Nguyên nhân và cách khử mùi cơ thể hiệu quả

Mùa hè có thể đến cùng với nhiều mùi dễ chịu như mùi thức ăn nướng trong bữa tối của người hàng xóm ở sân sau, mùi cỏ mới cắt, và mùi đất sau cơn giông bão. Nhưng cái nóng mùa hè cũng có thể gây ra những mùi khó chịu như mùi mồ hôi và mùi cơ thể. Mùi cơ thể quyện thêm mùi nước hoa nồng nặc sẽ tạo ra một mùi đặc biệt hắc.

Trong bài viết này, Tiến sĩ Dư Nhã Văn tại Phòng khám Trung y Thượng Tỳ Đài Loan sẽ gợi ý một số cách thiết thực để khử mùi mồ hôi. Tuy nhiên, với người có mùi nặng hơn, Tiến sĩ Hồ Di Huyên tại Phòng khám da Kinh Nghiễn Đài Loan sẽ chia sẻ về bốn loại phẫu thuật, cũng như những ưu và nhược điểm của từng loại phẫu thuật.

4 đặc điểm về mùi cơ thể

Có hai loại tuyến mồ hôi trong cơ thể con người: tuyến mồ hôi eccrine và tuyến mồ hôi apocrine. Các tuyến eccrine trải rộng khắp cơ thể, tiết ra mồ hôi loãng, trong và là nguồn mồ hôi chính của con người. Mồ hôi do tuyến eccrine tiết ra không có mùi, nhưng khi protein trong mồ hôi bị vi khuẩn trên da phân hủy sẽ sinh ra mùi mồ hôi khó chịu.

Tuyến mồ hôi apocrine, hay còn gọi là tuyến mồ hôi dưới da, nằm chủ yếu ở vùng nách, bộ phận sinh dục và bắt đầu hoạt động ở tuổi dậy thì. Những tuyến này tạo ra mồ hôi nhớt, chứa rất nhiều protein, ban đầu không có mùi. Tuy nhiên, khi protein trong chất lỏng tương tác với một số vi sinh vật nhất định sẽ tạo ra mùi cơ thể nồng nặc.

Có bốn yếu tố liên quan đến mùi cơ thể:

  • Ráy tai ướt: Các tuyến mồ hôi apocrine cũng phân bố ở ống tai ngoài. Những người có ráy tai “ướt” (ướt hơn chứ không phải là bong tróc hoặc cứng) thường có khả năng có mùi cơ thể cao hơn.
  • Tuổi dậy thì: Hầu hết mùi cơ thể bắt đầu xuất hiện ở tuổi dậy thì nhưng sẽ giảm dần sau tuổi trung niên (sau 50).
  • Liên quan đến cách ăn uống, căng thẳng và số lượng lông: Sự xuất hiện và độ đậm của mùi cơ thể có liên quan mật thiết đến cách ăn uống. Những người có nhiều lông nách cũng dễ bị mùi cơ thể, tinh thần căng thẳng cao độ cũng có thể gây ra mùi cơ thể.
  • Tăng tiết mồ hôi: Mùi cơ thể thường xuất hiện với chứng tăng tiết mồ hôi, đây là tình trạng gây đổ mồ hôi quá nhiều.

Thói quen xấu và cách ăn uống làm tăng khả năng gây ra mùi cơ thể

Theo quan điểm của Trung y, mùi cơ thể có liên quan đến sự tích tụ “nhiệt ẩm” trên da do những thói quen không tốt hàng ngày gây ra.

Tiến sĩ Dư cho biết cách thức ăn uống chiếm một phần lớn trong các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng mồ hôi. Thời nay, việc tiêu thụ rộng rãi thực phẩm chế biến đã khiến mọi người tiêu thụ nhiều chất phụ gia, thực phẩm gây viêm, và đường tinh luyện. Trung y cho rằng những loại thực phẩm này sau khi đi vào cơ thể sẽ hình thành đờm ẩm, gây tích mỡ, béo phì, thậm chí là tăng mỡ máu, tăng đường huyết. Theo thời gian, chất bài tiết ra từ lỗ chân lông trên cơ thể sẽ trở nên vàng, đặc, và có mùi nồng nặc.

Nguyên nhân và cách khử mùi cơ thể hiệu quả
(Ảnh: The Epoch Times)

“Đờm ẩm” chỉ sự mất cân bằng khí, huyết và dịch cơ thể, dẫn đến tích tụ dịch trong cơ thể một cách bất thường, biểu hiện thường là béo phì, béo bụng, và uể oải. Tôi có một người bạn tin rằng ăn hành rất tốt cho sức khỏe nên ngày nào cũng ăn một củ hành. Kết quả là anh bị gia đình phàn nàn là có mùi khó chịu, khi không ăn hành nữa thì mùi cũng không còn.

Tiến sĩ Dư cho biết hành tây rất dồi dào hợp chất lưu huỳnh và thường được nấu cùng với thực phẩm giàu protein như trứng hoặc thịt. Khi lưu huỳnh và amoniac kết hợp với nhau sẽ dễ kích hoạt sự bài tiết của các tuyến cơ thể và làm nặng thêm mùi hôi.

Cảm xúc và thói quen hàng ngày cũng là thủ phạm

Thức ăn không phải là thứ duy nhất ảnh hưởng đến chất lượng mồ hôi. Cảm xúc và thói quen hàng ngày cũng là thủ phạm. Một người bạn khác của tôi không thích đồ cay, đồ ngọt, đồ đá, thịt hoặc sữa và quen ăn nhạt. Chẳng ai ngờ anh ấy lại có mùi cơ thể. Chính thói quen thức khuya, suy nghĩ nhiều cũng gây ra mùi mồ hôi khó chịu.

Tiến sĩ Dư nói rằng Trung y tin rằng “lo lắng làm tổn thương lá lách.” Những người hay nghiền ngẫm và phân tích quá mức mọi thứ có thể làm tổn thương năng lượng của lá lách và dạ dày. Ngoài ra, nếu thức khuya, các cơ quan nội tạng không được nghỉ ngơi đầy đủ. Lá lách, phổi và thận là những động cơ quan trọng giúp cơ thể chuyển hóa nước. Nếu một hoặc hai tạng phủ này hoạt động không tốt sẽ sinh ra hiệu ứng “nhà tắm ẩm ướt.” Nếu khí ẩm bị tích lại quá lâu và không thoát ra được, khăn tắm trong phòng tắm sẽ bốc mùi. Điều này cũng đúng với mùi mồ hôi, thậm chí mùi dầu trên da đầu cũng có thể trở nên đặc biệt nồng nặc.

Phương pháp khử mùi cơ thể

Lý do đổ mồ hôi đầu tiên là để thải độc và sau đó là để điều hòa thân nhiệt. Điều trị mùi cơ thể thông qua các sản phẩm ngăn mồ hôi bán trên thị trường hay phẫu thuật cắt bỏ tuyến mồ hôi chỉ là giải pháp tạm thời, không phải là cách chữa trị vĩnh viễn và có thể gây hại. Vì khi đó cơ thể sẽ phải tự tìm cách bài tiết mồ hôi khác để bù trừ.

Tiến sĩ Dư gợi ý rằng: Đối với những người có mùi cơ thể nhẹ, Trung y có bột tiêu viêm có tác dụng thanh nhiệt, giúp cơ thể hấp thụ mồ hôi, làm sạch, làm mát và tạo hương thơm. Thêm một ít cỏ cà ri, gỗ Đàn hương, hoa sen vàng và hoa Hoàng cầm, cũng có thể giảm bớt mùi nồng tự nhiên của các dược liệu Trung Hoa.

Nếu mùi cơ thể vẫn còn làm bạn khó chịu, trước khi tìm đến phương pháp điều trị bằng Tây y, bạn cũng có thể tìm hiểu về các phương pháp khử mùi cơ thể khác. Tiến sĩ Hồ nói rằng các phương pháp khử mùi có thể được chia thành phẫu thuật và không phẫu thuật. Phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm tiêm Botox. Phương pháp điều trị phẫu thuật bao gồm kỹ thuật công nghệ nhiệt vi sóng, cắt bỏ dây thần kinh và nạo tuyến apocrine.

Nhiều người chọn dùng chất khử mồ hôi với thành phần chính là muối nhôm giúp khử mùi bằng cách ngăn tiết mồ hôi từ lỗ chân lông. Nhưng một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bệnh nhân ung thư vú có hàm lượng muối nhôm cao trong ngực. Nhiều chất chống mồ hôi trên thị trường chứa chất bảo quản không tốt và các chất phụ gia khác nên một số người lo lắng rằng dùng những chất này có thể gây ung thư.

Tiến sĩ Hồ cho biết, nghiên cứu mới cho thấy muối nhôm và ung thư vú không có nhiều mối tương quan. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện muối nhôm liều cao có thể gây tổn thương thần kinh cho động vật. Khử mùi cơ thể giống như uống nước: Là thói quen thiết yếu hàng ngày, nhưng nếu uống quá nhiều sẽ gây ra nhiễm độc nước. Nếu uống nước đúng cách và đúng lượng thì không cần phải lo lắng quá nhiều về tác hại đối với sức khỏe.

Đối với chất bảo quản, Tiến sĩ Hồ cho biết, thời nay, nhận thức của mọi người về việc dùng chất bảo quản đã tăng lên, chất lượng của các thành phần được sử dụng trong chất bảo quản cũng có sự cải thiện. Điều cần lưu ý là bệnh nhân nên chọn liệu trình điều trị phù hợp với mình tùy theo mức độ nặng nhẹ của mùi cơ thể sau khi thảo luận với bác sĩ.

*Lưu ý: Một số loại thảo mộc Trung Hoa được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc, nhưng thường có bán ở các tiệm thực phẩm tốt cho sức khỏe và các tiệm tạp hóa Á Châu.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amber Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Amber Yang là giám đốc tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên trong nhiều năm, đồng thời là ký giả kiêm biên tập viên về sức khỏe và sắc đẹp trong 10 năm. Cô cũng là người dẫn chương trình và nhà sản xuất của các chương trình YouTube "Amber Running Green" và "Amber Health Interview."
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn