Căng thẳng ảnh hưởng làn da thế nào?

Bạn có đang gặp những vấn đề về da dai dẳng cho dù đã dùng tất cả giải pháp chăm sóc da yêu thích? Có lẽ đã đến lúc bạn nên bắt đầu kiểm soát tình trạng căng thẳng của mình. Khoa học cho thấy rằng căng thẳng ảnh hưởng đến làn da bằng cách biểu hiện [trực tiếp trên da] hoặc làm trầm trọng thêm vấn đề về da.

Bài viết này sẽ đào sâu vào nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này.

Khi nào căng thẳng gây ảnh hưởng đến da?

Chúng ta cần biết rằng căng thẳng không hoàn toàn có hại. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi có một nguy cơ xuất hiện. Để đối diện với nguy cơ đó, cơ thể tự chuẩn bị dưới hình thức chiến đấu/bỏ chạy và khai triển rất nhiều phản ứng sinh lý và sinh học để thích nghi với căng thẳng.

Khi căng thẳng giảm bớt, cơ thể trở về với chức năng bình thường. Tuy nhiên, khi căng thẳng kéo dài, cơ thể cũng bị mắc kẹt ở trạng thái chiến đấu hay bỏ chạy kéo dài, bất thường, từ đó sẽ dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm nhiều loại bệnh.

Ngoài trường hợp căng thẳng thật sự, còn có [tình huống] “căng thẳng cảm nhận,” hay khi một người cho rằng các yêu cầu bên ngoài vượt quá khả năng điều chỉnh của mình. Và mối nguy hiểm cảm nhận được cũng thường nhiều hơn những gì xảy ra trong tình huống thực tế. Điều đó ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm lý, thể chất, xã hội và cảm xúc.

Nhiều vấn đề về da đều có nguồn gốc từ tâm trí. Do đó, lĩnh vực tâm thần học da liễu đang ngày càng phát triển để giải quyết những tác động của căng thẳng lên da.

Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến da như thế nào?

Có những mức độ khác nhau về sự kết nối tâm trí – làn da. Nhiều đầu mút tận cùng thần kinh được kết nối với da. Điều này có nghĩa là khi cảm xúc của bạn biểu thị trong não, da bạn cũng bị ảnh hưởng.

Khi bạn căng thẳng, cơ thể sản xuất cortisol góp phần quan trọng vào phản ứng căng thẳng. Tuy nhiên, điều đó không tốt cho da. Lớp hàng rào bảo vệ da đóng vai trò quan trọng trong cơ thể bao gồm duy trì toàn vẹn cơ thể và giúp cho chất gây dị ứng, hóa chất và vi khuẩn không thâm nhập được vào da. [Trong lúc đó], cortisol làm tổn hại đến chức năng của hàng rào bảo vệ. Vì vậy, da trở nên sạm màu và mất độ ẩm, dẫn đến xuất hiện các nếp nhăn và vết chân chim.

Cortisol cũng khiến da lành thương chậm hơn vì căng thẳng được biết là làm chậm lành vết thương. Hơn nữa, cortisol còn làm tăng sản xuất các tuyến bã nhờn gây tắc lỗ chân lông, mụn và các đốm nâu.

Căng thẳng và các bệnh da liễu có mối quan hệ tương hỗ. Không nghi ngờ rằng, các căn bệnh về da mạn tính là nguyên nhân khiến bạn lo lắng và thiếu tự tin. Nói cách khác, căng thẳng kéo dài có thể biểu hiện ra những tình trạng da khác nhau, và làm trầm trọng thêm tình trạng đang có.

Tăng mức độ căng thẳng có thể gây ra ngứa phát ban trên tay, rụng tóc, da có vảy, bong tróc, da nhợt nhạt, mảng dầu trên da đầu, trichotillomania (rối loạn kéo tóc), onychophagia (cắn móng tay), alopecia (rụng tóc), pruritus (bệnh ngứa), và hyperhidrosis (tăng tiết mồ hôi).

Tình trạng căng thẳng có thể làm tăng mức độ trầm trọng của ngứa ở các bệnh viêm da như viêm da cơ địa và vảy nến (những mảng đỏ gồ ghề trên da). Hơn nữa, mụn cũng bất ngờ nổi lên khi căng thẳng và lo lắng.

Một vài vấn đề da cũng xảy ra do các bệnh tâm thần học như rối loạn cưỡng chế (rối loạn kéo tóc), hay rối loạn giả bệnh để đạt được lợi ích nào đó, biểu hiện ở tình trạng viêm da tự tạo mà một người tự làm tổn thương móng, tóc và da [của mình]. Căng thẳng kinh niên có thể gây ra các phản ứng kéo dài về hành vi, sinh lý và cảm xúc góp phần gây nên sự khởi phát của bệnh hoặc làm tình trạng nặng hơn. [Ngoài ra], mức độ căng thẳng cao [cũng] có thể tạo ra các hành vi thích nghi không tốt như gãi ngứa nhiều hơn.

Điều này làm cho vấn đề về da kinh niên tệ hơn, như trong trường hợp rối loạn cưỡng chế.

Căng thẳng có làm da sẫm màu hơn không?

Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ ưu tiên thay đổi một số trạng thái, và tạm thời bỏ qua [chức năng] da. Vậy nên, căng thẳng làm da bạn tối hơn. Căng thẳng hạn chế cung cấp máu cho da. Giảm cung cấp máu tức là [tế bào da nhận] ít khí oxy, chất dinh dưỡng, và giảm khả năng tái tạo tế bào. Điều này dẫn đến sự hình thành sắc tố và da không đều màu.

Hơn nữa, người ta thường không chú ý chăm sóc da trong tình trạng căng thẳng. Và như đã nhắc đến trước đó, những hành vi thích nghi không tốt như gãi và cọ xát gây viêm da. Chứng viêm kích hoạt tế bào biểu bì tạo hắc tố, cùng với các tế bào khác, dẫn đến màu da tối và hình thành sắc tố. Đôi khi tình trạng nhiễm sắc tố và không đều màu trên da có thể tự lành.

Một yếu tố khác ảnh hưởng màu da là cách ăn uống không lành mạnh trong khi căng thẳng. Những gì bạn ăn ảnh hưởng đến làn da. Đồ ăn vặt không lành mạnh, hay thực phẩm giàu chất béo, calorie và đường ảnh hưởng tiêu hóa và cân bằng hormone làm nổi mụn và tối màu da.

Ảnh hưởng của căng thẳng trên khuôn mặt

Căng thẳng ảnh hưởng khuôn mặt theo nhiều khía cạnh. Mặc dù lão hóa là quá trình phụ thuộc vào thời gian, nhưng căng thẳng có thể làm đẩy nhanh quá trình đó. Đặc trưng của da bị lão hóa là tăng sắc tố, hình thành nếp nhăn và vết chân chim, da sẫm màu, và mất đi sự đàn hồi và săn chắc. Căng thẳng có thể gây ra mất cân bằng oxy hóa là yếu tố nguyên nhân quan trọng của lão hóa da.

Nói theo cách đơn giản, trong tình trạng căng thẳng, cơ thể sản xuất các gốc tự do hoạt động rất mạnh, làm phá hủy các tế bào mục tiêu. Hãy nhớ rằng đối với da, mục tiêu [của các gốc tự do] có thể là collagen và elastin, DNA hay chất béo. Tất cả tổn thương này biểu hiện trên mặt dưới hình thức da khô, tổn thương lớp màng bảo vệ da, vết chân chim và nếp nhăn, mụn, và những vấn đề về da đã nhắc đến trước đó.

[Ngoài ra], căng thẳng có thể là nguyên nhân gây ra bọng mắt. Khi bị mất tính đàn hồi, da bắt đầu chảy xệ, dẫn đến quầng thâm.

Tóc chuyển bạc vì căng thẳng không còn là điều gây nghi ngờ nữa. Do căng thẳng, tế bào gốc tạo melanocyte (tế bào biểu bì tạo hắc tố) bị cạn kiệt dẫn đến tóc bạc màu. Tóc trở nên khô và dầu hơn. Vấn đề khác có thể xảy ra ở tóc do căng thẳng bao gồm rụng tóc và tróc da đầu như gàu hoặc viêm da dầu (vảy nến trên da đầu).

Một cách khác mà căng thẳng ảnh hưởng đến khuôn mặt là do sự suy yếu của hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch suy yếu khiến bạn dễ bị tổn thương bởi những căn bệnh tự miễn dịch như mày đay adrenergic hay một dạng mày đay gây sưng, đỏ, ngứa xuất hiện trên mặt hay các vùng khác trên cơ thể.

Làm thế nào để giảm căng thẳng cho da?

Ghi nhớ những yếu tố được nhắc đến ở trên đằng sau các vấn đề da do căng thẳng, bạn có thể biết chính xác cách giải quyết.

Ví dụ, khi cơ thể bạn tiếp xúc với cortisol một cách trường kỳ, sẽ cản trở sự sản xuất collagen và axit hyaluronic. Và sẽ không có loại kem collagen và serum hyaluronic cao cấp nào có tác dụng cho đến khi kiểm soát được căng thẳng.

Sau đây là vài cách để giảm căng thẳng cho làn da:

1. Để sửa chữa những tổn thương do căng thẳng, thói quen chăm sóc da nhẹ nhàng có thể có lợi. Ví dụ, loại bỏ [các sản phẩm có] acid salicylic, acid glycolic, retinol, và benzoyl peroxide khỏi quy trình chăm sóc da của bạn vì đây là những thành phần làm giảm lớp màng bảo vệ da. Da căng thẳng có thể bị sưng tấy. Trong trường hợp này, tránh những sản phẩm có tinh dầu để lại trên da vì nó có thể làm da bị kích ứng hơn. Thay vào đó, bổ sung các thành phần như ceramide, acid béo, và glycolipid vào quy trình để hỗ trợ lớp màng bảo vệ da.

2. Do căng thẳng và các căn bệnh da liễu có liên quan với nhau, sẽ tốt hơn nếu kết hợp điều trị căng thẳng và những tình trạng da liên quan. Nếu những tình trạng tâm lý như trầm cảm hay lo lắng đang gây ra các vấn đề da, cũng nên tìm kiếm sự giúp đỡ cho những vấn đề này. Các liệu pháp hành vi nhận thức và kỹ thuật giúp thư giãn có thể có ích.

3. Các phương pháp điều trị bằng hình ảnh nhận thức và thư giãn phản hồi sinh học là có hiệu quả. Các kỹ thuật thư giãn làm giảm cortisol và chứng viêm. Thiền định và hít thở sâu là những cách dễ dàng và hiệu quả để giảm căng thẳng. Chỉ với ba phút một ngày để bắt đầu có thể tạo ra hiệu quả đáng ngạc nhiên.

4. Căng thẳng gây mất ngủ, có ảnh hưởng đến sự xuất hiện nếp nhăn, quầng thâm trên da, cản trở chức năng của lớp màng bảo vệ da. Để loại bỏ căng thẳng cho da, hãy bảo đảm ngủ 8 đến 9 giờ mỗi đêm.

5. Những gì bạn ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe làn da. Cho nên, bao gồm những nguyên liệu tốt cho sức khỏe trong bữa ăn hàng ngày như rau, trái cây, thực phẩm toàn phần, và uống nhiều nước.

6. Tập thể dục mỗi ngày. Yoga, giãn cơ, hay các hình thức vận động khác làm giảm cortisol. Những hoạt động này giúp tăng sản xuất endorphin không chỉ có tác dụng như thuốc giảm đau mà còn thúc đẩy tâm trạng và giảm căng thẳng. Bạn có thể thực hành các bài tập yoga cho mặt hay tự mát xa mặt của mình để cải thiện tính đàn hồi và màu da, giúp thư giãn, tăng sức mạnh cho cơ mặt, và cải thiện sức khỏe tâm thần.

7. Bổ sung những hoạt động và sở thích tốt cho sức khỏe vào thói quen hàng ngày của bạn để giảm căng thẳng cho bản thân.

8. Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, hãy thay đổi cách nhìn. Xác định các yếu tố [gây căng thẳng] và giảm suy nghĩ tiêu cực bằng cách thay thế với những suy nghĩ tích cực và hợp lý. Từ bi với bản thân và thực hành lòng biết ơn.

Bạn không thể ngăn hết mọi căng thẳng nhưng bạn có thể học cách để kiểm soát. Hãy tìm hiểu phương pháp phù hợp với bạn. Và nếu bạn vẫn gặp khó khăn, đừng ngần ngại yêu cầu giúp đỡ.

Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn