Hướng dẫn cơ bản về chứng đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và các phương pháp tự nhiên

Mặc dù nguyên nhân chính xác của chứng đau cơ xơ hóa vẫn chưa được biết rõ nhưng vẫn có các chiến lược điều trị và quản lý căn bệnh này một cách hiệu quả.

Đau cơ xơ hoá, còn được gọi là đau lan rộng, là một căn bệnh mạn tính gây đau khắp cơ thể, cũng như các triệu chứng khác như đau nhức, mệt mỏi và khó ngủ. Căn bệnh đang ảnh hưởng đến khoảng 2% người Mỹ trưởng thành (khoảng 4 triệu người). Một số ước tính cho thấy có khoảng 5% dân số có thể bị đau cơ xơ hóa ở một mức độ nào đó.

Mặc dù nguyên nhân chính xác của đau cơ xơ hóa vẫn chưa được biết rõ nhưng vẫn có các chiến lược điều trị và quản lý tình trạng này một cách hiệu quả.

Các loại đau cơ xơ hóa?

Đau cơ xơ hóa thường được cho là một bệnh lý đơn lẻ nhưng các triệu chứng và bệnh nền khác nhau nên biểu hiện ở mỗi người là khác nhau.

Có hai loại đau cơ xơ hóa, bao gồm:

  • Nguyên phát: Đau cơ xơ hóa nguyên phát là bệnh vô căn, nghĩa là tự phát. Đây là dạng đau cơ xơ hóa phổ biến hơn, thường được chẩn đoán khi không có bất kỳ rối loạn cơ bản liên quan nào có thể giải thích các triệu chứng khác nhau liên quan đến chứng đau cơ xơ hóa.
  • Thứ phát: Đau cơ xơ hóa thứ phát xảy ra sau một đợt triệu chứng cấp tính của các bệnh như thấp khớp, viêm cột sống dính khớp, lupus, hội chứng ruột kích thích, chấn thương và phẫu thuật.

Mặc dù hiện chưa có phân loại tiêu chuẩn bệnh nhưng khi chẩn đoán và quản lý chứng đau cơ xơ hóa, các bác sĩ cũng có thể xem xét các biến thể và phân nhóm, thường dựa trên các triệu chứng và đặc điểm cụ thể. Những phân nhóm này không được công nhận chính thức trong thực hành lâm sàng nhưng được nghiên cứu để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh.

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của chứng đau cơ xơ hóa?

Các triệu chứng đau cơ xơ hóa có thể rất khác nhau tùy theo từng người. May mắn là các triệu chứng này không gây tổn hại cho các cơ quan và không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, đau cơ xơ hóa nếu không được quản lý đúng cách, có thể làm giảm chất lượng cuộc sống một cách đáng kể. Một số triệu chứng chính bao gồm:

  • Đau lan rộng: Đây là triệu chứng phổ biến nhất. Đau mạn tính và đôi khi cứng khớp có thể được cảm nhận khắp cơ thể hoặc ở nhiều vị trí. Đau lan rộng thường ảnh hưởng đến các cơ, dây chằng và gân. Mặc dù cơn đau có thể bắt nguồn từ một vùng nhưng [bệnh nhân] có thể cảm thấy đau ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, với cường độ và cảm giác khác nhau từ nhẹ đến nặng, bao gồm: nóng rát, đau cơ, cứng khớp, đau nhức hoặc khó chịu dai dẳng. Những người khác có thể phải chịu đựng cơn đau dai dẳng suốt cả ngày. Cơn đau có thể trở nên nặng hơn khi bệnh nhân vận động, tiếp xúc với thời tiết lạnh hoặc trong thời gian căng thẳng cao.
  • Cơ thể cứng và đau nhức: Bệnh nhân đau cơ xơ hóa thường cảm thấy cơ thể cứng và đau nhức vào buổi sáng. Đôi khi, các triệu chứng cứng khớp, đau nhức cải thiện trong ngày nhưng lại trầm trọng hơn vào ban đêm.
  • Các điểm đau (tender points): Các điểm đau (còn được gọi là điểm kích hoạt) là các vị trí cụ thể trên cơ thể mà khi ấn vào sẽ gây ra cảm giác đau đớn. Áp lực ấn có thể rất nhẹ nhàng như một cái ôm thân thiện. Ngoài ra, việc ấn vào điểm đau cũng có thể gây đau ở vùng rộng hơn, như lan xuống chân, cánh tay hoặc lưng. Những điểm này có chín cặp, mỗi điểm ở mỗi bên của cơ thể, tổng cộng có 18 điểm đau.
  • Tăng độ nhạy cảm với cơn đau: Điều này là do ngưỡng đau [của bệnh nhân] giảm xuống.
  • Tăng khả năng đáp ứng với các kích thích giác quan: Các kích thích này bao gồm nhiệt độ, ánh sáng và mùi hương.
  • “Sương mù đau cơ xơ hóa”: Còn được gọi là “sương mù xơ hóa” hoặc “sương mù não,” đây là thuật ngữ dùng để mô tả một loạt khó khăn về nhận thức và thách thức tinh thần, bao gồm các vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung, rối loạn tâm thần, tốc độ phân tích và giải quyết vấn đề chậm hơn, cũng như nhầm lẫn các từ và chi tiết.
  • Rối loạn giấc ngủ: Bệnh nhân đau cơ xơ hóa có tỷ lệ bị các vấn đề về giấc ngủ cao, điều này có tác động đáng kể đến việc giảm ngưỡng đau và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh. Các rối loạn giấc ngủ này bao gồm: hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSAS), mất ngủ mạn tính và hội chứng chân không yên (RLS), dẫn đến giấc ngủ không hồi phục (non-restorative sleep).
  • Mệt mỏi cực độ: Một số người bị đau cơ xơ hóa gặp phải tình trạng mệt mỏi kéo dài. Tình trạng mệt mỏi này còn khó kiểm soát hơn cơn đau. Mệt mỏi có thể là kết quả của rối loạn giấc ngủ liên quan đến chứng đau cơ xơ hóa. Ngay cả sau khi bệnh nhân ngủ từ 8 đến 10 tiếng, một số người vẫn thức dậy với cảm giác uể oải và không tỉnh táo.
  • Nhức đầu: Hơn một nửa số bệnh nhân [đau cơ xơ hóa] đối mặt với những cơn đau đầu, bao gồm chứng đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng.
Hướng dẫn cơ bản về chứng đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và các phương pháp tự nhiên
18 điểm đau của chứng đau cơ xơ hóa. (Ảnh minh họa: The Epoch Times, Shutterstock)

Các triệu chứng ít phổ biến khác bao gồm:

  • Ngứa ran, tê, cảm giác nóng rát hoặc châm chích ở cánh tay và bàn chân.
  • Đau bụng kinh: Mặc dù đau bụng kinh cũng có thể là do lạc nội mạc tử cung, một tình trạng trong đó các mô giống niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung dẫn đến đau vùng chậu một cách đáng kể cũng như các vấn đề tiềm ẩn về khả năng sinh sản. Những người bị đau cơ xơ hóa dễ bị lạc nội mạc tử cung hơn.
  • Các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm hội chứng ruột kích thích (IBS), táo bón và tiêu chảy.
  • Lo lắng hoặc trầm cảm.
  • Bàng quang hoạt động quá mức.
  • Hội chứng khớp thái dương hàm (TMJ): Người bị TMJ có thể gặp một số triệu chứng do các vấn đề ở khớp và các cơ xung quanh, bao gồm: đau mặt, hàm hoặc cổ, cứng cơ hàm, cử động hàm khó khăn hoặc cứng khít hàm, cử động hàm làm phát ra những tiếng lách cách khó chịu, cũng như tình trạng răng hàm trên và hàm dưới bị lệch.
  • Sức bền giảm khi tập thể dục.
  • Khô mắt.
  • Hụt hơi.
  • Khó nuốt.
  • Đánh trống ngực.

Các triệu chứng của người bị đau cơ xơ hóa thường xuyên thay đổi. Các triệu chứng này bao gồm “các đợt bùng phát,” vốn trở nên trầm trọng hơn trong những thời điểm căng thẳng như:

  • Đối mặt với bệnh tật.
  • Đi du lịch.
  • Gặp phải sự thay đổi của thời tiết.
  • Trải qua sự biến động về mức độ hormone hoặc thuốc.
  • Gặp phải tình huống căng thẳng.

Đau cơ xơ hóa có thật không?

Một số người, kể cả các chuyên gia y khoa, coi đau cơ xơ hóa là một tình trạng tưởng tượng hoặc một chẩn đoán “thùng rác,” một cái tên chung để mô tả một tình trạng với những lý do không có tính y học.

Cơ sở lý luận của họ có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau đây:

  • Đau cơ xơ hóa không có dấu hiệu sinh học rõ ràng.
  • Các triệu chứng của đau cơ xơ hóa thường có tính chủ quan và tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa trên các triệu chứng do bệnh nhân tự báo cáo.
  • Đau cơ xơ hóa có nhiều triệu chứng khác nhau tùy theo từng bệnh nhân và có thể thay đổi theo thời gian. Sự thiếu nhất quán này đã làm cho một số người hoài nghi về căn bệnh.
  • Thiếu sự hiểu biết rõ ràng về các nguyên nhân cơ bản và do đó không có phương pháp điều trị nhắm mục tiêu cụ thể.
  • Quá trình chẩn đoán đau cơ xơ hóa rất phức tạp và đầy thách thức, do việc chẩn đoán thường liên quan đến việc loại trừ các tình trạng tiềm ẩn khác có các triệu chứng tương tự. Do đó, một số người có thể thấy rằng chẩn đoán đau cơ xơ hóa chỉ có được thông qua việc loại trừ.
  • Không có phòng thí nghiệm hoặc xét nghiệm hình ảnh cụ thể nào có thể chẩn đoán chứng đau cơ xơ hóa.

Một số nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lo ngại rằng vì chứng đau cơ xơ hóa có thể do sự tưởng tượng, nên việc chẩn đoán bệnh có thể không phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn mà bệnh nhân thực sự gặp phải như: viêm khớp dạng thấp, một số rối loạn tự miễn dịch, bệnh lupus, trầm cảm và nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn. Vì lý do này, một số bác sĩ thực sự coi chẩn đoán đau cơ xơ hóa là một chẩn đoán nguy hiểm.

Ngoài ra, một số người tin rằng các tranh luận trong lĩnh vực đau cơ xơ hóa phát xuất từ các hệ thống niềm tin trái ngược nhau giữa: chuyên ngành y học và tâm lý học, các chương trình nghị sự trợ giúp bệnh nhân, động cơ tài chính của ngành dược phẩm và sự theo đuổi học thuật cá nhân hơn là theo đuổi sự tiến bộ khoa học và lâm sàng một cách chân chính.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng đau cơ xơ hóa là một căn bệnh thực sự, thuộc loại loại trừ và là một rối loạn mạn tính. Tình trạng này cũng được giới học thuật toàn cầu cho là không tưởng tượng và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt một số loại thuốc điều trị bệnh.

Nguyên nhân gây đau cơ xơ hóa?

Nguyên nhân gây đau cơ xơ hóa phụ thuộc vào triệu chứng đau.

1. Nguyên phát

Đau cơ xơ hóa thường xuất hiện từ từ, không xác định được nguyên nhân. Ngược lại, đối với một số người, chứng đau cơ xơ hóa có thể phát sinh sau một căn bệnh, một sang chấn hoặc một sự kiện gây căng thẳng hoặc cảm xúc cao độ. Mặc dù, hiện vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác để một số người phát triển chứng đau cơ xơ hóa. Tình trạng này có thể do nhiều yếu tố ảnh hưởng.

Nghiên cứu cho thấy người bị đau cơ xơ hóa nhạy cảm hơn với cơn đau, khiến họ cảm thấy đau khi những người khác có thể không cảm thấy như vậy trong cùng một tình huống. Các nghiên cứu hình ảnh não và nghiên cứu khác đã tiết lộ những thay đổi trong con đường thần kinh vốn chịu trách nhiệm truyền và nhận biết cơn đau ở những người bị đau cơ xơ hóa. Nguyên lý chính của tình trạng này là việc kích thích thần kinh lặp đi lặp lại khiến bộ não thay đổi, làm thay đổi mức độ dẫn truyền thần kinh của bộ não. Thay vì các tín hiệu đau giảm dần theo thời gian, thì lại được tăng cường và các cơ quan thụ cảm cơn đau của bộ não ghi nhớ cơn đau và trở nên quá nhạy cảm, cũng như phản ứng thái quá với các tín hiệu đau. Khi bộ não hiểu sai những tín hiệu này sẽ dẫn đến đau mạn tính.

Những thay đổi về đường dẫn thần kinh này có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi, gián đoạn giấc ngủ và khó khăn về nhận thức mà những người bị bệnh đau cơ xơ hóa thường gặp phải.

Hướng dẫn cơ bản về chứng đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và các phương pháp tự nhiên
Người bị đau cơ xơ hóa rất nhạy cảm với cơn đau. Khi họ gặp phải một kích thích dù rất nhỏ thì tủy sống và não đã thay đổi khiến não diễn giải cảm giác đó là đau đớn hơn mức bình thường. Lúc này, bộ não có nhiệm vụ ức chế tín hiệu đau, nhưng thay vào đó, tín hiệu giảm dần để làm giảm cảm giác không kết nối được, khiến người bệnh rơi vào trạng thái đau đớn. (Ảnh minh họa: The Epoch Times, Shutterstock)

Các yếu tố khác dẫn đến sự phát triển của chứng đau cơ xơ hóa bao gồm:

  • Di truyền và tiền sử gia đình: Di truyền có thể đóng một vai trò trong chứng đau cơ xơ hóa, nhưng hiện thiếu bằng chứng xác thực. Phần lớn, các gene cụ thể vẫn chưa rõ ràng nhưng một số chuyên gia tin rằng có yếu tố di truyền. Những người có tiền sử gia đình bị đau cơ xơ hóa dường như phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh này cao hơn. Một bài viết đăng trên Endotext, một nguồn tài nguyên trực tuyến về bệnh nội tiết, cho biết một người có nguy cơ bị đau cơ xơ hóa cao gấp 8.5 lần nếu họ có người thân bị bệnh này, so với người có người thân bị bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Miễn dịch và viêm: Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các quá trình viêm phát xuất từ thần kinh ở các mô ngoại biên, tủy sống và bộ não góp phần vào sinh lý bệnh của chứng đau cơ xơ hóa. Điều này liên quan đến việc tiết ra các tác nhân hoạt tính sinh học như chemokine và cytokine, kích hoạt hệ miễn dịch. Các quá trình này gây ra một số triệu chứng lâm sàng trong chứng đau cơ xơ hóa, bao gồm: sưng tấy, thay đổi nhận thức và mệt mỏi. Các nghiên cứu trên bệnh nhân cũng đã xác nhận sự liên quan của tình trạng viêm với chứng đau cơ xơ hóa. Những người bị đau cơ xơ hóa có nồng độ các cytokine gây viêm ở mức cao trong hệ tuần hoàn, bao gồm cả những chất do các tế bào miễn dịch sản sinh. Căng thẳng và cảm xúc được cho là tác nhân chính gây viêm thần kinh trong chứng đau cơ xơ hóa.
  • Yếu tố môi trường: Các yếu tố môi trường được cho là có ảnh hưởng đến nguy cơ bị đau cơ xơ hoá. Những tác nhân này có thể bao gồm các tình trạng như: bệnh cấp tính, phẫu thuật, tai nạn xe cơ giới, lạm dụng về thể chất hoặc tinh thần.

2. Thứ phát

Đau cơ xơ hóa thứ phát có các triệu chứng tương tự như đau cơ nguyên phát nhưng có liên quan đến tình trạng sức khỏe mạn tính tiềm ẩn. Ví dụ, các bệnh sau đây đều có thể gây đau cơ xơ hóa thứ phát:

  • Viêm khớp dạng thấp.
  • Lupus ban đỏ hệ thống.
  • Viêm cột sống dính khớp.
  • Viêm xương khớp.
  • Trầm cảm/lo âu.
  • Đau lưng mạn tính.
  • Hội chứng ruột kích thích.

Ai có nhiều khả năng phát triển chứng đau cơ xơ hóa hơn?

Bất cứ ai cũng có thể bị đau cơ xơ hóa nhưng một số nhóm người nhất định dễ bị bệnh này hơn, gồm:

  • Phụ nữ: Ở phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 55, đau cơ xơ hóa là nguyên nhân chính gây đau cơ xương khớp nói chung, với tỷ lệ bị bệnh đau cơ xơ hóa ở phụ nữ cao gấp đôi ở nam giới. Các nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ bị đau cơ xơ hóa ở thanh thiếu niên cũng tương đương với người lớn. Đau cơ xơ hóa phổ biến nhất ở phụ nữ trung niên vì nhiều lý do như: tỷ lệ rối loạn lo âu cao hơn phụ nữ, áp dụng một số chiến lược ứng phó không hiệu quả, các đáp ứng với cơn đau thay đổi, mức độ trầm cảm tăng và các biến động nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Độ tuổi từ trung niên đến cao tuổi: Thông thường, chứng đau cơ xơ hóa bắt đầu ở tuổi trung niên và khả năng phát triển bệnh này tăng theo tuổi tác, bệnh thường được chẩn đoán ở những người trong độ tuổi từ 35 đến 45.
  • Trầm cảm hoặc lo âu: Có tới 50% số người được chẩn đoán bị chứng đau cơ xơ hóa cũng được chẩn đoán là bị trầm cảm và/hoặc lo âu. Điều này không có nghĩa trầm cảm/lo âu là nguyên nhân gây đau cơ xơ hóa nhưng cho thấy mối liên quan.
  • Tiền sử gia đình: Vì chứng đau cơ xơ hóa có xu hướng di truyền trong gia đình nên các nhà khoa học tin rằng một số gene nhất định có thể khiến chứng đau cơ xơ hóa phát triển. Tuy nhiên, những gene này vẫn chưa được biết đến. Ngoài ra, những người không có tiền sử gia đình bị bệnh đau cơ xơ hóa cũng có thể bị bệnh này.
  • Các căn bệnh tiềm ẩn: Đau cơ xơ hóa thứ phát có thể là kết quả của một số bệnh thấp khớp, rối loạn tâm trạng và khó ngủ.
  • Béo phì.
  • Chấn thương lặp đi lặp lại.
  • Hút thuốc.
  • Chấn thương não hoặc tủy sống: Chấn thương có thể là các chấn thương vật lý như tai nạn hoặc bệnh tật hay căng thẳng về cảm xúc như rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
  • Bệnh hoặc nhiễm trùng gần đây.
  • Lạm dụng chất [gây nghiện].

Đau cơ xơ hóa được chẩn đoán như thế nào?

Hiện không có xét nghiệm cụ thể trong phòng thí nghiệm hoặc quét hình ảnh để xác nhận chứng đau cơ xơ hóa. Chẩn đoán đau cơ xơ hóa chủ yếu dựa vào nhận thức chủ quan về cơn đau lan khắp cơ thể, bên cạnh các triệu chứng đi kèm khác. Vì các triệu chứng chính là: đau và mệt mỏi, vốn trùng lặp với nhiều tình trạng bệnh lý khác nên bác sĩ thường nỗ lực loại bỏ các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ra các triệu chứng này.

American College of Rheumatology đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán sơ bộ chứng đau cơ xơ hóa và đánh giá mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, cho thấy một bệnh nhân đáp ứng các tiêu chí chẩn đoán đau cơ xơ hóa nếu đáp ứng đủ ba điều kiện dưới đây:

  • Chỉ số đau lan rộng (WPI) là 7 và thang điểm chỉ mức độ nghiêm trọng của triệu chứng (SS) là 5 hoặc WPI từ 3 đến 6 và thang điểm SS là 9.
  • Các triệu chứng luôn xuất hiện ở mức độ tương đương tối thiểu trong 3 tháng.
  • Không có rối loạn tiềm ẩn nào khác có thể giải thích được cơn đau.

Cụ thể, WPI đếm số vùng mà bệnh nhân bị đau trong tuần qua. Số vùng đau sẽ nằm trong khoảng từ 0 đến 19. Thang điểm SS đánh giá tình trạng mệt mỏi, sảng khoái khi thức dậy vào buổi sáng và các triệu chứng nhận thức trong tuần qua bằng thang điểm sau: 0 = không có vấn đề, 1 = vấn đề nhẹ, 2 = vấn đề vừa phải và 3 = vấn đề nghiêm trọng.

Nếu quý vị cho rằng mình bị đau cơ xơ hóa hoặc nhận thấy bất kỳ dấu hiệu sớm nào, hãy tham khảo ý kiến ​​​​của chuyên gia chăm sóc sức khỏe có kinh nghiệm về chứng đau cơ xơ hóa.

Bác sĩ có thể thực hiện các bước sau để chẩn đoán chứng đau cơ xơ hóa:

  • Tìm hiểu về bệnh sử: Bác sĩ sẽ trao đổi với quý vị về bệnh sử và các triệu chứng, bao gồm chi tiết về cơn đau (vị trí, mức độ nghiêm trọng, thời gian), sự mệt mỏi và các vấn đề về nhận thức như vấn đề về trí nhớ, cũng như tiền sử gia đình bị đau cơ xơ hóa (nếu có). Ngoài ra, các tình trạng bệnh lý hiện có của quý vị sẽ rất quan trọng trong việc xác định bất kỳ nguyên nhân nào khác gây ra cơn đau.
  • Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ khám sức khỏe để kiểm tra nếu quý vị có bất kỳ dấu hiệu nào của các tình trạng bệnh lý khác hay không, như hội chứng mệt mỏi mạn tính, hội chứng đau cân cơ, đau đa cơ do thấp khớp hoặc bệnh đa xơ cứng. Bởi vì một số tình trạng này có các triệu chứng giống/tương tự với chứng đau cơ xơ hóa.
  • Yêu cầu một số xét nghiệm nhất định để chẩn đoán: Các xét nghiệm này được thực hiện để loại trừ các tình trạng khác có thể gây đau. Chụp X-quang và các xét nghiệm hình ảnh khác cũng có thể được yêu cầu ngoài những xét nghiệm được liệt kê dưới đây.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Tiến hành các xét nghiệm sau đây để kiểm tra nồng độ hormone và các dấu hiệu viêm, nhằm cung cấp thông tin có giá trị cho bác sĩ để có chẩn đoán chính xác:

  • Công thức máu toàn bộ (CBC): Xét nghiệm máu này đo mức bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu trong máu và đánh giá khả năng vận chuyển oxy của bệnh nhân.
  • Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP): Xét nghiệm protein phản ứng c đo mức CRP trong máu, vốn là một loại protein do gan sản xuất. Bình thường, mức CRP thấp nhưng sẽ tăng lên khi cơ thể bị viêm. Mức CRP tăng cao cho thấy tình trạng sức khỏe đáng lo ngại liên quan đến tình trạng viêm.
  • Bảng trao đổi chất toàn diện (CMP): Bảng trao đổi chất toàn diện đo 14 chất trong máu, bao gồm: glucose, calcium, sodium (natri), potassium (kali), carbon dioxide, clorua và tổng số protein, đồng thời đo chức năng thận. CMP cung cấp những hiểu biết sâu sắc về sự cân bằng hóa học và trao đổi chất trong cơ thể. Mức độ bất thường của các chất này có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe trầm trọng.
  • Tốc độ lắng của hồng cầu (ESR hoặc tốc độ máu lắng): Xét nghiệm này đo tốc độ các tế bào hồng cầu lắng xuống đáy ống nghiệm. Khi bị sưng và viêm, các protein trong máu sẽ tập hợp lại và trở nên đặc hơn bình thường nên lắng xuống nhanh hơn. Thông thường, tế bào máu di chuyển càng nhanh, thể hiện tình trạng viêm càng rõ rệt.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp (TFT): Xét nghiệm chức năng tuyến giáp thường gồm đo hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và hormone tuyến giáp trong máu để đánh giá chức năng của tuyến giáp và khả năng điều chỉnh sản xuất hormone.

Các biến chứng của đau cơ xơ hóa?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, các biến chứng của đau cơ xơ hóa có thể bao gồm:

  • Tỷ lệ nhập viện tăng: Người bị đau cơ xơ hóa có nguy cơ phải nhập viện cao gấp đôi so với những người không bị bệnh.
  • Chất lượng cuộc sống giảm
  • Tỷ lệ bị trầm cảm nặng tăng cao: Người lớn bị đau cơ xơ hóa có nguy cơ bị trầm cảm nặng cao hơn gấp 3 lần so với những người không bị bệnh này.
  • Nguy cơ tự tử và tử vong liên quan đến chấn thương cao hơn: Bệnh nhân đau cơ xơ hóa có tỷ lệ tự tử và tử vong liên quan đến chấn thương cao hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trong số những người trưởng thành bị đau cơ xơ hóa tương đương tỷ lệ tử vong của dân số nói chung.
  • Tỷ lệ bị các bệnh thấp khớp khác ngày càng tăng: Đau cơ xơ hóa thường đi kèm với bệnh lupus và các loại viêm khớp như: viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.

Các phương pháp điều trị đau cơ xơ hóa?

Đau cơ xơ hóa thường tồn tại trong suốt cuộc đời của người bệnh. Điều quan trọng là đây không phải là một căn bệnh tiến triển, có nghĩa là bệnh không trầm trọng hơn theo thời gian và cũng không dẫn đến tổn thương ở khớp, cơ hoặc cơ quan nào.

Mặc dù chưa có cách điều trị chứng đau cơ xơ hóa nhưng người bệnh có thể kiểm soát và điều trị các triệu chứng bằng thuốc và các chiến lược tự kiểm soát.

Điều trị chủ yếu nhằm mục đích giảm đau, mệt mỏi, trầm cảm và các triệu chứng điển hình khác liên quan đến chứng đau cơ xơ hóa. Mục tiêu là phá vỡ chu kỳ nhạy cảm với cơn đau liên tục khiến hoạt động thể chất giảm và làm cho độ nhạy cảm với cơn đau tăng thêm. Khi điều trị chứng đau cơ xơ hóa thứ phát, ngoài các lựa chọn điều trị nói trên, cũng cần giải quyết và điều trị các rối loạn tiềm ẩn gây ra các triệu chứng đau cơ xơ hóa thứ phát.

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe chuyên điều trị chứng đau cơ xơ hóa và các tình trạng viêm, như viêm khớp, được gọi là bác sĩ thấp khớp. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác có thể tham gia vào quá trình điều trị bao gồm chuyên gia thể dục sinh lý, chuyên gia sức khỏe tâm thần, cố vấn được đào tạo về liệu pháp nói chuyện, chuyên gia kiểm soát cơn đau, nhà trị liệu vật lý và chuyên gia về giấc ngủ.

Trong khi các trường hợp nhẹ hơn có thể cải thiện bằng cách giảm căng thẳng hoặc điều chỉnh lối sống, thì những trường hợp nặng hơn có thể cần đến phương pháp điều trị toàn diện theo nhóm. Ngoài ra, [trong một số trường hợp] mặc dù lúc đầu đã điều trị bằng cách không dùng thuốc và dùng thuốc đơn lẻ với liều tối đa có thể dung nạp, nhiều bệnh nhân vẫn có triệu chứng. Trong những trường hợp như vậy, có thể khuyến nghị điều trị bằng cách kết hợp các loại thuốc, trị liệu hành vi nhận thức (CBT) hoặc các liệu pháp bổ trợ khác.

Các lựa chọn điều trị được khuyến nghị thường bao gồm:

1. Tập thể dục và Thể hình (Vật lý trị liệu)

Vật lý trị liệu là một phương pháp tiếp cận khoa học tập trung vào việc cải thiện hoặc phục hồi chức năng các bộ phận khác nhau của cơ thể bằng các biện pháp vật lý.

Tập thể dục đều đặn, đặc biệt là các bài tập cardio, là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để kiểm soát chứng đau cơ xơ hóa vì tập thể dục giúp giảm đau và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Việc rèn luyện sức khỏe với các bài tập cardio được khuyến nghị bao gồm tập thể dục nhịp điệu 3 lần/tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút .

Ngoài ra, có thể áp dụng thủy trị liệu, như thể dục nhịp điệu dưới nước hoặc bơi lội, vì nước ấm và áp lực của nước giúp giảm đau, giảm viêm và cải thiện chức năng thể chất.

Bác sĩ thấp khớp của quý vị cũng có thể đề nghị các bài tập nhẹ nhàng bổ sung khác, bao gồm yoga hoặc đi bộ nhẹ, để tăng sức mạnh cơ bắp, tăng tính linh hoạt và sức bền.

Những người bị đau cơ xơ hóa thường được khuyên nên tránh xa các hoạt động đòi hỏi chuyển động nhanh, đột ngột và các bài tập có tác động mạnh, như chạy và nhảy, mặc dù một số người có thể dần dần tăng cường hoạt động lên mức độ này.

Quý vị nên bắt đầu với cách tiếp cận nhẹ nhàng và phát triển dần dần. Ban đầu, hãy làm ít hơn những gì quý vị dự đoán mình có thể làm được. Nếu tập thể dục gây ra cơn đau bất thường hoặc quá mức bình thường, điều quan trọng là dừng lại. Việc cố gắng tiếp tục tập có thể dẫn đến chấn thương hoặc làm cho các triệu chứng đau cơ xơ hóa trầm trọng hơn.

2. Thay đổi lối sống

Tự chăm sóc cũng là một phần quan trọng trong việc kiểm soát chứng đau cơ xơ hóa. Những thay đổi lối sống sau đây được khuyến khích:

  • Ngủ đủ giấc: Hầu hết người lớn nên ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm. Vì chứng đau cơ xơ hóa có thể làm gián đoạn giấc ngủ, quý vị có thể cố gắng tăng thời gian và chất lượng giấc ngủ bằng cách duy trì cố định thời gian đi ngủ và thức dậy, tránh dùng caffeine, rượu và các bữa ăn nhiều gia vị trước khi đi ngủ, tránh ngủ trưa, tham gia các hoạt động thư thái trước khi ngủ mà không dùng màn hình, như nghe nhạc êm dịu hoặc tắm nước ấm.
  • Kiểm soát căng thẳng: Giảm căng thẳng là cần thiết, vì căng thẳng có thể làm bùng phát triệu chứng đau cơ xơ hóa. Quý vị có thể áp dụng các kỹ thuật thư giãn, các chương trình giảm căng thẳng chính quy, thiền định, yoga, các bài tập thở, châm cứu, xoa bóp và liệu pháp nói chuyện.
  • Xác định và tránh các tác nhân gây bệnh: Quý vị phải học cách nhận biết và xác định chính xác các “tác nhân kích thích” làm trầm trọng thêm các triệu chứng, có thể bao gồm thay đổi thời tiết, các hoạt động cụ thể, các tác nhân gây căng thẳng hoặc thiếu ngủ. Sau đó, hãy tránh xa hoặc phát triển các chiến lược để kiểm soát các tác nhân này một cách hiệu quả.
  • Giảm đau và cứng khớp: Uống thuốc giảm đau, chườm nóng hoặc lạnh, tập thể dục và xoa bóp giúp giảm đau và giảm cứng khớp.
  • Quan sát trạng thái tinh thần: Tỷ lệ bị chứng rối loạn lo âu và trầm cảm của một người lần lượt là 60% và 74%. Quý vị nên tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ nếu có dấu hiệu trầm cảm hoặc lo âu.
  • Thực đơn ăn uống cân bằng, chống viêm: Mặc dù không có thực đơn ăn uống cụ thể cho chứng đau cơ xơ hóa. Tuy nhiên, có một thực đơn ăn uống bổ dưỡng và ăn các thực phẩm làm giảm viêm, bao gồm rau xanh, rau màu vàng đậm, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, có lợi cho các triệu chứng đau cơ xơ hóa và sức khỏe tổng thể. Thực phẩm gây viêm bao gồm thịt đỏ, đặc biệt là thịt đã qua chế biến, thực phẩm nướng công nghiệp, bánh ngọt làm từ bột mì tinh chế, thực phẩm chiên ngập dầu, thực phẩm có nhiều đường bổ sung, thực phẩm chế biến sẵn làm từ dầu hạt và thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa (trans).
  • Tránh hút thuốc: Đối với bệnh nhân đau cơ xơ hóa, hút thuốc có liên quan đến rối loạn chức năng nhận thức và làm tăng mức độ trầm trọng của triệu chứng, giảm chất lượng cuộc sống, các vấn đề về giấc ngủ và tăng sự lo âu khi so sánh với những người không hút thuốc. Vì vậy, tránh hút thuốc là điều quan trọng đối với những người bị đau cơ xơ hóa.
  • Điều chỉnh nhu cầu công việc: Làm việc có lợi cho sức khỏe nhưng quý vị nên tránh căng thẳng quá mức và nghỉ ngơi đều đặn trong quá trình làm việc. Quý vị có thể tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu nghề nghiệp để được trợ giúp về vấn đề này.

3. Thuốc

Mặc dù [triệu chứng] của một số bệnh nhân có thể thuyên giảm rõ rệt chỉ bằng các phương pháp không dùng thuốc. Tuy nhiên, đối với phần lớn bệnh nhân đau cơ xơ hóa, nên kết hợp các phương pháp không dùng thuốc với dùng thuốc.

Vì các phương pháp điều trị thông thường như thuốc giảm đau có thể không phải lúc nào cũng giúp giảm đau cho những người bị đau cơ xơ hóa, họ cần phải dùng thử nhiều loại thuốc trước khi tìm ra loại thuốc hiệu quả nhất và họ có thể thấy rằng loại thuốc lúc đầu giúp làm giảm các triệu chứng thì sau một thời gian lại trở nên kém hiệu quả hơn.

FDA đã phê chuẩn 3 loại thuốc để điều trị chứng đau cơ xơ hóa, bao gồm duloxetine, milnacipran và pregabalin. Chúng thuộc các loại thuốc khác nhau, bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm thường được kê đơn cho chứng đau cơ xơ hóa để giảm đau và mệt mỏi bằng cách tăng một số chất dẫn truyền thần kinh trong bộ não, giảm độ nhạy cảm với cơn đau. Thông thường, việc điều trị bắt đầu bằng thuốc chống trầm cảm ba vòng. SNRI là một nhóm thuốc chống trầm cảm, được gọi là chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine, làm tăng mức serotonin và norepinephrine. Duloxetine và milnacipran là SNRI. Ngoài ra, thuốc chống trầm cảm ba vòng như cyclobenzaprine giúp tăng cường mức độ dẫn truyền thần kinh và giúp ngủ ngon. Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng hoặc không thể dung nạp thuốc chống trầm cảm ba vòng, các lựa chọn thay thế khác gồm: SNRI hoặc thuốc chống co giật.
  • Thuốc giảm đau: Các thuốc giảm đau như acetaminophen (còn được gọi là paracetamol) và ibuprofen giúp giảm đau tạm thời. Thuốc giảm đau kháng viêm thường không hiệu quả đối với chứng đau cơ xơ hóa vì đau cơ xơ hoá thường không liên quan đến viêm mô. Tuy nhiên, thuốc giảm đau có thể giúp giảm nhẹ các tình trạng đau khác. Thuốc kháng viêm không steroid không kê đơn (NSAID), bao gồm ibuprofen và naproxen, có thể làm giảm đau cơ và khớp sâu do đau cơ xơ hóa. NSAID có thể hiệu quả hơn khi dùng kết hợp với các thuốc điều trị đau cơ xơ hóa khác. Việc dùng NSAID liều cao, kéo dài có thể làm tăng nguy cơ ợ ​​nóng, xuất huyết tiêu hóa và các biến chứng ở tim, thận và gan, cũng như [khiến cơ thể ] giữ nước.
  • Thuốc chống co giật: Thuốc chống co giật như pregabalin có thể làm giảm cơn đau cơ xơ hóa bằng cách làm dịu các tế bào thần kinh truyền tín hiệu đau hoạt động quá mức và có thể cải thiện giấc ngủ. Các tác dụng phụ của thuốc chống co giật gồm: buồn ngủ, chóng mặt, giữ nước và tăng cân. Bệnh nhân đau cơ xơ hóa cũng có thể dùng thuốc chống co giật để giảm đau và nâng cao chất lượng giấc ngủ vì thuốc hoạt động bằng cách làm gián đoạn việc truyền tín hiệu đau đến bộ não.
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc giãn cơ cũng có thể làm giảm đau và cải thiện giấc ngủ ở những người bị đau cơ xơ hóa. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc giãn cơ bao gồm chóng mặt, buồn ngủ, mờ mắt, khó tiểu, táo bón và khô miệng.

4. Trị liệu bằng trò chuyện và tư vấn

Tâm lý trị liệu, thường được gọi là liệu pháp trò chuyện, bao gồm một loạt các phương pháp điều trị được thiết kế để trợ giúp bệnh nhân nhận biết và sửa đổi những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi, nhằm kiểm soát cơn đau, căng thẳng và suy nghĩ tiêu cực. Một vài lựa chọn bao gồm:

  • Trị liệu hành vi nhận thức (CBT): CBT là một hình thức tư vấn vốn tập trung vào việc sửa đổi các lối suy nghĩ và hành vi cụ thể để kiểm soát các triệu chứng của căn bệnh. Có bằng chứng cho thấy CBT có thể có hiệu quả trong việc giảm đau và tàn tật liên quan đến chứng đau cơ xơ hóa.
  • Liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT): Liệu pháp chấp nhận và cam kết bao gồm việc học cách chấp nhận những gì quý vị không thể kiểm soát và cam kết thực hiện những thay đổi để cải thiện cuộc sống. ACT đã chứng minh tính hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giấc ngủ, giảm đau và kiểm soát những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.

5. Kích thích điện một chiều xuyên sọ (tDCS)

Kích thích điện một chiều xuyên sọ (tDCS) là một kỹ thuật kích thích bộ não được dùng rộng rãi, có thể tăng cường hoặc ức chế các hành vi khác nhau bằng cách điều chỉnh tính dễ bị kích thích của vỏ não. tDCS đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc điều trị các cơn đau mạn tính như đau cơ xơ hóa.

Một đánh giá hệ thống vào tháng 11/2023 gồm 20 nghiên cứu phân tích định tính và 11 nghiên cứu phân tích định lượng, đã xác định rằng tDCS có tác dụng giảm đau ngắn hạn đối với chứng đau cơ xơ hóa cũng như các tác dụng ngắn hạn và trung hạn đối với trầm cảm và lo âu. Tuy nhiên, tác dụng lâu dài không được quan sát thấy và trong khi hầu hết các nghiên cứu chỉ báo cáo tác dụng phụ nhẹ hoặc không có, thì có 5 nghiên cứu báo cáo các tác dụng phụ đáng kể.

Cuối cùng, mặc dù tDCS có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả, đặc biệt đối với chứng trầm cảm và lo âu liên quan đến chứng đau cơ xơ hóa. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định mục tiêu và thông số tốt nhất cho việc điều trị. Hiện tại, bằng chứng về hiệu quả của tDCS so với việc điều trị bằng giả dược còn hạn chế.

Cách suy nghĩ ảnh hưởng đến chứng đau cơ xơ hóa như thế nào?

Đau cơ xơ hóa dường như có mối quan hệ đáng kể với trạng thái tinh thần và các đặc điểm tâm lý so với nhiều căn bệnh thể chất khác. Một bài viết năm 2019 trên Tập san Psychology Research and Behavior Management (Nghiên cứu Tâm lý và Quản lý Hành vi) cho biết, mặc dù chấn thương và căng thẳng cao độ có thể gây đau cơ xơ hóa; nhưng suy nghĩ tiêu cực, trạng thái tâm thần và tính khí bất ổn đều có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ngoài ra, tính hướng ngoại ở bệnh nhân đau cơ xơ hóa cũng liên quan đến mức độ lo âu, trầm cảm và đau đớn thấp hơn, cho thấy tính cách và cách tiếp cận của một người đối bệnh tình của họ có thể mang lại tác dụng bảo vệ.

Hiệp hội Đau cơ xơ hóa Quốc gia cho biết, việc giữ một thái độ/lối suy nghĩ tích cực là rất quan trọng vì nhiều nghiên cứu cho thấy thái độ tích cực có tác động sinh lý một cách đáng kể. Sự bi quan có liên quan đến sức khỏe kém hơn, trong khi sự lạc quan có liên quan đến khả năng hồi phục nhanh hơn khi đối mặt với bệnh tật.

Một nghiên cứu tiết lộ rằng, trong dân số nói chung, những người lạc quan nhất có tuổi thọ trung bình dài hơn từ 11% đến 15% và họ có cơ hội sống đến 85 tuổi, cao hơn đáng kể so với những người trong nhóm ít lạc quan nhất.

Mặc dù chỉ với cách suy nghĩ tích cực có thể không chữa được chứng đau cơ xơ hóa nhưng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể cho bệnh nhân. Ví dụ, hướng suy nghĩ tích cực có thể dẫn đến những điều sau:

  • Giảm căng thẳng: Duy trì thái độ tích cực có thể giúp giảm căng thẳng, được cho là làm trầm trọng thêm các triệu chứng đau cơ xơ hóa.
  • Giảm đau: Các yếu tố tâm lý và cảm xúc, bao gồm cả nhận thức về cơn đau của một người, có thể ảnh hưởng đến cảm giác đau. Cách suy nghĩ tích cực có thể dẫn đến những cảm xúc tích cực, có khả năng làm giảm cơn đau.
  • Giảm trầm cảm: Lối suy nghĩ tích cực có thể giúp bệnh nhân thoát khỏi trầm cảm và mang lại cho họ cảm giác hạnh phúc.
  • Thúc đẩy tuân thủ điều trị: Những bệnh nhân có quan điểm tích cực có thể có động lực hơn để tuân thủ kế hoạch điều trị.

Các phương pháp tiếp tự nhiên đối với chứng đau cơ xơ hóa?

Các chuyên gia y tế khuyến nghị áp dụng nhiều liệu pháp thay thế và bổ sung như sau:

1. Châm cứu

Trong Trung y, châm cứu là dùng chiếc kim mỏng châm vào các điểm cụ thể trên cơ thể. Theo một phân tích gộp, liệu pháp châm cứu dường như là một phương pháp an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân đau cơ xơ hóa. Trong một phân tích gộp khác, bằng chứng từ mức độ thấp đến trung bình cho thấy châm cứu có thể đem lại những lợi ích sức khỏe nhất định cho người bệnh đau cơ xơ hóa.

2. Thực phẩm bổ sung

Nhiều chất bổ sung đã chứng minh hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng đau cơ xơ hóa. Tuy nhiên, nhiều thực phẩm bổ sung có thể không phù hợp với tất cả bệnh nhân do có tác dụng phụ và tương tác với các loại thuốc khác mà bệnh nhân đang dùng. Ngoài ra, không giống như thuốc, thực phẩm bổ sung không cần sự chấp thuận của FDA trước khi bán. Hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi thử bất kỳ chất bổ sung nào.

  • Acid béo omega-3 (dầu cá): Nổi tiếng với đặc tính kháng viêm, việc kết hợp bổ sung dầu cá chất lượng cao có thể làm giảm viêm và đau, đồng thời tăng sức đề kháng.
  • Vitamin D: Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung vitamin D cho bệnh nhân đau cơ xơ hóa có thể giúp giảm đau.
  • Acetyl L-Carnitine: Còn được gọi là ALCAR, acetyl L-Carnitine là một dạng biến đổi của acid amin Carnitine. Chất này đóng vai trò sản xuất năng lượng trong cơ thể. Những phát hiện ban đầu của một nghiên cứu cho thấy ALCAR cũng có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng trầm cảm và đau đớn, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bị đau cơ xơ hóa.
  • Magnesium citrate: Một số nghiên cứu cho thấy thiếu magnesium, vốn ảnh hưởng đến mức năng lượng của cơ, có thể liên quan đến sự phát triển chứng đau cơ xơ hóa. Trong một nghiên cứu, những phụ nữ uống 300mg magnesium citrate mỗi ngày trong vòng 8 tuần đã nhận thấy sự cải thiện ở những vùng bị đau, chứng trầm cảm và lo âu.
  • S-adenosylmethionine (SAMe): S-adenosylmethionine được tổng hợp tự nhiên trong cơ thể từ methionine, một loại acid amin có trong thực phẩm và được phát hiện là có tác dụng điều chỉnh các chức năng thiết yếu trong tế bào sống. Một nghiên cứu cho thấy, uống SAM-e với liều lượng đề nghị là 800mg mỗi ngày, có thể đem lại lợi ích cho người bị đau cơ xơ hóa.
  • Coenzyme Q10 (CoQ10): Coenzyme Q10 là một hợp chất chuyển đổi năng lượng và là chất chống oxy hóa mạnh có trong hầu hết các tế bào trong cơ thể. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, 20 bệnh nhân đau cơ xơ hóa đã dùng 300mg CoQ10 mỗi ngày trong vòng 40 ngày cho thấy: cơn đau, các điểm đau, mệt mỏi và uể oải vào buổi sáng đã thuyên giảm đáng kể, cũng như cải thiện hoạt động của enzyme chống oxy hóa và chức năng của ty thể.
  • Melatonin: Melatonin là hormone ngủ do tuyến tùng sản xuất vào ban đêm, không chỉ giúp ngủ ngon mà còn giúp chống oxy hóa. Một nghiên cứu cho thấy melatonin có thể giúp cải thiện cơn đau liên quan đến đau cơ xơ hóa, ngưỡng đau và chất lượng giấc ngủ.

3. Thảo dược

Một số liệu pháp thảo dược cũng có thể làm giảm các triệu chứng đau cơ xơ hóa, bao gồm:

  • Rễ gừng (Zingiber officinale): Rễ gừng có chứa các hợp chất hoạt tính được gọi là gingerols và shogaols, có đặc tính giảm đau và kháng viêm. Kết quả của một nghiên cứu trên động vật cho thấy khi những con chuột bị đau cơ giống với đau cơ xơ hóa ăn rễ gừng hàng ngày, thì thuốc giảm đau đã có tác dụng tốt hơn, đồng thời các vấn đề về viêm và trí nhớ liên quan đến chứng đau mạn tính của chuột được cải thiện.
  • Nhân sâm (Panax Ginseng): Nhân sâm có chứa các hợp chất đặc trưng gọi là ginsenosides có tác dụng giảm đau. Trong một nghiên cứu, chiết xuất nhân sâm dường như giúp giảm số lượng điểm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân đau cơ xơ hóa. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể kết luận chắc chắn rằng phương pháp điều trị này hiệu quả hơn giả dược.
  • Nghệ (Curcuma longa): Nghệ có chứa chất curcumin, một loại polyphenol có đặc tính chống oxy hóa, chống ung thư và kháng viêm. Một nghiên cứu, các bệnh nhân bị đau cơ xơ hóa uống thuốc Flexofytol có chứa curcumin. Kết quả cho thấy 41 trong số 62 bệnh nhân đã nhận được lợi ích sức khỏe từ loại thuốc này.
  • Capsicum hoặc capsaicin (Zostrix): Capsaicin là một trong những hợp chất hóa học có trong ớt, tạo ra cảm giác cay hoặc nóng khi ăn hoặc bôi lên da. Capsaicin thường được dùng như một phương pháp giúp giảm đau dưới nhiều dạng khác nhau như: kem bôi, dung dịch, miếng dán và thậm chí là thực phẩm bổ sung. Trong một nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân đau cơ xơ hóa trầm trọng bôi kem capsaicin 0.075% 3 lần/ngày trong 6 tuần, đã giảm đau trong thời gian ngắn.

4. Trị liệu chỉnh hình

Liệu pháp chỉnh hình tập trung vào chẩn đoán và điều trị các rối loạn cơ học của hệ cơ xương. Bác sĩ trị liệu nắn khớp xương dùng các thao tác thủ công và điều chỉnh cột sống cũng như các bộ phận khác của cơ thể để giảm đau và cải thiện chức năng.

Trong một nghiên cứu thí điểm liên quan đến 21 bệnh nhân đau cơ xơ hóa, điều trị chỉnh hình đã giúp cải thiện tính linh hoạt của cổ và lưng dưới, tăng khả năng vận động của chân và giảm mức độ đau.

5. Xoa bóp

Liệu pháp xoa bóp bao gồm thao tác thực hành trên các mô mềm của cơ thể giúp thả lỏng và giảm đau. Xoa bóp thường bao gồm các kỹ thuật như nắn bóp, chà xát và tạo áp lực lên cơ và mô liên kết.

Theo một đánh giá hệ thống, liệu pháp xoa bóp kéo dài ít nhất 5 tuần cho thấy tác dụng tích cực ngay lập tức trong việc giảm đau, lo âu và trầm cảm ở bệnh nhân đau cơ xơ hóa.

6. Thực hành Thân-Tâm

  • Thực hành chánh niệm: Trong một nghiên cứu, sau khi tham gia chương trình Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR), một nhóm bệnh nhân đau cơ xơ hóa đã giảm căng thẳng, rối loạn giấc ngủ và mức độ trầm trọng của triệu chứng một cách đáng kể.
  • Thái cực quyền và khí công: Thái cực quyền, bắt nguồn từ các môn võ thuật cổ xưa của Trung Hoa, bao gồm các động tác chậm, nhẹ nhàng, thiền định và kiểm soát hơi thở. Khí công là một môn tu luyện cổ xưa của Trung Hoa với mục đích tối ưu hóa năng lượng trong cơ thể, tâm trí và tinh thần để cải thiện sức khỏe và tinh thần tổng thể. Cả hai phương pháp đều có thể làm giảm căng thẳng và giúp bệnh nhân đau cơ xơ hóa thả lỏng. Cụ thể, trong một nghiên cứu, thái cực quyền giúp cải thiện các triệu chứng đau cơ xơ hóa tương đương hoặc tốt hơn so với tập thể dục nhịp điệu, một phương pháp điều trị rất phổ biến thời nay. Ngoài ra, các buổi tập thái cực quyền dài hơn sẽ đem lại những cải thiện tốt hơn. Ngoài ra, một đánh giá gồm 4 nghiên cứu với 201 người tham gia tập luyện khí công, liên tục từ 30 đến 45 phút mỗi ngày trong vòng 6 đến 8 tuần, đã quan sát thấy những cải thiện rõ rệt về cơn đau, giấc ngủ, cũng như tác động [tích cực] đến cuộc sống hàng ngày và cả chức năng thể chất và tinh thần. Những lợi ích này được duy trì trong 4 đến sáu 6 sau đó.
  • Yoga: Yoga cũng có tác dụng tuyệt vời trong việc giảm căng thẳng và nâng cao sức khỏe tổng thể. Trong một nghiên cứu điển hình, một phụ nữ tham gia đã thực hành các tư thế yoga trong 1 giờ/ngày, 6 ngày/tuần, trong vòng 9 tháng. Cô cho biết, cơ bắp bớt mỏi và chất lượng cuộc sống cũng như giấc ngủ được cải thiện.

Làm thế nào để ngăn ngừa chứng đau cơ xơ hóa?

Thật không may, chứng đau cơ xơ hóa không thể được ngăn ngừa hoàn toàn vì nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được hiểu đầy đủ, cũng như tình trạng này có thể do yếu tố di truyền. Tuy nhiên, áp dụng các chiến lược tự chăm sóc để điều trị tình trạng này có thể giúp giảm nguy cơ phát triển chứng đau cơ xơ hóa, bao gồm:

  • Tập thể dục đều đặn.
  • Kiểm soát căng thẳng.
  • Thực đơn ăn uống cân bằng và bổ dưỡng.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Tránh gắng sức quá mức.
  • Duy trì trạng thái hạnh phúc về mặt cảm xúc.

Nếu quý vị có nguy cơ bị đau cơ xơ hóa do tiền sử gia đình hoặc các yếu tố khác, hãy cân nhắc thảo luận các biện pháp ngăn ngừa với chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Được xem xét về mặt y tế bởi bác sĩ Beverly Timeding.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Mercura Wang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mercura Wang là ký giả của thời báo The Epoch Times. Liên lạc với cô qua email: [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn