Những quan niệm sai lầm thường gặp trong tập luyện

Ai cũng biết tập luyện rất tốt cho sức khỏe nhưng guồng quay của cuộc sống hiện đại cùng với những quan niệm sai lầm khiến chúng ta trì hoãn việc tập luyện…

Dưới đây là một số những quan niệm sai lầm phổ biến và sau đó là câu trả lời từ những nghiên cứu.

“Tôi khỏe rồi nên không cần tập luyện nữa”

Thật không may, lợi ích đến từ việc tập luyện sẽ không kéo dài lâu nếu bạn không kiên trì. Bỏ dở việc tập luyện hoặc buông lơi sẽ làm phai đi những nỗ lực bạn đã đạt được như sức bền, sức khỏe tim mạch.

“Tập luyện cần lâu hơn 10 phút, nếu không chỉ lãng phí thời gian”

Để đạt được lợi ích sức khỏe, không có ngưỡng thời gian vận động tối thiểu nào cả. Bạn có thể tập luyện ngay trong các sinh hoạt thường ngày, ví dụ khuân vác đồ nặng, đi bộ lên xuống cầu thang, làm việc nhà  hay làm vườn…

Những quan niệm sai lầm thường gặp trong tập luyện
Lợi ích đến từ việc tập luyện sẽ không kéo dài lâu nếu bạn không giữ vững…. (Pixabay)
“Tôi có bệnh mạn tính và không nên tập luyện”

Đây cũng là một quan niệm sai lầm tai hại. Vận động kỳ thực rất cần thiết đối với những người mắc bệnh mạn tính, từ bệnh tim mạch, ung thư cho đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tất nhiên là bạn nên vận động trong điều kiện cho phép, với thời lượng trung bình khoảng 150 phút mỗi tuần. Tuy nhiên người mắc bệnh phức tạp cũng nên tham vấn bác sĩ điều trị trước khi bắt đầu chương trình tập luyện mới.

“Tôi quá già, không thể tập luyện”

Các bằng chứng khoa học cho thấy bản thân tuổi tác không phải là vấn đề lớn lao trong tập luyện, ngay cả ở độ tuổi trên ̣90. Ở độ tuổi đó, sức khỏe và khối cơ cũng vẫn có thể tăng trưởng nếu tập luyện đều đặn. Hãy chọn loại vận động phù hợp với lứa tuổi của bạn. Các bài Thái Cực Quyền, khí công nhẹ nhàng có thể hữu ích cho bất kỳ ai không kể tuổi tác.

“Tập thể dục giúp giảm cân”

Điều này không đúng tuyệt đối. Sự kết hợp chế độ ăn ít calo và tập luyện sẽ giúp bạn dễ thành công hơn. Có một nguyên lý chúng ta cần ghi nhớ: không thể “qua mặt” chế độ ăn kém lành mạnh! Nếu muốn giảm hơn 5% trọ̣ng lượng cơ thể, bạn sẽ cần hơn 300 phút tập luyện cường độ trung bình hàng tuần để đạt mục tiêu này. Nên đưa vào chương trình các bài tập “đối kháng” như sử dụng tạ nhẹ, kéo dây thung, v.v… để xây dựng khối cơ.

“Tôi chỉ chạy một lần mỗi tuần, nhưng chừng đó là chưa đủ”

Đừng vội nản chí. Ngay cả khi bạn chỉ chạy một lần trong tuần cũng đều không uống phí. 50 phút chạy bộ mỗi tuần với tốc độ chậm hơn 10 km/giờ đã làm giảm nguy cơ tử vong sớm rồi. Tuy nhiên, chạy bộ với cường độ cao hơn chưa chắc có thể giảm nguy cơ tử vong.

“Tôi mang thai nên cần tập luyện nhẹ nhàng”

Trên thực tế các hoạt động thể chất cường độ trung bình là an toàn đối với những phụ nữ mang thai khỏe mạnh nói chung, và không có nguy cơ gì đối với thai nhi. Ngoài ra vận động thể chất còn làm giảm nguy cơ thừa cân và tỉểu đường thai kỳ. Để cẩn thận hơn, bạn có thể tham vấn ý kiến bác sĩ cho trường hợp riêng của mình.

“Tôi cảm thấy không khỏe, tôi không nên tập luyện”

Nếu bạn bị sốt, bệnh cấp tính, hoặc rất đau hay hoàn toàn kiệt sức, thì suy nghĩ trên là đúng. Nhưng thông thường, một chút vận động thể chất vẫn là an toàn và có ích, hơn là chỉ nằm một chỗ để dưỡng sức. Dù vậy bạn cũng đừng quên lắng nghe cơ thể và giảm lượng vận động nếu thấy cần thiết.

“Đứng cả ngày không giống như tập thể dục”

Đứng hay đi lại quanh quanh cả ngày cũng tương đương với bạn đang vận động thể chất cao độ. Đây cũng là một dạng vận động nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, để tối ưu hóa hơn nữa thì bạn cần đổ một chút mồ hôi, bằng cách tăng cường độ tập luyện lên ít nhất 150 phút mỗi tuần ở bất cứ nơi nào có thể.

Đại Hải

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn