Mạng xã hội ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn như thế nào?

Mạng xã hội đã làm suy giảm trí nhớ, sức học và khả năng ghi nhớ của chúng ta

Sự phát triển bùng nổ của các nền tảng truyền thông xã hội và việc hàng tỷ người dùng các nền tảng này mỗi ngày cho chúng ta thấy rằng hình thức tương tác mới này giữa con người và công nghệ đang có những ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống.

Công nghệ này thực tế đã cho phép tất cả mọi người trên khắp thế giới kết nối với những người bạn gần xa và chia sẻ ngay lập tức mọi thứ, từ những bức ảnh thú cưng dễ thương đến những quan điểm chính trị về các vấn đề nóng hổi. Các nhà khoa học xã hội đang cố gắng tìm ra những tác động – mà sự thay đổi to lớn trong sự tương tác giữa cộng đồng đang thực sự tác động đến chúng ta – và đối với bộ não của chúng ta – trong từng giai đoạn của cuộc đời. Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc nghiện sử dụng mạng xã hội dường như làm suy giảm trí nhớ của chúng ta.

Ảnh hưởng thống trị của mạng xã hội

Cho dù đó là Facebook, YouTube, Instagram, WhatsApp hay TikTok thì mỗi ứng dụng cũng đều thu hút sự chú ý thường xuyên của hơn một tỷ người dùng (hoặc trong trường hợp của Facebook là gần 3 tỷ người dùng). Việc lướt mạng xã hội trở thành trò tiêu khiển chính của nhiều người. Người Mỹ trung bình dành hơn hai giờ mỗi ngày cho mạng xã hội và thời lượng này có sự chênh lệch rất khác nhau giữa các nhóm tuổi khác nhau.

Ví dụ, thế hệ Z là những người sinh từ giữa những năm 90 đến khoảng năm 2010 và là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng với kết nối internet luôn trong tầm tay – những người đã dành trung bình 4,5 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội. Và đây mới chỉ là “mức trung bình” mà thôi. Theo số liệu của Pew Research thì 46% thanh thiếu niên và 44% người trưởng thành ở độ tuổi từ 18 – 49 tuổi cho biết họ “trực tuyến gần như liên tục” và có khả năng chính nhóm này là những người dành thời lượng trên mức trung bình cho các trang mạng xã hội.

Mạng xã hội rõ ràng là có ảnh hưởng thống trị và các câu hỏi đang được đặt ra về cách mà mạng xã hội tác động đến các mối quan hệ, sức khỏe tâm thần và chức năng nhận thức của chúng ta như thế nào.

Tác động có hại của mạng xã hội đối với trí nhớ

Ngoài những tiềm năng tích cực của mạng xã hội trong việc kết nối có ý nghĩa giữa con người với nhau, nghiên cứu còn cho thấy những tác động có hại của việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều đối với sức khỏe tâm thần, cảm xúc và đặc biệt là đối với các thanh thiếu niên.

Ba nghiên cứu liên quan được công bố trên tập san Tâm lý học Xã hội Thực nghiệm vào tháng 05/2018 đã cho thấy trí nhớ bị ảnh hưởng như thế nào với những người tham gia chương trình nghiên cứu ghi lại trải nghiệm của họ bằng phương tiện kỹ thuật số, khi họ sử dụng và khi họ đơn giản là không sử dụng mạng xã hội. Trong các trải nghiệm, kể cả trường hợp người tham gia ghi lại trải nghiệm của họ bằng phương tiện kỹ thuật số hay người tham gia chia sẻ trải nghiệm thì khả năng ghi nhớ chi tiết của họ cũng bị giảm đi.

Các tác giả nghiên cứu kết luận: “Qua cả ba nghiên cứu, chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng cho thấy việc sử dụng mạng xã hội đã làm suy giảm trí nhớ, bất kể là trí nhớ đó được kiểm tra ngay sau khi sử dụng mạng xã hội hay hơn một tuần sau đó.”

Một nghiên cứu khác – được xuất bản vào tháng 02/2020 thay mặt cho Hiệp hội Lão khoa Hoa Kỳ đã kiểm tra mối tương quan giữa trí nhớ và thời gian sử dụng mạng xã hội ở người lớn tuổi và phát hiện ra rằng: vào những ngày mà mức sử dụng mạng xã hội “nhiều” thì những người tham gia liên tục báo cáo về việc trí nhớ của họ bị suy giảm nhiều hơn.

Mạng xã hội được thiết kế để làm bạn nghiện nó

Mạng xã hội có thể làm suy giảm khả năng ghi nhớ của chúng ta vì một số lý do như: gây mất tập trung và gây nghiện. Đó là do con người tự tạo ra điều đó.

“Ý tưởng khi phát triển các ứng dụng này – mà Facebook là ứng dụng đầu tiên trong số đó… đều xoay quanh mục đích là: ‘Làm cách nào để thu hút người dùng sử dụng càng nhiều thời gian và sự chú ý có ý thức của họ vào ứng dụng càng tốt?’ Và điều đó cũng có nghĩa là thỉnh thoảng chúng tôi cần phải cung cấp cho người dùng một chút dopamine (chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu) khi ai đó đã bấm “like” hoặc nhận xét về một bức ảnh hoặc một bài đăng hoặc bất cứ thứ gì,” Sean Parker, chủ tịch đầu tiên của Facebook cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2017 với Axios.

Parker cho biết cơ chế đó sẽ kích thích người dùng đóng góp nhiều nội dung, lượt thích và bình luận hơn.

“Đó là một vòng xoắn xác thực xã hội… chính xác là thứ mà một hacker như tôi sẽ nghĩ ra vì chúng tôi đang khai thác một lỗ hổng trong tâm lý con người. Các nhà phát minh… hiểu điều này một cách có ý thức. Và dù sao thì chúng tôi cũng đã làm được.”

Tiến sĩ Matt Johnson, nhà thần kinh học và tâm lý học nhận thức tại Đại học Princeton, chuyên gia tâm lý người tiêu dùng và là tác giả của cuốn sách “Branding That Means Business” (“Thương hiệu có nghĩa là kinh doanh”) nói với Thời báo The Epoch Times rằng những trải nghiệm như vậy có thể làm cản trở quá trình hình thành trí nhớ.

“Có một quá trình quan trọng cần xảy ra để những ký ức mới được hình thành. Chúng ta càng tập trung vào trải nghiệm mạng xã hội tốt hơn thì chúng ta sẽ càng nhớ lại nó sau này tốt hơn. Khi chúng ta có trải nghiệm và điện thoại của chúng ta ở đó thì chúng ta sẽ luôn sử dụng nó. Có rất nhiều trải nghiệm mạng xã hội có thể thu hút chúng ta khỏi những trải nghiệm khác mà chúng ta vốn đã có.”

Thật khó để ngăn bản thân với lấy điện thoại mỗi khi chiếc điện thoại sáng lên báo hiệu là có thông báo – bởi vì đây là thời điểm mà chúng ta dễ bị phân tâm và rơi vào tình trạng đa nhiệm hơn bao giờ hết – và chúng ta thật sự không giỏi việc kiềm chế cho lắm. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát thì những sinh viên đại học lướt Instagram trong khi nghe giảng sẽ nhớ lại nội dung bài giảng ít hơn đáng kể so với những sinh viên lắng nghe mà không bị phân tâm bởi mạng xã hội.

Chúng ta cũng sẽ không thật sự thoải mái khi chúng ta bị phân tán sự chú ý. Và tác động xấu đó đối với giáo dục là một việc đáng lo ngại.

“Là một giáo sư, bản thân tôi cũng thấy điều đó,” Giáo sư Johnson nói, lưu ý đến những tác động của mạng xã hội làm phân tâm đối với sự tập trung của học viên trong lớp học.

“Ngoài ra, khi bạn càng dành nhiều thời gian cho các nền tảng này thì bạn sẽ càng thấy hài lòng ngay lập tức. Đồng thời bạn cũng dễ bị mất kiên nhẫn với những trải nghiệm không làm bạn hài lòng ngay lập tức. Giáo dục là một quá trình lâu dài. Các sinh viên sẽ vì thế mà mất kiên nhẫn trong các công việc dài hạn hơn, chẳng hạn như học một môn học hoặc hoàn thành một khóa học.”

‘Hiệu ứng Google’

Một ảnh hưởng nặng nề của việc sử dụng mạng xã hội nhiều có thể ảnh hưởng đến trí nhớ là hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là “hiệu ứng Google”. Cách đây không lâu, việc tìm kiếm thông tin về một chủ đề mới – chỉ thuộc về nỗ lực của cá nhân như đi tìm thông tin trong thư viện, lật giở các sách tham khảo hoặc gọi điện thoại cho những người khác có thể hỏi thông tin.

Giờ đây, hầu như bất kỳ thông tin nhỏ nào, từ tầm thường nhất đến phức tạp cũng đều có thể được tìm thấy trong vài giây thông qua Google Search hoặc các công cụ tìm kiếm khác, không chỉ tốn ít công sức hơn mà hầu hết chúng ta cũng ít nỗ lực hơn để ghi nhớ thông tin đó. Trên thực tế, chúng ta “thuê ngoài” bộ nhớ của mình trên internet và sử dụng mạng xã hội như một trong những ngân hàng bộ nhớ trực tuyến cá nhân của chúng ta.

Trên thực tế, một nghiên cứu được công bố trên tập san Science (Khoa học) ngày 05/08/2011 đã phát hiện ra rằng “khi mọi người tìm thấy thông tin một cách dễ dàng như thế thì họ có xu hướng không ghi nhớ lại thông tin mà chỉ ghi nhớ nơi truy cập thông tin đó mà thôi.” Nói cách khác, chúng ta có nhiều khả năng nhớ trang web để tìm kiếm hơn là thông tin thực tế mà chúng ta đang tìm kiếm.

Tiến sĩ Johnson cho biết khi nói đến việc học thì nỗ lực là vấn đề rất quan trọng.

“Có một mối quan hệ thực sự chặt chẽ giữa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và khả năng ghi nhớ nhiệm vụ đó. Bạn càng tập trung cho nhận thức của mình thì bạn càng có thể ghi nhớ tốt hơn. Nếu bạn thực sự làm việc để hoàn thành được nhiệm vụ, kết hợp nhiều quá trình nhận thức khác nhau, thì bạn sẽ ghi nhớ thông tin đó rất lâu. Khi bạn dùng Google để tìm kiếm thì bạn sẽ nhận ngay được câu trả lời, nhưng về cơ bản thì bạn sẽ lại không ghi nhớ được thông tin đó và khi cần thì lại phải tra cứu lại. Chúng ta đang xuất bộ nhớ dài hạn của mình sang các thiết bị này.”

Phá vỡ các thói quen

Mạng xã hội có thể mang đến cho chúng ta những trải nghiệm thú vị và sự kết nối có ý nghĩa với mọi người, nhưng thời lượng mà chúng ta nên dành cho mạng xã hội là bao nhiêu thì lại là vấn đề chưa được thống nhất. Có một điều là thời gian mà hầu hết chúng ta dành cho mạng xã hội đang thay đổi những gì chúng ta nhớ, cách chúng ta nhớ và có thể là thậm chí cả khả năng ghi nhớ của chúng ta. Và ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng: sự gia tăng thời lượng sử dụng mạng xã hội sẽ tác động đến việc làm suy giảm trí nhớ của chúng ta.

Không thể nói chính xác bao nhiêu thời gian dành cho mạng xã hội là quá nhiều, nhưng có một số hướng dẫn đơn giản có thể giúp bạn quản lý việc sử dụng mạng xã hội – đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Nghiên cứu cho thấy rằng những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần gia tăng khi dành hơn hai giờ cho các trang mạng xã hội hàng ngày, vì vậy đó có thể là giới hạn tốt cần lưu ý.

Tiến sĩ Johnson gợi ý rằng bạn cũng nên thường xuyên suy ngẫm về những trải nghiệm gần đây trên mạng xã hội của mình và nhận thức được bất kỳ điều hối tiếc hoặc trải nghiệm tiêu cực nào liên quan đến thời điểm đó.

Đặt giới hạn rõ ràng về thời gian dành cho mạng xã hội cũng là điều cần thận trọng. Tiến sĩ Johnson gợi ý sử dụng đồng hồ bấm giờ để có âm thanh nhắc nhở khi hết giờ.

“Khi hết giờ thì nên tắt [ứng dụng] – ngay cả khi đang xem dở một video nào đó. Thiết lập một cấu trúc nghiêm ngặt về khoảng thời gian bạn cho phép mình sử dụng các ứng dụng này. Về cơ bản, chúng ta cần hạn chế sự tiếp cận của mình với mạng xã hội. Nếu chúng ta buông lỏng kỷ luật thì các ứng dụng sẽ đánh bại chúng ta mọi lúc vì đó chính là mục đích mà các nền tảng này được thiết kế.”

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Zrinka Peters
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Zrinka Peters là cây bút tự do thường viết các bài có chủ đề về sức khỏe, lối sống lành mạnh và giáo dục. Cô có bằng Cử nhân Văn học Anh của Đại học Simon Fraser và cô có nhiều bài viết được đăng trên báo giấy và trên các trang Health Digest, Parent.com, Today Catholic Teacher, và Education.com
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn