Ăn uống chú tâm giúp ‘bộ não thứ hai’ khỏe mạnh

Nghiên cứu phát hiện một phương pháp đơn giản, hiệu quả và dễ dàng để cải thiện sức khỏe đường ruột.

Đường ruột chứa khoảng 200-600 triệu tế bào thần kinh. Một số người nói rằng hệ tiêu hóa là bộ não thứ hai của con người. Điều này liệu có chính xác?

Con người thời nay ngày càng đối mặt với nhiều áp lực, dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Một cuộc khảo sát gần đây trên hơn 73,000 người ở 24 quốc gia cho thấy hơn 40% bị rối loạn chức năng tiêu hóa (hoặc rối loạn tương tác não–ruột), gồm hội chứng ruột kích thích. Tỷ lệ bị bệnh đặc biệt cao ở phụ nữ.

Trên thực tế, có một liên kết giao tiếp hai chiều phức tạp tồn tại giữa não và đường tiêu hóa. Các nghiên cứu phát hiện ruột là cơ quan nội tiết lớn nhất của cơ thể, tiết ra hơn 20 loại phân tử tín hiệu. Các peptide do ruột tiết ra có thể kết nối với tế bào miễn dịch và thụ thể trên dây thần kinh phế vị để dẫn truyền thông tin, từ đó tác động đến sức khỏe tâm thần của con người và động vật.

Ngược lại, lo âu hoặc trầm cảm ảnh hưởng xấu đến chức năng ruột, gây ra sự thay đổi trong vi khuẩn ruột và thậm chí dẫn đến hội chứng rò rỉ ruột.

Ruột có phải là bộ não thứ hai?

Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Science (Khoa học) vào năm 2019 đã đưa ra bằng chứng cho thấy vi khuẩn đường ruột quyết định sự phát triển bình thường của hệ thần kinh trung ương và hoạt động xã hội.

Có thể bạn đã từng nghe hệ tiêu hóa được coi là “bộ não thứ hai.” Hệ tiêu hóa và bộ não có nhiều đặc điểm tương đồng, nhưng cũng có những điểm khác biệt. Bộ não có chức năng nhận thức, học hỏi và ghi nhớ, các hoạt động thần kinh nâng cao và chức năng điều chỉnh cảm xúc, những điều không có trong hệ tiêu hóa. Vì vậy không thực sự chính xác khi nói rằng ruột là “bộ não thứ hai.”

Tuy nhiên, đường tiêu hóa và bộ não cũng có một số điểm chung. Đường tiêu hóa có hệ thần kinh hoạt động rất mạnh và độc lập, với hàng trăm triệu tế bào thần kinh, tất cả đều truyền tín hiệu qua chất dẫn truyền thần kinh. Những chất dẫn truyền thần kinh này bao gồm serotonin, dopamine và ethercholine, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong não và hệ tiêu hóa.

Hai hệ thần kinh trong đường tiêu hóa

Có hai hệ thần kinh trong đường tiêu hóa: hệ thần kinh tại chỗ và hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm của thần kinh phế vị. Hệ thần kinh đối giao cảm được kết nối với não và kiểm soát quá trình tiêu hóa và hấp thụ từ đường ruột cũng như việc tiết dịch vị, tiết hormone ruột, chức năng miễn dịch, và nhiều hơn thế.

Bộ não ảnh hưởng đến chức năng của đường tiêu hóa bằng cách điều chỉnh hệ giao cảm và đối giao cảm, và đường tiêu hóa cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm trạng, và hành vi bằng cách gửi tín hiệu đến não.

Làm thế nào mà hệ giao cảm và đối giao cảm lại ảnh hưởng đến chức năng của đường tiêu hóa?

  • Thần kinh giao cảm sẽ được kích thích khi chúng ta ở trong trạng thái chiến đấu hoặc bỏ chạy trong tình huống khẩn cấp. Cơ chế này làm giảm lượng máu cung cấp cho đường tiêu hóa, ngừng tiết dịch tiêu hóa, cũng như giảm nhu động ruột để chuyển nhiều máu và năng lượng hơn đến các bộ phận khác của cơ thể giúp đối phó với nguy hiểm.
  • Thần kinh đối giao cảm được kích thích khi chúng ta ở trong trạng thái thư giãn. Đây là trạng thái giúp tăng cung cấp máu cho đường tiêu hóa, tiết nhiều dịch tiêu hóa, và tăng nhu động ruột để kích hoạt tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn.

Vì vậy, để bảo tồn chức năng tiêu hóa, chúng ta nên thư thái khi ăn để thần kinh đối giao cảm được kích thích và thần kinh giao cảm được nghỉ ngơi.

Nghỉ ngơi và tiêu hóa

Người Trung Hoa cổ xưa thường có câu: “Ăn không nói chuyện, ngủ không nói mớ.” Câu nói này xuất phát từ “Luận Ngữ của Khổng Tử,” phản ánh một phần về cách cư xử của chính Khổng Tử – rằng ông rất chú tâm khi ăn và ngủ, kiêng kỵ không nói chuyện trong bữa ăn.

Ngược lại, người thời nay thường vừa ăn vừa trò chuyện, lướt điện thoại di động, hoặc xem tivi. Xấu hơn, một số người ăn vội vàng hoặc ăn trong lúc căng thẳng, hoặc xem những thứ kích động hay đáng sợ, làm cho thần kinh giao cảm bị kích thích, ngăn chặn sự tiết dịch tiêu hóa, giảm nhu động ruột, giảm lượng máu cung cấp cho đường tiêu hóa, và gây ra nhiều vấn đề về dạ dày.

Nghiên cứu phát hiện việc ăn uống chú tâm có thể giảm mức độ hormone căng thẳng cortisol.

Một thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên chia 47 phụ nữ thừa cân hoặc béo phì thành hai nhóm. Nhóm thử nghiệm đã tập thiền và ăn hộp cơm bento cùng nhau để thực hành kỹ năng ăn uống chú tâm. Những người trong nhóm can thiệp có mức độ cortisol thấp hơn so với nhóm đối chứng. Vì cortisol liên quan đến béo phì trung tâm, việc tập trung vào ăn uống chú tâm có thể giúp người béo phì quản lý trọng lượng cơ thể, đặc biệt là giảm mỡ bụng.

Nói tóm lại, bạn chỉ cần làm một việc để cải thiện đáng kể chức năng tiêu hóa và giúp phòng tránh bệnh dạ dày: Thả lỏng cơ thể trong bữa ăn và tập trung vào ăn uống một cách có chú tâm.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo chi tiết tại The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang) có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm thần học tích hợp," "Các vấn đề về thuốc," và "Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư." Đồng tác giả "Hướng về phương Đông: Bí quyết cổ xưa về sắc đẹp+sức khỏe cho thời hiện đại" của HarperCollins và "Châm cứu lâm sàng và Trung y" của Oxford Press. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York, kể từ tháng 7/2022.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn