Mối quan hệ có thể được hàn gắn sau những oán giận?

Một cuộc đối thoại hợp lý có thể giúp chúng ta hàn gắn những oán giận và tìm lại sự đồng cảm.

Là một chuyên gia hàn gắn các mối quan hệ, tôi thường được hỏi “Vấn đề lớn nhất mà các cặp đôi gặp phải là gì?” Câu trả lời dễ dàng là tiền và tình dục, nhưng cả hai đều không đúng, hoặc ít nhất là không đúng với những gì tôi đã quan sát được ở văn phòng hay ngoài cuộc sống.

Vấn đề phổ biến nhất mà tôi thấy trong các mối quan hệ thân mật là, cái mà tôi gọi là, cuộc chiến tranh giành sự đồng cảm.

Ví dụ, Paula nói với Jon rằng cô ấy rất buồn và bị tổn thương bởi những điều anh ấy nói – cách anh ấy phản ứng với ý kiến ​​của cô ấy về một vấn đề gia đình. Cô ấy hỏi liệu trong tương lai, anh ấy có thể nói chuyện tử tế hơn thay vì chỉ trích như vậy chỉ vì bất đồng quan điểm hay không.

Jon phản ứng với yêu cầu của Paula bằng cách ráo riết hỏi lý do tại sao anh nên nói chuyện tử tế với cô khi chỉ mới tháng trước, cô đã cắt ngang ý kiến của anh về một vấn đề gia đình khác và cư xử thiếu tử tế với anh.

Paula phản ứng lại, giải thích lý do tại sao cô ấy cư xử như vậy vào tháng trước, và tại sao đó là phản ứng với những gì anh ấy đã làm hai tháng trước, mà theo cô là thiếu tử tế và đầy công kích. Jon sau đó nói rằng anh ta có quyền cư xử như vậy sau sau những gì mà cô đã làm ba tháng trước. Cứ vậy, họ dường như cũng không biết được sự tổn thương đã bắt đầu từ lúc nào.

Các cặp đôi luôn làm điều này. Họ tranh nhau xem ai là người xứng đáng nhận được sự thông cảm, ai là người có vấn đề, ai là người bị tổn thương và ai là người đúng.

Thông thường các cặp đôi từ chối dành cho đối phương sự đồng cảm bởi vì họ cảm thấy rằng điều đó nghĩa là thừa nhận họ là người đáng trách, và do đó đang tự mình từ bỏ cơ hội nhận được sự đồng cảm và được công nhận. Về bản chất, “sự đồng cảm dành cho bạn đồng nghĩa với việc từ bỏ sự đồng cảm dành cho tôi.”

Khi những tổn thương và oán giận bị tích tụ, bạn sẽ ngày càng khó đồng cảm với bạn đời, bởi vì bạn có quá nhiều nỗi đau không được thấu hiểu. Khi hai người có quá nhiều nỗi đau không được sẻ chia, bạn sẽ trở nên gần như không thể lắng nghe và quan tâm đến cảm xúc của người kia.

Theo thời gian, những vết thương chưa lành khiến mối quan hệ trở nên ngột ngạt, thiếu sự sẻ chia và lắng nghe, đồng thời làm biến mất lòng tốt và sự hỗ trợ – những thành phần thiết yếu của một mối quan hệ thân mật. Vì lý do này và nhiều lý do khác, sự oán giận là nguy hiểm nhất trong tất cả các cảm xúc đối với một mối quan hệ thân mật.

Chữa lành sự oán giận

Vậy bạn có thể làm gì nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ mà những tổn thương đã tích tụ thành sự oán giận và những nỗi đau? Sự đồng cảm có thể trở lại để một mối quan hệ thân mật lại nảy nở một lần nữa? Nếu quá khứ là một bãi mìn, liệu hiện tại có thể trở thành miền đất bình yên?

Nếu bạn hỏi tôi, câu trả lời của tôi là “Có thể.” Nhưng nếu bạn hỏi tôi liệu có cách nào để xây dựng sự đồng cảm trong một mối quan hệ, tôi sẽ trả lời to rằng “có”.

Cách duy nhất có thể làm là xác định vấn đề và cố gắng hết sức. Nếu bạn không cố gắng giải quyết sự oán giận, chắc chắn nó sẽ không tự biến mất. Oán giận là một căn bệnh ung thư di căn khiến cho một mối quan hệ lành mạnh không thể tồn tại.

Vậy cần làm gì?

Bước 1: Thiết lập ý định.

Đầu tiên, tôi đề nghị các cặp đôi cùng nhau xác lập ý định, mong muốn tái tạo sự đồng cảm trong mối quan hệ. Sẽ dễ dàng hơn để bắt đầu với một quyết định tự giác và rõ ràng. Có lẽ cả hai đều muốn tăng cường sự thân mật hay sự tin tưởng, hoặc đơn giản là giảm bớt sự oán giận. Ý định có thể khác nhau, nhưng điều quan trọng là cả hai đều mong muốn và thống nhất sẽ dành sự quan tâm cho vấn đề này trong mối quan hệ của cả hai.

Đôi khi bạn đời của bạn không sẵn sàng đặt ra ý định như vậy, thường là vì sự oán giận vẫn còn đó. Nếu đúng như vậy, bạn vẫn có thể tự mình đặt ra ý định, mặc dù không phải là lý tưởng, nó vẫn có thể mang lại kết quả tích cực.

Bước 2: Nhấn nút khởi động lại (reset).

Khi một ý định đã được đặt tên, tôi khuyên bạn nên thực hiện một thỏa thuận để chính thức nhấn nút khởi động lại mối quan hệ của bạn. Bạn có thể kỷ niệm ngày bắt đầu lại mối quan hệ này, ngày bạn cam kết bắt đầu lại mọi thứ mà không có những “chất độc” của quá khứ. Điều quan trọng là bạn phải đánh dấu ngày bắt đầu lại này theo một cách hữu hình nào đó để làm cho nó tồn tại một cách thiêng liêng.

Ngày khởi động lại có nghĩa chính xác là – bạn đang bắt đầu lại. Vì vậy, bây giờ khi bạn bày tỏ cảm xúc của mình với bạn đời, nó rất quan trọng đơn giản bởi vì nó tồn tại và không thể bị ảnh hưởng hay vô hiệu bởi những sự kiện trong quá khứ. Nhấn nút khởi động lại có nghĩa là bạn có một khởi đầu mới, ở đó bạn vừa “không có tội” vừa được hưởng lòng tốt và sự hỗ trợ. Bước này có thể mở ra một không gian hoàn toàn mới để các cặp đôi gặp lại và chăm sóc lẫn nhau.

Bước 3: Thử “thay phiên nhau”

Cùng với việc khởi động lại mối quan hệ, tôi khuyên bạn nên thử một cách giao tiếp mới mà tôi gọi là “thay phiên nhau”. Thay phiên nhau có nghĩa là khi một người mang lại cảm xúc khó chịu cho đối phương, đối phương sẽ lắng nghe và thấu hiểu thay vì phản bác lại. Cảm xúc của đối phương và những gì chúng ta có thể nói đã khiến cô ấy hành xử theo cách cô ấy đã làm (điều đó tạo ra sự khó chịu), sau đó sẽ còn lưu lại đến ngày hôm sau.

Ngày hôm sau, nếu cô ấy muốn, cô ấy thể hiện cảm xúc của mình về những gì đối tác của cô ấy đã làm hoặc một điều gì đó hoàn toàn khác. Và một lần nữa, cô ấy thể hiện cảm xúc của mình mà không phải chịu sự phản bác từ phía đối phương.

Mặc dù tôi đang đề xuất một cách áp đặt một phương thức giao tiếp với các vấn đề khó khăn, phương thức này khuyến khích sự lắng nghe và đồng cảm. Nó được thiết kế để giải quyết những oán giận một cách an toàn ngay khi chúng phát sinh nhằm ngăn chặn chúng kết tinh.

Vì bạn biết rằng thời gian để kể “câu chuyện của bạn” không phải đến tận ngày mai, nên bạn có nhiều khả năng lắng nghe, thực sự lắng nghe và có mặt để trải nghiệm với đối phương. Theo một cách kỳ lạ, bạn có thể thư giãn, bởi vì bạn không cần phải cố gắng thắng trong cuộc tranh cãi. Bạn cũng có thể thử lặp lại với đối phương việc bạn đang nghe họ nói và cảm nhận họ, và thực hiện việc phản chiếu này cho đến khi họ cảm thấy bạn đã “tiếp nhận” chính xác cảm xúc của họ.

Việc có thể lắng nghe đối phương một cách không “phòng vệ” có thể làm giảm khả năng cuộc trao đổi kết thúc với một sự oán giận mới. “Thay phiên nhau” và biết rằng sẽ có một nơi an toàn – nơi đảm bảo rằng cảm xúc của bạn được lắng nghe – sẽ giúp bạn giảm bớt lo lắng, tức giận và tuyệt vọng. Nó cũng sẽ cải thiện đáng kể khả năng xây dựng một mối quan hệ đồng cảm mới.

Bằng cách giao tiếp từng người một (có khoảng nghỉ để suy ngẫm ở giữa), bạn đang tạo ra một khu vườn để cho lòng tốt, sự tò mò và hỗ trợ – những khía cạnh tạo nên sự thân thiết – có cơ hội bén rễ và phát triển.

Sự oán giận rất nguy hiểm cho một mối quan hệ. Nó giết chết phần tốt nhất của sự thân mật, đó là sự đồng cảm. Phần hài lòng nhất của mối quan hệ, như tôi đã chứng kiến, là cơ hội cho và nhận sự đồng cảm, để thực sự cảm nhận được sự trao đổi của nó. Vì vậy, nếu mối quan hệ của bạn đang tràn ngập oán giận, bạn có thể thử những gợi ý này. Nó chắc chắn không làm bạn tổn thương và có thể thực sự hữu ích. Ngay cả quá trình cố gắng thực hiện điều này cũng sẽ chứa đựng những điều đẹp đẽ của riêng nó.

Ngân Giang dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Nancy Colier
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Nancy Colier là nhà trị liệu tâm lý, công sứ của những người có tín ngưỡng khác nhau, diễn giả cộng đồng, nhà dẫn dắt hội thảo, và tác giả của cuốn sách “Can’t Stop Thinking: How to Let Go of Anxiety and Free Yourself from Obsessive Rumination” (Tạm dịch: Không thể ngừng Suy tư: Làm thế nào để buông bỏ lo lắng và Giải thoát bản thân khỏi tin đồn ám ảnh) và cuốn “The Power of Off: The Mindful Way to Stay Sane in a Virtual World.” (Tạm dịch: Sức mạnh của sự buông bỏ: Cách tỉnh táo để giữ vững lý trí trong một thế giới ảo.) Để biết thêm thông tin, xin mời truy cập trang NancyColier.com
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn