Đi chân trần giúp củng cố chức năng bàn chân, cải thiện thăng bằng và sức khỏe

Bàn chân có khả năng truyền đạt rất nhiều thông tin quan trọng, không chỉ về thế giới xung quanh mà còn về chính cơ thể và cách chúng ta định hướng không gian. Nhưng thật khó để hiểu những gì đôi bàn chân muốn nói khi chúng ta đi giày hầu hết thời gian trong ngày.

Bàn chân có nhiều đầu dây thần kinh trên mỗi centimet vuông hơn gần như bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể. Bàn chân có vai trò đánh giá cấp độ, độ dốc, kết cấu và nhiệt độ của mặt đất dưới chân. Thông tin này sau đó nhanh chóng được truyền đến bộ não để tạo ra các phản ứng hỗ trợ việc bước đi và duy trì tư thế đứng thẳng.

Nhưng nếu đi giày, các thông điệp có thể trở nên không rõ hay thậm chí không thể được truyền tải và làm hạn chế khả năng chữa lành của cơ thể. Đó là một vài lý do khiến cô Susan Milton, 54 tuổi, từ bỏ đôi giày của mình để chuyển sang đi chân trần từ một thập niên trước. Bây giờ hiếm khi cô ấy đi giày, và không quen với việc thiếu cảm giác ở lòng bàn chân.

Cô nói: “Tôi thực sự xem trọng những thông tin đó trong môi trường sống của mình. Tôi có thêm thông tin về môi trường xung quanh. Tôi thực sự thích điều này. Những thông tin từ bàn chân khiến những gì tôi đang làm [việc đi chân trần] trở thành một trải nghiệm phong phú hơn. Thật đáng ngạc nhiên.”

Đối với một số người Mỹ, việc đến những nơi công cộng mà không đi giày là hành vi xúc phạm – và thậm chí là thô bỉ. Tuy nhiên, nghiên cứu ngày càng chứng minh rằng hầu hết giày dép đang gây hại cho bàn chân, và cả cơ thể, bằng cách đặt quá nhiều gánh nặng lên các khớp dưới.

Hầu hết các đôi giày được thiết kế công phu để có lớp chống sốc nhưng cũng làm giảm cảm giác ở bàn chân. Hãy đi chân trần – ít nhất một phần thời gian trong ngày – và việc học cách hỗ trợ các dây thần kinh của bàn chân có thể giúp bất kỳ ai có hoặc không có chấn thương ở chân hỗ trợ chức năng tự nhiên của bàn chân. Nhưng đối với những người đang có vấn đề về chân, có thể cần bắt đầu [đi chân trần] một cách chậm rãi để tránh bị đau thêm.

Tại sao bề mặt tiếp xúc với bàn chân lại quan trọng

Việc biết về sự rung động và lợi ích bên cạnh những tác hại của bề mặt tiếp xúc đối với đôi chân có thể tối ưu hóa cách chúng ta chuyển động. Những mối lo chính là bề mặt mà chúng ta đi, những gì chúng ta đang làm, chấn thương trước đó và tình trạng của bàn chân.

Đệm giày có thể rất quan trọng để giảm bớt rung động – chuyển động qua lại định kỳ của các hạt – từ các bề mặt nhân tạo như bê tông, đá cẩm thạch và ngói. Những bề mặt này ít đàn hồi hơn các bề mặt tự nhiên như đất và gỗ. Điều đó làm cho chúng cứng hơn đối với cơ thể.

Rung động là cách bàn chân cảm nhận lực tác động và xác định mức độ mạnh yếu khi chạm đất. Giày có tác dụng hấp thụ sốc và các rung động đột ngột hoặc mạnh mẽ rất tốt, nhưng chúng không phân biệt giữa các bề mặt, khiến tất cả các rung động bị giảm bớt.

“Phần lớn, mọi người cần sự rung động, và nếu bỏ đi tất cả các rung động và không bao giờ tạo ra một kích thích rung động cho hệ thần kinh, thì bàn chân sẽ ngày càng yếu đi,” Tiến sĩ Emily Splichal, bác sĩ chuyên khoa về chân, nói với The Epoch Times.

Tiến sĩ Splichal cho biết, khi đi giày có chủ ý, lớp đệm giày có thể đem lại lợi ích. Các hoạt động gắng sức lặp đi lặp lại trên bề mặt cứng có thể cần có sự trợ giúp để tránh đau xương cẳng chân và viêm cân gan chân. Những người đang hồi phục sau chấn thương cũng có thể cảm thấy đau khi đi chân trần hoặc đi giày tối giản trong thời gian dài.

Tuy nhiên, đối với những người khác, đôi giày tối giản là một cách hữu ích giống với đi chân trần.

Tiến sĩ Splichal cho biết: “Đôi giày tối giản không có đệm cho phép rung động truyền vào bàn chân để kích thích sự co cơ ở bàn chân và kích thích các dây thần kinh ở bàn chân, từ đó hồi phục lại chức năng tự nhiên của bàn chân”.

Nói chung, trải nghiệm rung động từ mọi bề mặt sẽ tốt cho sức khỏe hơn vì nó giúp xây dựng mật độ xương, làm cơ bắp chân chắc khỏe, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và tăng tuần hoàn máu. Mặc dù nhiều hoạt động có vẻ kỳ lạ khi đi chân trần, nhưng không có gì lạ khi tập yoga và khiêu vũ mà không đi giày.

Đối với những người không thể đi chân trần hoặc muốn tăng tốc độ hồi phục, Tiến sĩ Splichal sử dụng một nền tảng rung gọi là Power Plate. Những rung động nhỏ được truyền qua bàn chân để kích hoạt cơ bắp, cải thiện tuần hoàn, và trợ giúp phục hồi.

Một phần của hệ thống giác quan

Bàn chân là một phần của hệ thống cảm giác thân thể, có vai trò truyền thông tin về trạng thái của cơ thể đến bộ não. Mạng lưới thần kinh trong hệ thống này giải mã những dữ liệu giúp chúng ta phân biệt kết cấu, nhận dạng vật thể và phân biệt nhiệt độ, cũng như hiểu về mối quan hệ của cơ thể trong không gian, hay còn gọi là proprioception (sự nhận cảm trong cơ thể). Hầu hết thời gian, thông tin từ bàn chân là phần duy nhất của hệ thống thần kinh giúp chúng ta đứng thẳng.

Hệ thống phức tạp này dựa trên thụ thể cảm nhận cơ học, các dây thần kinh ở lòng bàn chân (chúng cũng có lòng bàn tay) nằm giữa lớp hạ bì và lớp biểu bì, cũng như ở sâu hơn bên trong lớp hạ bì.

Tiến sĩ Splichal cho biết: “Những dây thần kinh này rất quan trọng đối với chuyển động và thăng bằng, cách chúng ta đứng yên mà không bị ngã, tiếp đến là cách chúng ta di chuyển linh hoạt và truyền năng lượng cũng như giải phóng một lượng lớn năng lượng. Những dây thần kinh này thật hấp dẫn và vô cùng có ích, giúp những tín đồ Công Giáo có thể hiểu về cơ thể nhiều hơn”.

Những cấu trúc nhỏ bé này của hệ thần kinh thu nhận và gửi thông tin đến đồi thị, một phần của bộ não chịu trách nhiệm giải thích và phân biệt tất cả các thông tin cảm giác khác ngoại trừ khứu giác.

Nếu không có cơ quan thụ cảm ở chân, cơ thể sẽ không có khả năng phản ứng với cảm giác đau, áp lực, và nhiệt độ. Chúng cung cấp thông tin quan trọng cho bộ não về vị trí, thời lượng và cường độ của kích thích, bao gồm cả bề mặt chúng ta đứng và di chuyển.

Chúng ta không cần quan tâm nhiều nếu vòng phản hồi này không bị gián đoạn. Nó có thể trở nên suy yếu do chấn thương, tuổi tác hoặc bệnh tật. Đây là lúc cần sự phục hồi, có thể từ các phương pháp, sản phẩm hoặc luyện tập để cải thiện sự cân bằng khi đứng. Những người khác có thể chọn chăm sóc cơ quan vô cùng nhạy cảm này khi chúng có dấu hiệu gián đoạn đầu tiên để ngăn ngừa thiệt hại.

Hồi phục đôi chân

Bất kể phương thức chăm sóc bàn chân nào, việc đi chân trần thường xuyên hơn – càng nhiều càng tốt – dường như đem lại nhiều lợi ích nhất, không chỉ cho bàn chân mà còn cho toàn bộ cơ thể.

Sự quan tâm của cô Milton tăng lên khi cô đi du lịch bụi với một người bạn đi chân trần trong suốt chuyến đi bộ đường dài. Cô Milton bị đau đầu gối liên tục trong nhiều thập niên. Các cách điều trị khác nhau cũng như các loại giày đa dạng không giúp cô giảm đau.

Cô nói: “Tôi cởi giày khi chúng tôi quay lại khu cắm trại và tôi thực sự yêu thích việc đó. Tôi hoàn toàn cảm thấy cơ thể mình thoải mái hơn. Cơn đau dường như đã biến mất.”

Điều đó không hoàn toàn là giai thoại. Một nghiên cứu cho thấy rằng giày là gánh nặng đối với khớp đã được công bố vào năm 2006 trên Tập san Arthritis and Rheumatology. Giày có thể là nguyên nhân gây ra một số trường hợp viêm xương khớp, đó là lý do tại sao chủ đề này cần được nghiên cứu thêm.

Bên cạnh việc cải thiện chức năng của bàn chân, có bằng chứng cho thấy việc đi chân trần cho phép cơ thể con người kết nối với các hạt mang điện trên trái đất. Điều này được gọi là tiếp đất, có thể kích thích những thay đổi sinh lý như ít đau hơn và ngủ ngon hơn. Nghiên cứu được công bố trên Tập san Environmental and Public Health năm 2012 cho thấy rằng hành động tiếp đất có thể được xem là một phần thiết yếu của sức khỏe con người, giống như ánh nắng mặt trời, không khí trong lành, nước, dinh dưỡng, và hoạt động thể chất.

Tiến sĩ Splichal cho biết chạy địa hình hoặc đi bộ đường dài trên những con đường gồ ghề, dù đi chân trần hay đi giày, cũng là một cách thực hành tốt. Sự thay đổi về bề mặt [tiếp xúc] và kích thích là bài tập cho cả bàn chân và bộ não.

Cô nói: “Điều đó đòi hỏi sự chú ý. Một trong những lợi ích lớn nhất mà tôi từng thấy trong quá trình nghiên cứu về chạy địa hình với đôi giày tối giản… là sự gia tăng nhận thức sau khi chạy địa hình. Bài tập này buộc bạn phải tập trung chú ý.”

Bạn thậm chí có thể cân nhắc đi chân trần trên máy chạy bộ. Trong một nghiên cứu về phục hồi thăng bằng cho người cao tuổi được công bố vào tháng 11/2022 trên Tập san BMC Geriatrics, những người được trị liệu bằng chân trần có dáng đi ổn định hơn so với nhóm đi giày.

Đi chân trần hoặc đi giày có lót trong có thể kích thích các dây thần kinh. Tuy nhiên, Tiến sĩ Splichal cho biết loại giày là quan trọng vì các bề mặt thực tế phải được đặt cách nhau một khoảng thích hợp để kích hoạt các thụ thể cảm nhận cơ học; nếu không, họ có thể cảm thấy chỉ như là một sự kích thích.

Cô nói: “Đây không chỉ là một mẫu kết cấu tùy ý. Mọi người cho rằng bất cứ thứ gì gồ ghề đều tạo nên kết cấu. Tác động này đối với hệ thống thần kinh không chỉ đơn thuần là do các u cục nhỏ gây ra.”

Theo cô Milton, người đứng đầu Barefoot Alliance, một tổ chức giáo dục và hỗ trợ những người theo lối sống đi chân trần, việc cảm nhận các đặc điểm của bề mặt [tiếp xúc] góp phần tạo nên tính gây nghiện của việc đi chân trần.

Nhiều thành viên sẽ đi chân trần quanh năm, ngay cả khi trời lạnh và có tuyết. Trên thực tế, mùa đông có thể là thời điểm lý tưởng để cởi giày thường xuyên hơn một chút vì nhiệt độ thấp hơn làm co mô, có thể kích thích và tăng sức mạnh cơ bắp để giảm đau khớp và tăng tính linh hoạt, cũng như cải thiện lưu thông máu. Khi nhiệt độ dưới 45°F (7.2°C) , cô Milton thường đi tất len.

Cô nói, điều cần điều chỉnh nhất là bỏ thói quen lâu ngày đi giày trước khi bước ra khỏi cửa. Việc tự nhủ với bản thân rằng những đôi giày cồng kềnh và không thực sự tuyệt vời đã giúp cô Milton tạo nên sự thay đổi. Điều này trở thành một thói tự nhiên đến nỗi lần duy nhất cô ấy nghĩ về nó là nếu cô phải đi giày và bỏ lỡ cảm giác của việc đi chân trần.

“Đó là một giác quan khác giống như nhìn và nghe. Tôi chạm vào mọi thứ vào mọi lúc. Điều này thực sự quan trọng với tôi,” cô Milton nói. “Sẽ khá thú vị một khi bạn bắt đầu làm điều đó.”

Nam Khánh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Amy Denney
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn