Rối loạn giấc ngủ có thể là dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer

Người khỏe mạnh đôi khi sẽ bị rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, gián đoạn giấc ngủ cũng có thể là dấu hiệu sớm của chứng sa sút trí tuệ, bao gồm bệnh Alzheimer, thể bệnh phổ biến nhất. Trên thực tế, các triệu chứng bất thường về giấc ngủ có thể xuất hiện nhiều năm trước khi bệnh được chẩn đoán.

Các tình trạng thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer có liên quan đến việc giảm khả năng phản ứng của các tế bào não đối với các hóa chất truyền tín hiệu, cũng như sự tích tụ các chất thải dư thừa làm ngăn cản chức năng bình thường. Khi bệnh tiến triển và các tế bào não suy giảm, một số vùng của não có thể bị mất đi khả năng vốn có.

Một đặc điểm xác định của bệnh Alzheimer là sự tích tụ của các protein đặc trưng trong não. Những chất này có thể làm gián đoạn khả năng giao tiếp giữa các vùng não khác nhau, bao gồm cả những vùng chịu trách nhiệm điều chỉnh nhịp sinh học.

Bộ điều khiển chính của mô hình ngủ-thức chính là nhân trên giao thoa thị giác (SCN), nằm ở vùng dưới đồi của bộ não. Nhân này điều phối đồng hồ sinh học của chúng ta dựa trên các tín hiệu bên ngoài như ánh sáng và bóng tối. Nó truyền tín hiệu đến các vùng não bộ khác để đồng bộ hóa chu kỳ ngủ-thức của cơ thể một cách phù hợp.

Các dấu hiệu cần quan tâm

Việc ngủ đủ giấc là điều rất quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể, vì thiếu ngủ có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm tăng huyết áp, tiểu đường và béo phì.

Nghiên cứu cho thấy trong khi ngủ não tích cực loại bỏ các chất thải, do đó thiếu ngủ khiến các chất này tích tụ lại. Giấc ngủ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc học tập và củng cố trí nhớ. Rối loạn giấc ngủ có thể làm suy yếu các chức năng và gây khó khăn trong những lĩnh vực này.

Có một số dấu hiệu mà chúng ta nên lưu tâm đến, bao gồm

  • Khó đi vào giấc ngủ.
  • Thường xuyên tỉnh giấc vào buổi đêm.
  • Sự nhiễu động buổi tối (vào lúc mặt trời lặn).

Tiến sĩ Thomas Kilkenny, giám đốc Viện Thuốc ngủ tại Bệnh viện Đại học Northwell Staten Island ở New York, nói với The Epoch Times rằng có một danh sách dài liệt kê các triệu chứng có liên quan đến tình trạng thiếu ngủ, và những triệu chứng này hoàn toàn trùng lặp với các triệu chứng của bệnh Alzheimer.

Ông nói: “Trong cả hai tình huống, não không hoạt động bình thường, gây ra các triệu chứng.” Tiến sĩ Thomas Kilkenny nói thêm: “Điểm khác biệt là trong tình trạng thiếu ngủ ngắn hạn, khi có được giấc ngủ ngon, triệu chứng sẽ biến mất và các chức năng có thể được phục hồi hoàn toàn. Còn ở bệnh Alzheimer, điều này không xảy ra.”

Nghiên cứu đã chứng minh rằng rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là ở tuổi trung niên, làm tăng đáng kể nguy cơ suy giảm nhận thức trong tương lai.

Một nghiên cứu năm 2021 tiết lộ những người ở độ tuổi 50 và 60 ngủ từ 6 tiếng trở xuống tăng 30% nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ, cao hơn so với những người ngủ khoảng 7 tiếng.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến và có thể điều trị được, ảnh hưởng đến hơn 25% người Mỹ và có liên quan với sự suy giảm nhận thức.

Một số dấu hiệu hội chứng này bao gồm:

  • Ngáy to và liên tục.
  • Nhức đầu vào buổi sáng.
  • Ngủ ngày.
  • Khô miệng hoặc đau họng.
  • Khó chịu và thay đổi tâm trạng.
  • Các vấn đề về trí nhớ.

Mối liên hệ giữa hội chứng ngưng thở khi ngủ và mất mô não

Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Thần kinh học, các nhà nghiên cứu đã so sánh những người không gặp vấn đề về trí nhớ nhưng lại có mảng amyloid trong não – sự hình thành protein được công nhận là dấu hiệu bệnh lý của bệnh Alzheimer – với những người không có mảng amyloid.

Các phát hiện cho thấy ở những người vừa có mảng amyloid vừa bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, thì thể tích não ở thuỳ thái dương giữa thường thấp hơn. Thuỳ này bao gồm cả vùng hải mã, vùng liên quan đến trí nhớ và bệnh Alzheimer. Nghiên cứu không thiết lập mối quan hệ nhân quả giữa hội chứng ngưng thở khi ngủ và giảm thể tích não; thay vào đó, các nhà nghiên cứu chỉ chứng minh một mối liên quan.

Tiến sĩ Kilkenny nói thêm rằng sự mất tế bào thần kinh và các mối liên kết giữa chúng, còn được gọi là teo não, xảy ra trong các bệnh lý ảnh hưởng đến cấu trúc não như đột quỵ, bệnh đa xơ cứng và nhiễm trùng. Ông nói: “Khi những căn bệnh này tiến triển, não ngày càng mất đi nhiều thể tích hơn. Khả năng nhận thức suy giảm và chứng sa sút trí tuệ khởi phát khi thể tích não tiếp tục giảm.”

Tuy nhiên, ngay cả trong giai đoạn đầu thì bệnh Alzheimer đã có thể gây ra những thay đổi đặc trưng trong chất hóa học của não, làm gián đoạn mô hình giấc ngủ và đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức.

Bệnh Alzheimer và giấc ngủ: Một vòng luẩn quẩn

Nghiên cứu chỉ ra rằng những người ở giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer có mức melatonin-một loại hormone liên quan đến việc điều hòa giấc ngủ-thấp hơn so với những người không mắc bệnh. Việc giảm sản xuất melatonin được cho là xuất phát từ tín hiệu thần kinh bị gián đoạn giữa nhân trên giao thoa thị giác và tuyến tùng vốn chịu trách nhiệm tiết melatonin.

Sự thoái hóa thần kinh trong não cũng có thể tác động đến các khu vực kích thích ngủ và thức. Ví dụ, bệnh Alzheimer có thể làm suy yếu vỏ não trước trán, vùng đóng vai trò trong việc ra quyết định và hoạt động nhận thức. Khi vùng này bị tổn thương sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ như khó đi vào giấc ngủ, trằn trọc và buồn ngủ vào ban ngày.

Bổ sung melatonin liệu có ích?

Có bằng chứng cho thấy việc bổ sung melatonin có thể hữu ích.

Một tổng quan hệ thống cho thấy điều trị bằng melatonin trong hơn 12 tuần có thể cải thiện hiệu quả chức năng nhận thức ở bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer. Hơn nữa, tổng quan còn chỉ ra những người mắc bệnh Alzheimer nhẹ có thể nhận được nhiều lợi ích hơn từ việc sử dụng melatonin so với những người mắc bệnh Alzheimer vừa phải.

Điều này rất quan trọng vì khi vượt quá một thời điểm nhất định, thiệt hại do thiếu ngủ gây ra có thể trở thành vĩnh viễn và có khả năng góp phần làm chứng sa sút trí tuệ nặng hơn.

Có bằng chứng chỉ ra một số khả năng nhận thức vẫn có thể suy giảm ngay cả sau khi giấc ngủ được phục hồi đầy đủ, nghĩa là mất ngủ có thể gây hậu quả lâu dài đối với nhận thức.

Tiến sĩ Kilkenny cho biết: “Điều này cho thấy thường xuyên có những giai đoạn thiếu ngủ có thể gây suy giảm nhận thức vĩnh viễn và dẫn đến sa sút trí tuệ. Để có khả năng nhận thức tối ưu thì việc duy trì đủ thời gian và chất lượng giấc ngủ là rất quan trọng.”

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn