Thanh thiếu niên có thực sự cần điện thoại thông minh không?

Độ tuổi nào thích hợp để tặng điện thoại thông minh cho con cái? Cuối cùng thì đã có đáp án đơn giản nhưng lại rất thuyết phục dựa trên một công trình nghiên cứu đáng tin cậy.

Bài chia sẻ này không phải là một sự xác nhận rằng điện thoại thông minh và mạng xã hội là tốt cho con bạn.

Câu hỏi “độ tuổi nào là tốt nhất” chính là một câu hỏi mẹo. Bởi vì, chúng ta không nhấn mạnh về “độ tuổi tốt nhất” cho những điều vốn dĩ là tốt cho con cái của chúng ta. Có hàng trăm ý kiến khác nhau ​​về độ tuổi tốt nhất và an toàn nhất để tặng con bạn một cuốn sách, một khối Rubik hay một quả bóng chày? Còn máy hút bụi thì sao?

có thực sự cần điện thoại
Cha mẹ có thể đang đặt một câu hỏi sai lầm về việc nên cho trẻ ở độ tuổi nào sử dụng điện thoại thông minh là tốt nhất (Ảnh: Rohappy/Shutterstock)

Chúng ta có phải tìm kiếm sự hướng dẫn y tế từ các chuyên gia tư vấn khi các con trong độ tuổi thanh thiếu niên dành quá nhiều thời gian để rửa bát, vui chơi bên ngoài hoặc dọn dẹp nhà để xe không? Bạn đã bao giờ nghe về việc bọn trẻ bị trầm cảm vì dành quá nhiều thời gian đi xe đạp không? Không, vì những hoạt động đó không gây hại cho sự phát triển trí não và cảm xúc của con bạn. Câu hỏi “độ tuổi tốt nhất để được sử dụng điện thoại thông minh” là không chính xác. Câu hỏi đúng hơn có thể là: Thanh thiếu niên có thực sự cần điện thoại thông minh không?

Lý do về khía cạnh khoa học và văn hóa

Con cái của chúng ta, giống y như một công tố viên đã được chuẩn bị kỹ càng, khẩn cầu với bố mẹ rằng cô bé “sẽ chết theo đúng nghĩa đen nếu không được có điện thoại”. Còn chúng ta đang cố gắng hết sức để làm cho con bé được hạnh phúc. Thế nên làm ngược lại bản năng của bậc cha mẹ, chúng ta biết rằng bọn trẻ còn quá nhỏ để sử dụng điện thoại thông minh. Và sau đó, chúng ta đi tìm sự đồng cảm này bằng cách tìm kiếm các bài đăng trên blog chứa đầy quan điểm ​​của những người xa lạ có cùng chí hướng. Để điện thoại thông minh thân thiện với trẻ em, xã hội nói rằng tất cả những gì bạn phải làm là:

  • Giảm thiểu tác hại của điện thoại bằng cách mua thêm nhiều tầng kiểm soát phức tạp cho phụ huynh
  • Giúp con trưởng thành hơn bằng cách duy trì các cuộc trò chuyện với chúng, ký thỏa thuận hoặc cam kết trước gia đình về việc sử dụng điện thoại, và để chúng tiếp xúc với mạng xã hội.

Sau cùng, chúng ta nên nhớ là, điện thoại thông minh trở thành phương tiện để tất cả thanh thiếu niên tương tác trên mạng, vì vậy nó trở thành thứ bắt buộc phải có đối với bọn trẻ. Nhưng những biện pháp được gọi là an toàn này thực ra chỉ là điều huyễn hoặc.

Mặc dù cần thiết phải có cho quy tắc bảo vệ đầu tiên, nhưng ý tưởng đầu tiên (sự kiểm soát của phụ huynh) chỉ là một biện pháp hỗ trợ và mang lại cảm giác an toàn sai lầm. Bọn trẻ dễ dàng khám phá ra các cách khác nhau để đối phó lại sự kiểm soát của cha mẹ, và phụ huynh không thể kiểm soát được tất cả các nội dung trên mạng xã hội. Trước khi bạn phụ thuộc vào giải pháp này, hãy thử hỏi bất kỳ phụ huynh nào có con là học sinh trung học xem họ đã từng bị thất bại trong việc này chưa (xin tiết lộ là: câu trả lời thường là có).

Ý tưởng thứ hai là không thể về mặt khoa học. Về mặt y học, chúng ta không thể ép buộc hoặc đẩy nhanh quá trình trưởng thành bằng cách chỉ trò chuyện hoặc ký kết hợp đồng với các con. Tất nhiên, điều quan trọng là phải giao tiếp thường xuyên với con bạn, tuy nhiên, các cuộc trò chuyện và thỏa thuận cam kết không thể thay đổi hành vi của thanh thiếu niên. Nếu những phương pháp này hiệu quả, phải chăng chúng ta có thể loại bỏ đi một loạt các vấn đề của thanh thiếu niên – như rượu, ma túy, mang thai – chỉ trong một đêm.

Ngoài ra, việc sử dụng mạng xã hội càng khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Không giống như luyện tập thể thao hoặc nhạc cụ. Một thứ dễ gây nghiện như mạng xã hội không hề chuẩn bị cho bọn trẻ biết cách sử dụng nó một cách khôn ngoan hoặc khiến chúng trưởng thành hơn. Các dữ liệu khoa học cho chúng ta biết rằng phương tiện truyền thông xã hội làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bọn trẻ theo một cách mà ta có thể đo lường được; mức độ căng thẳng và lo lắng đang tăng vọt. Bộ não của bọn trẻ không đàn hồi như bộ não của người lớn và chúng có khả năng kiểm soát xung động thấp hơn so với người lớn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bạn càng tiếp xúc nhiều với một hoạt động gây nghiện – chẳng hạn như uống rượu hoặc sử dụng mạng xã hội – thì bạn càng dễ lạm dụng và gặp rắc rối với nó.

Trưởng thành: Thanh thiếu niên chưa đủ trưởng thành, nhưng chúng lại là những diễn viên rất giỏi! Chỉ vì chúng ta thấy những dấu hiệu của sự trưởng thành chớm nở trong một số lĩnh vực trong cuộc sống của bọn trẻ không có nghĩa là chúng đã sẵn sàng với chiếc điện thoại thông minh. Khi nhìn phải những nội dung gây phiền nhiễu thì chúng không thể gạt những thứ đó ra khỏi đầu của chúng được. Những thanh thiếu niên đang học tập để trở thành người lớn cần thêm thời gian để trưởng thành thông qua học trung học và thậm chí là đại học trước khi chúng phát triển sự khôn ngoan để có thể đối phó với sự phân tâm từ các phương tiện truyền thông xã hội và nhiều thứ khác nữa. Đừng nhầm lẫn trí thông minh với sự trưởng thành.

Trải nghiệm lành mạnh: Thanh thiếu niên cần nhiều sở thích và hoạt động thể chất lành mạnh khác nhau để phát triển. Điều quan trọng đối với sự phát triển là theo đuổi những sở thích có ý nghĩa, công việc có mục đích, hoạt động giải trí và kỹ năng giao tiếp xuất sắc hơn là dành thời gian nuôi dưỡng sự lệ thuộc của chúng vào màn hình kỹ thuật số. Điện thoại trở thành một hoạt động tốn ít công sức / phần thưởng cao làm mất tập trung và thay thế nhiều hoạt động và cột mốc quan trọng. Sẽ chẳng có ai được sống lại những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên tươi đẹp.

Sự gắn bó: Sự gắn bó cơ bản của thanh thiếu niên với gia đình trong giai đoạn phát triển này quan trọng hơn sự kết nối với những người bạn kỹ thuật số. Nếu bạn cảm thấy như bạn đang đánh mất con cái vì chiếc điện thoại của chúng, thì nó xác thực là đang như vậy đấy.

Bạn bè: Thanh thiếu niên cần có mối quan hệ với một số ít bạn bè thân thiết vì nó giúp ích của sức khỏe tinh thần của chúng. Phương tiện truyền thông xã hội không đáp ứng được nhu cầu kết bạn của con bạn. Tình bạn của con bạn không bền vững khi tương tác trực tuyến – nó sẽ khiến chúng trở nên đơn độc hơn bao giờ hết.

Chấp nhận: Thanh thiếu niên cần có cơ hội để trưởng thành mà không bị tổn thương và bị từ chối trực tuyến. Bị từ chối trong giai đoạn dễ bị tổn thương và nhạy cảm này có hại hơn bất kỳ giai đoạn nào khác của cuộc đời của chúng. Tuổi mới lớn là khoảng thời gian tồi tệ nhất để sử dụng mạng xã hội.

Kỹ năng giao tiếp: Thanh thiếu niên cần xây dựng kỹ năng giao tiếp trực diện với mọi người. Nhắn tin và đăng biểu tượng cảm xúc không phải là kỹ năng giao tiếp thuần thục hoặc bền vững.

Các hoạt động không gây nghiện: Cha mẹ nên giúp con mình thoát khỏi các hoạt động gây nghiện ngay từ bây giờ để chúng có thể phát huy hết khả năng tiềm năng trong tương lai. Chúng cần những người lớn quan tâm để loại bỏ những trở ngại trên màn hình cản trở việc có một tuổi thơ lành mạnh. Hãy nhớ rằng, 90 phần trăm tất cả các chứng nghiện của người lớn là bắt đầu từ thời thơ ấu.

Bảo vệ: Thanh thiếu niên cần cha mẹ bảo vệ chúng ngay cả khi điều đó có nghĩa là bạn có quan điểm không phổ biến và phản văn hóa. Nếu bạn bảo vệ con cái trong lĩnh vực này cũng sẽ không bị tính là bảo vệ thái quá. Tuổi thanh thiếu niên khao khát tình yêu kiểu đó.

Sự lựa chọn khả thi

Còn có một lựa chọn tốt hơn. Cũng giống như một huấn luyện viên giỏi, bạn có thể thay đổi chiến lược trò chơi khi bạn đang thua ở giữa một mùa giải. Hãy thay thế chiếc điện thoại thông minh bằng một chiếc điện thoại không có mạng internet (chỉ sử dụng để đàm thoại / nhắn tin) nếu chúng thực sự cần có điện thoại và hãy trì hoãn mạng xã hội vô thời hạn, chắc chắn là đến đoạn cuối của độ tuổi vị thành niên. Hãy thay thế những điều mà chúng không có được từ chiếc điện thoại thông minh với những thứ này:

  • Đồng hành trong đời sống xã hội: Giúp con bạn có những tình bạn lâu dài và những kỷ niệm vui vẻ bằng cách thường xuyên lên kế hoạch cho các hoạt động xã hội tại nhà của bạn. Làm quen với bạn bè của chúng.
  • Thay thế những sở thích phi công nghệ: Hướng dẫn con khám phá những sở thích mới và dành nhiều thời gian hơn để thực hiện các hoạt động phi công nghệ, chẳng hạn như đọc sách, thể thao, học nhạc, nghệ thuật, tập thể dục , v.v.
  • Dành thời gian với con: Cuối cùng, thanh thiếu niên của bạn khao khát quan tâm, sự ủng hộ và tình yêu của bạn hơn tất cả cái ấn like trên các phương tiện truyền thông xã hội trên thế giới này. Hãy dành thời gian để thấu hiểu con bạn.

Thử thách ScreenStrong của chúng tôi là một cách tuyệt vời để bắt đầu hành trình của bạn. Phương pháp cai nghiện kéo dài 7 hoặc 30 ngày này sẽ giúp con bạn thiết lập lại thói quen và trở lại đúng hướng. Bạn sẽ thích sự thay đổi này và chúng cũng sẽ như vậy!

Phần kết luận

Tôi chưa bao giờ gặp một bậc cha mẹ nào ước rằng họ đã cho con cái một chiếc điện thoại thông minh sớm hơn. Hầu hết họ ước rằng họ không nên để chúng sử dụng sớm như vậy, vì đó là một trong những sai lầm nuôi dạy con cái tồi tệ nhất mà họ từng mắc phải. Họ đã phát hiện ra rằng những lợi ích mà nó mang đến không đáng gì so với những nguy hại đối với con của họ. Và trên thực tế, với sự gia tăng của chứng trầm cảm và tự tử ở thanh thiếu niên, những nguy cơ này rất nghiêm trọng.

Chúng ta cũng không cần phải phán đoán. Đã có cơ sở dữ liệu cho thấy các thử nghiệm việc thanh thiếu niên sử dụng điện thoại thông minh không mang lại hiệu quả tích cực. Con bạn không cần điện thoại thông minh hay mạng xã hội. Và vì một đứa trẻ 4 tuổi chỉ mất có vài phút để có thể học được cách sử dụng điện thoại, nên bạn có thể chắc chắn rằng con mình sẽ không bị tụt hậu. Bạn chỉ có một cơ hội để xây dựng một tuổi thơ lành mạnh và con của bạn cần sự giúp đỡ và chỉ dẫn từ bạn. Con bạn quan trọng hơn bất kể thứ gì khác – ngay cả khi điều đó có nghĩa là bạn phải đi ngược lại áp lực văn hóa mạnh mẽ và việc trì hoãn điện thoại thông minh.

Melanie Hempe là một cử nhân khoa học điều dưỡng, là người sáng lập ScreenStrong, một tổ chức khuyến khích cha mẹ giúp con cái đạt được những lợi ích của phương tiện truyền thông trực tuyến mà không phải chịu tác hại của việc lạm dụng, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh về tinh thần và thể chất. Giải pháp ScreenStrong thúc đẩy phong cách nuôi dạy con mạnh mẽ, chủ động thay thế việc sử dụng màn hình có hại bằng các hoạt động lành mạnh, phát triển kỹ năng sống và kết nối gia đình. Bài viết này ban đầu được xuất bản trên ScreenStrong.com.

Melanie Hempe
Biên dịch: Ngọc Anh
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn