Nói lời tạm biệt với chứng mất ngủ

Mất ngủ ảnh hưởng đến hàng triệu cá nhân, gia đình và cộng đồng xung quanh. Họ thường khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại. Người bị mất ngủ thường thức dậy với cảm giác mệt mỏi.

Mất ngủ đôi khi xảy ra với những người đang trải qua những sự kiện rất căng thẳng trong cuộc sống, dùng quá nhiều đồ uống có chứa caffeine hoặc rượu, hoặc bị đau hay khó chịu về thể chất khác. Một khi các yếu tố góp phần được giải quyết, họ sẽ không còn bị mất ngủ.

Điều trị hiện đại

Mất ngủ mạn tính ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tâm trạng, trí nhớ và chức năng nhận thức, đồng thời làm suy giảm hiệu suất làm việc.

Các bác sĩ có thể kê đơn thuốc ngủ như chất chủ vận thụ thể Benzodiazepine có ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh trong não. Ngoài khả năng bị lệ thuộc về thể chất và tâm lý, việc sử dụng các loại thuốc này trong dài hạn thường gây ra các tác dụng phụ như buồn ngủ ban ngày, suy giảm nhận thức, ức chế kỹ năng vận động và mất ngủ tái phát.

Thực phẩm chức năng tự nhiên

Melatonin là một loại hormone được sản xuất tại tuyến tùng, thường bắt đầu vào giữa hoặc cuối buổi tối và giảm dần vào sáng sớm. Chất này giúp điều chỉnh chu kỳ ngủ và thức.

Mọi người dùng melatonin để khắc phục tình trạng mệt mỏi sau chuyến bay và chứng mất ngủ. Chỉ nên sử dụng melatonin nhân tạo với sự hướng dẫn của bác sĩ thay vì tự mua.

Melatonin cũng có thể hữu ích cho các chức năng miễn dịch. Tuy nhiên, melatonin có tác dụng phụ như buồn ngủ vào ban ngày, hạ nhiệt độ cơ thể và tạo ra những giấc mơ sống động.

Rễ cây nữ lang là một loại thảo dược đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ qua để giảm lo âu và giúp dễ ngủ. Người bị mất ngủ nên uống ngay trước khi đi ngủ. Cần dùng rễ cây nữ lang trong khoảng thời gian từ hai đến bốn tuần nếu bị chứng mất ngủ mạn tính.

Tác dụng phụ có thể xảy ra của rễ cây nữ lang bao gồm đau đầu nhẹ hoặc khó tiêu, nhịp tim bất thường và thậm chí mất ngủ ở một số người. Thật không may, rễ cây nữ lang có mùi như mùi mồ hôi của tất.

Trung y điều trị mất ngủ như thế nào

Theo lý thuyết của Trung y, chứng mất ngủ là kết quả của sự mất cân bằng khí, liên quan đến nhiều cơ quan và hệ thống kinh lạc. Các cơ quan và hệ thống kinh lạc thường liên quan đến chứng mất ngủ mạn tính là tim, gan, thận và lá lách.

Điều đó nói lên rằng, những bệnh nhân bị chứng mất ngủ mạn tính có thể bị mất cân bằng khí hoặc các vấn đề khác nhau với nhiều hệ cơ quan và kinh lạc khác nhau. Vì vậy, họ sẽ có những triệu chứng lâm sàng khác nhau và cần được điều trị thích hợp.

Susan là một phụ nữ 40 tuổi khó ngủ và thường thức dậy vào khoảng 2 giờ sáng. Rất khó để cô có thể ngủ lại. Tuy nhiên, cô cũng thỉnh thoảng bị đau nửa đầu, đau khắp cơ thể, ợ nóng và hội chứng tiền kinh nguyệt. Cô phàn nàn về tâm trạng cáu kỉnh của mình và thường xuyên có vị đắng trong miệng.

Theo Trung y, Susan bị gan ứ đọng và tích nhiệt ảnh hưởng đến tim và gan. Sau khoảng 30 buổi châm cứu và điều trị bằng thảo dược trong thời gian ba tháng, Susan cuối cùng đã có thể ngủ suốt đêm mà không cần dùng thuốc ngủ.

Mary là một phụ nữ 50 tuổi bắt đầu bị chứng mất ngủ sau khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Bà luôn cảm thấy lo lắng, cáu kỉnh và nóng nảy. Đôi khi bà đổ mồ hôi đầm đìa vào ban đêm.

Mary cũng bị đau lưng và tim thường đập nhanh kèm theo hồi hộp. Mary bị “thận âm hư” và mất kiểm soát “tâm hỏa.” Phép pháp châm cứu và thảo dược cho cô tập trung vào việc bổ sung “năng lượng âm của thận” và loại bỏ sức nóng trong kinh tim.

Kết quả là giấc ngủ của cô cũng như tâm trạng, chứng bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm cũng cải thiện.

John năm nay 35 tuổi, làm công việc căng thẳng, đòi hỏi phải làm thêm vào buổi tối và cuối tuần. Anh lo lắng rất nhiều về công việc và gia đình. John khó ngủ và thường xuyên thức giấc suốt đêm. Cơ bắp của anh đau nhức và anh gặp khó khăn trong việc giảm cân. Trông anh xanh xao và mệt mỏi. Anh cảm thấy đầu óc choáng váng và đôi khi tim đập nhanh.

John được chẩn đoán mắc bệnh “tỳ khí” và “tâm huyết hư.” Vì vậy, phương pháp châm cứu và điều trị bằng thảo dược cho anh được thiết kế để tăng “tỳ khí” và “tâm huyết.” Anh cũng phải thay đổi cách ăn uống và giờ làm việc.

Nhìn từ góc độ Trung y, mỗi người bị chứng mất ngủ mạn tính đều không giống nhau. Cách tốt nhất là được đánh giá bởi một bác sĩ Trung y có kinh nghiệm và tuân thủ kế hoạch điều trị một cách trung thực.

Mất ngủ chỉ là dấu hiệu của sự mất cân bằng trong cơ thể con người. Điều trị chứng mất ngủ không chỉ cải thiện giấc ngủ; nó cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa những căn bệnh nghiêm trọng hơn xảy ra.

Phương Vy biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn