Ưu nhược điểm của trái đào, 4 nhóm người nên chú ý khi ăn 

Mùa hè là mùa của trái đào. Những trái đào thơm, ngọt và mọng nước là sở thích của rất nhiều người. Đào có nhiều chất dinh dưỡng, nhưng có một số người cần lưu ý khi ăn.

Đào rất giàu chất dinh dưỡng, có thể ngăn ngừa ung thư, giảm cholesterol và giảm táo bón

Đào chủ yếu được chia thành hai loại là đào mật và đào ngọt. Hai loại này hơi khác nhau:

  • Đào mật: Trái to hơn, vỏ nhiều lông, cùi mềm, nhiều nước, giá khá đắt.
  • Đào ngọt: Trái nhỏ hơn, vỏ ít lông, cùi cứng, vị giòn, giá thành khá rẻ.

Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng của cả hai loại không khác nhau nhiều. Chuyên gia dinh dưỡng Trương Nghi Đình (Zhang Yiting) của Cofit (nền tảng trực tuyến chuyên về dinh dưỡng lớn nhất ở Đài Loan) chỉ ra rằng đào rất giàu polyphenol. Đây là chất dinh dưỡng chống oxy hóa rất tốt, có thể loại bỏ các gốc tự do, giảm tác hại của các gốc tự do đối với các tế bào trong cơ thể, tăng cường khả năng miễn dịch và giúp ngăn ngừa ung thư. Polyphenol có nhiều nhất trong cùi và da của trái đào chín.

Vitamin C trong trái đào có thể thúc đẩy quá trình tổng hợp collagen, có tác dụng làm đẹp da, đồng thời có thể tạo ra môi trường dễ hấp thu sắt hơn cho đường tiêu hóa; Beta-carotene và vitamin E có thể bảo vệ mắt; kali có thể giúp loại bỏ các ion natri dư thừa trong cơ thể, ổn định huyết áp và cải thiện chứng phù nề.

Ngoài những lợi ích trên, đào còn rất giàu pectin và chất xơ, không chỉ giúp giảm táo bón mà còn có thể kết hợp với acid mật trong ruột và bài tiết ra ngoài theo phân, gián tiếp làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu và bảo vệ hệ tim mạch.

Đào có độ ngọt cao, dễ gây dị ứng, 4 nhóm người khi ăn nên chú ý

Cùi trái đào mịn, dễ tiêu, phù hợp với tất cả mọi người. Tuy nhiên, so với đào ngọt thì đào mật ngọt hơn và kích thước to hơn, một trái là đã vượt qua kích thước của một khẩu phần trái cây, ngoài ra chúng còn có lông tơ nên có thể gây dị ứng. Vì vậy, có 4 nhóm người cần chú ý khi ăn:

  1. Bệnh nhân có đường huyết cao hoặc tiểu đường: Những bệnh nhân này cần kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể, do đó cần chú ý khi ăn đào.
  2. Người giảm cân: Những người muốn kiểm soát cân nặng cũng nên tránh ăn quá nhiều đào.
  3. Bệnh nhân bị bệnh thận: Cần hạn chế ăn các chất tạo ion kali, không nên ăn quá nhiều đào.
  4. Những người bị dị ứng với lông trên trái đào: Một số người bị dị ứng với lông trên trái đào, xuất hiện các triệu chứng như khó thở, ngứa cổ họng hoặc lưỡi. Nếu muốn ăn đào, có một số mẹo sau đây:
  • Loại bỏ lông trước khi ăn: Chà xát vỏ đào với muối để loại bỏ lông, sau khi rửa sạch thì ăn cả vỏ.
  • Gọt vỏ đào trước khi ăn: Cách này an toàn hơn, nhưng bạn không thể hấp thụ chất dinh dưỡng có trong vỏ.
  • Chuyển sang ăn đào ngọt: Vì lông của trái đào ngọt rất nhỏ nên có thể không gây dị ứng hoặc các triệu chứng dị ứng sẽ tương đối nhẹ, nhưng nếu cảm thấy khó chịu, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
trái đào
Nếu dị ứng với lông của đào, bạn có thể gọt vỏ trước khi ăn. (Ảnh: Shutterstock)

Ngoài ra, theo Trung Y, mặc dù đào có thể dưỡng âm sinh tân, nhuận tràng, nhưng ông Ngô Kiến Đông (Wu Jiandong), Giám đốc Phòng khám Trung Y Vịnh Sinh (Đài Loan) nhắc nhở rằng: Đối với những người đang bị hôi miệng, táo bón và các triệu chứng khác của hỏa khí, thì vẫn không thể ăn quá nhiều, vì lượng đường cao sẽ khiến hỏa khí càng tăng lên.

Làm thế nào để chọn và bảo quản đào?

Có nhiều điểm cần chú ý để chọn được đào ngon, ngọt và bảo quản đào được tốt.

Đào mật

  1. Xem lông và hình dáng: Lông đào sẽ rụng khi va chạm và tiếp xúc trong quá trình vận chuyển, do đó, càng nhiều lông thì chứng tỏ trái đào càng tươi.

Ngoài ra, trái đào mật có một rãnh lõm từ cuống đến ngọn đào, gọi là đường chỉ khâu. Theo Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, đường chỉ khâu càng nông và càng mờ thì cho thấy trái đào càng chín. Nếu phần hai bên trái – phải của đường chỉ khâu càng đối xứng và đều nhau, thì nghĩa là trái đào phát triển hoàn chỉnh, mùi vị cũng thơm ngon hơn.

  1. Ngửi mùi thơm: Mùi thơm của đào sẽ tăng dần theo độ chín, mùi thơm càng đậm thì có thể đào càng ngọt.
  1. Cân nặng: So với đào cùng kích cỡ, trái nào càng căng mọng và nặng thì càng nhiều nước.

Sau khi mua đào về nhà, bạn có thể đặt ở nơi thoáng mát trước để cho đào chín tự nhiên trong khoảng 2 ngày. Nếu chưa thưởng thức, bạn nên gói vào túi ni lông rồi bọc lại bằng giấy báo hoặc cho trực tiếp vào hộp bảo quản tươi, rồi để vào ngăn mát tủ lạnh. Làm như thế sẽ có thể kéo dài thời gian sử dụng thêm khoảng một tuần.

trái đào
Khi chọn đào, hãy chú ý đến hình dáng bên ngoài, mùi thơm và trọng lượng. (Ảnh: Shutterstock)

Đào ngọt

  1. Nắn một chút: Đào ngọt khi tươi sẽ hơi săn chắc và có độ đàn hồi. Nhưng nếu cảm thấy quá cứng thì nghĩa là đào chưa chín hẳn, nếu quá mềm thì tức là đào quá chín.
  1. Ngửi mùi thơm: Đào ngọt khi chín, ngửi lên sẽ thấy có vị ngọt của đào.

Sau khi mua đào ngọt hãy cho vào túi ni lông và trực tiếp để vào tủ lạnh, có thể giữ được khoảng 5 ngày. Nếu là đào ngọt chưa chín thì nên để nơi thoáng mát ở nhiệt độ phòng, chờ đào chín hẳn.

Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn