Cà tím là vị thuốc hay, chớ nên coi thường!

Trái cà tím là một trong số ít các loại rau quả màu tím giàu chất dinh dưỡng mà nhiều loại rau quả khác không có. Ngoài ra, cà tím còn có tác dụng chống lão hóa, ngăn ngừa ung thư, trừ ban, tiêu sưng giảm đau, hạ huyết áp, thanh nhiệt giải độc và nhiều tác dụng khác trị liệu khác, giúp ích rất lớn đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, phải dùng cà tím như thế nào cho đúng mới có thể phát huy tác dụng chữa bệnh của nó?

Cà tím là loại rau quả có nhiều vào mùa hè. Nó là cây trồng hàng năm, thuộc thực vật thân thảo họ cà. Trái của nó có thể ăn được, đa số là quả có màu tím hoặc màu tím đen, cũng có loại màu xanh nhạt hoặc màu trắng, và có nhiều hình dạng khác nhau. Cà tím là loại rau quả phổ biến, tùy thuộc vào chủng giống khác nhau mà có nhiều cách sử dụng.

Các loại cà tím

Cà tím là vị thuốc hay
Cà trắng và cà Thái Lan. (Ảnh: Fotolia)

Giống cà gồm có ba loại cà trắng, cà tím và cà xanh. Cà tím thì có cà tím dài, cà tím tròn, cà tím xanh. Trái cà được sản xuất sớm nhất ở vùng Ấn Độ, truyền nhập vào Trung Quốc từ thế kỷ 4-5 sau Công Nguyên. Trái cà tròn được trồng thời Nam Bắc triều, hình dáng không khác gì với giống cà mọc hoang, đến thời Nguyên thì đã tạo ra giống cà hình dài.

Thành phần dinh dưỡng trong trái cà

Theo phân tích của chuyên gia dinh dưỡng Lê Thử Quân (Li Shuyun), chỉ số ngăn ngừa bệnh tật của trái cà là 26.29, chỉ số sức sống là 9.7142, cho thấy trái cà có giá trị tương đối cao trong hồi phục bệnh tật, và thuộc phạm vi có hiệu quả đối với nâng cao sức sống.

Trái cà tím chứa vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, Calci, Phospho, Magie, Kali, sắt, đồng và các chất dinh dưỡng khác. Bên trong quả cà tím có chứa 90% lượng nước, giàu chất xơ và saponin, có thể giúp giảm cholesterol, nâng cao sức đề kháng của các mao mạch, có tác dụng bảo vệ tim mạch rất tốt. Vỏ màu tím bên ngoài cũng chứa nhiều các hợp chất hữu cơ tự nhiên (Polyphenol) chống lại các gốc tự do. 

Ăn cà tím thường xuyên có thể ngăn chặn sự gia tăng cholesterol trong máu, cũng không dễ gây béo phì, cho nên cà tím còn  được xem là liệu pháp ăn kiêng giảm cân.

Cà tím là thánh dược chống ung thư

Các chất chống ung thư có trong thực vật như Vitamin P, Anthocyanin, axit chlorogenic, Solanine, có thể ức chế sự gia tăng tế bào ung thư trong đường tiêu hóa. Trong tác phẩm “Ẩm Thiện Chính Yếu” của thái y Hốt Tư Tuệ thời nhà Nguyên có đề cập đến “Bánh bao cà tím”, là thực phẩm thông dụng cho bệnh nhân ung thư thời hiện đại.

Tác dụng của trái cà tím

Trái cà tím có vị ngọt, tính mát, đi vào các kinh mạch của tỳ vị, đại tràng. Nó có tác dụng thanh nhiệt thông ruột, tan huyết cầm máu, tiêu sưng giảm đau, trong Trung y thường dùng để trị liệu các chứng nhiệt độc bệnh nhọt, lở loét ngoài da, lở loét miệng lưỡi, bệnh trĩ xuất huyết, tiểu ra máu, chảy máu cam v.v… Cà tím thuộc thực phẩm có tính hàn, vì vậy ăn vào mùa hè có tác dụng thanh nhiệt giải nóng, đặc biệt là rất thích hợp với những người dễ bị rôm sảy, mụn nhọt.

Trong “Bản Thảo Cương Mục” có ghi chép rằng, trái cà tím có thể trị “bệnh tràng phong hạ huyết” (tiêu chảy ra máu). Lấy một trái cà tím còn nguyên cuống, sau khi phơi khô nghiền nhỏ, hòa với rượu để điều trị chứng tràng phong hạ huyết.

Cách dùng: Lấy 10ml rượu trắng, sau khi hâm nóng lên thì thêm vào 6gr bột cà tím, trộn đều, uống vào khi bụng đang đói. Mỗi ngày uống 1 lần, sau khi tình trạng bệnh chuyển biến tốt thì lại tiếp tục uống trong 7 ngày.

Trong “Điền Nam Bản Thảo” có ghi chép, trái cà tím có thể tan huyết, tiêu sưng, thông ruột. Vậy nên, những người đi phân khô, bị trĩ chảy máu, bệnh vàng da, ăn nhiều cà tím hơn sẽ rất có ích, có thể chọn cà tím và gạo trắng nấu thành cháo để ăn. Lấy trái cà tím còn cuống phơi khô, nghiền thành bột mịn để dùng ngoài da. 

Các loại sưng đau không nguyên nhân: giã nát trái cà tím, trộn với giấm thoa vào chỗ đau.

Phương pháp dùng cà tím làm 3 món thực liệu

Cà tím là vị thuốc hay
Khi ăn cà tím không nên gọt vỏ, vỏ cà tím chứa Vitamin B. (Ảnh: Fotolia)

Trái cà tím được chế biến bằng nhiều cách như xào, nướng, chưng hấp, luộc, chiên, trộn, nấu canh, đều có thể nấu thành các món ăn rất ngon. Khi chế biến món ăn không nên gọt vỏ cà tím, giá trị của trái cà tím chính là nằm ở lớp vỏ bên ngoài này, vỏ cà tím chứa Vitamin B, mà Vitamin B và vitamin C là một đối tác tốt. Chúng ta bổ sung đầy đủ vitamin C, quá trình chuyển hóa vitamin C cần có sự hỗ trợ của vitamin B. Sự khác nhau về màu sắc của các loại rau quả luôn ám chỉ nguồn dinh dưỡng riêng của nó.

Cà tím chưng

Công dụng: Món này có công dụng thanh nhiệt tiêu nhọt, thích hợp dùng cho các chứng bệnh nhiệt độc mụn nhọt sưng đau dẫn đến lở loét ngoài da.

Nguyên liệu: Cà tím 250gr.

Cách làm: Rửa sạch cà tím, cắt thành từng miếng lớn cho vào tô, đặt vào lồng hấp hấp khoảng 20 phút; lấy cà tím đã hấp chín ra, cho thêm muối vào khi còn nóng, rưới thêm dầu mè là được.

Cà tím xào

Công dụng: Món cà tím xào có công dụng thanh nhiệt giải độc, thích hợp cho người bị bệnh trĩ chảy máu.

Nguyên liệu: Cà tím 250gr.

Cách làm: Rửa sạch cà tím, cắt thành miếng nhỏ để sẵn. Cho dầu vào chảo đun nóng đến khoảng 70%, cho cà tím cắt nhỏ vào đảo đều cho đến chín, thêm ít muối vào là được.

Cà tím nấu mật ong

Công dụng: Món này giúp nhuận phế giảm ho. 

Nguyên liệu: 0.5kg cà tím, một ít mật ong.

Cách làm: Rửa sạch cà tím cắt xéo từng miếng, cho vào nồi thêm nước đun to lửa đến lúc sôi. Sau đó vặn nhỏ lửa nấu khoảng 15 phút, tắt bếp chờ cho bớt nóng rồi cho thêm mật ong vào trộn đều là có thể ăn được.

Những điều kiêng kỵ khi ăn cà tím

Cà tím là vị thuốc hay, chớ nên coi thường!
Người tiêu hóa không tốt, dễ bị tiêu chảy không nên ăn nhiều cà tím. (Ảnh: Fotolia)

Những người nào không thích hợp ăn cà tím? Trong “Bản Thảo Cương Mục” của Lý Thời Trân có ghi: “Cà có tính bổ hàn, ăn nhiều tất sẽ bị đau bụng kiết lỵ”. Vậy nên, những người tiêu hóa không tốt, dễ bị tiêu chảy không nên ăn nhiều cà tím. Ngoài ra trái cà tím, đặc biệt là trái cà tím thu hoạch sau mùa thu chứa nhiều Solanine, chất này gây hại đối với cơ thể người, do đó không nên ăn nhiều. Người bệnh trước khi phẫu thuật cũng phải chú ý cố gắng không nên ăn trái cà, nếu không thuốc mê có thể không được phân giải, sẽ kéo dài thời gian tỉnh lại của bệnh nhân, ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục của người bệnh.

Mặt khác, người có thể chất da bị dị ứng nên ăn ít cà tím; những người căng thẳng thần kinh hoặc dễ kích động nên tránh ăn cà tím; người viêm khí quản, viêm khớp cũng nên tránh ăn “quá nhiều”.

Những thức ăn tương khắc với cà tím

Cà tím là vị thuốc hay, chớ nên coi thường!
Cà tím không nên ăn chung với cua, dễ gây tổn thương dạ dày. (Ảnh: Fotolia)

Mực: Cà tím không nên ăn chung với mực vì dễ gây ra bệnh thổ tả.

Cua: Không nên ăn chung cà tím với cua vì sẽ dễ tổn thương dạ dày. Cà tím và cua cùng ăn chung sẽ dễ bị ngộ độc, nếu bị ngộ độc thì có thể dùng nước ngó sen để chữa trị.

Tác giả: Lâm Quý (Bác sĩ Trung y)
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn