Bảo vệ đầu gối và nâng cao sức khỏe tổng thể bằng phương pháp tự chăm sóc cổ xưa

Xoa bóp, châm cứu, ăn uống và các bài tập tác động nhẹ có thể cải thiện sức khỏe khớp gối.

Khớp gối là một trong những khớp quan trọng nhất trong cơ thể con người và cũng là một trong những khớp dễ bị tổn thương và thoái hóa nhất. Khi chúng ta già đi, sụn, cơ, dây chằng và các mô khác của khớp gối suy yếu dần, các triệu chứng như viêm, đau, cứng khớp và hạn chế cử động rất dễ xảy ra.

Thoái hoá khớp gối ảnh hưởng đến hơn 250 triệu người trên toàn thế giới. Theo Hội Phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ, thoái hóa khớp gối thường xảy ra ở những người trên 50 tuổi và dễ gây ra tàn tật. Bài viết này sẽ giới thiệu một số phương pháp thiết thực từ Trung y để bảo vệ và củng cố khớp gối, đồng thời giúp khớp gối trở nên khỏe mạnh và linh hoạt hơn.

Kích thích huyệt

Châm cứu cổ điển dựa trên quan điểm cho rằng kinh mạch là kênh năng lượng của cơ thể con người, có nhiệm vụ vận chuyển khí và huyết đi khắp cơ thể. Một số điểm trên kinh mạch có công năng đặc biệt được gọi là huyệt. Kích thích các huyệt tương ứng qua châm cứu và xoa bóp giúp cho dòng khí được cân bằng lại và khôi phục lại sự hài hòa cho tạng phủ.

Dưới đây là 4 huyệt phổ biến để duy trì và gia tăng sức mạnh cho khớp gối:

Bảo vệ đầu gối và nâng cao sức khỏe tổng thể bằng phương pháp tự chăm sóc cổ xưa
Huyệt khúc trì (Ảnh: The Epoch Times)

Huyệt Khúc trì: Nằm ở chỗ lõm phía ngoài khuỷu tay, có thể nhìn thấy khi lòng bàn tay hướng vào cơ thể, ngay phía trên chỗ lõm lớn ở khuỷu tay. Nhấn huyệt Khúc trì ở bên trái có thể cải thiện tình trạng đau khớp gối phải và ngược lại.

Bảo vệ đầu gối và nâng cao sức khỏe tổng thể bằng phương pháp tự chăm sóc cổ xưa
Huyệt Xích trạch.(Ảnh: The Epoch Times)

Huyệt Xích trạch: Nằm ở phía trong khuỷu tay, lòng bàn tay hướng lên trên, tại giao điểm của nếp gấp ngang của khuỷu tay và đường duỗi của ngón tay cái. Bấm huyệt Xích trạch có thể giảm đau ở lưng và bên trong khớp gối.

Bảo vệ đầu gối và nâng cao sức khỏe tổng thể bằng phương pháp tự chăm sóc cổ xưa
Huyệt Âm lăng tuyền.(Ảnh: The Epoch Times)

Huyệt Âm lăng tuyền: Từ xương bánh chè đi xuống, phía dưới mắt gối có một xương đặc biệt nhô ra, gọi là lồi xương. Xa hơn một chút là chỗ lõm, bên cạnh đó là một lỗ lớn, đó chính là huyệt Âm lăng tuyền. Ấn vào huyệt Âm lăng tuyền có thể cải thiện mọi tổn thương ở kinh mạch, gia tăng chức năng của cơ và xương.

Bảo vệ đầu gối và nâng cao sức khỏe tổng thể bằng phương pháp tự chăm sóc cổ xưa
Huyệt Túc tam lý (Ảnh: The Epoch Times)

Huyệt Túc Tam Lý: Nằm ở mặt ngoài bắp chân, bắt đầu từ giữa xương đầu gối, rộng khoảng bốn khoát ngón tay hướng xuống dưới, sau đó di chuyển một khoát ngón tay ra phía ngoài, đó là huyệt Túc tam lý. Ấn huyệt Túc tam lý có thể tăng sức mạnh và sức bền của đôi chân, thích hợp cho việc chuẩn bị trước khi leo đồi.

Thực hành thường xuyên:

Dùng ngón tay ấn vào các huyệt trên, nếu cảm thấy đau hoặc ngứa ran, có nghĩa là bạn đã tìm đúng huyệt. Ấn mỗi huyệt trong khoảng 3 phút và xoa bóp một hoặc nhiều lần trong ngày tùy theo nhu cầu của bạn có thể giúp cải thiện hiệu quả tình trạng khó chịu ở khớp gối. Châm cứu, cứu ngải là những phương pháp hiệu quả hơn xoa bóp đơn thuần nhưng cần được thực hiện bởi bác sĩ Trung y chuyên nghiệp.

Cơ chế hoạt động của xoa bóp huyệt hay châm cứu là bên trái ảnh hưởng bên phải, bên phải ảnh hưởng bên trái, bên trên ảnh hưởng bên dưới, bên dưới ảnh hưởng bên trên.

Xoa bóp, châm cứu và cứu ngải

Trung y cho rằng những thay đổi bệnh lý ở khớp gối có liên quan đến sự thông suốt của kinh mạch. Nếu kinh mạch bị tắc nghẽn sẽ không đủ khí huyết dẫn đến tích tụ ẩm ướt, phong hàn xâm nhập,… gây ra đau nhức khó chịu ở khớp gối. Vì vậy, xoa bóp, châm cứu, cứu ngải một số huyệt liên quan đến khớp gối có thể thúc đẩy kinh mạch lưu thông thuận lợi và giảm bớt sự khó chịu ở khớp gối.

Vào tháng 07/2023, một phân tích tổng hợp gồm 21 nghiên cứu cho thấy liệu pháp cứu ngải có tác dụng giảm đau tốt hơn châm cứu đối với bệnh nhân viêm khớp gối. Điều trị bằng liệu pháp cứu ngải có tỷ lệ hiệu quả tốt hơn liệu pháp châm cứu và cứu ngải bằng que ngải có hiệu quả hơn các hình thức cứu ngải khác.

Thực hành lâm sàng và sự kế thừa của Trung y trong hàng ngàn năm, cũng như số lượng nghiên cứu ngày càng tăng trong Tây y hiện đại, đã xác nhận rằng xoa bóp hoặc châm cứu tại các huyệt có liên quan, rèn luyện sức mạnh cường độ thấp và sản phẩm bổ sung có tác dụng tốt đối với sức khỏe, bảo vệ và củng cố khớp gối.

Các nghiên cứu đã cho thấy châm cứu là một biện pháp can thiệp trị liệu được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ. Châm cứu có hiệu quả đối với chứng đau cơ, thoái hóa khớp và đau thắt lưng, cùng nhiều bệnh khác. Các chuyên gia cho biết, châm cứu có thể được sử dụng như một liệu pháp bổ sung hoặc thay thế.

Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng về châm cứu hoặc điện châm để điều trị thoái hóa khớp gối đã được tiến hành. Mười thử nghiệm với 1,456 người tham gia đã được phân tích với những phát hiện cho thấy châm cứu là phương pháp điều trị hiệu quả cho cơn đau và rối loạn chức năng thể chất liên quan đến thoái hoá khớp gối.

Hiệu quả của việc rèn luyện sức mạnh cường độ thấp

Năm 2021, Journal of the American Medical Association (Tập san của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) đã công bố một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên với 377 bệnh nhân bị thoái hoá khớp gối. Kết quả cho thấy so với tập luyện sức mạnh cường độ thấp, tập luyện sức mạnh cường độ cao không cải thiện được nhiều tình trạng đau đầu gối hoặc chèn ép khớp gối sau 18 tháng. Nghĩa là, kết quả nghiên cứu không ủng hộ việc tập luyện sức mạnh cường độ cao cho bệnh nhân trưởng thành bị thoái hoá khớp gối mà nên sử dụng bài tập sức mạnh cường độ thấp.

Kéo giãn là một bài tập sức mạnh cường độ thấp đơn giản và hiệu quả, có thể làm tăng tính linh hoạt của khớp, ngăn ngừa cứng và đau khớp, thúc đẩy lưu thông máu và giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho khớp. Nguyên lý của việc kéo giãn là kéo căng các mô của khớp một chút, gây ra một mức chấn thương vi mô, sau đó làm cho các mô khỏe hơn và đàn hồi hơn trong quá trình phục hồi.

Ba bài tập giãn cơ giúp đầu gối khỏe mạnh

1. Gập và duỗi khớp gối

Ngồi trên giường, ghế hoặc sàn nhà. Duỗi thẳng khớp gối, sau đó ôm chặt khớp gối. Lặp lại 10 lần, giữ mỗi lần duỗi và gập khớp gối trong 3 giây. Chuyển động này cho phép sụn ở khớp gối tiết ra nhiều dịch bao hoạt dịch hơn, từ đó làm giảm ma sát và mài mòn.

2. Xoay khớp gối

Ngồi trên ghế, đặt chân xuống đất, sau đó dùng ngón chân vẽ một vòng tròn, một bên theo chiều kim đồng hồ và bên kia ngược chiều kim đồng hồ. Thực hiện mỗi bên 10 lần rồi đổi sang bên còn lại. Bài tập này có thể làm tăng tính linh hoạt của khớp gối, ngăn ngừa tình trạng kẹt và cứng khớp.

3. Gập và duỗi đầu gối

Đứng trước tường, đặt hai tay chống vào tường, hai chân dang rộng bằng vai, sau đó đưa chân ra sau, gót chân về phía hông, giữ trong 10 giây rồi đổi bên. Lặp lại 10 lần với mỗi chân. Bài tập này giúp kéo giãn các cơ phía sau khớp gối, giảm căng cứng và đau nhức.

Khi thực hiện các bài tập giãn cơ trên, chú ý hít thở đều và chuyển động nhịp nhàng. Không dùng lực quá mạnh để tránh bị căng cơ hoặc bong gân. Thực hiện ít nhất một lần/ngày, mỗi lần 10 hiệp có thể giúp khớp gối khỏe mạnh và linh hoạt hơn.

Thực phẩm tốt cho khớp gối

Trung y cho rằng thuốc và thực phẩm có cùng nguồn gốc, bổ sung từ thực phẩm tốt hơn bổ sung từ thuốc. Do tác động quan trọng của phương thức ăn uống đối với sức khỏe của khớp gối, dưới đây sẽ giới thiệu một số thực phẩm có thể cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho khớp gối, cũng như những thực phẩm giúp khớp gối chịu tải nhiều hơn.

1. Cà ri

Cà ri có chứa nghệ, tính ấm, có tác dụng chống viêm, giảm viêm và sưng khớp gối. Trung y thường dùng Mộc hương kết hợp với nghệ để điều trị các chứng đau cơ ở tứ chi, đau xương, đầu gối và cơ bắp. Cà ri có thể dùng để xào rau hoặc nấu súp để tăng thêm hương vị và màu sắc.

2. Bí ngô

Bí ngô là một loại thực phẩm kỳ diệu của thiên nhiên và rất nhiều magnesium. Magnesium là một chất dinh dưỡng quan trọng giúp ổn định cấu trúc xương – quan trọng như calcium. Nếu cơ thể thiếu magnesium, xương sẽ yếu đi và không thể chịu được sức nặng của cơ thể hay ngoại lực dẫn đến xương bị đau nhức, thậm chí là bong khớp. Ngoài bí ngô cũng nên ăn rau chân vịt chứa nhiều magnesium.

3. Gelatin

Gelatin là chất có tác dụng duy trì độ đàn hồi và bôi trơn của khớp, có tác dụng giảm ma sát và mài mòn khớp, đồng thời còn có tác dụng giúp sửa chữa và tái tạo khớp. Gelatin chủ yếu có từ da, xương, sụn và các bộ phận khác của động vật như chân lợn, chân gà, da cá… Người có cholesterol cao có thể ăn thạch chân heo nấu chín hoặc thạch da. Người ăn chay có thể ăn mộc nhĩ đen, mộc nhĩ trắng, khoai mỡ, là những thực phẩm giúp bổ sung gelatin.

Công thức

1. Súp Chà là đỏ

Thành phần:

  • 50 gram (1.8 ounce) mộc nhĩ đen
  • 50 gram (1.8 ounce) mộc nhĩ trắng
  • 20 quả chà là đỏ

Chế biến:

  • Ngâm nguyên liệu trong nước khoảng 20 phút.
  • Đổ vào nồi 1,000ml nước và đun sôi.
  • Cho các nguyên liệu đã ngâm vào và đun sôi ở nhiệt độ cao trong 20 phút.
  • Giảm nhiệt và đun nhỏ lửa trong 2 tiếng nữa.
  • Có thể thêm chút đường nâu cho hợp khẩu vị khi ăn.

Một số thực phẩm cần tránh

Một số thực phẩm có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khớp như nội tạng động vật, nấm rơm, măng tây,… Vì nội tạng động vật là thực phẩm có hàm lượng purine cao nên trong cơ thể sẽ chuyển hóa thành acid uric. Acid uric quá nhiều có thể gây ra bệnh gout. Bệnh gout là căn bệnh gây viêm và sưng khớp, đặc biệt là khớp ngón chân và đầu gối. Măng tây là thực phẩm có chứa acid oxalic. Acid oxalic sẽ kết hợp với calcium tạo thành calcium oxalate, lắng đọng ở các khớp, gây cứng khớp và đau nhức, tình trạng này gọi là vôi hóa khớp. Vì vậy, lời khuyên là không nên ăn quá nhiều những thực phẩm này.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Hồ Nãi Văn
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Tiến sĩ Hồ Nãi Văn là bác sĩ Trung y tại Trung tâm Y học cổ truyền Đồng Đức Thượng Hải ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Ông là giáo sư tại Đại học Y khoa Nine Star ở Sunnyvale, California, Hoa Kỳ. Ông cũng là nhà nghiên cứu khoa học đời sống tại Viện nghiên cứu Standford. Trong hơn 20 năm hành nghề y, ông đã điều trị hơn 140,000 bệnh nhân. Ông nổi tiếng với việc chữa trị thành công bệnh nhân ung thư hắc tố thứ năm trên thế giới bằng Trung y. Bác sĩ Hồ hiện đang dẫn chương trình sức khỏe trên YouTube với hơn 700,000 người đăng ký. Ông cũng được biết đến với chương trình trình diễn lưu động về sức khỏe nổi tiếng được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau ở Úc và Bắc Mỹ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn