Nguy cơ nhiễm độc vitamin D có bị cường điệu hóa?

Tình trạng thiếu hụt vitamin D có thể mang đến nhiều rủi ro dù đang được bù đắp bằng các chất bổ sung

Vitamin D là một chất bổ sung phổ biến nhưng lại gây ra nhiều tranh cãi vì nỗi lo lắng về tình trạng nhiễm độc khi dùng quá liều.

Một vài mối lo ngại là có cơ sở: Vitamin D hòa tan trong chất béo, có nghĩa là so với các vitamin tan trong nước, chẳng hạn như vitamin B và vitamin C, thì vitamin D có khả năng lưu lại trong cơ thể lâu hơn và có nguy cơ gây nhiễm độc cao hơn.

Mặt khác, các nhà nghiên cứu mô tả tình trạng thiếu hụt vitamin D giống như một bệnh dịch, và nhận thức của cộng đồng với vấn đề này cũng dần gia tăng khi ngày càng nhiều người dùng đến thực phẩm bổ sung. Vitamin D cũng trở thành một loại vitamin có vị thế quan trọng trong đại dịch COVID-19. Do đó, so với các vitamin tan trong chất béo khác, chẳng hạn như vitamin A, K và vitamin E, vitamin D sẽ phải chịu mức độ kiểm tra kỹ lưỡng hơn.

Tuy nhiên, một số người cho rằng nỗi sợ hãi về việc quá liều vitamin D phần lớn là không chính đáng. Các chuyên gia lập luận rằng độc tính của vitamin D đang bị cường điệu hóa, với phần lớn nỗi sợ hiện nay bắt nguồn từ các báo cáo trong lịch sử và những thông tin lỗi thời.

Các trường hợp trong quá khứ làm dấy lên nỗi lo sợ ở hiện tại

Phần lớn nỗi sợ hãi về độc tính của vitamin D thời nay xuất phát từ một nghiên cứu lâm sàng kéo dài hàng thập niên, bác sĩ nội tiết, tiến sĩ Michael Holick lập luận trong bài bình luận trên Kỷ yếu Bệnh viện Mayo (Mayo Clinic Proceedings) với tiêu đề “Vitamin D không độc hại như người ta từng nghĩ: Một khía cạnh trong lịch sử và hiện tại.”

Trước khi vitamin D được phát hiện vào cuối những năm 1920, bệnh còi xương, một căn bệnh khiến trẻ em bị chân vòng kiềng, là một vấn đề phổ biến ở Âu Châu và Bờ biển Đông Hoa Kỳ.

Việc bổ sung vitamin D bắt đầu được thực hiện vào những năm 1930, khi mọi người nhận ra rằng vitamin D có thể ngăn ngừa bệnh còi xương. Điều này đã đạt được thành công lớn; trẻ em uống sữa tăng vitamin D không còn bị còi xương nữa, khiến cho việc bổ sung vitamin D trở nên phổ biến ở các nước Tây phương.

Các báo cáo đầu tiên về độc tính của vitamin D được đưa ra vào những năm 1940. Vì vitamin D cũng điều hòa hệ miễn dịch và giảm viêm, nên thường được dùng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh lao, với liều lượng lớn từ 100,000 đến 600,000 đơn vị quốc tế (IU) mỗi ngày.

Thật khó để biết được liều lượng này đã được đưa ra như thế nào. Trong khi một số người báo cáo sự cải thiện kỳ ​​diệu, thì cũng có những báo cáo đáng sợ về mức độ tăng calci máu do độc tính của vitamin D. Một số người bị sỏi thận hoặc thậm chí tử vong do biến chứng nhiễm độc.

Các bác sĩ sau đó được cảnh báo về độc tính của vitamin D và các liệu pháp điều trị bị ngừng lại. Phải mất một vài năm sau, các biểu hiện của tình trạng ngộ độc mới được giải quyết.

Sau đó, vào đầu những năm 1950, một số trẻ sơ sinh được sinh ra với những bất thường trên khuôn mặt, dị tật tim, chậm phát triển trí tuệ và tăng calci máu. Hai cuộc điều tra đã kết luận rằng nguyên nhân có thể là do hấp thụ quá nhiều vitamin D thông qua thực phẩm tăng vi chất, bao gồm cả sữa.

Kết luận này dựa trên tài liệu báo cáo ở loài gặm nhấm đang mang thai, khi nhận được liều vitamin D gây ngộ độc, chúng đã sinh ra những con chuột con có biểu hiện bất thường tương tự.

Sau đó, việc bổ sung vitamin D cho bất kỳ loại thực phẩm hoặc sản phẩm nào đều bị cấm ở Vương quốc Anh. Mối lo ngại về độc tính ở trẻ em đã khiến gần như toàn thế giới—ngoại trừ Hoa Kỳ, Canada, Úc và một số nước Âu Châu— cấm bổ sung vitamin D.

Tuy nhiên, khi nhìn lại, ông Holick suy đoán rằng có khả năng những đứa trẻ này mắc phải các vấn đề về di truyền khiến chúng phản ứng với vitamin D, bao gồm hội chứng Williams và các tình trạng khác làm suy yếu quá trình phân hủy vitamin D.

Tuy nhiên, quan điểm cho rằng vitamin D là một trong những loại vitamin độc hại nhất tan trong chất béo “đã ăn sâu vào tâm trí của các cơ quan quản lý sức khỏe và cộng đồng y tế,” ông Holick viết.

Ảnh chụp X-quang chân vòng kiềng, biểu hiện của bệnh còi xương. (Shutterstock)
Ảnh chụp X-quang chân vòng kiềng, biểu hiện của bệnh còi xương. (Shutterstock)

Mức độ độc tính và khả năng dung nạp của vitamin D có thể cao hơn

Bác sĩ phẫu thuật – nội khoa Joseph Bosiljevac là người đã hành nghề được hơn 20 năm. Ông quan sát thấy hầu hết các hướng dẫn về khuyến nghị vitamin D không thay đổi trong nhiều thập niên qua.

Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy quan niệm về độc tính của vitamin này không hề thay đổi.

Từ những năm 1980 đến 2011, mức khuyến nghị chung về lượng vitamin D hàng ngày là 400 IU.

Năm 2011, Viện Y học (IOM) đã tăng mức khuyến nghị lên thành 600 IU cho mọi người trong độ tuổi từ 1 đến 70 tuổi. Khuyến nghị này vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay và được đưa ra với giả định rằng mọi người sẽ hấp thu hầu hết vitamin D thông qua việc phơi nắng.

Nhiều nhà cung cấp dịch vụ y tế cũng như các học giả cho rằng khuyến nghị về lượng vitamin D hàng ngày của IOM là quá thấp.

Theo IOM, một người được coi là đáp ứng đầy đủ lượng vitamin D khi nồng độ trong huyết thanh đạt 20 ng/ml. Khoảng 100 IU vitamin D sẽ làm tăng nồng độ trong huyết thanh thêm 1ng/ml. Một liều 600 IU vitamin D trong khẩu phần ăn uống sẽ chuyển thành 6 ng/ml.

Tuy nhiên, thời gian đã thay đổi rất nhiều, theo ông William Grant, người có bằng tiến sĩ vật lý và đã xuất bản hơn 200 bài báo về vitamin D, cũng là giám đốc của Trung tâm nghiên cứu Ánh sáng mặt trời, Dinh dưỡng và Sức khỏe. Ông lập luận rằng hầu hết mọi người không dành đủ thời gian dưới ánh mặt trời để có đủ vitamin D.

Bề mặt da của người da trắng có thể sản xuất khoảng 1,000 IU vitamin D sau 10 đến 15 phút phơi nắng. Điều này chỉ xảy ra trong thường hợp ánh sáng mặt trời trải rộng trên da; mặt khác, thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn ở những người có màu da sẫm hơn.

Mọi người cũng thường thoa kem chống nắng và dành nhiều thời gian ở trong nhà —đặc biệt kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020. Những yếu tố này làm giảm đáng kể quá trình sản xuất vitamin D ở da. Việc đạt được mức độ vitamin D đầy đủ chỉ bằng khẩu phần ăn uống là khá khó khăn.

Ông Grant cũng lập luận rằng hầu hết mọi người có thể dung nạp được lượng vitamin D cao hơn đáng kể so với hướng dẫn đề xuất.

Hướng dẫn cho rằng 50 ng/ml là giới hạn trên của nồng độ vitamin D trong huyết thanh. Tuy nhiên, theo một đánh giá trên tập san Frontiers in Endocrinology năm 2018, các triệu chứng nhiễm độc bắt đầu xuất hiện khi nồng độ vitamin D trong huyết thanh đạt 150 ng/ml trở lên, tương đương với 15,000 IU vitamin D mỗi ngày.

Con số này cao hơn bảy lần so với mức khuyến nghị chính thức về nồng độ vitamin D trong huyết thanh.

Ông Grant cũng chỉ ra trong một báo cáo năm 2011 về hai trường hợp bệnh nhân bị tăng calci máu sau khi uống hơn 900,000 IU vitamin D3 mỗi ngày.

Bệnh nhân đầu tiên là trường hợp cực đoan nhất. Do sai sót trong quá trình sản xuất và ghi nhãn, anh đã uống hơn 1.8 triệu IU vitamin D3 mỗi ngày trong hai tháng và phát triển chứng tăng calci máu, với nồng độ vitamin D trong huyết thanh là 1,220 ng/ml.

Thật bất ngờ, hai bệnh nhân không có triệu chứng và không còn tăng calci máu sau khi nồng độ vitamin D trong huyết thanh giảm xuống dưới 400 ng/ml, gấp 20 lần mức khuyến nghị của Viện Y tế Quốc gia.

Cả hai bệnh nhân đều hồi phục mà không có bất kỳ biến chứng nào.

Các báo cáo về tình trạng ngộ độc vitamin D đang ngày càng gia tăng

Độc tính của vitamin D là một vấn đề không thể bỏ qua.

Với hơn 41% dân số Hoa Kỳ bị thiếu vitamin D, việc điều trị đã trở nên phổ biến trong những năm qua và các báo cáo về độc tính cũng tăng lên.

Một nghiên cứu trên những người nhiễm độc vitamin D được báo cáo cho trung tâm chống độc của Hoa Kỳ từ năm 2000 đến 2014 đã quan sát thấy mức tăng 1,600% trong các báo cáo từ năm 2005 đến 2011.

Nghiên cứu cũng cho thấy mặc dù các báo cáo đã tăng lên trong những năm qua, nhưng sự gia tăng về hậu quả nghiêm trọng không có ý nghĩa thống kê.

Các tài liệu báo cáo về độc tính của vitamin D cũng đã tăng lên kể từ năm 2010.

Một bài báo đánh giá năm 2018 cho biết độc tính của vitamin D thường là do sai sót trong đơn thuốc, vô tình uống phải số lượng lớn dẫn đến ngộ độc do dán nhãn sai sản phẩm và việc dùng các sản phẩm bổ sung liều cao ngày càng tăng.

Tăng calci máu: Mối quan tâm chính trong vấn đề ngộ độc vitamin D

Vitamin D làm tăng khả năng hấp thụ calci ở ruột qua khẩu phần ăn uống; do vậy, hậu quả chính của ngộ độc vitamin D là nồng độ calci máu cao bất thường, còn được gọi là tăng calci máu.

Theo đánh giá của tập san Frontiers in Endocrinology, các triệu chứng thường gặp của tăng calci máu bao gồm lú lẫn, thờ ơ, nôn mửa tái phát, đau bụng, đi tiểu nhiều và khát nước, cũng như đau cơ và xương.

Trong trường hợp nghiêm trọng, tăng calci máu có thể dẫn đến sỏi thận và vôi hóa mô mềm, và thậm chí các ca tử vong cũng được báo cáo ở những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, tăng calci máu rất hiếm khi xảy ra và các biến chứng lâm sàng của tăng calci máu thậm chí còn hiếm hơn.

Bác sĩ nội khoa có chứng nhận, cô Ana Mihalcea, thường dùng thuốc chích vitamin D trong quá trình điều trị tại phòng khám của mình, cho biết rằng cô chưa thấy bệnh nhân nào bị nhiễm độc do chích vitamin D.

Bác sĩ Patrick McCullough, một bác sĩ nội khoa có chứng nhận đã từng xuất bản một số bài báo về việc dùng vitamin D trong điều trị — đặc biệt là vitamin D liều cao — trả lời với The Epoch Times rằng hầu hết các trường hợp tăng calci máu mà ông quan sát được đều hồi phục dễ dàng.

Do cơ thể có mức dung nạp lớn với vitamin D, ông McCullough lập luận rằng việc thiếu vitamin D còn gây ra những nguy cơ cao hơn so với độc tính của chúng.

3 yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm độc vitamin D

1. Lỗi ghi nhãn và lỗi kê đơn

Việc các nhà sản xuất ghi nhãn sai và sai sót trong kê đơn là những nguyên nhân đằng sau sự cố nhiễm độc vitamin D thời nay.

Các chất bổ sung không phải tuân theo quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ về tính an toàn, tính hiệu quả hoặc cách ghi nhãn. Một số có liều không khớp với liều ghi trên nhãn, thường kèm với chỉ dẫn về cách ăn uống thiếu hoặc có khả năng gây độc.

Trong ca báo cáo của ông Holick, bệnh nhân đã tiêu thụ vitamin D3 “gấp hơn 1,000 lần so với liều mà nhà sản xuất ghi nhãn,” tác giả viết.

Những sai lầm trong đơn thuốc về thời gian giữa mỗi lần uống, cũng như liều lượng mỗi lần uống, cũng dẫn đến ngộ độc vitamin D; do đó, điều quan trọng là luôn xác minh liều lượng với dược sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi dùng thực phẩm bổ sung.

2. Tương tác thuốc

Một số loại thuốc hoặc chất bổ sung có thể tương tác với vitamin D, gây ra độc tính và dẫn đến tăng calci máu.

Uống calci hoặc sữa với vitamin D có thể làm tăng nồng độ calci máu.

Một số loại thuốc lợi tiểu có thể làm giảm thể tích dịch trong cơ thể, gây cô đặc calci. Uống lithium cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc vitamin D.

Một hộp viên nang vitamin D. (Mark Lennihan/Ảnh AP)
Một hộp viên nang vitamin D. (Mark Lennihan/Ảnh AP)

3. Yếu tố di truyền

Di truyền cũng có thể là yếu tố khiến một số người có nguy cơ nhiễm độc vitamin D cao hơn.

Một số bệnh di truyền như hội chứng Williams và chứng tăng calci máu do hạ calci niệu có tính chất gia đình gây ra mức calci cao hơn, do đó làm tăng tính nhạy cảm với độc tính.

Bệnh u hạt và thiếu hụt 24-hydroxylase cũng dẫn đến nồng độ vitamin D tăng cao, từ đó làm tăng nồng độ calci.

Cách giảm độc tính vitamin D

Cách đơn giản nhất để giảm nguy cơ tăng calci máu là uống nước và bổ sung các chất như vitamin K2 và magnesium.

Uống sáu đến tám ly nước mỗi ngày sẽ giúp làm loãng nồng độ calci và giảm nguy cơ tăng calci máu.

Dùng đồng thời vitamin K2 và magnesium với vitamin D có thể làm giảm nồng độ calci máu bằng cách khiến calci đi thẳng vào xương.

Một điều quan trọng không kém là mọi người cần bổ sung vitamin với liều phù hợp với mình.

Một số bệnh nhân của cô Mihalcea có mức vitamin D cơ bản là 30 ng/ml nhưng vẫn có triệu chứng thiếu hụt vitamin, như cảm giác mệt mỏi, gặp các vấn đề về giấc ngủ và khả năng tập trung.

Một số triệu chứng của họ giảm bớt khi nồng độ vitamin D trong huyết thanh lớn hơn hoặc bằng 70 ng/ml, điều này cho thấy mức vitamin D trước đó có thể chưa phải là tối ưu.

Cô lưu ý rằng một điều rất quan trọng là phải tìm hiểu “tỷ lệ hấp thụ khác nhau ở mỗi người.”

Trong khi một số người bị tăng đáng kể nồng độ vitamin D sau khi bổ sung, thì ở những người khác, sự gia tăng này là rất nhỏ.

Cô Mihalcea cho biết những bệnh nhân béo phì và có vấn đề về đường ruột thường có xu hướng hấp thụ vitamin D kém hơn, và họ có thể cần cung cấp 25,000 IU mỗi ngày để đạt được mức 50 ng/ml.

Cô nói: “Có một sự khác biệt lớn giữa các cá thể và tôi luôn lo ngại khi mọi người thường cho rằng họ đều cần số lượng như nhau — không, thực tế là không phải vậy.”

Tân Dân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Marina Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Marina Zhang là một cây viết về sức khỏe của The Epoch Times, cư trú tại New York. Tốt nghiệp cử nhân y sinh học tại Đại học Melbourne, cô chuyên đưa tin về các câu chuyện về COVID-19 và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Quý vị có thể liên lạc với cô qua [email protected].
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn