7 lợi ích sức khỏe của tỏi

Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng tỏi có đặc tính chống khối u, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và bệnh Alzheimer, thậm chí còn giúp thải độc các kim loại nặng như chì ra khỏi cơ thể.

Tỏi từ lâu đã được xem là một loại thảo dược có công dụng chữa bệnh kỳ diệu. Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ xếp tỏi ở đầu kim tự tháp các loại rau củ có tính chất chống ung thư.

Ebers Codex, một tài liệu y học Ai Cập có niên đại khoảng năm 1550 trước Công nguyên, đã ghi nhận công dụng trị bệnh tim, khối u và đau đầu của loại gia vị này.

Hoạt chất có công dụng trị liệu của tỏi là allicin. Allicin kích thích dạ dày tăng tiết, cải thiện sự thèm ăn, hỗ trợ tiêu hóa, có đặc tính kháng khuẩn và chống ký sinh trùng, đồng thời được biết là có tác dụng ngăn ngừa ung thư.

Ngoài ra, tỏi còn chứa protein, chất béo, carbohydrate, calcium, phosphorus, sắt và các nguyên tố vi lượng như kẽm, magnesium, đồng, selenium và iodine. Tỏi cũng chứa vitamin B1, B6 và C, carotene và dầu dễ bay hơi. Khi ăn sống thì tỏi vỏ tím được coi là hiệu quả hơn tỏi vỏ trắng.

Tỏi có 7 lợi ích sức khỏe sau đây

Ngăn ngừa và điều trị khối u và ung thư

Bác sĩ y học cổ truyền Nhật Bản Jianhua Li cho biết trong một cuộc phỏng vấn với thời báo The Epoch Times rằng tỏi đứng đầu danh sách thực vật có khả năng chống ung thư mạnh nhất. Lợi ích sức khỏe của tỏi bao gồm đặc tính kháng sinh tự nhiên, có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn, đồng thời có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm—tất cả đều góp phần ngăn ngừa ung thư.

Vào năm 1994, Đại học Minnesota đã thực hiên một nghiên cứu 40,000 phụ nữ tuổi từ 55 đến 69 về côgn dụng của tỏi. Kết quả cho thấy việc thường xuyên ăn tỏi, trái cây và rau củ giúp giảm 30% nguy cơ ung thư đại tràng.

Một nghiên cứu được công bố trên tập san Dinh dưỡng tiết lộ rằng những người ăn tỏi sống ít nhất hai lần một tuần có nguy cơ ung thư gan thấp hơn so với những người ăn tỏi ít hơn hai lần một tuần hoặc không ăn lần nào.

Những phát hiện này cho thấy rằng ăn tỏi sống thường xuyên có thể giảm nguy cơ ung thư gan.

Ngăn ngừa bệnh tim mạch

Tỏi và các dẫn xuất của tỏi đã được công nhận về công dụng ngăn ngừa và điều trị các bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, tăng lipid máu, huyết khối, tăng huyết áp và tiểu đường.

Một số nghiên cứu đã xác định những lợi ích tim mạch sau đây của tỏi:

Giảm vôi hóa mạch máu. Chiết xuất tỏi già làm giảm mảng bám động mạch hoặc xơ vữa động mạch, do đó làm giảm tỷ lệ bệnh tim mạch.

Chống kết tập tiểu cầu. Chiết xuất Ajoene trong tỏi có thể can thiệp vào protein trong máu, giảm hình thành cục máu đông, và ngăn ngừa tắc nghẽn mạch máu.

Giảm cholesterol. Tỏi có hiệu quả làm giảm 10% cholesterol toàn phần và cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL), làm giảm khả năng xơ cứng mạch máu.

Giãn mạch. Tỏi giúp cho các tế bài nội mô mạch máu tăng sản xuất oxide nitric, giúp mạch máu giãn ra.

Giảm huyết áp. Một phân tích tổng quan được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng năm 2016 cho thấy tỏi giúp giảm huyết áp tâm thu 8.7 ± 2.2 mmHg và huyết áp tâm trương 2.5 ± 1.6 mm Hg.

Ngăn ngừa bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer dẫn đến mất trí nhớ và khả năng giao tiếp khi bệnh tiến triển.

Chất phytochemical trong tỏi già có thể ngăn ngừa tổn thương oxy hóa, tăng chức năng nhận thức, cải thiện trí nhớ và kéo dài tuổi thọ.

Thải độc chì

Chì là một kim loại nặng có thể có trong không khí, đất, nước và trong một số vật dụng gia đình hàng ngày như chén dĩa và ly uống nước. Tiếp xúc lâu dài với chì có thể dẫn đến nhiều bệnh khác nhau như thận, vô sinh, suy giảm nhận thức và cao huyết áp.

Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đối chứng đã chỉ ra rằng tỏi có thể làm giảm 19% lượng chì trong máu và cải thiện các triệu chứng liên quan đến ngộ độc chì, chẳng hạn như bồn chồn, đau đầu và huyết áp cao.

Do đó, tỏi có vẻ an toàn hơn về mặt lâm sàng và hiệu quả như thuốc thải độc kim loại nặng. Nghiên cứu kết luận rằng tỏi có thể được khuyên dùng để điều trị ngộ độc chì từ nhẹ đến trung bình.

Bảo vệ gan

Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể con người, tham gia vào chuyển hóa, giải độc và tổng hợp protein trong máu.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là tình trạng chất béo tích tụ trong gan. NAFLD có thể dẫn đến viêm gan mỡ không do rượu. Cách ăn uống có thể góp phần điều trị căn bệnh này.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh quốc đã kiểm tra tác động của việc bổ sung bột tỏi đối với bệnh nhân NAFLD. Kết quả cho thấy bột tỏi có thể cải thiện về các đặc điểm hình ảnh học của gan và xét nghiệm mỡ máu trên những bệnh nhân NAFLD.

Hiệu quả kháng khuẩn và kháng viêm

Tỏi chứa các hợp chất lưu huỳnh có đặc tính kháng khuẩn phổ rộng và kháng viêm mạnh. Tỏi có thể ức chế và tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, nấm, virus và các mầm bệnh khác. Cho tới nay, tỏi là một trong những kháng sinh tự nhiên mạnh nhất được phát hiện.

Bốn hợp chất chứa lưu huỳnh có đặc tính chống viêm trong tỏi là Z-ajoene, E-ajoene, và các dẫn xuất sulfonyl oxy hóa của ajoene.

Ngăn ngừa cảm lạnh

Tỏi có thể giúp cơ thể tăng sức đề kháng và ngăn ngừa cảm lạnh. Một nghiên cứu được công bố trên tập san Advances in Therapy báo cáo rằng chiết xuất tỏi có thể giảm 63% nguy cơ cảm lạnh và giảm 70% thời gian tổn tại triệu chứng của cảm lạnh, rút ngắn thời gian phục hồi từ 5 ngày xuống còn 1.5 ngày.

Mặc dù tỏi có rất nhiều lợi ích, nhưng sử dụng tỏi quá nhiều cũng không có lợi vì tỏi sống có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, dẫn đến khó chịu, đầy bụng, tiêu chảy và hôi miệng.

Bác sĩ Li cũng khuyên những người có bệnh nền nặng hoặc những người hiện đang dùng thuốc lâu dài nên thận trọng với tỏi. Trung y cho rằng tỏi thuộc nhóm thực phẩm “sinh nhiệt, dùng nhiều có thể sinh bệnh hoặc làm cho bệnh có sẵn nặng hơn, hoặc gây ra các phản ứng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng quát.

Hãy luôn tham khảo ý kiến với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn để biết khi nào bạn không nên dùng tỏi hoặc bất kỳ loại thảo mộc nào khác.

Lan Hoa biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Ellen Wan
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn