Dùng một chút cà phê khi mang thai cũng có thể khiến trẻ chậm phát triển

Đa số phụ nữ mang thai được bảo rằng việc uống một tách cà phê mỗi ngày là an toàn cho trẻ, do cà phê không gây sẩy thai hay sinh non. Nhưng một nghiên cứu mới đã cho thấy những rủi ro không ngờ: Những bà mẹ đang mang thai nếu dùng caffeine, dù chỉ là một lượng nhỏ, cũng có thể sinh ra những đứa trẻ thấp hơn.

Tác giả chính của nghiên cứu, cô Jessica Gleason, một nhà nghiên cứu tại Viện Quốc gia Hoa Kỳ về Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người, cho biết: “Bài học rút ra là, việc dùng caffeine trong thời kỳ mang thai, dù là một lượng nhỏ, có liên quan đến chiều cao thấp hơn trong thời thơ ấu của trẻ.”

Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến nghị phụ nữ mang thai nên dùng ít hơn 200 miligam (mg) caffeine mỗi ngày, tương đương với khoảng hai tách cà phê 6 ounce (180ml).

Người ta vẫn chưa hiểu rõ một cách chính xác về cách caffeine ảnh hưởng đến tầm vóc của trẻ, nhưng các nhà nghiên cứu có một số giả thuyết.

Cô Gleason giải thích: “Quá trình chuyển hóa caffeine của người mẹ bị chậm lại trong thời kỳ mang thai. Trong khi caffeine và các chất chuyển hóa có thể đi qua nhau thai, thai nhi lại không thể chuyển hóa hoặc phân hủy những chất này. [Vì vậy,] trong suốt quá trình mang thai, thai nhi có thể tích tụ caffeine.”

Trong các nghiên cứu trên động vật, điều này dẫn đến sự thay đổi trong các mô hình tăng trưởng thông thường. Hơn nữa, quá nhiều caffeine cũng có thể làm tăng độ nhạy insulin ở thai nhi, gây ra những hậu quả lâu dài cho sự phát triển bình thường, cô Gleason nói thêm.

Cô cho biết không chỉ riêng cà phê. “Nghiên cứu của chúng tôi tính đến tất cả caffeine, bao gồm các sản phẩm đã loại bỏ caffeine và thực phẩm có thể chứa caffeine.”

Danh sách này bao gồm chocolate, trà, nước tăng lực và soda. “Kết quả cuối cùng của chúng tôi dựa trên bất kỳ sự tiếp xúc nào với caffeine, không chỉ cà phê,” cô Gleason lưu ý.

Ở nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phân tích nồng độ caffeine và sản phẩm phân hủy của caffeine, paraxanthine, trong mẫu máu của hơn 2,400 phụ nữ mang thai trong hai nghiên cứu. Họ đã tìm kiếm mối tương quan giữa việc dùng caffeine ở những phụ nữ có thai và chiều cao, cân nặng, chỉ số khối cơ thể (BMI) của trẻ và nguy cơ béo phì. (BMI tính cả chiều cao và cân nặng).

Con của những phụ nữ có dùng một lượng nhỏ caffeine trong thai kỳ sẽ có chiều cao thấp hơn một chút so với những trẻ cùng tuổi được sinh ra bởi những phụ nữ không dùng caffeine khi mang thai. Nghiên cứu cho thấy khoảng cách về chiều cao ngày càng gia tăng ở độ tuổi từ 4 đến 8.

Các phân tích cũng tính đến một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, bao gồm chiều cao của mẹ, cân nặng trước khi mang thai và tình trạng hút thuốc.

Có thể là những trẻ này sẽ bắt kịp chiều cao trong tương lai, cô Gleason nói. Nghiên cứu mới trên không giúp trả lời cho câu hỏi này, do theo dõi trẻ khi quá 8 tuổi. Và các nhà nghiên cứu chỉ tìm thấy mối liên quan giữa việc dùng caffeine và chiều cao của trẻ, không phải mối quan hệ nhân quả.

Cô Gleason nói: “Điều quan trọng là phải tìm ra mối liên quan giữa việc dùng caffeine ở mẹ và sự phát triển của trẻ trong giai đoạn sau này để xem liệu đứa trẻ có thể bắt kịp chiều cao hay không. Lý tưởng nhất là theo dõi trẻ ở những năm đầu của tuổi 20, sau khi tốc độ tăng trưởng đã ổn định.”

Các phát hiện được công bố vào ngày 31/10 trên tạp chí JAMA Network Open.

Tiến sĩ Susan Klugman, người đã xem xét kết quả nghiên cứu cho biết: “Nên thận trọng khi khẳng định rằng một người không nên dùng quá 200mg caffeine mỗi ngày theo khuyến nghị của ACOG, mà có lẽ cần xem xét liều lượng ít hơn.” Bà Klugman phụ trách di truyền y tế và sinh sản tại Hệ thống Y tế Montefiore và là giáo sư sản phụ khoa và sức khỏe phụ nữ tại Đại học Y khoa Albert Einstein ở Thành phố New York.

Bà Klugman lưu ý rằng nghiên cứu này cũng có những hạn chế nhất định.

“Nghiên cứu không xét đến chiều cao cũng như một số yếu tố gây nhiễu khác như cách ăn uống và cảm giác buồn nôn/nôn mửa của người mẹ,” bà nói. “Ngoài ra, sẽ rất hữu ích nếu biết kết quả về chiều cao ở tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành của những trẻ này để xem có sự giảm sút thực sự hay không.”

Bà Klugman cho biết: “Khi hiểu được cơ chế suy giảm chiều cao trong thời thơ ấu, chúng ta có thể đưa ra các khuyến nghị liên quan. Điều quan trọng là phải biết chính xác thời điểm nên hạn chế dùng caffeine trong thai kỳ, [tương tự như] một số thuốc không được khuyến nghị trong một số tam cá nguyệt nhất định nhưng được phép dùng ở khoảng thời gian khác.”

Thông tin bổ sung

Tìm hiểu thêm những thông tin của Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ về caffein khi mang thai.

Bài viết được đăng tải lần đầu trên trang HealthDay.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn