Đảo ngược lão hóa không còn là giấc mơ xa vời

Các thuốc chống lão hóa (senolytics) đã cho thấy khả năng làm giảm các tế bào lão hóa, giảm viêm, và cải thiện tình trạng sức khỏe yếu kém [khi về già].

Hãy tưởng tượng về một viễn cảnh các bậc ông bà đang chơi đùa, kể chuyện, đi công viên hay đạp xe và học tập cùng với các cháu nhỏ. Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm chung rằng mọi người đều trở nên suy nhược và ốm yếu khi bước vào tuổi cao niên. Chúng ta phải đối mặt với vô số yếu tố làm giảm chất lượng cuộc sống khi về già, nhưng rất nhiều trong đó là có thể kiểm soát được.

Một cơ thể không đau đớn, hoạt động tốt trong những năm về hưu không phải là một giấc mộng xa vời.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy bộ gene và di truyền biểu sinh (các hợp chất bảo vệ gene) là những yếu tố điều tiết sức khỏe và tuổi thọ quan trọng. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu [cũng] đã chứng minh quá trình biệt hóa tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng (iPSCs) giúp duy trì sự trẻ hóa tế bào thông qua điều hòa biểu hiện gene.

Các kết quả cho thấy các thế hệ tế bào tiếp theo là các tế bào soma (tế bào sinh dưỡng) trẻ hơn một cách đáng kinh ngạc về mặt sinh học. Dựa trên lý thuyết này, các nghiên cứu tiếp tục cho thấy việc tái lập trình các tế bào già khiến nhiều kiểu hình thái lão hóa chuyển sang trạng thái trẻ hơn.

Nhánh nghiên cứu khoa học thú vị này đang tìm kiếm một loại thuốc mới có thể quay ngược thời gian. Không chỉ có thể giúp chúng ta “già đi tại chỗ,” mà còn có thể duy trì chức năng nhận thức, khả năng phục hồi bệnh tật, sức mạnh, và vẻ ngoài trẻ trung.

Một nghiên cứu khả quan hơn nữa, theo mô tả của ông Andrew Steele trong cuốn sách của mình, “Ageless, The New Science of Getting Older Without Getting Old – Trẻ mãi không già, khoa học mới giúp lão hóa không già), cho thấy các đặc tính chống lão hóa đều có sẵn trong tự nhiên.

Ông dùng tuổi thọ dài hơn 50 năm của con rùa làm ví dụ. Rùa không chỉ sống thọ, mà dường như còn có rất ít quá trình thoái hóa trong những năm về sau. Những yếu tố sinh học đó là gì, và liệu có cách nào để con người có thể nắm bắt nhằm đảo ngược quá trình lão hóa?

Khi dân số toàn cầu đang già đi, các phát hiện này có thể được coi là cấp thiết để học hỏi cách chống và điều trị lão hóa. Điều này không chỉ giúp bảo đảm chất lượng cuộc sống mà còn duy trì sự hoạt động hiệu quả khi chúng ta già đi. Chỉ riêng chi phí về điều trị các bệnh liên quan lão hóa như ung thư, bệnh tim, và chứng sa sút trí tuệ đã là quá sức tưởng tượng.

Tuổi thọ của con người trên thế giới đã tăng lên 72 tuổi năm 2019, và điều này không chỉ xảy ra ở các nước phát triển. Chỉ cách đây 60 năm trước, tuổi thọ con người trên thế giới còn là 52 vào năm 1960. Liệu chúng ta có muốn sống lâu hơn để vui chơi, đọc sách báo, ca hát, và nhảy múa thay vì phải chịu đựng các vấn đề y tế phức tạp, bệnh thoái hóa và suy yếu các hệ cơ quan?

Có một tiềm năng to lớn đối với việc mở rộng cách thức điều trị lão hóa. Trong một cuộc thảo luận trên Youtube về việc lão hóa mà không già đi, ông Andrew Steele cho biết có vô số yếu tố sinh học góp phần vào quá trình lão hóa. Mỗi loại đều có tiềm năng mở ra một tiến bộ vô cùng lớn trong y khoa. Những yếu tố mới lạ đẩy nhanh sự lão hóa ở cấp độ tế bào và phân tử này bao gồm các thay đổi trên DNA, biến đổi gene và di truyền biểu sinh, các tế bào lão hóa, thay đổi trong hệ vi sinh, chức năng protein và ty thể, và mất khả năng miễn dịch.

Đảo ngược lão hóa nhờ tái lập trình các tế bào

Tuổi sinh học không phải lúc nào cũng phù hợp với tuổi thời gian. Chúng ta biết về những cụ già 80 tuổi khỏe mạnh và tràn đầy sức sống có tuổi sinh học khác biệt đáng kể với tuổi trên giấy khai sinh. Nhiều giả thuyết và tài liệu [cũng nói] về lý do vì sao một số người vẫn duy trì sức sống trẻ trung trong khi một số khác trở thành nạn nhân của rất nhiều đau khổ phổ biến liên quan tới tuổi tác. Mục đích sống, lựa chọn lối sống, căng thẳng, chấn thương, cách ăn uống, tập thể dục, và các thói quen ngủ có thể là tất cả các yếu tố góp phần gây nên bệnh tật thậm chí qua hàng chục năm sau nghỉ hưu.

Qua nhiều thập niên nghiên cứu về tuổi thọ, ông David Sinclair, một nhà sinh học phân tử nổi tiếng tại trường Y khoa Harvard, đã khám phá ra các cách để đánh giá tuổi sinh học thực sự của một người ở cấp độ tế bào. Ông chuyên nghiên cứu về chữa bệnh cho người già và kéo dài tuổi thọ. Trên thực tế, chúng ta đang sống lâu hơn. Nghiên cứu về tuổi thọ của ông đưa đến một hy vọng thoáng qua về một cuộc sống tuyệt vời, khỏe mạnh, dài lâu, và tràn đầy sức sống mà không bị các căn bệnh thoái hóa liên quan đến tuổi tác trong tương lai.

Sau khi phát hiện ra các tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSCs), các nhà khoa học đã tìm hiểu về khả năng tái tạo và chú ý đến sự tương đồng của các tế bào này với các tế bào gốc phôi có thể tạo ra bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể.

Dựa trên lý thuyết về di truyền biểu sinh, biểu hiện có thể thay đổi của bộ gene, là yếu tố điều chỉnh sức khỏe và tuổi thọ quan trọng. Các nghiên cứu đã chứng minh khả năng tái lập trình các tế bào lão hóa.

Khai thác tiềm năng tái tạo tế bào và mô có rất nhiều công dụng trị liệu. [Đặc biệt là] khi chúng ta già đi, các mô bị tổn thương có thể không được sửa chữa hoàn toàn và mất chức năng. Mặt khác, các tế bào trẻ hơn về mặt sinh học tái tạo rất nhanh và hoàn thiện sau khi bị tổn thương.

Một nhóm các nhà nghiên cứu, trong đó có ông David Sinclair, đã công bố báo cáo về một trong những câu chuyện thành công đáng chú ý của họ vào năm 2020.

Họ đã có thể tái tạo thành công dây thần kinh thị giác của chuột, từ đó khôi phục thị lực. Việc dây thần kinh thị giác (thuộc một phần của hệ thần kinh trung ương) rất ít có khả năng tái tạo đã khiến cho câu chuyện thành công này thậm chí còn hấp dẫn hơn. Qua nghiên cứu về tuổi thọ, ông Sinclair và nhóm nghiên cứu tin rằng họ đã tìm thấy “công tắc tái thiết lập” giúp đảo ngược đồng hồ sinh học. Họ đã chứng minh khả năng đưa các tế bào về trạng thái trẻ trung, đảo ngược lão hóa ở cơ và não chuột, đồng thời tiếp tục nghiên cứu khả năng trẻ hóa của toàn bộ tế bào trong cơ thể chuột.

Phá hủy các tế bào Zombie (tế bào lão hóa)

Nghiên cứu về tuổi thọ có liên quan nhiều đến các tế bào lão hóa.

Các tế bào trong cơ thể đều có vòng đời riêng. Các yếu tố có thể gây hại đến tế bào bao gồm chấn thương, căng thẳng, và bệnh tật. Khi còn trẻ, những yếu tố phá hoại tế bào này sẽ bị hệ miễn dịch dọn sạch. Tuy nhiên khi già đi, hệ miễn dịch trở nên kém hiệu quả hơn trong việc loại bỏ các tế bào bị hư hại này.

Thậm chí một số tế bào cuối cùng cũng ngừng phân chia và nhân lên nhưng không chết đi như bình thường. Những tế bào này được gọi là các tế bào lão hóa, và tích tụ trong cơ thể khi chúng ta già đi. Trong một lĩnh vực nghiên cứu mở rộng, người ta phát hiện các tế bào lão hóa có vai trò nhất định trong các bệnh liên quan đến lão hóa, ung thư, viêm, và thoái hóa.

Trong môi trường vi mô, các “tế bào zombie” hay tế bào lão hóa này, tiết ra các chất tiết lão hóa, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, lành thương, và sinh nở. Vai trò của các tế bào lão hóa rất phức tạp, gồm cả bảo vệ và có hại. Thuận theo sự gia tăng số lượng khi chúng ta già đi, các tế bào này có thể góp phần gây thoái hóa, ung thư, và các bệnh viêm nhiễm liên quan đến tuổi tác.

Trong vài thập niên qua, nghiên cứu về sự lão hóa ở cấp độ tế bào vẫn còn đang được tiến hành. Những người theo đuổi lão hóa khỏe mạnh hơn hy vọng có thể làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược các vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi tác.

Tháng 02/2016, trang Nature đã đăng tải một bài báo [có tựa đề] “Destroying worn-out cells makes mice live longer — Phá hủy các tế bào lão hóa giúp chuột sống lâu hơn” cho thấy việc loại bỏ các tế bào lão hóa làm tăng thêm 20% đến 30% tuổi thọ của chuột. Các tế bào lão hóa đã bị tiêu diệt ở chuột trong 6 tháng. So sánh với nhóm đối chứng (những con chuột có các tế bào lão hóa tiếp tục phát triển), những con chuột này khỏe mạnh hơn với chức năng tim và thận tốt hơn, đồng thời cũng dễ hồi phục căng thẳng hơn, năng động hơn và phát triển ung thư chậm lại.

Phát triển thuốc chống lão hóa (senolytic)

Nghiên cứu đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi những con chuột này sống lâu và khỏe mạnh hơn vào năm 2016. Hãy tưởng tượng đến một viên thuốc trẻ hóa ở cấp độ tế bào, theo nghĩa đen là điều trị lão hóa thay vì các bệnh tương ứng liên quan đến lão hóa.

Đây là một ý tưởng lớn lao và thu hút sự chú ý từ các nhà nghiên cứu và nhà đầu tư trên thế giới. Người ta đang tìm cách [tạo ra] một loại thuốc mới để loại bỏ chọn lọc các tế bào lão hóa. Thuốc chống lão hóa, hay senotherapeutics, nhắm vào sự lão hóa của các tế bào. Họ hy vọng có thể giải quyết căn nguyên của các bệnh liên quan đến lão hóa bằng cách can thiệp đến quá trình lão hóa.

Các thuốc chống lão hóa giúp loại bỏ các tế bào lão hóa. Một số thuốc chống lão hóa đầu tiên bao gồm Dasatinib, Quercetin, Fisetin, và Navitoclax, từ các hợp chất hóa học có nguồn gốc thực vật đến các thuốc chống ung thư.

Trong các nghiên cứu tiền lâm sàng, thuốc chống lão hóa giúp làm chậm, ngăn chặn, và giảm nhẹ tình trạng suy nhược và ung thư cũng như các rối loạn về gan, thận, phổi, mắt, hệ cơ xương, hệ tim mạch và các vấn đề tâm thần kinh.

Các thuốc này nhắm đến các cơ chế lão hóa là tác nhân hoặc nguyên nhân gốc rễ của nhiều rối loạn với hy vọng có khả năng làm giảm hơn 40 căn bệnh. Từ những thử nghiệm thí điểm ban đầu này, thuốc chống lão hóa cho thấy khả năng làm giảm tế bào lão hóa, giảm viêm, và cải thiện tình trạng sức khỏe yếu kém. Trong tương lai sẽ tiến hành hoặc bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng tương lai đối với bệnh Alzheimer, viêm xương khớp, loãng xương, các bệnh về mắt liên quan tuổi tác, tiểu đường, cấy ghép tủy xương, và những người sống sót sau ung thư từ lúc nhỏ.

Mặc dù không phải là một thuốc mới, nhưng bằng chứng cho thấy metformin cũng có thể chống lại các rối loạn liên quan lão hóa. Metformin giúp điều trị mức đường máu cao do bệnh tiểu đường type 2. Một thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, nhắm vào việc điều trị lão hóa bằng metformin (TAME) đang được tiến hành.

Người ta đã phát hiện rằng metformin, thuộc nhóm thuốc biguanide, chống các rối loạn liên quan tuổi tác, cải thiện sức khỏe, và có tác dụng nhắm đến lão hóa về tuổi sinh học. Metformin được phát hiện vào năm 1992, được dùng kể từ năm 1995 tại Hoa Kỳ và nằm trong danh mục thuốc cần thiết của WHO. Với những lý do này, thử nghiệm lâm sàng có mục đích đánh giá các cơ chế liên quan lão hóa cần thiết như cải thiện khả năng cảm nhận dinh dưỡng, giảm sự ngắn đi của telomere, bảo vệ chống lại tổn thương đại phân tử, làm chậm quá trình lão hóa tế bào gốc, điều chỉnh chức năng ty thể, và giảm lão hóa. Nhờ khả năng cải thiện sức khỏe tổng thể cũng như đưa đến các tác dụng điều trị lão hóa, metformin là một liệu pháp lão khoa đáng cân nhắc cho con người.

Trong khi chúng ta chờ đợi thuốc chống lão hóa

Dường như việc đảo ngược quá trình lão hóa bằng thuốc là một điều xa vời. Các nhà nghiên cứu tuổi thọ đang tập trung vào việc giúp con người sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, và hạnh phúc hơn. Khó có thể tin được là trong vòng 5 đến 15 năm tới, những phương thuốc chống lão hóa sẽ có sẵn trên quy mô lớn. Gần đây, các thử nghiệm với những thuốc này đã cho thấy chuột mọc lại lông và có khả năng chạy nhanh hơn. Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu các thử nghiệm sơ bộ trên người, ít nhất trên lý thuyết cho thấy tiềm năng điều trị các vấn đề liên quan đến tuổi tác, nếu không muốn nói là nhắm vào quá trình lão hóa.

Hiện tại, người ta đã bắt đầu khám phá một lĩnh vực nghiên cứu y học rộng rãi có triển vọng rất lớn. Những người đã thành thạo kỹ năng và tích lũy kiến thức hàng thập niên có thể tiếp tục công việc, góp phần tạo nên thành công viên mãn. Các bậc ông bà có thể vui chơi, học tập, và dạy bảo các cháu trong khi xây dựng các mối quan hệ bền chắc hơn, khỏe mạnh hơn. Ít nhất [những người cao tuổi] có thể duy trì thị lực, thính giác, khả năng vận động, sức mạnh và chức năng tốt hơn nhiều, cũng như thoát khỏi những cơn đau và bệnh tật lâu hơn.

Trong lúc đó, có nhiều ý tưởng về những gì chúng ta có thể làm để giảm thiểu những tác động của thời gian đối với đồng hồ sinh học.

Chúng ta có thể dùng một số thực phẩm trẻ hóa như curcumin, collagen, và resveratrol, đồng thời ăn uống lành mạnh với đầy đủ vitamin, chất khoáng, và các hợp chất tốt cho cơ thể. Giảm căng thẳng bằng cách ngủ ngon và thiền định được cho là giúp làm chậm đồng hồ sinh học. Tập thể dục, ra ngoài trời, và giữ gìn sức khỏe để giảm nguy cơ chấn thương liên quan tuổi tác có thể dẫn đến thay khớp háng và đầu gối.

Có một ngạn ngữ cổ xưa rằng: khi một người già đi, tim hoặc trí óc sẽ già đi trước tiên. Đây là sự thật. Duy trì nhận thức trong khi có ý thức mạnh mẽ về mục đích sống cũng được chứng minh là một dấu hiệu tuyệt vời của một cuộc sống dài lâu và khỏe mạnh. 20 năm nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng quan điểm của một người về lão hóa có thể quyết định đáng kể đến tuổi thọ và sức khỏe lâu dài. Các kết quả cho thấy giữ quan điểm tích cực về lão hóa bao gồm sự phát triển và đạt được trí huệ, kiên nhẫn, nhân phẩm, cảm giác trưởng thành, và tự do có tác động đáng kể đến quá trình lão hóa lành mạnh. Tiến sĩ Michael Gregor, cho biết trong một bài viết về cách ăn uống tốt nhất cho lão hóa lành mạnh của ông rằng “chìa khóa không phải là sống lâu hơn, mà là sống cho những năm tháng hiện tại.”

Có lẽ mỗi người trong chúng ta đều mong muốn dành tặng một viên thuốc trường sinh bất lão cho người thân yêu của mình ngay bây giờ để giúp họ hồi phục thị lực, khả năng vận động và chức năng nhận thức đã mất do tuổi tác. Mặc dù có rất nhiều động lực để ủng hộ hoặc trì hoãn loại nghiên cứu này, nhưng có ai mà không muốn cải thiện cuộc sống cho những người cao tuổi trong gia đình không?

Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng (Yuhong Dong), bác sĩ y khoa và tiến sĩ về các bệnh truyền nhiễm, là Giám đốc Khoa học kiêm người đồng sáng lập của một công ty công nghệ sinh học Thụy Sĩ, đồng thời là cựu Chuyên gia Khoa học Y tế Cao cấp về Phát triển Thuốc Kháng Virus tại Novartis Pharma ở Thụy Sĩ.

Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Yuhong Dong, M.D., Ph.D.
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng (Yuhong Dong), bác sĩ y khoa và tiến sĩ, phụ trách chuyên mục Sức khỏe của The Epoch Times. Và là cựu chuyên gia khoa học y tế cao cấp và lãnh đạo cảnh giác dược tại Trụ sở chính của Novartis ở Thụy Sĩ. Bà đã từng đoạt giải thưởng Novartis trong bốn năm. Bà có kinh nghiệm nghiên cứu tiền lâm sàng về virus học, miễn dịch học, ung thư học, thần kinh học và nhãn khoa, đồng thời cũng có kinh nghiệm lâm sàng về bệnh truyền nhiễm và nội khoa. Bà lấy bằng bác sĩ và tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn