Thậm chí đang đói nhưng các bé vẫn sẵn sàng chia sẻ

Kết quả của một nghiên cứu mới cho thấy lòng vị tha có thể khởi phát ngay từ khi em bé mới lọt lòng.

Trong một khảo sát trên gần 100 trẻ 19 tháng tuổi, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những bé này, thậm chí ngay cả khi đang đói vẫn sẵn sàng đưa cho người lạ món đồ ăn ngon lành của bé.

Những phát hiện trong các Báo cáo khoa học không những cho thấy ngay từ khi mới là trẻ sơ sinh, con người đã có hành vi vị tha mà còn gợi ý rằng những trải nghiệm xã hội ban đầu có thể hình thành nên lòng vị tha.

“Chúng tôi nghĩ rằng lòng vị tha là một chủ đề quan trọng cần được nghiên cứu. Đó là một trong những khía cạnh đặc biệt nhất của con người. Đó là một phần quan trọng trong cấu trúc đạo đức của xã hội,” Rodolfo Cortes Barragan – Tác giả chính của nghiên cứu – một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Khoa học Trí tuệ và Học tập (I-LABS) của Đại học Washington cho biết. “Người lớn chúng ta thường giúp đỡ nhau khi chúng ta thấy người khác gặp khó khăn và chúng ta vẫn làm điều này ngay cả khi chúng ta biết là chúng ta sẽ phải trả giá cho sự giúp đỡ đó. Do đó, chúng tôi đã thực hiện các thử nghiệm để tìm khởi nguồn của lòng vị tha trong những bé sơ sinh”.

Muốn có một quả nho?

Các loài linh trưởng được phát hiện là trong những điều kiện khó khăn biết hợp tác và chia sẻ tài nguyên cho nhau. Nhưng cũng có các loài linh trưởng khác như tinh tinh chẳng hạn thì lại không chủ động chia sẻ thức ăn ngon mà bản thân chúng cần.

Các nhà nghiên cứu muốn kiểm tra xem khi đối mặt với một trong những nhu cầu sinh học cơ bản nhất là thức ăn thì liệu trẻ em có thể có những hành động vượt khỏi lợi ích cá nhân của bé hay không.

Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã chọn các loại trái cây gần gũi với trẻ em như quả chuối, việt quất, nho và thiết lập sự tương tác giữa trẻ em với nhà nghiên cứu. Họ muốn tìm hiểu xem liệu đứa trẻ có tự đưa một món ăn hấp dẫn cho người lạ mà không cần đến sự khuyến khích, hướng dẫn bằng lời nói hoặc thúc giục hay không.

Thí nghiệm được thực hiện như sau: những đứa trẻ và nhà nghiên cứu (là người lớn) ngồi đối diện nhau trên một chiếc bàn, và nhà nghiên cứu cho đứa trẻ xem một miếng trái cây.

Để xem những bé ở trong nhóm đối chứng và nhóm thử nghiệm sẽ quyết định điều gì xảy ra tiếp theo. Đối với nhóm đối chứng, nhà nghiên cứu nhẹ nhàng ném miếng trái cây lên khay để trên sàn ngoài tầm với của nhà nghiên cứu nhưng trong tầm với của trẻ. Nhà nghiên cứu không thể hiện và không cố gắng để lấy trái cây. Đối với nhóm thử nghiệm, nhà nghiên cứu giả vờ vô tình làm rơi trái cây xuống khay, sau đó với lấy nó nhưng không lấy được.

Các nhà nghiên cứu cho biết, sự nỗ lực để lấy đồ ăn đó thể hiện mong muốn rõ ràng của người lớn đối với thức ăn dường như đã kích hoạt phản ứng giúp đỡ ở trẻ em. Hơn một nửa số trẻ em trong nhóm thực nghiệm nhặt trái cây và đưa cho người lớn, so với 4% trẻ em trong nhóm đối chứng.

Cấp độ của lòng vi tha

Thí nghiệm thứ hai được áp dụng với một mẫu trẻ khác: các nhà nghiên cứu đề nghị cha mẹ các bé đưa con đến ngay trước giờ ăn nhẹ hoặc bữa ăn chính theo lịch ăn của con – tức là thời điểm khi đứa trẻ bắt đầu cảm thấy đói.

Họ lập luận rằng điều này sẽ làm tăng “cái giá phải trả” để xác định mức độ vị tha của trẻ. Họ lặp lại kịch bản của nhóm đối chứng và nhóm thử nghiệm trước, khi mà những đứa trẻ này đã có nhiều động lực hơn trong việc lấy được trái cây cho mình. Các kết quả của thử nghiệm này vẫn tiếp tục phản ánh những kết quả từ nghiên cứu trước đó. Chỉ còn 37% trẻ em trong nhóm thử nghiệm đưa trái cây cho nhà nghiên cứu và không có trẻ em nào trong nhóm đối chứng làm như vậy nữa.

“Những em bé trong nghiên cứu thứ hai này nhìn trái cây một cách thèm thuồng nhưng sau đó các bé vẫn đưa trái cây cho người khác”. Ông Andrew Meltzoff, đồng giám đốc của I-LABS cho biết. “Chúng tôi nghĩ rằng thử nghiệm này đã giúp chúng tôi biết được một phiên bản giúp đỡ mang tính vị tha ở cấp độ trẻ sơ sinh”.

Nhóm nghiên cứu cũng phân tích dữ liệu theo nhiều cách khác nhau – ví dụ: liệu trẻ có cho trái cây trong lần thử nghiệm đầu tiên hay không hoặc trẻ có tiến bộ hơn trong quá trình thử nghiệm hay không và liệu trẻ từ các môi trường gia đình khác nhau thì sự giúp đỡ có khác nhau hay không.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các bé sơ sinh đã giúp đỡ người khác ngay từ trong lần thử nghiệm đầu tiên cũng như trong tất cả các lần thử nghiệm sau đó, điều mà Barragan nói là có ý nghĩa về mặt thông tin vì điều này cho thấy rằng: trong cả quá trình thử nghiệm, trẻ em không cần phải học cách giúp đỡ người khác và không cần được đào tạo. Thật vậy, trẻ em đã giúp đỡ một cách tự nhiên và nhiều lần một người không thuộc gia đình ruột thịt của các bé.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những trẻ em có các anh chị em ruột và từ một số nền văn hóa nhất định thì có khả năng giúp đỡ người lớn tốt hơn. Điều này đã chỉ ra rằng sự biểu hiện của lòng vị tha ở trẻ sơ sinh có thể điều chỉnh được.

Những kết quả này rất phù hợp với các nghiên cứu trước đây đã được áp dụng với người trưởng thành, và cho thấy những ảnh hưởng tích cực của việc có một nền tảng văn hóa nhấn mạnh đến “sự phụ thuộc lẫn nhau”, nghĩa là những người sống trong nền tảng văn hóa này rất chú trọng vào mối quan hệ kết nối cộng đồng.

Barragan nói: “Chúng tôi nghĩ rằng các mối quan hệ gia đình và xã hội nhất định sẽ tạo nên sự khác biệt nhất định về lòng vị tha của con người, và chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hiểu đầy đủ hơn về điều gì sẽ tối đa hóa biểu hiện của lòng vị tha ở trẻ nhỏ. Nếu chúng ta có thể khám phá ra cách để khuyến khích phát triển lòng vị tha [ở] con cái mình thì chúng ta có thể biết cách hướng tới một xã hội biết quan tâm hơn.”

Quỹ Từ thiện Thế giới Templeton, Giải thưởng Nghiên cứu sau Tiến sĩ Mở rộng Sự tham gia của Quỹ Khoa học Quốc gia cho Barragan và Dự án Trí tuệ Sẵn sàng I-LABS đã tài trợ cho nghiên cứu này.

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn