Hai cách điều dưỡng bằng Đông y đẩy lùi chứng trầm cảm

Thu Hương là một phụ nữ dễ bị trầm cảm. Vốn yêu thích tâm lý học, vì vậy cô đã chọn cho mình một khóa tâm lý học. Không ngờ, thuận theo sự hiểu biết về bệnh tâm lý, bệnh trầm cảm của cô cũng ngày càng trầm trọng hơn. Sau đó, cô thậm chí còn không thể đến lớp, cảm giác cả người như muốn suy sụp.

Cô khóc vô cớ, không ngủ được, không ăn được. Dù đã dùng thuốc chống trầm cảm nhưng nó không giúp ích gì nhiều cho tâm trạng của cô.

Bác sĩ Thư Vinh nhớ rằng, lần đầu tiên Thu Hương đến phòng khám là trong trạng thái rất tồi tệ. Tinh thần cô do dùng thuốc lâu ngày mà trở nên uể oải, đôi mắt cũng mất đi thần thái.

Trung Y xem bệnh trầm cảm và gan có liên quan với nhau

Trầm cảm đã trở thành một căn bệnh phổ biến của con người hiện nay. Bác sĩ Thư Vinh, Giám đốc Phòng khám Trung Y Vinh Đại Phu tại Anh quốc cho biết, rất nhiều bệnh nhân bị trầm cảm đến phòng khám. Bệnh nhân bị trầm cảm, chủ yếu là “can” xuất hiện vấn đề.

Can trong Trung Y khác với gan trong Tây y, nó không dùng để chỉ cơ quan nằm dưới xương sườn bên phải của cơ thể con người, mà là khái niệm về một hệ thống.

Trung Y giảng “Can chủ tình chí”, can chi phối mọi cảm xúc, bất kỳ cảm xúc quá mức hoặc tiêu cực nào đều sẽ làm tổn thương gan trước tiên.

Bệnh nhân trầm cảm thường nghĩ không thông, tư tưởng bế tắc, không có nơi nào để trút bỏ, khi bị đè nén trong cơ thể, sẽ khiến cho khí cơ của gan [quá trình vận hành của Can khí] không thông suốt, bị tắc nghẽn.

Nếu coi cơ thể con người là một hệ thống có sông, hồ, hà, hải, thì các dòng nước này cần phải thông suốt, cơ thể mới khỏe mạnh được. Bác sĩ Thư Vinh ví dụ: “Khi một nhánh sông bị tắc nghẽn, nó có thể chỉ chặn một khu vực nhỏ, nhưng thượng nguồn sẽ sinh ra lũ và hạ lưu sinh ra khô cạn, kết quả là ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn”. Cảm xúc trầm cảm cũng vậy, nó sẽ ảnh hưởng đến vận hành của khí cơ trong cơ thể, ban đầu phong bế một chỗ, về sau ảnh hưởng ngày càng lớn, cuối cùng tạo thành bệnh tật.

Nếu người trầm cảm có thể giải khai tư tưởng, thì Can khí ứ trệ cũng theo đó mà tiêu tán, cơ thể sẽ hồi phục; Nếu người bệnh vẫn không thể nghĩ thông, đến khi bệnh đã rất nặng sẽ rất khó giải khai tư tưởng. Bởi vì mặc dù trầm cảm làm tổn thương can, nhưng can mất cân bằng cũng sẽ quay ngược lại ức chế cảm xúc.

Bác sĩ Thư Vinh giải thích rằng: Người trầm cảm dễ mất ngủ, cáu gắt, cũng là nguyên nhân khiến gan bị tổn thương. Vì “Can tàng huyết” [gan dự trữ máu], huyết là tính Âm. Khi một người ngủ, Âm-Dương của cơ thể cần giao nhau , Âm khí và Dương khí vinh thịnh [sung mãn, đầy đủ] cùng giao với nhau, con người sẽ đi vào trạng thái ngủ sâu. “Nhưng người trầm cảm thì tiêu hao Can huyết, Âm khí bất túc (không đủ), không kết nối được với Dương khí, nên khó đi vào giấc ngủ”. Mặt khác, Âm làm cho con người nhập tĩnh, Dương làm cho con người vận động, khi Âm bị tổn thương, thì tâm khó bình tĩnh, dễ sinh tâm cáu giận.

Tại sao phụ nữ sau sinh dễ bị trầm cảm? Bởi vì phụ nữ trong quá trình mang thai, đều đã truyền những thứ tinh hoa cho con, trong quá trình sinh nở lại tiêu hao lượng lớn khí huyết, nhất là Can huyết không đủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng. Vì vậy, lúc này nếu không nhận được sự quan tâm chăm sóc về mặt tinh thần từ chồng và gia đình, thể chất cũng không được điều dưỡng tốt, thì sẽ có thể xuất hiện chứng trầm cảm.

Hai cách điều dưỡng gan, cải thiện chứng trầm cảm

Những người thường xuyên bị trầm cảm, trước hết nên giải khai những khúc mắc ức chế trong lòng, suy nghĩ thấu đáo vấn đề; đồng thời thông qua vận động để thúc đẩy quá trình lưu thông khí huyết, khiến khí huyết ngưng trệ bị tiêu tán, tâm trạng sẽ trở nên tốt hơn.

Trong cuộc sống hàng ngày, bác sĩ Thư Vinh khuyến nghị người bệnh có thể thông qua hai phương pháp uống trà và bấm huyệt để dưỡng Can, điều hòa cảm xúc .

1. Uống trà: Cam mạch đại táo thang

Hai cách điều dưỡng bằng Đông y đẩy lùi chứng trầm cảm
“Cam mạch đại táo thang” có thể dưỡng can huyết, giữ tâm bình ổn, thư giãn cảm xúc. (Ảnh do “Đàm cổ luận kim thoại Trung y” cung cấp)

“Cam mạch đại táo thang” có thể dưỡng Can huyết, giúp tâm bình ổn, thư giãn cảm xúc. Những người thường xuyên cảm thấy căng thẳng, nếu như có thể uống nó mà không thấy khó chịu, thì có thể dùng làm trà để uống thường xuyên. Các vị thuốc được sử dụng trong bài thuốc này đều rất bình hòa, cho nên không có tác dụng phụ, phụ nữ sau khi sinh con cũng có thể uống được.

Dược liệu: Cam thảo, Tiểu mạch, Táo tàu.

Cách uống: Đun sôi với nước và uống như trà.

2. Xoa bóp hai huyệt

Hai cách điều dưỡng bằng Đông y đẩy lùi chứng trầm cảm
Cả huyệt Thái Xung và Dũng Tuyền đều có thể khởi tác dụng dưỡng gan, cải thiện chứng trầm cảm. (Ảnh: Shutterstock / Epoch Times)
  • Huyệt Thái Xung

Vị trí: Ở mặt lưng bàn chân, ở chỗ lõm giữa hai xương ngón chân 1 và 2.

Huyệt Thái xung là huyệt Nguyên của Can kinh, có tác dụng thư giãn cảm xúc rất tốt, có thể ấn thường xuyên. Khi tâm trạng không tốt, có thể lập tức kích thích huyệt vị này cho đến khi cảm thấy đau nhức không thể chịu được, tâm trạng cũng sẽ nhẹ nhõm hơn.

  • Huyệt Dũng Tuyền

Vị trí: Nằm ở phần trên của lòng bàn chân, ở chỗ lõm 1/3 phía trên của đường nối đầu kẽ ngón chân thứ 2, thứ 3 với gót chân.

Huyệt Dũng Tuyền là huyệt đầu tiên của Thận kinh. Bác sĩ Thư Vinh nói, “Dũng Tuyền có nghĩa là nước suối chảy ra bên ngoài, suối của sinh mệnh từ trong huyệt vị này chảy ra”. Nước suối khi mới chảy ra rất nhỏ, nhưng sức mạnh tiềm tàng rất lớn, càng ngày càng lớn, cho đến khi chảy thành sông hà hồ hải, “Kích thích huyệt Dũng Tuyền có thể làm cho nước của sinh mệnh trở nên mạnh hơn”.

Vậy tại sao phải ấn vào huyệt của Thận kinh? Thực tế, đối với bệnh trầm cảm, bổ Can là trị tiêu (chữa triệu chứng, vào phần tiêu), bổ Thận là trị bản (chữa vào gốc). Bệnh nhân trầm cảm thường do Thận tinh không đủ, cho nên cơ thể suy nhược. Hơn nữa, Thận thuộc Thủy, Can thuộc Mộc, Thủy sinh Mộc, cho nên việc bổ Thận cũng sẽ khởi tác dụng bổ Can .

Đối với bệnh nhân trầm cảm, mỗi tối trước khi đi ngủ ấn huyệt Dũng Tuyền 300 lần, có thể làm giảm các triệu chứng, còn có thể giúp đi vào giấc ngủ.

“Cấp tắc trị kỳ tiêu, hoãn tắc trị kỳ bản”

Lúc chứng trầm cảm nghiêm trọng và đã trở thành bệnh, thì cần nhờ bác sĩ để điều trị. “Cấp tắc trị kỳ tiêu, hoãn tắc trị kỳ bản” (bệnh cấp tính trị phần tiêu, phần ngọn; bệnh mạn tính trị phần gốc, phần bản). Bác sĩ Thư Vinh nói, khi thầy thuốc Trung Y giúp bệnh nhân điều trị cho đến khi hết bảy, tám phần bệnh, họ sẽ nói cho người bệnh biết làm thế nào để điều dưỡng lâu dài căn cứ theo tình trạng của bản thân người đó.

Khi điều trị cho bệnh nhân Thu Hương nói trên, đầu tiên bác sĩ Thư Vinh điều trị Can của cô ấy, đây là phương pháp điều trị cơ bản với bệnh trầm cảm trong Trung Y. Mặt khác bởi vì bệnh của cô đã quá lâu, Thận tinh cũng có chỗ hư nhược, cũng cần phải điều trị cả Thận; Nguyên nhân ăn không ngon, là Tỳ Vị không tốt, cho nên cũng cần điều trị thêm cả Tỳ Vị.

Sau một vài tuần châm cứu và điều trị bằng thuốc Trung Y, tâm trạng của Thu Hương về cơ bản đã trở lại bình thường, giấc ngủ và cảm giác thèm ăn cũng trở lại. Trước đây, cơ thể của Thu Hương yếu hơn những người khác, nhưng hiện tại, khi cơ thể của những người xung quanh xấu đi theo tuổi tác, thì thân thể của cô vẫn giữ được trạng thái rất tốt. Cô đã không còn gặp chứng trầm cảm nữa.

Mạt Lê biên tập
Lâm Mộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Kha Huyền
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn