“Càn khôn tuyến” độc đáo giúp bạn dễ ngủ và ba cách chống mất ngủ

Giấc ngủ ngon, chất lượng tốt không chỉ nâng cao hiệu quả công việc, giúp bạn cảm thấy vui vẻ mà còn làm đẹp da. Tuy nhiên, cuộc sống của con người hiện đại chịu nhiều áp lực và thường gặp phải những vấn đề như mất ngủ, ngủ chập chờn, thường xuyên mơ và dễ thức giấc. Tiến sĩ Ngô Hoàng Cán, giám đốc Phòng khám Trung y Nghi Thăng Đài Loan, đã giới thiệu phương pháp hỗ trợ giấc ngủ “Càn khôn tuyến” độc đáo để giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Giấc ngủ ngon phải là giấc ngủ sâu và ngon, giúp cơ thể giải độc và phục hồi tế bào hiệu quả. Khi một người ngủ không ngon giấc thì dễ xuất hiện các triệu chứng như khô miệng và lưỡi, khô mắt, khô da, táo bón, ảnh hưởng đến kinh nguyệt của phụ nữ, đẩy nhanh quá trình lão hóa.

Thuốc ngủ và tác dụng phụ

Nhiều người chuyển sang dùng thuốc ngủ hoặc thực phẩm bổ sung khi bị mất ngủ, nhưng trước khi làm như vậy, có lẽ bạn nên hiểu cách các loại thuốc ngủ hoạt động và những tác dụng phụ có thể xảy ra.

  • Thuốc kháng histamine: Thường được sử dụng để điều trị cảm lạnh và dị ứng, thuốc kháng histamin có tác dụng an thần và có thể giúp bạn chìm vào giấc ngủ tạm thời. Tuy nhiên, tác dụng an thần đôi khi kéo dài sang cả ban ngày, khiến người bệnh cảm thấy buồn ngủ, có thể ảnh hưởng đến tinh thần và chất lượng làm việc trong cả ngày.
  • Melatonin: Là loại hormone được tuyến tùng trong não sản xuất. Thông thường vào ban đêm, lượng melatonin trong cơ thể tiết ra tăng cao khiến mọi người buồn ngủ. Dùng melatonin có thể gây ra tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, đau dạ dày và buồn ngủ vào ban ngày.
  • Thuốc giãn cơ: Đối với những người không thể ngủ được vì căng cơ, thuốc giãn cơ có thể giúp ngủ ngon. Tuy nhiên, tác dụng phụ của loại thuốc này là làm yếu cơ nên có nguy cơ vô tình bị té ngã khi đi vệ sinh vào ban đêm.

Vậy nguyên nhân thực sự gây ra chứng mất ngủ là gì? Có cách nào tốt hơn để giúp thoát khỏi chứng rối loạn giấc ngủ không?

Căng thẳng tâm lý: Nguyên nhân chính gây mất ngủ

Chương trình “Tu luyện khỏe mạnh” của The Epoch Times đã tiến hành phỏng vấn Tiến Sĩ Ngô, ông cho rằng trên lâm sàng, các triệu chứng mất ngủ ở hầu hết bệnh nhân là do căng thẳng về tâm lý và tinh thần. Đặc biệt, trong ba năm xảy ra đại dịch, nhiều bệnh nhân bị mất ngủ do Covid-19.

Trung y cho rằng cảm xúc có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe thể chất. Niềm vui, sự tức giận, lo lắng, suy nghĩ, buồn bã và sợ hãi đều ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau.

Tiến sĩ Ngô cho biết liệu pháp châm cứu và Trung y điều trị cho bệnh nhân mất ngủ có hiệu quả tốt. Trung y cho rằng cơ thể con người có hệ thống kinh mạch, hay còn gọi là kênh năng lượng, có nhiệm vụ vận chuyển khí và huyết đi khắp cơ thể. Đây là các chất thiết yếu cấu thành nên cơ thể và duy trì các hoạt động sống của con người. Một số điểm trên kinh mạch có chức năng đặc biệt được gọi là huyệt. Kích thích các huyệt tương ứng thông qua châm cứu và xoa bóp có thể điều trị các bệnh của những tạng phủ tương ứng.

Theo một tổng quan nghiên cứu năm 2017 được công bố trên Tập san International Review of Neurobiology (Sinh học Thần kinh Quốc tế), các loại thảo dược và bài thuốc của Trung Hoa đã được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ tại đất nước này trong hơn 2,000 năm qua. Theo dữ liệu lâm sàng trong những năm gần đây, một số loại thuốc thảo dược Trung Hoa được sử dụng phổ biến nhất có tác dụng an thần và gây ngủ bao gồm Toan táo nhân (hạt táo tàu), Phục linh và Cam thảo.

Một tổng quan toàn diện cho thấy cơ chế tác dụng dược lý chính của hầu hết các loại thuốc thảo dược có tác dụng an thần là nhờ chất dẫn truyền thần kinh acid gamma-aminobutyric (GABA) hoặc kích thích thụ thể acid gamma-aminobutyric loại A (GABAAA). Một số loại thảo dược hoạt động thông qua ức chế thụ thể 5-hydroxytryptamine (5HT).

Một tổng quan nghiên cứu được công bố trên Tập san Journal of Alternative and Complementary Medicine (Y học Thay thế và Bổ sung) bao gồm 46 thử nghiệm ngẫu nhiên với 3,811 bệnh nhân. Phân tích cho thấy tác dụng có lợi của châm cứu so với không điều trị, và châm cứu kết hợp điều trị bằng thảo dược cải thiện tỷ lệ điều trị mất ngủ thành công tốt hơn đáng kể so với chỉ dùng thuốc thảo dược. Ngoài ra, không có phản ứng bất lợi nghiêm trọng nào liên quan đến điều trị châm cứu được báo cáo trong các thử nghiệm.

Ba cách nhanh chóng giúp bạn chìm vào giấc ngủ

Bác sĩ Ngô đã chia sẻ ba phương pháp giúp mọi người nhanh chóng chìm vào giấc ngủ:

1. Phương pháp trợ giúp ngủ ngon bằng ‘Càn khôn tuyến’

Tiến sĩ Ngô từng phát hành một bài viết học thuật cho biết “Càn khôn tuyến” được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ trên lâm sàng đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Càn khôn tuyến là đường nằm ngang kéo dài từ sau dái tai đến tóc. Có năm huyệt dọc theo tuyến Càn khôn gồm: Ế phong, An miên 1, Ế minh, An miên 2 và Phong trì. Dây thần kinh phế vị cũng chạy dọc theo đường này.

“Càn khôn tuyến” độc đáo giúp bạn dễ ngủ và ba cách chống mất ngủ
(Ảnh: The Epoch Times)

Người bị mất ngủ có thể bôi một chút bạc hà lên Càn khôn tuyến sau hai bên tai trước khi đi ngủ. Bạc hà giúp điều chỉnh các dây thần kinh giao cảm và phó giao cảm nên có tác dụng gây buồn ngủ tốt.

2. Huyệt Ấn đường và thở sâu

Huyệt Ấn đường nằm giữa hai lông mày cũng là một huyệt tuyệt vời giúp dễ ngủ. Sau khi bôi bạc hà vào huyệt Ấn đường, hãy nhắm mắt lại và từ từ hít một hơi thật sâu.

Tiến sĩ Ngô cho biết việc tập trung vào hơi thở sâu có ba lợi ích:

  1. Có thể ngăn bạn suy nghĩ quá nhiều và nghiền ngẫm.
  2. Thúc đẩy não tiết ra các chất tạo sự thanh thản.
  3. Vì có nhiều dây thần kinh giao cảm và phó giao cảm bên trong các tạng phủ, nên khi hít thở sâu các cơ quan này giãn ra, tất cả các dây thần kinh trong đó đều được kích hoạt. Khi các dây thần kinh giao cảm và phó giao cảm đạt đến trạng thái cân bằng, con người sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Tiến sĩ Ngô nhận thấy rằng nhiều bệnh nhân mất ngủ lo lắng: “Nếu tôi không thể ngủ ngon vào ban đêm, tôi phải làm gì khi không còn đủ năng lượng vào ngày hôm sau?” Nỗi lo này lại càng khiến bạn khó ngủ hơn. Tiến sĩ Ngô nhấn mạnh rằng không nên lo lắng về việc liệu mình có thể ngủ được hay không, mà chỉ cần tập trung hít thở sâu, như vậy dù không ngủ được thì ngày hôm sau bạn vẫn sẽ có tinh thần tốt. Điều này sẽ giúp bạn thư thái và chìm vào giấc ngủ một cách tự nhiên.

“Càn khôn tuyến” độc đáo giúp bạn dễ ngủ và ba cách chống mất ngủ
(Ảnh: The Epoch Times)

3. Trà giúp ngủ ngon

Tiến sĩ Ngô cũng khuyến nghị một loại trà có tác dụng trợ giúp giấc ngủ. Ông đề nghị những người bị chứng mất ngủ nên uống trước bữa tối để phát huy tác dụng lúc đi ngủ.

Thành phần: Toan táo nhân (hạt táo tàu) 20 gram (0.7 ounce), Long nhãn 10 gram (0.35 ounce), Bạch truật 10 gram (0.35 ounce), Đẳng sâm 10 gram (0.35 ounce), Hoàng kỳ 10 gram (0.35 ounce), Cam thảo 3 gam (0.1 ounce).

Chuẩn bị: Đun sôi tất cả thảo dược với nước, sôi khoảng ba phút thì tắt bếp và uống khi còn ấm.

Thời điểm tốt nhất để ngủ

Dù một số người cần phải thức khuya để làm việc, nhưng đi ngủ sớm và dậy sớm sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và làm việc hiệu quả hơn. Tiến sĩ Ngô cho biết, phải mất một tuần, hoặc thậm chí một tháng để bù lại một đêm thức khuya và người mất ngủ lâu ngày rất khó hồi phục hoàn toàn. Vì thế bạn cần cố gắng tránh không thức khuya.

Theo Tiến sĩ Ngô, trung y nhấn mạnh cần phải có “giấc ngủ ngắn vào buổi trưa và vào lúc nửa đêm.” Nửa đêm được coi là từ 23 giờ đêm đến 1 giờ sáng và buổi trưa là từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều. Ngủ trong khoảng thời gian này có lợi nhất cho việc phục hồi cơ thể.

Trung y cho rằng cơ thể con người có 12 kinh mạch, nối liền với 12 tạng phủ, và 24 tiếng trong ngày được chia thành 12 tiết (mỗi tiết tương đương với hai tiếng). Khí huyết trên các kinh mạch tương ứng sẽ đặc biệt thịnh vượng vào từng thời điểm khác nhau. Và các tạng phủ tương ứng với các kinh mạch đó cũng hoạt động tích cực hơn.

Trong cuốn sách y học cổ truyền Trung Hoa Hoàng Đế Nội Kinh viết rằng “khi con người nằm xuống (ngủ), huyết trở về gan.” Vì vậy, khi con người ngủ và nằm, huyết được lưu trữ trong gan, hệ thống thần kinh thực vật và hệ thống nội tiết do gan điều tiết sẽ ổn định hơn.

Kinh túi mật “hoạt động” từ 23 giờ đêm đến 1 giờ sáng, kinh gan trực từ 1 giờ đến 3 giờ sáng. Nếu có thể ngủ sâu trong thời gian này sẽ có lợi cho gan và túi mật thải độc, chuyển hóa và phục hồi cơ thể.

Theo quan điểm của Tây y, 10 giờ tối và 11 giờ tối cũng là thời điểm hai loại hormone chính có tác dụng phục hồi cơ thể là hormone tăng trưởng và melatonin bắt đầu được tiết ra với số lượng lớn. Vì vậy, ngủ trong thời gian này có tác dụng phục hồi cơ thể tốt nhất và cũng không dễ bị mất ngủ.

Từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều là thời điểm kinh tâm (tim) hoạt động mạnh nhất. Nghỉ ngơi vào thời điểm này rất tốt, giúp tim cung cấp máu đi nuôi cơ thể, rất có ích trong việc ứng phó với những thay đổi của môi trường và sửa chữa các tế bào.

*Lưu ý: Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc nhưng thường có bán sẵn ở các cửa hàng tạp hóa và sức khỏe Á Châu. Ngoài ra, do thể trạng của mỗi người là khác nhau nên phương pháp điều trị tương ứng cũng khác nhau. Vì vậy, nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn các liệu pháp điều trị phù hợp.

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amber Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Amber Yang là giám đốc tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên trong nhiều năm, đồng thời là ký giả kiêm biên tập viên về sức khỏe và sắc đẹp trong 10 năm. Cô cũng là người dẫn chương trình và nhà sản xuất của các chương trình YouTube "Amber Running Green" và "Amber Health Interview."
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn