Trí tuệ cổ xưa giúp ngủ ngon (Phần 2)

Trung y là một hệ thống y học hoàn chỉnh đã được truyền thừa hàng nghìn năm, cung cấp những thông tin thiết thực về sức khỏe giấc ngủ.

Giấc ngủ là kết quả của chu kỳ lưu thông năng lượng tự nhiên. Vào lúc 11 giờ tối, khí âm (năng lượng thụ động, dễ tiếp thu) ở mức mạnh nhất. Đây là thời điểm lý tưởng để cơ thể quay trở lại trạng thái nghỉ ngơi, phục hồi, và bổ sung năng lượng.

Do đó, mọi người không nên thức quá 11 giờ đêm. Đây cũng là lúc cơ thể tích lũy khí dương (năng lượng tích cực, sáng tạo), giúp cung cấp năng lượng cần thiết cho các hoạt động thể chất và tinh thần trong ngày.

Khí huyết của cơ thể tuần hoàn và nuôi dưỡng từng tạng phủ vào từng thời điểm khác nhau trong suốt cả ngày lẫn đêm. Ví dụ, từ 1 đến 3 giờ sáng là thời gian khí huyết chảy mạnh nhất trong các kinh mạch tạng can (lá gan) giữ vai trò giúp gan thực hiện tốt chức năng. Vì vậy, ngủ trong thời gian này là rất quan trọng để giúp gan có thể hoạt động bình thường.

Theo Trung y, gan chịu trách nhiệm về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Năng lượng của gan điều chỉnh tâm trạng, tiêu hóa, kinh nguyệt, giấc mơ, việc chuyển đổi giữa ngủ – thức, thị giác, và dòng khí vận hành thông suốt khắp cơ thể. Gan có trách nhiệm liên quan đến việc lập kế hoạch và thực hiện sách lược, đồng thời nuôi dưỡng tất cả các mô liên kết, từ dây chằng đến móng tay.

Gan rất nhạy cảm với những cảm xúc tiêu cực như tức giận và oán hận. Nếu gan không được chăm sóc tốt, con người sẽ rất dễ cáu kỉnh và kích động. Qua đây có thể thấy sức khỏe chịu hậu quả nghiêm trọng đến thế nào nếu không ngủ đúng giờ.

Một tạng quan trọng khác được khí huyết nuôi dưỡng là tạng phế (hai lá phổi), hoạt động mạnh nhất từ ​​3 giờ sáng đến 5 giờ sáng. Lá phổi chịu trách nhiệm cung cấp oxy cho cơ thể, bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng, nuôi dưỡng da, đồng thời giúp điều hòa chuyển hóa thức ăn và nước.

Cảm xúc đau khổ, ăn sai loại thực phẩm, tiếp xúc với chất độc từ môi trường, hoặc nhiễm trùng sẽ làm rối loạn hệ thống tạng phủ và kinh mạch, từ đó gây ra chứng rối loạn giấc ngủ.

Ví dụ, khi năng lượng thận (nguồn năng lượng làm mát chủ yếu của cơ thể) không đủ để cân bằng năng lượng của tim (nguồn năng lượng sinh nhiệt chính của cơ thể), con người không thể chìm vào giấc ngủ do thừa năng lượng nhiệt. Kết quả là gây ra chứng mất ngủ.

Khi năng lượng âm dương của gan không cân bằng, con người có thể gặp ác mộng, mộng du, và hội chứng chân không yên. Khi khí của lá lách và phổi bị thiếu hụt, cơ thể sẽ tích tụ chất béo cũng như đờm, làm tắc nghẽn đường thở, gây ra chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Vì vậy, từ góc độ Trung Y, rối loạn giấc ngủ là biểu hiện bề ngoài của sự mất cân bằng cơ bản về năng lượng cơ thể. Sự mất cân bằng này gây ra các vấn đề về sức khỏe, và thường được cải thiện bằng cách điều chỉnh lối sống, như ngủ ngon, ăn uống hợp lý, thiền định, tập thể dục, và giảm căng thẳng.

Đối với những người có những triệu chứng trầm trọng hơn, việc điều trị bằng châm cứu, thuốc thảo dược là rất quan trọng và hữu hiệu nhất. Sau cùng là dùng thuốc để che giấu các triệu chứng.

Đây là Phần 2 của loạt bài gồm ba phần. Phần 1 có thể xem TẠI ĐÂY.

Tiến sĩ Dương là bác sĩ hàng đầu, bác sĩ tâm thần có chứng nhận, và là chuyên gia quốc tế về Trung y. Ông là giáo viên thế hệ thứ tư và là thầy thuốc Trung y, chuyên về châm cứu.

Tâm An biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn