Tắt báo thức để ngủ tiếp? Khoa học nói gì về thói quen thức dậy buổi sáng của bạn

Thời lượng ngủ quyết định tác động của giấc ngủ ngắn.

Trong những khoảnh khắc khó phân biệt giữa mơ và thực [khi còn ngái ngủ], gần 60% chúng ta không thể chống lại cám dỗ của việc ấn nút tạm dừng báo thức [để tiếp tục ngủ thêm một lúc]. Tuy nhiên, thói quen này có thực sự giúp cơ thể nghỉ ngơi nhiều hơn như chúng ta muốn hay sẽ khiến chúng ta buồn ngủ hơn?

Những khoảnh khắc ngủ thêm có thể đem lại lợi ích cho một số người, nhưng phụ thuộc vào lý do và thời lượng ngủ thêm.

Tóm tắt: Thói quen tạm dừng báo thức có một chút nhược điểm

Nghiên cứu trên 1,700 người cho thấy gần 70% thỉnh thoảng sử dụng chức năng tạm dừng hoặc báo thức nhiều lần, và ngủ thêm trung bình 22 phút ngủ so với [thời gian] báo thức đặt trước của họ. Những người không thể thức dậy ngay này có xu hướng trẻ tuổi và thường thức khuya hơn. Họ cũng cho biết buồn ngủ nhiều hơn vào buổi sáng và thời gian ngủ ngắn hơn so với những người không ngủ lại.

Về ảnh hưởng đến chức năng nhận thức, việc tiếp tục ngủ thêm 30 phút không cho thấy tác dụng hoặc [bất kỳ] cải thiện nào so với khi bất ngờ bị đánh thức và làm bài kiểm tra. Việc tiếp tục ngủ thêm cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến mức hormone căng thẳng, buồn ngủ buổi sáng, tâm trạng hoặc cấu trúc giấc ngủ qua đêm.

Tiến sĩ Thomas Kilkenny, giám đốc Viện Y Học Giấc Ngủ tại Bệnh Viện Đại Học Northwell Staten Island ở New York, người không tham gia vào nghiên cứu, nói với The Epoch Times rằng, “Nghiên cứu này cho thấy những người tạm dừng báo thức [để ngủ thêm] không nhất định cảm thấy tốt hơn hoặc có tâm trạng tốt hơn. Tuy nhiên, họ có thể bắt đầu một ngày mới nhanh hơn.”

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc ngủ thêm không có vấn đề gì miễn là đừng ngủ quá nhiều.

Đồng tác giả Tina Sundelin, tiến sĩ tâm lý học và là nhà nghiên cứu cao cấp tại Stockholm, nơi diễn ra nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí, “Các phát hiện này cho thấy không có lý do gì để không ngủ thêm vào buổi sáng nếu bạn thích, ít nhất là trong khoảng 30 phút. Trên thực tế, thói quen này còn có thể giúp những người dễ buồn ngủ vào buổi sáng tỉnh táo hơn một chút khi thức dậy.”

Tại sao bạn lại nhấn nút tạm dừng báo thức

Có nhiều lý do khiến bạn khó thức dậy đúng thời gian đã định, như thức khuya hoặc thức gần trọn đêm vì con nhỏ bị ốm. Tình trạng thiếu ngủ khiến chúng ta nhấn nút tạm dừng để trì hoãn việc thức dậy.

Giấc ngủ kém có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm cao huyết áp, trí nhớ kém, và tăng cân. Tuy nhiên, thói quen ngủ thêm của một số người báo hiệu tình trạng thiếu ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ.

Tiến sĩ Kilkenny cho biết việc ngủ thêm có phải là dấu hiệu của vấn đề [sức khỏe] hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân. Những người thiếu ngủ cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy vì chất lượng giấc ngủ kém.

Tiến sĩ Kilkenny nói thêm, “Các rối loạn như mất ngủ, ngưng thở khi ngủ, rối loạn vận động chân tay theo chu kỳ hoặc thậm chí chứng ngủ rũ là những tình trạng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.” Ông lưu ý rằng những người thấy khó thức dậy nên được đánh giá về các rối loạn như vậy.

Tuy nhiên, việc ngủ thêm không phải lúc nào cũng cho thấy vấn đề. Một số người cảm thấy không ổn dù đã ngủ đủ giấc. Chỉ là họ có cảm giác cần phải tiếp tục ngủ.

Tiến sĩ Kilkenny nói, “Đây gọi là quán tính giấc ngủ. Đặc biệt, những người trẻ tuổi có thể cảm thấy uể oải khi mới ngủ dậy.”

Những người này nhấn nút tạm dừng báo thức để có thêm thời gian thức dậy. Các nghiên cứu cho thấy họ không hẳn sẽ tỉnh táo hơn hoặc thậm chí hạnh phúc hơn, nhưng có thể bắt đầu ngày mới với trí óc minh mẫn hơn sau một giấc ngủ ngắn.”

Lạm dụng nút tạm dừng báo thức gây hại cho sức khỏe

Một nghiên cứu khác cho thấy việc lạm dụng nút tạm dừng có thể dẫn đến tác dụng ngược lại.

Việc sử dụng chức năng báo thức nhiều lần khi đang trong giấc ngủ REM (giấc ngủ sâu) có thể khiến tác động của quán tính giấc ngủ trở nên mạnh hơn. Bằng cách liên tục tạm dừng báo thức, bạn sẽ tăng khả năng bị đánh thức trong giai đoạn ngủ sâu, khiến bạn cảm thấy còn uể oải hơn bình thường.

Tiến sĩ Kilkenny cho biết, “Có vẻ như một số người, dù ngủ bao nhiêu, vẫn cảm thấy uể oải khi thức dậy. Điều này phổ biến hơn ở những người tự xem mình là “cú đêm,” với khuynh hướng muốn thức khuya và ngủ nướng.”

Thiếu ngủ kinh niên đã trở thành một vấn đề trầm trọng ở Hoa Kỳ, trong đó ước tính khoảng 50 đến 70 triệu người Mỹ bị rối loạn giấc ngủ và thiếu tỉnh táo, ảnh hưởng xấu đến hoạt động hàng ngày và gây hại cho sức khỏe.

Tiến sĩ Kilkenny cho biết, “Khi chúng ta đang cố gắng thực hiện thói quen làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều và dành thời gian còn lại cho cuộc sống gia đình và xã hội, chúng ta quên dành đủ thời gian cho nhu cầu ngủ hàng ngày.” Ông nói thêm, đặc biệt là thanh niên [thường] hy sinh giấc ngủ cho đời sống xã hội, khiến vấn đề này trở nên trầm trọng hơn.

Giải quyết tình trạng thiếu ngủ

Theo Bệnh viện Houston Methodist, những việc giúp giảm phụ thuộc vào nút tạm dừng báo thức bao gồm:

  • Bảo đảm giấc ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm.
  • Tránh uống rượu và xem màn hình trước khi đi ngủ.
  • Tránh uống nhiều nước ngay trước khi đi ngủ.
  • Tập thể dục thường xuyên.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn