Instagram không tốt với thanh thiếu niên – và Facebook biết điều đó

Các nhà khoa học đã đúng, ứng dụng Instagram của Facebook đã làm hại nhiều thanh thiếu niên. Và Facebook đã biết điều này trong một năm rưỡi qua.

Theo một báo cáo hôm 14/09 trên Tạp chí Phố Wall, cơ quan chính thức của Facebook đã có nghiên cứu nội bộ vào tháng 03/2020 cho thấy Instagram – nền tảng truyền thông xã hội được thanh thiếu niên sử dụng nhiều nhất – không tốt đối với sự tự tin về ngoại hình và sức khỏe của các cô gái thiếu niên nhưng họ đã che dấu những phát hiện này để tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường.

Chính sách theo đuổi lợi nhuận bất chấp tác hại đã được ghi nhận của Facebook đã làm dấy lên sự so sánh với Big Tobacco, một công ty vào những năm 1950 biết rằng các sản phẩm của mình là chất gây ung thư nhưng vẫn công khai phủ nhận nó vào thế kỷ 21. Những người trong chúng ta tìm hiểu về việc sử dụng mạng xã hội ở thanh thiếu niên không cần đến một nghiên cứu nội bộ bị lấp liếm để biết rằng Instagram có thể gây hại cho thanh thiếu niên. Rất nhiều bài báo nghiên cứu được bình duyệt cho thấy điều tương tự.

Hiểu được tác động của mạng xã hội đối với thanh thiếu niên là rất quan trọng vì hầu như tất cả thanh thiếu niên đều lên mạng hàng ngày. Một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 89% thanh thiếu niên cho biết họ trực tuyến “gần như liên tục” hoặc “vài lần một ngày.”

Thanh thiếu niên có nhiều khả năng đăng nhập vào Instagram hơn bất kỳ trang mạng xã hội nào khác. Đó là một phần phổ biến của cuộc sống vị thành niên. Tuy nhiên, các nghiên cứu liên tục chỉ ra rằng thanh thiếu niên sử dụng Instagram càng thường xuyên thì sức khỏe tổng thể, lòng tự trọng, mức độ hài lòng trong cuộc sống, tâm trạng và sự tự tin về ngoại hình của họ càng kém đi. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng càng nhiều sinh viên đại học sử dụng Instagram vào bất kỳ ngày nào thì tâm trạng và mức độ hài lòng trong cuộc sống của họ càng tồi tệ hơn vào ngày đó.

Những so sánh không lành mạnh

Nhưng Instagram không đơn giản là có vấn đề chỉ vì nó phổ biến. Dường như hai tính năng chính của Instagram đã khiến nó trở nên đặc biệt rủi ro. Đầu tiên, Instagram cho phép người dùng theo dõi cả những người nổi tiếng và đồng nghiệp, cả hai đối tượng này đều có thể đưa lên một bức ảnh cơ thể không thật đã qua chỉnh sửa và sử dụng các bộ lọc cùng với cảm giác ấn tượng về một cuộc sống hoàn hảo.

Trong khi tất cả các phương tiện truyền thông xã hội đều cho phép người dùng lựa chọn những gì họ muốn thể hiện với thế giới, thì Instagram lại nổi tiếng với khả năng chỉnh sửa và lọc ảnh của nó. Ngoài ra, đó là nền tảng phổ biến trong những người nổi tiếng, người mẫu và những người có ảnh hưởng. Facebook đã bị các bà mẹ và những ông bà [muốn dành toàn thời gian cho con cái hay những đứa cháu của mình] quản lý. Đối với thanh thiếu niên, sự kết hợp giữa những người nổi tiếng và phiên bản chỉnh sửa của những người bạn đồng trang lứa ngoài đời thực đã tạo ra một môi trường hoàn hảo để so sánh bản thân với những người nổi bật ngoài xã hội hoặc với bất kỳ ai “tốt hơn” ở một vài khía cạnh nào đó.

Theo quy luật chung, con người thường nhìn vào người khác để biết cách hòa nhập và đánh giá cuộc sống của chính mình. Thanh thiếu niên đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những so sánh xã hội này. Tất cả mọi người đều ghi nhớ nỗi lo về việc làm thế nào để phù hợp với xã hội khi còn ở trường trung học. Instagram càng làm trầm trọng thêm nỗi lo sợ đó. Thật khó để so sánh bạn với một siêu mẫu có vẻ ngoài tuyệt vời (dù hình ảnh đã được lọc); điều đó thậm chí có thể tồi tệ hơn khi bức ảnh được so sánh là diễn viên – người mẫu Natalie đang tạo dáng dưới sảnh. 

So sánh bản thân với người khác một cách tiêu cực khiến mọi người cảm thấy ghen tị với cuộc sống và cơ thể có vẻ tốt hơn của người khác. Gần đây, các nhà nghiên cứu thậm chí đã cố gắng chống lại hiệu ứng này bằng cách nhắc nhở người dùng Instagram rằng các bài đăng là không thực tế.

Nhưng những cố gắng đó không mang lại hiệu quả. Những so sánh tiêu cực vẫn dẫn đến sự đố kỵ và hạ thấp lòng tự trọng, gần như không thể dừng lại. Ngay cả trong các nghiên cứu mà những người tham gia biết rằng những bức ảnh họ đăng trên Instagram đã được chỉnh sửa, các cô gái vị thành niên vẫn cảm thấy tồi tệ hơn về cơ thể của họ sau khi xem chúng. Đối với những cô gái có xu hướng đưa ra nhiều so sánh xã hội, những tác động này thậm chí còn tồi tệ hơn nữa.

Sự vật thể hóa và tự đánh giá cơ thể 

Instagram cũng có rủi ro đối với thanh thiếu niên vì việc chú trọng vào các bức ảnh cơ thể khiến người dùng tập trung vào việc người khác đánh giá cơ thể họ như thế nào. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các cô gái thanh thiếu niên – và ngày càng có nhiều cậu bé thanh thiếu niên – coi cơ thể trong ảnh của mình như một thứ làm tăng những suy nghĩ lo lắng về việc người khác nhìn nhận cơ thể họ như thế nào. Điều đó dẫn đến cảm giác xấu hổ về cơ thể của họ. Việc tự chụp một bức ảnh chân dung và đăng lên cũng khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn vì những đánh giá của người khác. 

Trở thành đối tượng để người khác xem xét không giúp “selfie generation – thế hệ tự chụp bản thân mình” cảm thấy tự tin và có khả năng – nó có thể hoàn toàn ngược lại. Đây là những lo ngại sức khỏe đáng kể, bởi vì sự không hài lòng về cơ thể trong những năm thiếu niên là một yếu tố dự báo chắc chắn và có giá trị về các triệu chứng rối loạn ăn uống sau này.

Facebook đã thừa nhận nội bộ điều mà các nhà nghiên cứu ghi nhận trong nhiều năm: Instagram có thể gây hại cho thanh thiếu niên.

Các bậc cha mẹ có thể giúp đỡ bằng cách liên tục nói chuyện với những đứa trẻ của họ về sự khác biệt giữa ngoại hình và thực tế, hoặc khuyến khích chúng tương tác trực tiếp với bạn bè cùng trang lứa và sử dụng cơ thể theo những cách tích cực thay vì tập trung vào bức ảnh tự chụp bản thân. 

Câu hỏi lớn đặt ra là Facebook sẽ giải quyết những kết quả gây tổn hại này như thế nào. Lịch sử và các tòa án đã không bỏ qua việc Big Tobacco lờ đi những tác hại do sản phẩm của chính họ.

Christia Spears Brown là giáo sư tâm lý học tại Đại học Kentucky. Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên trên The Conversation.

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn