Công thức 7 món ăn giảm cân và thải độc từ đậu nành; Ai không nên uống sữa đậu nành?

Được tôn sùng hơn 2000 năm ở Trung Hoa vì công dụng ẩm thực và làm thuốc, đậu nành đã vượt qua thử thách của thời gian như một loại thực phẩm hoàn hảo về mặt dinh dưỡng.

Việc sản xuất và tiêu thụ thực phẩm làm từ đậu nành có lịch sử hơn 2000 năm ở Trung Hoa. Tương tự, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có truyền thống lâu đời về ẩm thực đậu nành.

Trong những năm gần đây, với sự chú trọng ngày càng tăng vào thực phẩm lành mạnh và sự gia tăng của việc ăn chay, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành đã trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ và Âu Châu như một lựa chọn thực phẩm lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng.

Đậu nành là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe vì những lý do sau:

  • Hàm lượng cao protein, acid béo không bão hòa, lecithin, chất xơ hòa tan và khoáng chất vi lượng.
  • Sữa đậu nành, đậu hũ, miso và đậu xị có công dụng giảm cân, bổ sung calcium, ngăn ngừa táo bón, thúc đẩy tuần hoàn máu và thải độc.
  • Protein đậu nành giảm cholesterol và giảm cân giống như các loại thực phẩm có hàm lượng protein cao khác.
  • Hàm lượng cao isoflavone, giảm nguy cơ bị các bệnh ung thư như ung thư vú, giảm bớt các triệu chứng mãn kinh, tăng mật độ khoáng xương của phụ nữ sau mãn kinh và cải thiện trí nhớ.
  • Ngoài ra, các nghiên cứu còn phát hiện ra rằng thực phẩm từ đậu nành không chỉ có lợi cho phụ nữ mà còn có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.

Hai loại thực phẩm từ đậu nành

Thông thường, thực phẩm làm từ đậu nành được chia thành hai loại chính: lên men và không lên men.

1. Thực phẩm đậu nành lên men

  • Đậu đen lên men
  • Miso (bột đậu nành)
  • Natto
  • Đậu hũ lên men và đậu hũ thối

Quá trình lên men làm giảm hàm lượng chất ức chế protease, có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiêu hóa protein và làm giảm hàm lượng phytate ức chế sự hấp thụ calcium trong đậu nành.

2. Thực phẩm đậu nành không lên men

  • Sữa đậu nành
  • Đậu hũ
  • Giá đỗ

Protein của thực phẩm đậu nành không lên men cũng khá tốt. Đậu hũ kết đông với muối calcium và sữa đậu nành bổ sung calcium có tỷ lệ hấp thụ calcium tương tự như sữa.

Làm thế nào để chúng ta lựa chọn và kết hợp các sản phẩm đậu nành vào cách ăn uống hàng ngày để mang lại lợi ích tối ưu?

Dưới đây là một số loại thực phẩm đậu nành phổ biến và gợi ý về cách chế biến đậu nành với các nguyên liệu bổ sung và thảo dược để mang lại lợi ích và hương vị tối ưu.

2 công thức sữa đậu nành giúp chị em phụ nữ làm đẹp

Sữa đậu nành, một loại đồ uống làm từ đậu nành, có hàm lượng protein cao và các nguyên tố vi lượng kim loại, được mệnh danh là một thức uống làm đẹp tuyệt vời, đặc biệt là đối với phụ nữ lớn tuổi.

Hơn nữa, chất isoflavone trong sữa đậu nành có thể giúp làm giảm bớt những khó chịu ở thời kỳ mãn kinh.

1. Sữa đậu nành bí ngô

Uống sữa đậu nành bí ngô có thể thúc đẩy nhu động ruột, tăng chức năng của ruột và ngăn ngừa táo bón.

Bí ngô rất nhiều pectin, có thể bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa và thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét dạ dày.

Bí ngô còn chứa lutein và zeaxanthin, giúp duy trì sức khỏe của mắt và ngăn ngừa các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.

Nguyên liệu:

  • 500g bí ngô
  • 2.69 lít sữa đậu nành

Chế biến:

  • Cắt bí ngô thành từng miếng nhỏ rồi hấp cho đến khi mềm.
  • Xay nhuyễn bí ngô hấp với sữa đậu nành, sau đó đổ vào cốc và thưởng thức.

Nếu không có máy xay sinh tố, thêm bí ngô xay nhuyễn vào sữa đậu nành cũng là một lựa chọn tuyệt vời.

2. Sữa đậu nành mè đen

Sữa đậu nành mè đen. (Ảnh: Here Asia/Shutterstock)
Sữa đậu nành mè đen. (Ảnh: Here Asia/Shutterstock)

Mè đen chứa lượng calcium và magnesium dồi dào, có tác dụng giúp xương và răng chắc khỏe. Hạt mè đen còn chứa vitamin E và vitamin nhóm B, có tác dụng dưỡng da và tóc. Thêm mè đen vào sữa đậu nành có thể làm tăng hàm lượng và khả năng hấp thu calcium, ngăn ngừa loãng xương.

Cách làm rất đơn giản, chỉ cần cho một ít bột mè đen vào sữa đậu nành, khuấy đều là có thể uống được.

Lưu ý: Sữa đậu nành nên được nấu chín kỹ vì sữa đậu nành chưa nấu chín có chứa chất ức chế protease có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa protein và gây ra các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn và tiêu chảy. Vì vậy, sữa đậu nành phải được nấu cho đến khi sôi rồi mới uống.

Ai nên hạn chế sữa đậu nành?

Sữa đậu nành có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Đặc biệt có 2 nhóm người nên hạn chế uống sữa đậu nành:

  1. Những người có sức khỏe đường tiêu hóa kém: Sữa đậu nành có thể kích thích tiết acid dạ dày, gây khó chịu ở dạ dày, đầy hơi và đau dạ dày.
  1. Những người mắc bệnh Gout. Sữa đậu nành có chứa một chất gọi là purine, chất này được chuyển hóa thành acid uric trong cơ thể, gây ra bệnh Gout.

Tuy nhiên, bệnh nhân Gout không cần phải ngừng hẳn việc ăn các sản phẩm từ đậu nành. Nhiều thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu quan sát đã phát hiện ra rằng việc tiêu thụ vừa phải các sản phẩm từ đậu nành không làm tăng đáng kể nồng độ acid uric trong máu, thậm chí có thể cải thiện hội chứng chuyển hóa và có lợi cho sức khỏe của bệnh nhân Gout.

2 món đậu hũ có công dụng trị bệnh và giảm cân

Đậu hũ là thực phẩm được làm từ đậu nành và chất đông tụ. Đậu hũ không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau.

1. Đậu hũ với giấm trị tiêu chảy

Một trong những tác dụng độc đáo của đậu hũ là khả năng cải thiện bệnh tiêu chảy. Cổ y văn Trung hoa “Bài Thuốc Chữa Bệnh Phổ Thông (Phổ Thông Thang)” ghi lại rằng “đối với bệnh kiết lỵ kéo dài, nên dùng đậu phụ trắng, chiên với giấm và ăn sẽ khỏi bệnh.”

Những người bị tiêu chảy kinh niên gián đoạn, ăn đậu phụ trắng xào giấm có thể dần dần cải thiện được.

2. Đậu hũ thạch cao bổ sung calcium và giảm cân

Đậu hũ chứa nhiều protein, giúp tăng cảm giác no và giảm lượng thức ăn nạp vào. Đậu hũ cũng chứa isoflavone đậu nành, có thể điều chỉnh hormone trong cơ thể và giảm sự tích tụ chất béo. Vì vậy, đậu hũ được coi là một lựa chọn thực phẩm tuyệt vời để giảm cân.

Đậu hũ có thể ăn sống trong món salad hoặc nấu thành nhiều món khác nhau với thịt, trứng và rau. Các món đậu hũ phổ biến bao gồm đậu hũ om, đậu hũ Mapo, đậu hũ và canh rau, đậu hũ trứng muối.

Tìm hiểu về 5 loại đậu hũ

Kết cấu và hàm lượng dinh dưỡng của đậu hũ có thể bị ảnh hưởng từ các loại đậu khác nhau, các chất đông tụ và phương pháp chế biến khác nhau. Dưới đây là một số loại đậu hũ phổ biến và những đặc điểm chính để lựa chọn:

  1. Đậu hũ cứng: Được làm từ thạch cao (chủ yếu là calcium sulfate) như là chất đông tụ, loại đậu hũ này có hàm lượng calcium cao hơn, gấp hơn 10 lần so với đậu hũ mềm nên là lựa chọn tuyệt vời để bổ sung calcium. Đậu hũ khô và đậu hũ đông lạnh làm từ đậu hũ cứng cũng có tác dụng bổ sung calcium hiệu quả. Đậu hũ cứng có kết cấu đặc hơn, thích hợp để chiên, áp chảo và hầm.
  1. Đậu hũ mềm: Loại đậu hũ này có kết cấu mịn nên thích hợp cho làm các món salad, canh và món hấp.
  1. Đậu hũ khô: Đậu hũ khô được làm bằng cách ép bớt nước thừa ra khỏi đậu hũ, làm cho đậu hũ nhỏ hơn và đặc hơn. Quá trình này giúp đậu hũ khô có kết cấu dai hơn và có mùi thơm đậm đà hơn. Đậu hũ khô cũng chứa nhiều calcium và có thể được thưởng thức như một món ăn nhẹ hoặc thêm vào món salad và các món ăn khác.
  1. Đậu hũ đông lạnh: Đậu hũ đông lạnh được tạo ra bằng cách đặt đậu hũ vào tủ đông, để nó tạo thành các tinh thể băng. Sau khi rã đông, đậu hũ trở nên mềm và xốp, giống như miếng bọt biển. Đậu hũ đông lạnh có hàm lượng calcium tốt và có thể hấp thụ nhiều nước sốt hơn, làm tăng hương vị của món ăn.
  1. Đậu hũ Baiye: Loại đậu hũ này được làm từ protein đậu nành tinh khiết, dầu, tinh bột, hương liệu và calcium sulfate để làm chất đông tụ. Đậu hũ Baiye chứa nhiều calo và chất béo nên ít phù hợp với những người đang cố gắng giảm cân.

2 món canh từ đậu nành lên men nổi tiếng lành mạnh

Tương miso và đậu xị là những thực phẩm được làm từ đậu nành lên men. Hai món này chủ yếu được làm từ đậu nành và trải qua quá trình lên men với các loại mốc koji đậu nành khác nhau.

  • Miso là sản phẩm được làm bằng cách nghiền đậu nành đã nấu chín thành bột nhão trước khi lên men.
  • Đậu xị thu được thông qua quá trình lên men của đậu nành nguyên hạt.

Theo Trung y, tương miso và đậu xị được coi là thực phẩm “làm ấm” sau lên men, sở hữu đặc tính giúp làm ấm cơ thể, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

1. Canh miso cá hồi đậu phụ

Miso làm tăng hương vị thơm ngon của các món ăn và thường được sử dụng trong ẩm thực Đông phương để làm gia vị, nước xốt, nước chấm và món hầm. Trong những năm gần đây, Miso đã trở nên phổ biến trong ẩm thực Tây phương.

Miso được mệnh danh là “thần dược” ở Nhật Bản cổ xưa và được cho là có tác dụng làm ấm cơ thể. Miso thường được sử dụng để dưỡng tim và thận, phục hồi sức sống và giảm bớt sự khó chịu trong thời kỳ mãn kinh. Miso cũng có thể trợ giúp cho tiêu hóa và hấp thu, thúc đẩy tuần hoàn máu và tăng sức đề kháng.

Ăn canh Miso cá hồi với đậu phụ không chỉ là bữa tối ngon miệng mà còn giúp tăng sức đề kháng cho cả gia đình.

2. Canh đậu xị hành lá

Đậu xị cũng như miso là thực phẩm lên men làm từ đậu nành.

Đậu xị có hai loại:

  • Đậu xị muối dùng làm gia vị. Đậu xị muối thường được sử dụng trong các món ăn cổ điển như sườn non hấp đậu đen, cá hấp sốt đậu đen, mướp đắng xào sốt đậu đen.
  • Đậu xị phơi khô dùng làm thuốc. Khi kết hợp với các thành phần hoặc thảo mộc khác nhau, đậu xị phơi khô có nhiều tác dụng chữa bệnh khác nhau.

Canh đậu xị hành lá là bài thuốc dân gian trị bệnh cảm lạnh. Món canh này được làm bằng cách đun sôi hành lá và đậu xị phơi khô. Món ăn này được cho là có tác dụng gây đổ mồ hôi, giảm triệu chứng cảm lạnh, trừ phong, dịu phổi và giảm ho, có thể giúp giảm bớt các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, cảm thấy lạnh và không thể đổ mồ hôi sau khi bị cảm lạnh.

Hành lá được có tác dụng làm đổ mồ hôi và làm thông mũi. Ăn món canh này có thể giúp giảm nghẹt mũi ngay lập tức, khiến cơ thể cảm thấy ấm áp hơn rất nhiều.

Canh đậu nành với cam thảo tăng tuần hoàn máu và thải độc

Theo sách Bản Thảo Cương Mục, đậu nành được cho là có tác dụng tăng lưu thông máu huyết và giải độc, có tác dụng tốt hơn khi nấu cùng Cam thảo thành món canh. Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng Cam thảo cũng có đặc tính thải độc.

Nguyên liệu:

  • 50g đậu nành hạt
  • 2 đến 3 miếng cam thảo

Chế biến:

Đun sôi các nguyên liệu trên với 500 đến 700ml nước là được món canh thải độc. Uống món canh này trong vài ngày có thể giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.

Lưu ý: Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có vẻ không quen thuộc nhưng thường có bán ở các tiệm thực phẩm tốt cho sức khỏe và tiệm tạp hóa Á châu. Ngoài ra, do thể trạng của mỗi người là khác nhau nên các phương pháp điều trị tương ứng cũng khác nhau. Vì vậy, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để lựa chọn các liệu pháp điều trị phù hợp.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Hồ Nãi Văn
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Tiến sĩ Hồ Nãi Văn là bác sĩ Trung y tại Trung tâm Y học cổ truyền Đồng Đức Thượng Hải ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Ông là giáo sư tại Đại học Y khoa Nine Star ở Sunnyvale, California, Hoa Kỳ. Ông cũng là nhà nghiên cứu khoa học đời sống tại Viện nghiên cứu Standford. Trong hơn 20 năm hành nghề y, ông đã điều trị hơn 140,000 bệnh nhân. Ông nổi tiếng với việc chữa trị thành công bệnh nhân ung thư hắc tố thứ năm trên thế giới bằng Trung y. Bác sĩ Hồ hiện đang dẫn chương trình sức khỏe trên YouTube với hơn 700,000 người đăng ký. Ông cũng được biết đến với chương trình trình diễn lưu động về sức khỏe nổi tiếng được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau ở Úc và Bắc Mỹ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn