máy tạo nhịp tim đều có hai bộ phận chính: bộ tạo xung với pin lithium và dây dẫn.

Dị tật tim bẩm sinh

Mặc dù phẫu thuật thường không phải là cách chữa khỏi các dị tật tim bẩm sinh nhưng nhiều người cần phải phẫu thuật và/hoặc dùng thuốc ở tuổi trưởng thành. Trên thực tế, theo Mended Hearts, khoảng 25% trẻ em sinh ra bị dị tật tim bẩm sinh sẽ cần phẫu thuật tim hoặc các biện pháp can thiệp khác để sống sót.

Việc điều trị dị tật tim bẩm sinh phụ thuộc vào mức độ nặng và loại dị tật. Phần lớn các dị tật tim bẩm sinh đơn giản sẽ thuyên giảm theo thời gian và thường không cần điều trị.

Thuốc

Thuốc thường được sử dụng nếu con bạn bị một loại dị tật tim bẩm sinh đặc biệt được gọi là còn ống động mạch. Nói chung, còn ống động mạch sẽ tự thoái triển. Tuy nhiên, đôi khi cần dùng thuốc để đóng ống động mạch ở trẻ sinh non.

Thuốc Indomethacin hoặc ibuprofen làm cho ống động mạch co hẹp lại hoặc co thắt lại dẫn đến đóng ống. Acetaminophen đôi khi cũng được dùng để đóng ống động mạch.

Phương pháp phẫu thuật

  • Đặt stent là một thủ thuật phổ biến được sử dụng để sửa chữa các dị tật tim đơn giản như còn ống động mạch và thông liên nhĩ, nếu bệnh không tự cải thiện. Kỹ thuật cũng có thể sử dụng để mở rộng các mạch máu hoặc van tim quá hẹp.
  • Bác sĩ ngoại khoa sử dụng phẫu thuật tim hở để can thiệp trực tiếp trên tim sửa chữa lỗ thông trong tim, còn ống động mạch, các dị tật phức tạp, thay van hoặc mở rộng mạch máu. Các phẫu thuật đôi khi cần thiết để điều trị dị tật tim bẩm sinh bao gồm: ghép tim, thiết bị hỗ trợ tâm thất, phẫu thuật giảm nhẹ và cấy ghép tim nhân tạo toàn phần.

Bệnh cơ tim

Nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe sẽ hướng dẫn về sự cần thiết phải thay đổi cách ăn uống, hoạt động thể chất hàng ngày, giảm căng thẳng, tránh uống rượu và ma túy. Các lựa chọn điều trị tùy thuộc vào loại và mức độ nặng của bệnh cơ tim.

Không thể ngăn ngừa được các loại bệnh cơ tim di truyền, nhưng bạn có thể kiểm soát các triệu chứng và biến chứng bằng cách tuân theo lối sống lành mạnh. Nếu có bất kỳ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào gây ra bệnh cơ tim, việc điều trị sớm tình trạng đó có thể giúp ngăn ngừa bệnh phát triển.

Thuốc

Những loại thuốc này điều trị nhịp tim không đều, suy tim sung huyết và tăng huyết áp [những bệnh] có thể gây thêm tổn thương tim hoặc thận. Các loại thuốc được dùng bao gồm digoxin, disopyramide, dobutamine, encainide hydrochloride, flecainide, fosinopril, ibutilide và isoprenaline.

Điều trị phẫu thuật

Các phương pháp và thiết bị được dùng cho thủ thuật hoặc phẫu thuật trong bệnh cơ tim bao gồm:

  • Cắt bỏ vách ngăn: Một phần nhỏ của cơ tim dày lên bị phá hủy bằng chích cồn qua stent động mạch, giúp cho máu lưu thông.
  • Đốt sóng cao tần: Để điều trị nhịp tim không đều, một stent được đưa qua các mạch máu đến tim. Các điện cực ở đầu stent truyền năng lượng để phá hủy một điểm nhỏ trên mô tim là nguyên nhân gây ra nhịp tim không đều.

Nhiều loại thiết bị khác nhau có thể được phẫu thuật cấy ghép vào tim để cải thiện chức năng và giảm các triệu chứng, bao gồm:

  • Máy khử rung (Implantable cardioverter-defibrillator – ICD): Một thiết bị theo dõi nhịp tim và tạo ra các cú sốc điện khi cần thiết để kiểm soát nhịp tim không đều. ICD không điều trị bệnh cơ tim mà theo dõi và kiểm soát biến chứng nhịp tim không đều của bệnh này.
  • Thiết bị trợ giúp tâm thất (Ventricular assist device VAD): Một thiết bị giúp máu lưu thông qua tim, thường được xem xét sau khi các phương pháp ít xâm lấn hơn không hiệu quả. Kỹ thuật này có thể dùng như một lựa chọn điều trị ngắn hạn hoặc dài hạn trong khi chờ ghép tim.
  • Máy tạo nhịp tim: Một thiết bị nhỏ được đặt dưới da vùng ngực hoặc bụng sử dụng xung điện để kiểm soát chứng loạn nhịp tim.
  • Phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn: phẫu thuật tim hở cắt bỏ một phần của vách ngăn tâm thất. Phương pháp này cải thiện lưu lượng máu qua tim và làm giảm mức hở van hai lá. Phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn được sử dụng để điều trị bệnh cơ tim phì đại.
  • Ghép tim: Ghép tim được xem xét cho những người bị suy tim giai đoạn cuối khi thuốc và các phương pháp điều trị khác không thành công.

Bệnh van tim

Nếu bệnh nhân chỉ bị bệnh van tim nhẹ mà không có bất kỳ triệu chứng nào thì thường không cần điều trị. Tuy nhiên, họ sẽ cần kiểm tra định kỳ để theo dõi chức năng và tiến triển bệnh.

Các lựa chọn điều trị bao gồm theo dõi, dùng thuốc và can thiệp phẫu thuật.

Thuốc

Thuốc không thể chữa khỏi các vấn đề về van tim nhưng được sử dụng như một phương pháp điều trị. Ví dụ, sau khi thay van tim cần dùng thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu). Nếu bệnh van tim của bệnh nhân dẫn đến các tình trạng sức khỏe khác, như tăng huyết áp hoặc suy tim cũng cần dùng thuốc.

Phương pháp phẫu thuật

Cần thay thế van nhân tạo khi van tim không còn hoạt động được nữa. Phương pháp này có thể phải thực hiện thông qua phẫu thuật tim hở. Tuy nhiên, có một số trường hợp có thể dùng phương pháp đặt stent để cấy ghép van tim nhân tạo.

Có hai loại van tim nhân tạo:

  • Van cơ học: Đây là loại van nhân tạo được làm từ kim loại hoặc vật liệu tổng hợp. Những van cơ học này có thời hạn rất lâu và thường sử dụng ở những người trẻ tuổi, nhưng hiện nay không phổ biến nhiều như những năm trước. Nhược điểm của van cơ học là hình thành cục máu đông gây tắc toàn bộ van, hoặc di chuyển khắp cơ thể theo dòng máu và gây đột quỵ. Để ngăn ngừa các biến chứng, những người có van tim nhân tạo cơ học phải dùng thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu) trong suốt quãng đời còn lại.
  • Van sinh học (mô): Đây là những van thay thế được làm từ mô sinh học như mô tim của heo hoặc bò. Những người có van sinh học không phải lúc nào cũng cần dùng thuốc chống đông máu. Van sinh học nhân tạo không tồn tại lâu như van cơ học và có thể cần phải phẫu thuật lại. Những van tim này thường được sử dụng ở những người trên 60 tuổi hoặc ở những người trẻ hơn không thể dùng thuốc làm loãng máu kéo dài.

Ở một số người trẻ tuổi, van động mạch chủ có thể được thay thế bằng một van tim khác của chính họ ví dụ như van động mạch phổi. Van động mạch phổi sau khi bị loại bỏ sẽ được thay thế bằng van sinh học.

Mặc dù hở van hai lá cũng có thể được điều trị bằng van tim nhân tạo, nhưng phương pháp điều trị ưu tiên cho khiếm khuyết van hai lá thường là sửa chữa hơn thay thế. Thủ thuật này sử dụng ống thông hoặc thông qua phẫu thuật tim hở. Loại điều trị này được gọi là “sửa chữa van tim.”

Trong một phương pháp khác, sử dụng một chiếc kẹp kim loại nhỏ để kẹp các lá van bị hở lại với nhau, giúp van đóng lại đúng cách.

Ai có nhiều khả năng bị bệnh tim

Khoảng 47% người Mỹ có ít nhất 1 trong 3 yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim bao gồm cholesterol cao, tăng huyết áp và hút thuốc. Tuy nhiên, có một số yếu tố y tế và lối sống có thể khiến mọi người tăng nguy cơ bị bệnh tim, bao gồm:

  • Tuổi
  • Tiền sử gia đình
  • Thừa cân và béo phì
  • Bệnh tiểu đường
  • Lạm dụng rượu
  • Không hoạt động thể chất
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh

Các xét nghiệm phát hiện bệnh tim

Có nhiều xét nghiệm khác nhau dùng để chẩn đoán bệnh tim. Ngoài chụp X-quang ngực và xét nghiệm máu, để chẩn đoán bệnh tim có thể dùng các xét nghiệm dưới đây:

  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): một xét nghiệm nhanh chóng và không gây đau đớn ghi lại các tín hiệu điện trong tim. Xét nghiệm cho biết nhịp tim nhanh hay chậm.
  • Theo dõi Holter: một thiết bị đeo trong một ngày hoặc hơn ghi lại hoạt động của tim theo các hoạt động hàng ngày. Xét nghiệm này có thể phát hiện nhịp tim không đều mà không được phát hiện qua kiểm tra ECG thông thường.
  • Siêu âm tim: một phương pháp kiểm tra không xâm lấn sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh chi tiết về trái tim đang chuyển động. Xét nghiệm mô tả cách máu lưu thông qua tim và van tim. Siêu âm tim có thể giúp xác định xem van có bị hở hay hẹp không.
  • Test gắng sức: các bài kiểm tra thường liên quan đến việc theo dõi tim trong khi đi bộ trên máy hoặc đạp xe tại chỗ. Những xét nghiệm này giúp khám phá cách thức tim phản ứng với hoạt động thể chất và liệu các triệu chứng bệnh tim có phát sinh trong khi tập thể dục hay không. Nếu bạn không thể tập thể dục, bạn có thể được cho dùng thuốc.
  • Chụp mạch vành: xét nghiệm có thể cho thấy tắc nghẽn trong động mạch tim. Một ống dài, mỏng và mềm được đưa vào mạch máu, thường ở mạch bẹn hoặc cổ tay rồi dẫn lên tim. Thuốc cản quang chảy qua ống thông và đi đến các động mạch trong tim. Thuốc cản quang giúp động mạch hiển thị rõ ràng hơn trên hình ảnh chụp trong quá trình thủ thuật.
  • Chụp cắt lớp điện toán
  • Chụp cộng hưởng từ tim (MRI): xét nghiệm sử dụng từ trường và sóng vô tuyến do máy điện toán tạo ra để dựng hình ảnh chi tiết của tim.

Ảnh hưởng của tâm lý đến bệnh tim

Các yếu tố tâm lý đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành và kết cục của bệnh tim. Theo một bài viết đăng trên Indian Heart Journal (Tập san Tim mạch Ấn Độ), các yếu tố xã hội và tâm lý cũng như đặc tính và tính cách là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ lệ bị bệnh tim mạch.

Đặc điểm nhân cách của bệnh động mạch vành đã được nghiên cứu trong 40 – 50 năm qua. Tính cách loại A—được minh họa bằng sự thiếu kiên nhẫn, tranh giành, thù địch và sự thống trị—có liên quan đến tỷ lệ bị bệnh tim mạch.

Các nghiên cứu sâu hơn đã được tiến hành để khảo sát những đặc điểm có thể ảnh hưởng đến CVD, chẳng hạn như:

  • Trạng thái cảm xúc kém
  • Sự tức giận
  • Sự thù địch
  • Sự lo lắng
  • Cảm xúc tiêu cực

Các phát hiện là không nhất quán; tuy nhiên cuộc tranh luận về vai trò và tầm quan trọng của các đặc điểm tính cách trong nguyên nhân gây bệnh CVD vẫn tiếp tục.

Các liệu pháp tự nhiên cho bệnh tim

Một số liệu pháp tự nhiên có thể giúp giảm thiểu và quản lý tốt hơn nguy cơ phát triển bệnh tim. Mặc dù các nguồn tài nguyên thiên nhiên rất hữu ích nhưng điều quan trọng là phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

Vitamin và khoáng chất dùng đúng liều lượng có thể giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim. Nhiều nghiên cứu, như nghiên cứu được công bố trên Tập san của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (JACC), cho thấy mối tương quan tích cực giữa việc tiêu thụ vitamin và khoáng chất bổ sung với phòng ngừa bệnh tim.

  • Coenzym Q10 (CoQ10): một chất tương tự như vitamin được tìm thấy trong mọi tế bào của cơ thể. Coenzym hỗ trợ enzym bảo vệ tim và cơ xương. Ở bệnh nhân suy tim sung huyết, bổ sung CoQ10 giúp cải thiện chức năng tim. Theo nghiên cứu của JACC, chúng cũng có thể làm giảm tỷ lệ tử vong do tim mạch.
  • Sắt: Kết quả từ một nghiên cứu cho thấy khoảng 10% bệnh mạch vành mới xảy ra trong vòng một thập niên ở tuổi trung niên có thể tránh được bằng cách ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt. Các nghiên cứu trước đây cho thấy trên những bệnh nhân bị bệnh tim mạch, thiếu sắt có liên quan đến kết quả tồi tệ hơn.
  • Men gạo lứt: Người ta dùng men gạo lứt như một loại thực phẩm bổ sung qua đường uống cho người có hàm lượng cholesterol cao và bệnh tim. Nghiên cứu cho thấy men gạo lứt có chứa monacolin K có thể làm giảm chất béo trung tính, cholesterol toàn phần và lipoprotein trọng lượng phân tử thấp trong máu.
  • Omega-3 từ dầu cá: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã đề nghị trong 20 năm qua để giảm các biến cố tim mạch như đột quỵ hoặc đau tim ở những người được chẩn đoán bị bệnh tim mạch.
  • Các liệu pháp tâm trí cơ thể (Mind-body therapies MBT): Yoga, xoa bóp, thái cực quyền, châm cứu và các MBT khác đã được chứng minh là hữu ích đối với bệnh tim bao gồm tim bẩm sinh.

MBT đã nổi lên như nền tảng trong điều trị suy tim, đặc biệt là trong các chương trình phục hồi chức năng tim. MBT tìm cách giảm hoặc ngăn chặn hoạt động thần kinh giao cảm quá mức của bệnh suy tim bằng cách dùng các biện pháp thở chậm và sâu. Những thực hành này cũng đã được chứng minh là làm giảm các biến cố về tim, hạ huyết áp và giảm xơ vữa động mạch.

Điều chỉnh cách ăn uống cũng có thể thực hiện. Các sản phẩm sau đây có tác dụng hữu ích đối với bệnh tim:

  • Chocolate đen
  • Tỏi
  • Trà xanh
  • Ớt cayenne

Phòng ngừa bệnh tim

Hãy lên lịch khám sức khỏe định kỳ. Cholesterol cao và huyết áp cao có thể làm tổn thương mạch máu và tim. Nếu không kiểm tra, bạn sẽ không biết liệu mình có bị ảnh hưởng bởi những vấn đề này hay không hoặc khi nào cần được chăm sóc y tế.

Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà không thể tránh khỏi. Mặc dù có các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, giới tính hoặc tiền sử gia đình, nhưng có nhiều biện pháp khắc phục tại nhà hiệu quả mà bạn có thể thực hiện để quản lý tốt hơn nguy cơ phát triển bệnh tim.

  • Không hút thuốc hoặc sử dụng thuốc lá hoặc thuốc lá không khói: Hóa chất trong thuốc lá có thể làm hư tổn mạch máu và tim. Khói thuốc lá làm giảm lượng oxy trong máu, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ oxy cho não và cơ thể dẫn đến tăng nhịp tim và huyết áp. Một ngày sau khi bỏ hút thuốc, nguy cơ bệnh tim đã bắt đầu giảm.
  • Tập thể dục thường xuyên hàng ngày: Hoạt động thể chất hàng ngày từ 30 đến 60 phút giúp kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ phát triển các bệnh lý khác như tiểu đường, tăng huyết áp và cholesterol cao có thể làm tăng gánh nặng cho tim.
  • Ăn uống lành mạnh: Ăn uống lành mạnh cho tim có thể cải thiện cholesterol và huyết áp, đồng thời giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường Loại 2. Bạn nên hạn chế tiêu thụ muối, carbohydrate đã qua chế biến, rượu, đường và chất béo bão hòa.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Thừa cân làm tăng nguy cơ bị bệnh tim. Cân nặng quá mức, đặc biệt là vùng bụng, làm tăng nguy cơ bị bệnh cao huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường loại 2 và bệnh tim.
  • Ngủ đủ giấc: Hầu hết người lớn cần ngủ tối thiểu 7 giờ. Những người không ngủ đủ giấc có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường, trầm cảm và đau tim. Đặt lịch ngủ bằng cách đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày và tuân thủ lịch trình đó.
  • Quản lý căng thẳng: Việc giải quyết căng thẳng bằng uống rượu, hút thuốc hoặc quá nóng là không lành mạnh và có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim. Tìm các phương pháp quản lý căng thẳng thay thế như thiền, hoạt động thể chất và các bài tập thư giãn.
  • Hãy bổ sung dinh dưỡng: Cơ thể dựa vào dinh dưỡng để duy trì sức khỏe. Khi già đi, nồng độ các chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết để bảo vệ chống lại bệnh tật sẽ giảm đi. Để khôi phục nồng độ và ổn định sức khỏe tim mạch, tốt nhất là tối ưu hóa mức độ dinh dưỡng.

Bài viết được xem xét về mặt y tế bởi Thạc sĩ điều dưỡng đã có chứng chỉ hành nghề Beverly Timeding.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times


Stacy Swartz
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Stacy Swartz, BSHIM, RHIA, CCS, CPC, giám đốc điều hành của Ocean Health Executives. Bà Stacy có hơn 26 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thông tin sức khỏe và là tác giả của cuốn sách “Mastering Evaluation and Management Services in Healthcare: A Resource for Professional Services” (tạm dịch: Làm chủ các dịch vụ quản lý và đánh giá trong chăm sóc sức khỏe: Nguồn lực cho các dịch vụ chuyên nghiệp).
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn