Cách nhận biết tình trạng thiếu hụt dưỡng chất trong cơ thể

Các triệu chứng thiếu hụt dưỡng chất thường phản ánh ở 5 bộ phận quan trọng của cơ thể gồm đầu, khuôn mặt, bàn tay bàn chân và da

Cơ thể chúng ta cần có đủ vitamin, khoáng chất và dưỡng chất thiết yếu để hoạt động một cách tối ưu. Bất kỳ loại thiếu hụt nào cũng là một vấn đề nghiêm trọng và cần được nhận biết và điều trị ngay lập tức.

Điều đáng mừng là, cơ thể con người giống như một tấm gương, có thể phản chiếu những khiếm khuyết bên trong thông qua các biểu hiện bên ngoài.

Nếu bạn thận trọng và không bao giờ bỏ qua những triệu chứng này, bạn có thể dễ dàng phát hiện tình trạng thiếu hụt trong giai đoạn đầu và nhanh chóng khắc phục.

Xét nghiệm máu có thể xác định sự thiếu hụt một số vitamin nhất định, nhưng như đã đề cập ở trên, các triệu chứng thiếu hụt dưỡng chất thường phản ánh ở 5 bộ phận quan trọng của cơ thể.

1. Phần đầu

  • Rụng tóc là một dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin. Những vitamin thường gặp bao gồm acid folic, vitamin B5, vitamin B6 và EFA (acid béo thiết yếu). Độc tính của vitamin A hoặc một số độc tính môi trường khác cũng có thể gây rụng tóc.
  • Các vấn đề về gàu cho thấy sự thiếu hụt vitamin B, EFA, hoặc các chất chống oxy hóa (đặc biệt là selenium).
  • Tóc bạc sớm là một dấu hiệu của sự thiếu hụt acid pantothenic (vitamin B5).

2. Khuôn mặt

  • Quầng thâm dưới mắt có thể cho thấy hàm lượng quercetin và vitamin C trong cơ thể ở mức thấp.
  • Mụn trứng cá chủ yếu là do thiếu kẽm, EFA và vitamin A và có thể xuất hiện khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều acid béo xấu, những chất thường có trong thực phẩm chiên rán và nhiều dầu mỡ.
  • Sâu răng là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu vitamin B6 và các khoáng chất như boron, calcium và silica.
  • Chảy máu chân răng là kết quả của việc cung cấp thiếu vitamin C và bioflavonoid.
  • Các vết nứt ở khóe miệng là dấu hiệu của sự thiếu hụt B2 (riboflavin) và các vitamin B tổng hợp khác.
  • Viêm lưỡi có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu B12, acid folic, sắt và/hoặc kẽm.
  • Lưỡi nhợt có thể cho thấy mức độ sắt thấp, vì vậy bạn nên làm thêm xét nghiệm về sắt.

3. Làn da

  • Da khô thường do thiếu hụt EFA, vitamin A và/hoặc vitamin E.
  • Mụn cơm quanh cổ, cánh tay và lưng là dấu hiệu của tình trạng không dung nạp glucose hoặc nồng độ insulin phản ứng.
  • Những cục sưng nhỏ màu đỏ ở sau cánh tay có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin A, vitamin E, kẽm và EFA.
  • Da dễ bầm tím có thể cho thấy hàm lượng vitamin K, C hoặc E và/hoặc bioflavonoid trong cơ thể ở mức thấp.
  • Chậm lành vết thương là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin A, vitamin C, kẽm và/hoặc EFA. Tình trạng này cũng có thể gặp trong bệnh tiểu đường.

4. Bàn tay và móng tay

  • Viêm móng tay và lớp biểu bì có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu kẽm.
  • Nứt da ở đầu ngón tay cho thấy sự thiếu hụt kẽm, vitamin E hoặc EFA.
  • Bàn tay lạnh là dấu hiệu của sự thiếu hụt EFA, niacin (vitamin B3), vitamin E, vitamin B12 hoặc sắt.
  • Móng tay hình thìa có thể là kết quả của tình trạng thiếu sắt.
  • Móng tay sần sùi là do hàm lượng khoáng chất trong cơ thể ở mức thấp.

5. Bàn chân

  • Những bất thường về móng ở bàn và ngón chân giống như ở bàn tay (chẳng hạn như móng sần sùi), có thể cho thấy tình trạng thiếu vitamin tương tự.
  • Bàn chân tê bì, máu lưu thông kém là dấu hiệu của thiếu vitamin D3. Bạn có thể cần phơi nắng nhiều hơn để có đủ vitamin cho cơ thể!

Sự thiếu hụt các vitamin, khoáng chất và dưỡng chất thiết yếu thường là kết quả của thói quen ăn uống kém như ăn ít trái cây và rau quả.

Nếu bạn ăn uống đầy đủ và lành mạnh, bạn có thể dễ dàng ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vitamin. Ví dụ, ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin E (như hạnh nhân) có thể giúp khắc phục các vấn đề về da và tóc vốn rất phổ biến thời nay.

Nếu bạn có một hoặc nhiều triệu chứng kể trên, hãy cân nhắc đến việc thảo luận về tình trạng này với bác sĩ của bạn.

Một số triệu chứng cũng có thể cho thấy các vấn đề sâu hơn, chẳng hạn như huyết khối tĩnh mạch, rối loạn chức năng thận hoặc bệnh tuyến giáp. Hãy bảo vệ cơ thể của bạn khỏi sự thiếu hụt vitamin bằng cách ăn uống lành mạnh!

Tái bản từ NataturalSavvy.com

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Lisa Roth Collins
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Lisa Roth Collins là một chuyên gia dinh dưỡng toàn diện kiêm giám đốc tiếp thị tại NaturalSavvy.com, nơi đầu tiên phát hành bài viết này.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn