Isoflavones đậu nành gây ung thư hay chống ung thư? 4 lợi ích sức khỏe của sữa đậu nành

Từ 2000 năm trước, người dân Trung Hoa đã bắt đầu uống sữa đậu nành để tốt cho sức khỏe. Mặc dù các nghiên cứu cho thấy đậu nành đem lại nhiều lợi ích, một số người vẫn tin rằng hoạt chất isoflavone có trong đậu nành gây ung thư hoặc ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Câu hỏi đặt ra là có nên uống sữa đậu nành hay không? Và nếu có, thì cách tốt nhất để uống là gì?

Trong chương trình truyền hình “Health 1+1,” bác sĩ Trung y thế hệ thứ năm của Huai Sheng Tang Đài Loan là Zhang Weijun, đã tiết lộ đáp án và chia sẻ cách uống sữa đậu nành tốt nhất.

Truyền thuyết kể rằng vào thời Tây Hán ở Trung Hoa, hoàng tử Lưu An của nước chư hầu Hoài Nam, đã ngâm rồi xay những hạt đậu nành để làm sữa cho người mẹ ốm yếu của mình uống hàng ngày. Tình trạng của bà dần được cải thiện, và từ đó sữa đậu nành được truyền thừa qua nhiều thế hệ.

Nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy sữa đậu nành có nhiều lợi ích như giảm cholesterol, giúp xương chắc khỏe, giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, và cải thiện trí nhớ. Vì sao sữa đậu nành có nhiều lợi ích sức khoẻ như vậy?

Giá trị dinh dưỡng của sữa đậu nành

Sữa đậu nành là một nguồn protein thực vật tuyệt vời. Theo bác sĩ Zhang, một số phụ nữ trên 40 tuổi cố gắng kiểm soát sự gia tăng lo âu bằng cách ăn nhiều tinh bột nhưng lại bỏ qua việc bổ sung protein. Điều này gây ra các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, tâm trạng thất thường, đánh trống ngực do thiếu máu, teo cơ, suy giảm chức năng miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng, và viêm. Những triệu chứng này thường được cải thiện khi bệnh nhân tiêu thụ nhiều protein hơn.

Protein là dưỡng chất cần thiết cho quá trình chuyển hóa và thanh lọc gan. Thiếu hụt protein dẫn đến chức năng gan hoạt động bất thường và các triệu chứng như gan nhiễm mỡ. Với nhiều năm kinh nghiệm lâm sàng, bác sĩ Zhang cho biết, uống sữa đậu nành giúp cải thiện hiệu quả tình trạng gan nhiễm mỡ, bất kể mức độ trầm trọng của bệnh.

4 lợi ích sức khỏe của lecithin trong đậu nành:

1. Giảm mỡ máu

Lecithin đậu nành hoạt động như một chất làm sạch mạch máu, ức chế sự hấp thụ cholesterol ở trong ruột và chuyển hóa cholesterol thành mật, vì vậy làm giảm mỡ máu.

2. Tốt cho hệ thần kinh, cải thiện tình trạng suy giảm nhận thức và khả năng ghi nhớ

Phosphatidylcholine trong lecithin đậu nành là thành phần thiết yếu của acetylcholine. Acetylcholine là chất dẫn truyền thần kinh giúp tăng trí nhớ và khả năng nhận thức.

3. Chống oxy hóa

Lecithin đậu nành ngăn ngừa các gốc tự do vốn gây hại cho DNA và dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng hoặc những bất thường của cơ thể.

4. Làm loãng mật, giảm tinh thể cholesterol và ngăn ngừa sỏi mật

Mối lo về estrogen trong đậu nành

Isoflavone có trong đậu nành là estrogen thực vật. Phụ nữ thời kỳ mãn kinh thường bị bốc hỏa, đổ mồ hôi, đánh trống ngực, lo lắng. Đó là do lượng estrogen nội sinh bị sụt giảm đáng kể và ảnh hưởng đến việc hấp thụ calcium. Bác sĩ Zhang cho biết, uống sữa đậu nành làm tăng lượng calcium và do đó giúp giảm bớt các cơn bốc hỏa và cải thiện chứng loãng xương.

Bác sĩ Zhang chỉ ra rằng, các căn bệnh ung thư phụ khoa phụ thuộc vào lượng estrogen và dựa vào estrogen để phát triển. Một số người lo lắng việc uống sữa đậu nành sẽ làm tăng lượng isoflavone, gây các loại ung thư phụ khoa.

Nhiều nghiên cứu đã phủ định nỗi lo này vì estrogen cần liên kết với các thụ thể để hoạt động đúng với chức năng có sẵn. Isoflavone là estrogen thực vật được hấp thụ từ sữa sẽ cạnh tranh với các estrogen nội sinh trong việc liên kết với các thụ thể, do đó làm giảm lượng estrogen nội sinh quá mức trong cơ thể. Tuy nhiên, khi nồng độ estrogen nội sinh không đủ thì đã có isoflavone bổ sung vào.Vì vậy, isoflavones có chức năng điều tiết kép: giúp cân bằng nồng độ estrogen và làm giảm tỷ lệ bị bệnh ung thư phụ khoa.

Bác sĩ còn cho biết, so với các nước Tây phương nơi mọi người chủ yếu uống sữa bò, những phụ nữ Đông phương thường xuyên ăn đậu nành có tỷ lệ bị ung thư phụ khoa thấp hơn. Dùng tương miso [đậu nành lên men] hoặc uống sữa đậu nành nảy mầm giúp phòng ngừa ung thư phụ khoa tốt hơn.

Isoflavone có ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp?

Bác sĩ Zhang cho biết, estrogen ức chế chức năng tuyến giáp và nồng độ estrogen càng cao thì chức năng tuyến giáp càng thấp. Tuy nhiên, vì isoflavone là những estrogen yếu nên khả năng ức chế chức năng tuyến giáp cũng yếu hơn.

Điều quan trọng là phải đánh giá tình trạng tuyến giáp của một người. Đối với người bị cường giáp thì việc hấp thụ isoflavone trong đậu nành giúp ức chế tình trạng bệnh và họ có thể uống hai ly sữa đậu nành mỗi ngày (500ml). Nhưng nếu không biết rõ về chức năng tuyến giáp, chỉ nên uống nhiều nhất là một ly mỗi ngày (207ml) .

Sữa đậu nành đen và sữa đậu nành nảy mầm

Giá trị dinh dưỡng của đậu nành đen và đậu nành vàng là khác nhau. So với đậu nành vàng, vỏ ngoài của đậu nành đen dồi dào các chất chống oxy hóa hơn, được gọi là anthocyanin. Đậu nành đen cũng có hàm lượng protein và chất xơ cao hơn nên có tác dụng trợ giúp nhu động ruột, điều hòa lượng đường trong máu và giảm cholesterol. Ngoài ra, vì có hàm lượng chất béo thấp nên sữa đậu nành đen phù hợp hơn với những người có mỡ máu cao, cholesterol cao, người cần ăn kiêng ít chất béo.

Sữa đậu nành nảy mầm được làm từ đậu nành nảy mầm. Bác sĩ Zhang cho biết, sữa đậu nành đen và vàng có chứa acid phytic và oxalic, có thể cản trở cơ thể hấp thụ các khoáng chất như kẽm và sắt. Việc thiếu các khoáng chất này gây thiếu máu hoặc rối loạn chức năng sinh dục nam. Mầm đậu làm giảm lượng acid phytic và oxalic trong đậu nành, giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ các khoáng chất.

Ngoài ra, đậu nành vàng và đen có chứa chất ức chế protease gây cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thụ protein trong cơ thể. Một số người có thể bị đầy bụng sau khi uống. Tuy nhiên, men tiêu hóa do mầm đậu tiết ra có thể giúp cơ thể hấp thụ protein trong sữa tốt hơn, làm giảm đầy bụng.

Sau khi nảy mầm, hàm lượng vitamin C và B trong hạt đậu tăng lên đáng kể, đặc biệt là vitamin B6. Vitamin này tham gia vào hàng trăm phản ứng sinh hóa trong cơ thể, giúp cải thiện tâm trạng và tăng sinh lực.

Bác sĩ Zhang còn cho biết, sữa đậu nành nảy mầm cũng phù hợp với các đặc điểm của thuyết “nảy mầm” trong Trung y (TCM). Trung y tin rằng, sau khi dùng thực phẩm lên men hoặc nảy mầm, dương khí (năng lượng) của cơ thể sẽ tăng lên, giúp tăng sinh lực và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Đậu nành vàng nảy mầm có tác dụng cải thiện vóc dáng gầy yếu, đồng thời giúp loại bỏ một số vết nám trên da hay quầng thâm trên mặt. Uống sữa đậu nành nảy mầm cũng có thể làm giảm khô tóc.

Cách làm sữa đậu nành

Ngâm đậu nành trong nước vài giờ cho đến khi đậu nảy mầm. Thời gian ngâm ngắn hơn vào mùa hè (khoảng 2-3 tiếng) và dài hơn vào mùa đông (khoảng 8 tiếng). Sau khi ngâm, vớt đậu ra và để ráo nước, nấu đậu nành với nước sạch đến khi đậu mềm. Sau đó, xay đậu nành đã nấu chín với nước cho đến khi thật nhuyễn và mịn. Không thêm đường hoặc lọc sữa để giữ được tất cả các chất dinh dưỡng từ hạt đậu.

Ngoài ra, để thức uống thêm phong phú cũng như tạo hương vị yêu thích, bác sĩ Zhang còn gợi ý thêm hạt mè, chà là đỏ, Ý dĩ, bí ngô hoặc Hạnh nhân.

Sữa đậu nành mè đen. (Ảnh: Here Asia/Shutterstock)
Sữa đậu nành mè đen. (Ảnh: Here Asia/Shutterstock)

Sữa đậu nành hay sữa bò tốt hơn?

Bác sĩ Zhang tin rằng, cả hai loại sữa đều là nguồn protein tốt và sự lựa chọn tùy thuộc vào thói quen ăn uống cũng như nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người.

  • Protein:

Sữa bò là protein động vật và có đủ các acid amin cần thiết, 100g sữa bò chứa khoảng 3.3g protein. Sữa đậu nành là protein thực vật, thiếu một số acid amin như methionine và cysteine, 100g sữa đậu nành chứa 2.6g protein. Tuy nhiên, vì thực đơn ăn uống lành mạnh hàng ngày cũng bao gồm các nguồn protein khác như thịt, cá và trứng nên việc sữa đậu nành thiếu acid amin không ảnh hưởng nhiều.

  • Dị ứng

Protein chính trong sữa bò là casein có thể gây dị ứng và các triệu chứng như da bị ngứa, dị ứng đường hô hấp và khó chịu đường tiêu hóa. Sữa đậu nành ít gây dị ứng hơn.

  • Vấn đề tiêu hóa

Một số người có thể bị tiêu chảy sau khi uống sữa bò do không dung nạp được lactose. Trong trường hợp này, có thể dùng các sản phẩm sữa lên men hoặc sữa đậu nành để thay thế. Tuy nhiên, mặc dù sữa đậu nành không chứa lactose nhưng một số người sau khi uống có thể bị đầy bụng do khó tiêu. Hãy bắt đầu dần dần bằng cách uống một lượng nhỏ để hệ tiêu hoá thích nghi. Nếu vẫn bị đầy hơi, thường là do sữa đậu nành chưa được đun sôi trong quá trình sản xuất – chất saponin trong đậu nành sẽ ít kích thích đường tiêu hóa hơn nếu được đun sôi.

  • Hàm lượng calcium

Sữa bò là nguồn cung cấp calcium dồi dào dễ hấp thụ, nhưng lại chứa lượng casein cao dẫn đến việc đào thải calcium ra khỏi cơ thể và làm giảm nồng độ calcium. Như vậy, các quốc gia tiêu thụ nhiều sữa tại Âu Châu và Mỹ Châu có tỷ lệ loãng xương cao hơn. Mặc dù sữa đậu nành chứa ít calcium hơn sữa bò, nhưng isoflavone trong sữa đậu nành có thể giúp hấp thụ và sử dụng calcium. Vì vậy, nhìn chung uống sữa đậu nành có thể cung cấp nhiều calcium hơn.

  • Béo phì

Sữa bò có hàm lượng chất béo cao hơn, đặc biệt là chất béo bão hòa và cholesterol. Sữa đậu nành có hàm lượng chất béo thấp hơn nhiều, nên phù hợp hơn với những người bị mỡ máu hoặc cholesterol cao. Tuy nhiên, đối với người ăn chay thì sữa bò giúp bổ sung protein, chất béo, vitamin B12 thường hay thiếu, do đó, đây có thể là lựa chọn tốt hơn.

Ai thích hợp uống sữa đậu nành?

Sữa đậu nành tốt cho những người:

1. Bị táo bón hoặc rối loạn nhu động ruột

Sữa đậu nành có thể kích thích lợi khuẩn đường ruột, đặc biệt chất xơ thực vật trong bã đậu nành là thức ăn của vi khuẩn đường ruột. Bác sĩ Zhang gợi ý những người bị táo bón nên uống bã đậu nành để trợ giúp nhu động ruột. Nếu phân rất loãng nghĩa là trong ruột không có đủ probiotic (men vi sinh) – uống sữa đậu nành sẽ nuôi dưỡng men vi sinh đường ruột, giúp phân trở nên đặc và ổn định hơn.

2. Sỏi mật

Lecithin đậu nành có thể pha loãng thành phần của dịch mật, giảm độ nhớt của dịch mật, giảm tinh thể cholesterol, cải thiện sỏi mật và bảo vệ túi mật.

3. Suy giảm trí nhớ

Dẫn truyền thần kinh cần lecithin. Đậu nành làm giảm gián đoạn dẫn truyền thần kinh. Đôi khi chúng ta quên điều gì đó khi đang suy nghĩ giữa chừng. Điều này cho thấy có sự suy giảm trí nhớ. Lecithin đậu nành giúp tăng chức năng dẫn truyền của tế bào thần kinh, cải thiện chức năng nhận thức và ghi nhớ.

4. Bệnh tim mạch

Saponin và flavonoid trong đậu nành có thể làm giảm cholesterol và cải thiện bệnh tim mạch.

5. Loãng xương

Sữa đậu nành rất dồi dào calcium và chứa isoflavone giúp hấp thụ calcium.

6. Nhiễm virus

Saponin đậu nành có tác dụng kháng virus.

7. Phù chi dưới hoặc cổ trướng

Trung y cho rằng uống 200ml sữa đậu nành đen có thể giúp giảm sưng đối với những người bị phù chi dưới hoặc cổ trướng (là tình trạng bụng phình to do chứa quá nhiều dịch trong khoang bụng).

8. Phát ban da

Đun sôi sữa đậu nành đen và cam thảo theo tỷ lệ 2:1 và uống hỗn hợp này giúp làm giảm mẩn ngứa trên da.

Ai không nên uống sữa đậu nành?

Theo bác sĩ Zhang, bệnh nhân gout hoặc có nồng độ acid uric trong máu cao nên uống ít sữa đậu nành bởi vì hàm lượng purine trong sữa tương đối cao.

Ngoài ra, do đậu nành thiếu các acid amin thiết yếu nên người có chức năng thận kém cần tránh uống và chỉ nên tiêu thụ một lượng protein động vật vừa phải như sữa và thịt gà, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Người có chức năng tiêu hóa kém, hay khó tiêu nên hạn chế uống sữa đậu nành.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times


Amber Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Amber Yang là giám đốc tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên trong nhiều năm, đồng thời là ký giả kiêm biên tập viên về sức khỏe và sắc đẹp trong 10 năm. Cô cũng là người dẫn chương trình và nhà sản xuất của các chương trình YouTube "Amber Running Green" và "Amber Health Interview."
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn