Khả năng cao xuất hiện một người đàn ông 6 triệu USD thực sự

Các bộ phận giả đã có những cải tiến đáng kể, thậm chí còn mang lại một số khả năng kỳ lạ

Ông Steve Austin là một phi hành gia Hoa Kỳ, người đã bị thương nặng khi tàu vũ trụ của ông rơi trở lại trái đất. Cơ thể ông đã được tái tạo, gần như toàn bộ bằng các bộ phận giả trong các cuộc phẫu thuật thử nghiệm do chính phủ chấp thuận.

Chương trình “Người đàn ông sáu triệu USD (Six Million Dollar Man)” đã phát sóng được năm lần kể từ lần đầu tiên vào năm 1973, với sự tham gia của diễn viên Lee Majors. Tôi vẫn nhớ rằng vào buổi công chiếu đó, cũng như hàng triệu người khác tôi đã vô cùng ngạc nhiên với những gì ông ấy có thể làm với cặp mắt và chân tay giả của mình.

Các bộ phận giả thời nay ngày càng giống với thực tế hơn.

Các công ty đã có những tiến bộ to lớn về cả tính thẩm mỹ và chức năng của các bộ phận giả, có thể thiên về thẩm mỹ hoặc chức năng hơn. Giờ đây, máy in 3D có thể tạo ra chân tay giả trông giống thật hơn. Đây là một sự cải tiến vượt bậc chỉ trong vài năm trở lại đây. Ngoài ra còn có các bộ phận giả trợ giúp cơ thể, dùng các chuyển động của phần trên cơ thể, vai và ngực để mở hoặc nắm một bàn tay giả.

Người bạn cùng phòng cũ của tôi từ trường y khoa, Trung tá Don Reed Jr. (đã nghỉ hưu) đã cứu sống nhiều người khi phục vụ ở Iraq với tư cách là một bác sĩ phẫu thuật chấn thương chiến trường, nhưng nhiều người đàn ông và phụ nữ dũng cảm đó sẽ trở về nhà mà không còn tay chân. Đây là một vấn đề mà những người lính đã rời xa chiến trường phải đối mặt trong nhiều thiên niên kỷ.

Các bộ phận giả đã được dùng trong hàng nghìn năm với các bằng chứng từ thời Ai Cập cổ xưa, theo một bài báo năm 2007 trên Tập san Phẫu thuật ANZ.

Người Hy Lạp cổ xưa đã dùng các bộ phận giả đầu tiên như một công cụ để phục hồi các chức năng của cơ thể. Vào năm 484 trước Công nguyên, một người lính đã cắt bỏ chân của mình để thoát khỏi cảnh tù đày và thay bằng chân giả gỗ. Ông đã đi 30 dặm (48.2km) trên chiếc chân gỗ trước khi bị bắt và nhanh chóng bị chặt đầu sau đó.

Bộ phận giả thời nay đang mang một ý nghĩa hoàn toàn mới. Các bộ phận giả trước đây là những công cụ đơn giản để giúp một người đối phó với sự mất mát to lớn của một chức năng cụ thể. Với một chiếc chân giả, một người đã có thể đứng được và sau đó là đi bộ với những cải tiến mới. Đến hiện tại, các bộ phận giả có thể giúp một người bị cụt chân chạy. Hãy nghĩ đến cựu vận động viên người Nam Phi, Oscar Pistorius, và việc dùng bộ phận giả “lưỡi kiếm” do kỹ sư y khoa Van Phillips phát minh. Các lưỡi kiếm tích trữ động năng giống như một lò xo.

Thời nay, một kỹ thuật thậm chí còn dùng các cảm biến có khả năng phát hiện các xung thần kinh để những người cụt chi có thể kích hoạt chuyển động của chi nhân tạo thông qua các đường dẫn thần kinh tương tự như ở chi gốc. Kỹ thuật này đang tiến gần hơn đến việc tăng chức năng [của các bộ phận cơ thể] trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng, chẳng hạn như kính nhìn thần kinh của Geordi La Forge trong Star Trek the Next Generation. Mặc dù vẫn còn cách rất xa người đàn ông sáu triệu USD, nhưng chúng ta đã đang tiến gần hơn mỗi năm.

Một trong những hạn chế lớn của bàn tay giả là không có khả năng cảm nhận xúc giác, chẳng hạn như khi cầm quả trứng. Hiện các nhà khoa học đang thực hiện nhiều thí nghiệm về việc cấy các điện cực vào từng đầu dây thần kinh ngoại vi của chi bị cụt và gắn vào các ngón tay giả, “giúp tạo ra các cảm giác chạm hoặc chuyển động được phân loại, rời rạc,” theo một bài báo trên IEEE Transactions on Neural Systems and Rehabilitation Engineering. Bài báo này mô tả bằng chứng đầu tiên về phản hồi thần kinh trực tiếp và điều khiển thần kinh trực tiếp của cánh tay giả.

Những loại cánh tay giả này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, vô cùng đắt tiền và chưa sẵn sàng để dùng phổ biến.

Gần đây, người ta đã phát triển một thiết bị thực sự là một chiếc “găng tay” cảm giác xúc giác có thể lắp đặt vào chi giả. Chiếc găng tay này dùng âm thanh để giúp người đeo cảm nhận thông qua sự thay thế giác quan (sensory substitution). Thiết bị này đã được giới thiệu tại Hội nghị quốc tế thường niên của Kỹ thuật trong Y học và Sinh học IEEE (EMBC) vào năm 2021.

Một cải tiến khác trong bộ phận giả là bề ngoài đẹp hơn, nhưng cũng rất quan trọng. Giờ đây, máy in 3D có thể tạo ra chân tay giả trông giống thật hơn. Đây là một sự cải tiến vượt bậc sau chỉ một vài năm.

Ngoài ra còn có tích hợp xương (osseointegration), là một kỹ thuật phẫu thuật giúp người bị cụt chi gắn chi giả trực tiếp vào xương. Tích hợp xương đã được chấp thuận và dùng ở Âu Châu trong một vài năm nay và mới chỉ gần đây ở Hoa Kỳ.

Các bộ phận giả cơ điện dùng kích thích điện từ phần chi còn lại để điều khiển chuyển động của chi giả bằng cách co cơ. Xung điện tạo ra được truyền đến bộ điều khiển để kích hoạt các động cơ nhỏ chạy bằng pin, giúp di chuyển các ngón hoặc cổ tay.

TMR, hay tái tạo cơ nhắm mục tiêu (targeted muscle reinnervation), là một phẫu thuật rất phức tạp dành cho những người bị cụt chi cao. Phẫu thuật này nối lại các dây thần kinh ở bàn tay hoặc ngón tay với các cơ lân cận nhằm tạo ra một số “kiểm soát suy nghĩ” đối với bộ phận giả. Hiệu quả thực sự của phẫu thuật này vẫn còn hạn chế, nhưng đầy hứa hẹn.

Mobius Bionics đã tiến thêm một bước nữa và phát triển Cánh tay LUKE dành cho những người bị cụt chi đến vai. Thiết bị này giúp người dùng vươn [tay giả] cao qua đầu (điều chưa từng có trước đây với các bộ phận giả) và thậm chí là dùng máy khoan điện. Cánh tay này dùng bộ điều khiển bàn chân đặt trong giày và đọc độ nghiêng của giày bằng trực giác để diễn giải chuyển động và điều khiển các chức năng của cánh tay.

Tương lai của những chi giả thật đáng kinh ngạc. Tôi thậm chí còn chưa đề cập đến khả năng một người liệt tứ chi (liệt từ cổ trở xuống) có thể di chuyển con trỏ máy tính chỉ với suy nghĩ hay “chiếc kính” sẽ giúp một người mù “nhìn thấy.” Thật đáng kinh ngạc khi chứng kiến các công nghệ tiên tiến được dùng đúng cách, nhưng chúng ta luôn phải cảnh giác. Một thực tế đáng buồn là mỗi lần cải tiến đều đi kèm rủi ro vô cùng lớn. Khả năng kết hợp tốt hơn giữa con người và máy móc làm tăng những viễn cảnh đen tối hơn nhiều so với những hy vọng của người đàn ông sáu triệu USD.

Như nhà khoa học Albert Einstein đã nhận xét, “Rõ ràng là công nghệ của chúng ta đã vượt trên nhân tính của chúng ta một cách đáng kinh ngạc.”

Tiến sĩ Peter Weiss là khách mời thường xuyên của các đài truyền hình địa phương và quốc gia, báo chí và đài phát thanh. Ông là trợ lý giáo sư lâm sàng sản phụ khoa tại Trường Y David Geffen tại UCLA trong 30 năm, ông đã nghỉ việc để có thể hỗ trợ về mặt lâm sàng cho người có nhu cầu trong đại dịch COVID. Ông cũng là cố vấn chăm sóc sức khỏe quốc gia cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 của thượng nghị sĩ John McCain.

Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Peter Weiss
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Peter Weiss là khách mời thường xuyên của các đài truyền hình, báo chí và đài phát thanh địa phương và quốc gia. Ông là trợ lý giáo sư lâm sàng về Sản phụ khoa tại Trường Y David Geffen UCLA trong 30 năm,. Ông cung cấp các dịch vụ lâm sàng của mình cho những người có nhu cầu khi đại dịch COVID xảy ra. Ông cũng là cố vấn chăm sóc sức khỏe quốc gia cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 của Thượng nghị sĩ John McCain.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn