Có nên dùng thuốc ngủ? Các bài thuốc cổ xưa chữa mất ngủ do rối loạn thần kinh thực vật

Bác sĩ Trung y Trần Tuấn Như chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ và các bài thuốc điều trị tại nhà để lấy lại sự cân bằng.

Một giấc ngủ ngon giúp đem lại cảm giác sảng khoái sau khi thức dậy – chúng ta có nguồn năng lượng tươi sáng và sẵn sàng đối mặt với ngày mới. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người khó ngủ ngon hoặc thức dậy vào ban đêm sau khi chỉ ngủ một giấc ngắn. Cả hai tình huống này đều có thể là vấn đề do rối loạn hệ thần kinh thực vật gây ra.

Bác sĩ Trần Tuấn Như, giám đốc Phòng khám Trung y Tinh Hà, đã giới thiệu trong chương trình “Health 1+1” cách điều hòa thần kinh thực vật qua xoa bóp huyệt, cùng một số bài thuốc Trung Hoa cổ xưa và các loại trà thảo dược – một phần của liệu pháp ăn uống hàng ngày.

Hệ thần kinh thực vật là một phần của hệ thần kinh ngoại biên, chịu trách nhiệm điều chỉnh các hoạt động sinh lý không tự chủ như nhịp tim, huyết áp và nhịp thở. Hệ thần kinh thực vật có hai thành phần, hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Kích động hoặc căng thẳng sẽ khiến hệ thần kinh giao cảm hoạt động mạnh, do đó làm tăng huyết áp và nhịp tim, ngừng nhu động dạ dày ruột. Khi cơ thể được thư thái hoặc nghỉ ngơi thì hệ thần kinh phó giao cảm sẽ hoạt động, do đó làm giảm huyết áp và nhịp tim, kích thích nhu động của đường tiêu hóa. Sự cân bằng giữa hai hệ thần kinh cho phép con người hoạt động và nghỉ ngơi khi cần thiết, từ đó duy trì các chức năng bình thường của cơ thể.

Khi hệ thần kinh thực vật có vấn đề sẽ gây ra nhiều triệu chứng khác nhau trên toàn bộ cơ thể. Ngoài chứng mất ngủ và thức giấc sớm, còn có các dấu hiệu như sợ hãi, đánh trống ngực, tức ngực, khó thở, chóng mặt, ù tai; các vấn đề về tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản; các vấn đề về xương, cơ như tê ở tay và chân.

Đặc điểm tính cách ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật

Ai dễ bị rối loạn hệ thần kinh thực vật? Bác sĩ Trần cho biết tính cách quyết định cuộc sống, do đó, cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của con người. Những người cầu tiến với tinh thần trách nhiệm cao, hoặc những người bị căng thẳng thường xuyên thường dễ bị mất ngủ hoặc khó tiêu. Theo chẩn đoán của Trung y, loại người này thường dễ bị “can khí uất kết.”

Trung y gọi năng lượng trong cơ thể con người là “khí.” Khí lưu thông liên tục khắp cơ thể, kích thích tuần hoàn máu và duy trì các chức năng sinh lý khác nhau của cơ thể. Khí tắc nghẽn sẽ sinh ra bệnh tật. Gan chịu trách nhiệm vận chuyển khí nhưng lại rất nhạy cảm với cảm xúc. Căng thẳng quá mức làm tắc nghẽn năng lượng của gan, dẫn đến ứ trệ năng lượng tổng thể.

Bác sĩ Trần nói rằng, can khí uất kết sẽ tiến triển thành khí huyết ứ trệ theo thời gian. Tuần hoàn máu có quan hệ mật thiết với lưu thông khí, khí không thông suốt thì máu lưu thông cũng kém, gọi là “huyết ứ.” Ví dụ, một số nữ giám đốc điều hành cấp cao dễ bị u xơ tử cung, đây là triệu chứng của khí huyết ứ trệ. Tất cả bắt đầu từ sự căng thẳng, dẫn đến rối loạn giấc ngủ, rối loạn kinh nguyệt, và theo thời gian, các khối u sẽ xuất hiện.

Bác sĩ Trần cho biết, căng thẳng tâm lý thường chắc chắn sẽ dẫn đến rối loạn hệ thần kinh thực vật. Căng thẳng lớn làm kích hoạt dây thần kinh giao cảm, nếu kéo dài sẽ gây ra mất cân bằng với dây thần kinh phó giao cảm, lâu dần sẽ dẫn đến rối loạn hệ thần kinh thực vật.

Xoa bóp huyệt vị để điều hòa hệ thần kinh thực vật

Trung y điều trị rối loạn hệ thần kinh thực vật bằng cách làm dịu can và điều hòa khí. Theo Trung y, kinh mạch là các kênh năng lượng của cơ thể người, có nhiệm vụ vận chuyển khí và huyết đi khắp cơ thể. Kích thích các “huyệt” có công năng đặc biệt trên kinh mạch qua châm cứu, xoa bóp hoặc cứu ngải (một loại liệu pháp nhiệt trong đó các loại thảo mộc được đốt trên hoặc rất gần bề mặt da) có thể gia tăng dòng năng lượng đó.

Sự phân bố của các dây thần kinh thực vật là từ não đến cột sống, lan dọc theo hai bên cột sống, kết nối và chi phối các cơ quan nội tạng. Có một số huyệt gọi là “huyệt Du” phân bố ở hai bên cột sống. Xoa bóp những huyệt này đúng cách sẽ giúp điều chỉnh trạng thái của hệ thần kinh thực vật.

Có nên dùng thuốc ngủ? Các bài thuốc cổ xưa chữa mất ngủ do rối loạn thần kinh thực vật
(Ảnh: The Epoch Times)

Ngoài ra, bạn có thể bắt đầu từ huyệt Bách hội (DU-20) trên đỉnh đầu và huyệt Nội quan (PC-6) trên cẳng tay. Căng thẳng không chỉ khiến cơ vai mà cả đầu và da đầu cũng bị căng cứng, vì vậy việc xoa bóp huyệt Bách hội rất tốt. Huyệt Nội quan có tác dụng điều hòa khí huyết. Xoa bóp huyệt Nội quan thường xuyên có thể làm dịu tâm trạng.

Có nên dùng thuốc ngủ? Các bài thuốc cổ xưa chữa mất ngủ do rối loạn thần kinh thực vật
(Ảnh: The Epoch Times)

Huyệt Nhân nghênh (ST-9) và Khí xá (ST-11) ở hai bên sụn giáp cũng có tác dụng điều hòa hệ thần kinh thực vật hiệu quả. Tuy nhiên, gần hai huyệt này có các mô và cơ quan quan trọng nên việc tự xoa bóp là không phù hợp mà phải được bác sĩ chuyên môn thực hiện.

Có nên dùng thuốc ngủ? Các bài thuốc cổ xưa chữa mất ngủ do rối loạn thần kinh thực vật
(Ảnh: The Epoch Times)

Hai bài thuốc ổn định tâm trạng, cải thiện chứng mất ngủ

Trong Trung y, các bài thuốc thường được dùng để điều trị rối loạn hệ thần kinh thực vật bao gồm Tiêu diêu tán (gồm Sài hồ và hoa Mẫu đơn) và Tiểu sài hồ thang. Trong những năm gần đây, y học hiện đại cũng chú ý đến tác dụng của những bài thuốc Trung y này. Nghiên cứu từ Đại học Hồng Kông cho biết các thử nghiệm lâm sàng sơ bộ đã phát hiện ra rằng các bài thuốc Trung y phổ biến này có thể cải thiện chứng trầm cảm một cách hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn.

Để chăm sóc sức khỏe hàng ngày, bác sĩ Trần đề nghị hai bài thuốc chữa bệnh thơm ngon, cả hai đều bắt nguồn từ cuốn “Kim Quỹ Yếu Lược,” có niên đại hơn 1,800 năm do nhà hiền triết Trung y Trương Trọng Cảnh viết.

1. Thuốc sắc Cam thảo và Táo tàu

Thành phần: 10g (0.4 ounce) cam thảo, 10g (0.4 ounce) mạch nha, 5 trái chà là đỏ hoặc đen (táo tàu).

Cách làm: Rửa sạch tất cả nguyên liệu, thêm 600ml (20 fl. ounce) nước và đun nhỏ lửa trong khoảng 20 phút.

Bác sĩ Trần cho biết người xưa đã dùng phương thuốc này để điều trị chứng trầm cảm và lo âu. Kết quả lâm sàng cho thấy nhiều người dễ thức giấc lúc nửa đêm đã cải thiện được các triệu chứng sau khi dùng thuốc. Ba loại thảo mộc này đều có vị ngọt, dễ chịu.

Nghiên cứu được công bố trên Tập san Journal of Ethnopharmacology (Dân tộc học) cho thấy bài thuốc sắc Cam thảo và Táo tàu có khả năng cải thiện chứng trầm cảm mà không có hoặc có ít tác dụng phụ. Đối với bệnh nhân trầm cảm, uống thuốc sắc này trong khi đang dùng thuốc chống trầm cảm không chỉ có tác dụng chữa bệnh tốt hơn mà còn có thể làm giảm tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm.

2. Cháo hoa Bách hợp và Địa hoàng

Nguyên liệu: Một bông hoa Bách hợp, 30g (1 ounce) Địa hoàng, 120g (4 ounce) gạo trắng.

Cách làm: Rửa sạch hoa Bách hợp, tách từng củ Địa hoàng rồi rửa sạch. Cho gạo trắng với nước, hoa Bách hợp tươi và Địa hoàng rồi nấu thành cháo.

Hoa Bách hợp và Địa hoàng chủ yếu được dùng để điều trị chứng rối loạn tâm trạng và các vấn đề viêm mạn tính do cảm xúc không ổn định. Nghiên cứu được công bố trên Tập san Biomedicine & Pharmacotherapy (Y sinh & Dược lý) năm 2019 cho thấy bài thuốc này có tác dụng chống trầm cảm rõ rệt. Cơ chế tác dụng bao gồm tác động lên trục vùng dưới đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận (trục HPA) nhằm cải thiện hệ thần kinh nội tiết, điều hòa hoạt động dẫn truyền thần kinh, cùng nhiều chức năng khác. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã chiết xuất được 160 thành phần hóa chất thực vật từ hoa Bách hợp và Địa hoàng. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của hai loại thảo dược này và tác dụng hiệp đồng giữa nhiều hoạt chất vẫn cần phải nghiên cứu thêm.

Bác sĩ Trần cho biết hoa Bách hợp và Địa hoàng vừa là dược liệu vừa là thực phẩm. Đặc biệt hoa Bách hợp có vị giòn, ngọt, dùng để nấu cháo rất ngon. Không cần dùng quá nhiều Địa hoàng tươi vì sẽ làm đậm màu cháo hơn.

Ngoài ra, một số nghiên cứu còn phát hiện ra rằng cả thuốc sắc Cam thảo Táo tàu và cháo hoa Bách hợp Địa hoàng đều có thể giúp cải thiện các vấn đề về tâm lý của những người đã khỏi bệnh COVID-19.

Uống trà hoa hồng thường xuyên để cải thiện lưu thông máu

Bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật có thể uống trà không? Bác sĩ Trần tin rằng trà xanh chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và có tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng trà xanh cũng chứa catechin và caffeine, có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Cô khuyên những người bị chứng mất ngủ nên uống trà hoa cúc và trà hoa hồng.

Hoa hồng có thể điều hòa khí (chuyển động năng lượng) và kích hoạt tuần hoàn máu trong cơ thể. Đối với những phụ nữ bị khí huyết ứ trệ, thường khó ra kinh nguyệt thì uống trà hoa hồng điều độ có thể hữu ích. Có thể thêm lá bạc hà hoặc hoa cam bergamot vào trà hoa hồng vừa có tác dụng làm dịu can, giảm trầm cảm, vừa giúp hương vị đậm đà hơn.

Khi mua hoa hồng, để tránh dư lượng thuốc trừ sâu, nên chọn những nhãn hiệu được chứng nhận hữu cơ và hoa hồng địa phương thì tốt hơn.

4 thói quen giúp bạn ngủ ngon

Để tránh rối loạn hệ thần kinh thực vật, ngoài phương thức ăn uống, bác sĩ Trần lưu ý rằng điều quan trọng hơn là phải hình thành những thói quen giúp ngủ ngon dưới đây:

  1. Không uống cà phê hoặc trà vào buổi chiều.
  1. Không dùng điện thoại hoặc đọc những thông điệp gây căng thẳng trước khi đi ngủ.
  1. Đọc sách trước khi ngủ sẽ giúp chuyển hướng chú ý và thay đổi trạng thái làm việc của não để cảm thấy thư thái hơn.
  1. Tập thể dục hàng ngày.

Càng hoạt động thể chất nhiều thì bạn càng khỏe mạnh hơn. Người lớn tuổi nên duy trì hoặc hình thành thói quen tập thể dục, còn nhân viên văn phòng nên dành tối thiểu nửa giờ mỗi ngày để tập thể dục. Bất cứ lúc nào thuận tiện, nên thay thế lái xe bằng cách đi bộ nhanh. Tốt nhất là nên tập thể dục ngoài trời, ngắm hoa lá, thực vật và động vật trong tự nhiên để cải thiện tâm trạng.

Bác sĩ Trần nói rằng uống thuốc ngủ lâu ngày có thể dẫn đến nghiện. Việc thỉnh thoảng dùng thuốc ngủ là điều bình thường nhưng có thể trở thành thói quen. Hơn nữa, nếu dựa vào thuốc thay vì “ngắt não” để ngủ thì chất lượng giấc ngủ của bạn sẽ không được tốt. Ngược lại, Trung y điều trị bằng cách điều hòa sự cân bằng của cơ thể và không gây nghiện hay phụ thuộc vào thuốc lâu dài.

Lưu ý: Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc, nhưng thường có bán ở các tiệm thực phẩm sức khỏe và tiệm tạp hóa Á Châu. Trà thuốc chỉ được dùng cho mục đích chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để có kế hoạch điều trị cụ thể dựa trên thể trạng và triệu chứng của từng người.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amber Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Amber Yang là giám đốc tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên trong nhiều năm, đồng thời là ký giả kiêm biên tập viên về sức khỏe và sắc đẹp trong 10 năm. Cô cũng là người dẫn chương trình và nhà sản xuất của các chương trình YouTube "Amber Running Green" và "Amber Health Interview."
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn