Đa dạng cách dùng thảo dược tăng cường sức khỏe

Bạn có thể dùng thảo dược theo nhiều cách khác nhau. Tùy thuộc vào thành phần và chất chiết xuất mà thảo dược sẽ được bào chế dưới dạng trà, bột, viên nang, viên nén, cồn thuốc, glycerite (chế phẩm sau khi hòa tan trong glycerin,) thuốc xịt, kem hoặc gel và tinh dầu. Bạn nên sử dụng các sản phẩm thảo dược được trồng hữu cơ, được chứng nhận hoặc có nguồn gốc đáng tin cậy.

Bạn cũng nên thông báo cho bác sĩ của về việc bạn sử dụng bất kỳ dạng chất bổ sung thảo dược nào vì nó có thể tương tác với thuốc bạn đang dùng hoặc tình trạng sức khỏe của bạn.

Dưới đây là những đặc điểm của từng hình thức bào chế thảo dược khác nhau. Thông tin này có thể giúp bạn lựa chọn loại nào phù hợp nhất với nhu cầu và sở thích của bạn.

Trà thảo dược

Trà thảo dược được gọi chính xác hơn là thảo dược đun hoặc hãm với nước sôi vì tất cả các loại trà này không phải đều đến từ cây trà (Camellia sinensis). Thay vào đó, chúng bao gồm một hoặc nhiều bộ phận (lá, rễ, hoa, thân, vỏ cây, quả, hạt) của nhiều loài thực vật có thể ăn được. Những bộ phận này được sử dụng ở dạng tươi hoặc khô và sau đó được đun/hãm trong nước để tạo thành trà thảo dược.

Thời gian hãm hoặc đun sôi phụ thuộc vào bộ phận của thực vật được sử dụng. Các bộ phận mềm hơn, chẳng hạn như lá và hoa, thường được ngâm trong tối đa 30 phút; [hình thức] này được gọi là hãm (infusion) trà thảo dược. Các bộ phận cứng, chẳng hạn như rễ và vỏ, được đun trên lửa trong tối đa 60 phút; đây được gọi là đun (decoction) trà thảo dược.

Sử dụng trà túi lọc và trà lá khô không thuận tiện như cồn thuốc, glycerit, viên nang, viên nén hoặc thuốc xịt. Tuy nhiên, uống trà thảo dược là một truyền thống lâu đời được mọi người trên thế giới yêu thích. Trà thảo dược thường là một phần trong thói quen của mọi người, khi khởi đầu một ngày mới tốt hơn, sau khi ăn hoặc trước khi đi ngủ.

Bột thảo dược

Giống như cồn thuốc hoặc glycerit, bột có thể được trộn với nước, nước trái cây hoặc trà và được dùng một cách nhanh chóng và dễ dàng. Một ưu điểm khác của chất bổ sung thảo dược dạng bột là khả năng dễ dàng điều chỉnh khẩu phần [bạn muốn sử dụng]. Tuy nhiên, các chất bổ sung thảo dược dạng bột không được hấp thụ vào máu nhanh như các chất chiết xuất vì chúng phải trải qua quá trình tiêu hóa như thực phẩm.

thảo dược tăng cường sức khỏe

Viên nang và viên nén thảo dược

Các chất bổ sung thảo dược dạng viên nang và viên nén có thể cung cấp một khẩu phần được đo lường các thành phần mong muốn ở dạng thuận tiện [cho người sử dụng]. Một số viên nang có thể dễ dàng tách rời và [thuốc bên trong được] trộn lẫn với thức ăn hoặc đồ uống. Điều này rất hữu ích cho những ai gặp khó khăn khi nuốt viên nang hoặc viên nén. Viên nang có xu hướng đắt hơn một số hình thức chất bổ sung thảo dược khác.

Một hạn chế của cả viên nang và viên nén là chúng mất nhiều thời gian hơn để được hấp thụ vào cơ thể so với các chất lỏng.

Cồn thuốc và Glycerit

Cồn thuốc và glyxerit là các chất chiết xuất ​​thảo dược lỏng được tạo ra bằng cách sử dụng dung môi hóa chất thực phẩm (ví dụ: rượu, nước, glycerin), nhằm mục đích sử dụng ở dạng lỏng. Bạn có thể sử dụng các chất chiết xuất dạng lỏng bằng cách thêm một khẩu phần được khuyến nghị vào một lượng nhỏ nước, nước trái cây hoặc trà. Kiểm tra hướng dẫn của từng sản phẩm để biết cách sử dụng được đề xuất [bởi nhà sản xuất].

Chất chiết xuất dạng lỏng có một số lợi ích trội hơn so với các dạng bào chế khác. Có lẽ điều quan trọng nhất là chúng được cơ thể hấp thụ nhanh chóng và hiệu quả hơn. Khi chất chiết xuất tiếp xúc với miệng của bạn, nó sẽ bắt đầu được hấp thụ trước khi đến hệ tiêu hóa. Nó cũng tốt cho những người không muốn hoặc không thể nuốt viên nang hoặc viên nén. Dạng lỏng thường có thời hạn sử dụng lâu hơn (thường là ba năm hoặc lâu hơn) và dễ sử dụng (một ống nhỏ giọt thường được cung cấp trong chai). Không giống như viên nang và viên nén, bạn có thể nếm thảo dược ở dạng này.

Thuốc xịt thảo dược

Một số lượng hạn chế các chất bổ sung từ thảo dược được bào chế dưới dạng xịt. Thảo dược ở dạng xịt rất tiện lợi; bạn không cần phải cho thêm nước vào để sử dụng dạng này. Người cao tuổi, trẻ nhỏ và bất kỳ ai không thể uống viên nang hoặc viên nén đều có thể được hưởng lợi từ các chất chiết xuất dạng lỏng và thuốc xịt.

Nói chung, giống như các chất chiết xuất dạng lỏng, và không giống như viên nén và viên nang, thuốc xịt thảo dược không có tá dược. Tuy nhiên, hãy nhớ kiểm tra nhãn để xem có chất bảo quản hoặc hương liệu tổng hợp nào trong bình xịt hay không.

Sử dụng thuốc xịt thảo dược theo hướng dẫn trên bao bì; thông thường, chỉ cần một hoặc hai lần xịt vào miệng là được. Một số loại thuốc xịt làm từ thảo dược được sử dụng cục bộ [trên da] như mỹ phẩm.

Kem hoặc Gel thảo dược

Một số loại thảo dược được đưa vào các loại kem hoặc gel để sử dụng tại chỗ. Khi sử dụng các sản phẩm thảo dược này, hãy kiểm tra các thành phần xem có bất kỳ [thành phần nào] có thể gây kích ứng hoặc phản ứng dị ứng không.

Tinh dầu

Nhiều loại tinh dầu thảo dược được tạo ra bằng cách sử dụng phương pháp chưng cất hơi nước để chiết xuất các hợp chất dễ bay hơi và chuyển chúng thành chất lỏng đậm đặc. Những loại dầu này rất mạnh và được sử dụng với một lượng rất nhỏ. Hầu hết các loại tinh dầu được hít hoặc sử dụng cục bộ khi được trộn với dầu dẫn. Một lượng nhỏ tinh dầu đôi khi được sử dụng trong chất chiết xuất dạng lỏng và có thể được sử dụng bằng đường uống.

Lời kết

Chúng ta may mắn khi có nhiều cách để [dùng] thảo dược. Điều này có nghĩa là bạn có thể dễ dàng tìm thấy các lựa chọn chất bổ sung thảo dược phù hợp với từng sở thích riêng, các giới hạn và nhu cầu cá nhân của bạn. Loại chất bổ sung thảo dược khác nhau nào phù hợp với bạn? Nghiên cứu các loại khác nhau, thảo luận về chúng với một chuyên gia am hiểu [về thảo dược] và đưa ra lựa chọn của bạn nhưng hãy nhớ kiểm tra với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn nếu bạn đang được chăm sóc y tế.

Văn Thanh Bùi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

Deborah Mitchell
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tác giả Deborah Mitchell là một nhà báo tự do viết về sức khỏe, có sở trường về động vật và môi trường. Cô là tác giả, đồng tác giả viết hơn 50 cuốn sách và hàng nghìn bài báo về nhiều chủ đề. Bài viết này ban đầu được xuất bản trên NaturalSavvy.com
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn